Trang chủ Tin tức 10 sự kiện Phật giáo Việt Nam nổi bật năm 2007

10 sự kiện Phật giáo Việt Nam nổi bật năm 2007

264

1. Khánh thành chùa Đồng – Yên Tử (Quảng Ninh)


Từ ngày 30/1/2007, tại đỉnh thiêng Yên Tử ở độ cao hơn 1068 m đã nở một đóa sen mới bằng đồng nặng hơn 70 tấn: chùa Đồng. Toàn bộ công trình trị giá hơn 21 tỷ đồng do sự hảo tâm công đức của các doanh nghiệp, nhân dân và Phật tử thập phương. Sau khi khánh thành chùa Đồng, số lượng khách hành hương về đây đã tăng gấp nhiều lần năm trước.



Một hệ thống cáp treo mới nối từ chùa Hoa Yên lên An Kỳ Sinh dự kiến sẽ được khánh thành đầu xuân Mậu Tý sắp tới. Khách hành hương sẽ không còn phải leo núi vất vả mới lên được tới đỉnh Non thiêng. Tuy nhiên, điều này cũng làm mất đi rất nhiều ý nghĩa và sự thiêng liêng của việc hành hương về miền đất Phật, có nguy cơ biến chùa Đồng trở thành nơi thờ cúng khấn vái đơn thuần.


2. Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về lần thứ hai với ba đại trai đàn khai nguồn tâm linh


Chuyến về quê lần thứ hai của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Tăng thân với chủ đề “Bồi đắp gốc rễ, khai thông suối nguồn” đã để lại nhiều dấu ấn và ý nghĩa không chỉ đối với đạo Phật Việt Nam mà còn cả dân tộc. Hàng trăm nghìn người đã tham gia ba đại trai đàn bình đẳng chẩn tế tại TP. Hồ Chí Minh, Huế và Hà Nội. Các đại trai đàn này không chỉ giúp “siêu bạt” vong linh, xoa dịu nỗi đau mà còn khơi dòng mạch tâm linh và đạo đức, gắn kết dân tộc.



Khai đàn chẩn tế tại chùa Vĩnh Nghiêm (TP. Hồ Chí Minh)


Thiền sư Nhất Hạnh đã nâng tầm một nghi lễ Phật giáo trở thành một nghi lễ tâm linh mang tính quốc gia không chỉ của người theo đạo Phật. Nhiều trai đàn khác trong năm cũng đã được tổ chức nhân các dịp như ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, tai nạn sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ… Đây là nét tiêu biểu minh chứng cho sự đồng hành, gắn bó giữa Phật giáo và Dân tộc.



Quang cảnh Đại trai đàn chẩn tế tại chùa Vĩnh Nghiêm


Tiếp nối chuyến về quê lần thứ nhất năm 2005, chuyến về quê lần này góp phần đưa giới trẻ, giới trí thức, doanh nhân đến với một đạo Phật gần gũi trong “thở vào, thở ra”, “an trú trong hiện tại”, một đạo Phật thích hợp với xã hội năng động, hiện đại và vội vã.


3. Việt Nam được trao quyền đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008


Ngày 29/5/2007, Ban tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2007 đã trao trọng trách tổ chức Đại lễ này năm 2008 cho Việt Nam. Trọng trách này là một vinh dự lớn, chứng tỏ uy tín, vị thế và đóng góp của Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo quốc tế, kể cả uy tín cá nhân của GS.TS. Lê Mạnh Thát. Chủ đề của Đại lễ là “Phật giáo và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Dự kiến có gần 5000 đại biểu của 500 đoàn Phật giáo đến từ hơn 70 quốc gia tham dự Đại lễ.



Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2008 tại Hà Nội là một cơ hội lớn để tôn vinh và truyền bá giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng của đạo Phật trên mảnh đất hình chữ S, nơi đạo Phật đã đồng hành cùng dân tộc hơn 2000 năm, phát triển rực rỡ dưới thời Lý, Trần, nhưng vì nhiều lý do khác nhau đã mất dần vị trí và ảnh hưởng, gần đây mới bước đầu có sự chuyển mình.


Điều mong mỏi nhất và “mệnh lệnh” của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đối với những người tổ chức, đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam là không để Đại lễ chỉ bó hẹp khuôn khuôn khổ vài ngày, trong bốn bức tường của Trung tâm Hội nghị quốc gia, hay trong vài mẩu tin lễ tân trên báo chí, phát thanh, truyền hình để chứng tỏ cho thế giới một cái gì đó.


Đại lễ phải được lan tỏa tới các tầng lớp dân cư, thấm vào mỗi suy nghĩ và hành động cụ thể của Tăng Ni, Phật tử, coi đây là đại nhân duyên để hoằng pháp, đánh thức và khơi nguồn đạo tâm trong 80%  người dân Việt Nam. Đại lễ Phật đản phải trở thành một ngày Tết dân tộc, đậm chất tâm linh của một quốc lễ, đậm chất hoan hỷ và đặc sắc của một ngày hội lớn.


4. Lần an cư kiết hạ tập trung đầu tiên của Tăng Ni sinh Việt Nam tại Ấn Độ và Ngày về nguồn của Tăng Ni hải ngoại


Lần đầu tiên kể từ khi có Tăng Ni sinh Việt Nam sang Ấn Độ du học, 44 Tăng Ni sinh  thuộc các hệ phái Bắc truyền, Khất sĩ đã vân tập về Bồ Đề Đạo Tràng để an cư kiết hạ tập trung trong điều kiện thời tiết nắng nóng đến hơn 44 độ C. Đối với truyền thống tu học của Tăng già, việc an cư tập trung là điều không thể thiếu nhưng đối với những Tăng Ni du học phương xa, cụ thể là Ấn Độ, đây là một nỗ lực không đơn giản.



Tăng Ni sinh Việt Nam tại Ấn Độ trong giờ thọ trai


Trong thời gian an cư, các Tăng Ni sinh có các buổi trao đổi, thảo luận và thuyết trình về Phật pháp với các vấn đề xã hội. Hình ảnh Tăng Ni sinh Việt Nam du học vượt qua khó khăn để tập trung an cư là một hình ảnh đầy ý nghĩa của sự thanh tịnh và hòa hợp của Tăng già trong bất cứ hoàn cảnh nào.



Tăng ni sinh Việt Nam tại Ấn Độ nhiễu tháp tại Bồ Đề Đạo Tràng


Một nhóm Tăng Ni Việt Nam hải ngoại không phân biệt tổ chức, giáo hội đã tổ chức Ngày về nguồn tại chùa Pháp Vân (Canada) để tưởng niệm chư lịch đại tổ sư và chư thánh tử đạo, ngồi lại với nhau trong đạo tình thâm sâu, cùng học hỏi, chia sẻ, cảm thông và sách tấn nhau. Đi trên con đường trung đạo, vượt qua những dính mắc về tổ chức và chính trị, dấn thân vào con đường hoằng dương Chính pháp, cứu độ chúng sinh dù gặp khó khăn, ma chướng sẽ luôn là hướng đi đúng đắn của Tăng già ở bất kỳ đâu.



Tăng Ni Hải ngoại trong ngày về nguồn tại chùa Pháp Vân (Canada)


5. Học viện Phật giáo Nam tông Khmer khai giảng khóa đầu tiên, Học viện PGVN tại TP HCM đạt quy mô đào tạo lớn nhất với 1600 Tăng Ni sinh


60 Tăng Ni sinh đầu tiên đến từ các tình Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ đã bước vào năm học đầu tiên tại Học viện Phật giáo Nam tông Khmer. Tiếp sau ba học viện Phật giáo tại Hà Nội, Huế và TP. Hồ Chí Minh, việc ra đời Học viện PG Nam tông Khmer giúp hoàn thiện hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam, tạo nền móng cho một hệ phái có hơn 8000 chư Tăng và hơn 450 ngôi chùa phát triển trong lòng Giáo hội và đất nước.



Học viện PGVN tại TP. Hồ Chí Minh cũng bước vào năm học mới với quy mô đào tạo lớn nhất từ trước tới nay: gần 1600 Tăng Ni sinh. Vài năm gần đây, Học viện đã có nhiều cải cách về nội dung và hình thức đào tạo, tạo chuyển biến về chất và lượng trong sự nghiệp giáo dục Phật giáo.



Tuy nhiên, việc bỏ điều kiện tốt nghiệp trung cấp Phật học khi dự tuyển sinh vào Học viện đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều, nhất là từ các trường trung cấp Phật học và giáo hội địa phương. Dù sao, việc này cũng là một bước để hội nhập hệ thống giáo dục Phật giáo vào hệ thống giáo dục quốc gia. Có lẽ Giáo hội cần nghĩ đến việc cải tổ hệ thống trung cấp và cao đẳng Phật học hiện thời.


6. Trại họp bạn ngành thiếu toàn quốc Gia đình Phật tử Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức


Sau 60 năm tồn tại và phát triển, Trại họp bạn ngành thiếu toàn quốc đầu tiên (Trại Lục hòa) đã được tổ chức tại Bãi Bụt (TP. Đà Nẵng) với sự tham gia của gần 3500 trại sinh. Đây là một trong những sự kiện mang tính lịch sử của Gia đình Phật tử Việt Nam, khẳng định sức sống mạnh mẽ của một mô tình tu học thực hiện mục đích cao cả là “Đào tạo Thanh, Thiếu, Đồng niên tin Phật trở thành Phật tử chân chính; góp phần phụng sự Đạo pháp và xây dựng xã hội” dưới sư lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.



Tuy nhiên, vấn đề mà GĐPTVN cần phải giải quyết là xây dựng chương trình và mô hình tu học hiện đại, mới mẻ, linh hoạt, thích nghi với bối cảnh quá tải của hệ thống giáo dục bên ngoài, bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển, đặc biệt là bối cảnh xã hội khác rất nhiều so với trước đây. Ngoài ra, một vấn đề tế nhị cũng cần phải được nhìn nhận thẳng thắn là mối quan hệ giữa sinh hoạt gia đình Phật tử và chùa. Chừng nào mà gia đình Phật tử không gắn với sinh hoạt của chùa thì chừng đó sẽ còn phát sinh nhiều vấn đề.


7. Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam lần VI thành tựu tốt đẹp, suy tôn Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đương ngôi Pháp chủ


Hơn 1400 đại biểu Tăng Ni, Phật tử tiêu biểu trong và ngoài nước đã vân tập về thủ đô Hà Nội tham dự Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam lần VI. Đại hội đã thông qua hiến chương tu chỉnh; chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VI, suy tôn bổ sung Hội đồng Chứng minh gồm 98 vị, suy cử Hội đồng Trị sự gồm 147 ủy viên, trong đó có 45 ủy viên thường trực; thông qua danh sách tấn phong giáo phẩm gồm 221 Hòa thượng, 542 Thượng tọa, 131 Ni trưởng, 515 Ni sư.



Đại hội cũng suy tôn Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đương ngôi Đệ tam Pháp chủ, thống lĩnh Tăng già, lãnh đạo tối cao của Phật giáo Việt Nam. Ngay sau đó, Tăng Ni, Phật tử tỉnh Hà Tây quê nhà đã trang nghiêm, thành kính cung nghênh đức Pháp chủ. Nghi thức và tinh thần của buổi lễ này được thiết kế và tổ chức trên cơ sở Giáo lý và Giáo điển, tham bác các tài liệu và nhân chứng của các sự kiện tiền lệ như lễ lên ngôi của các Tổ Vĩnh Nghiêm, Tịnh Khiết…, được thêm bớt cho phù hợp, khế lý, khế cơ với điều kiện hiện tại. Việc phục dựng nghi lễ cung nghênh này có ý nghĩa rất lớn đối với Phật giáo miền Bắc, nơi nghi lễ (vốn có vai trò quan trọng trong hoằng dương Phật pháp, tăng trưởng Đạo tâm, củng cố đoàn kết, xương minh Giáo hội) chưa được thực sự chú trọng và phát huy.



Mặc dù kết quả của Đại hội chưa hoàn toàn làm hài lòng tất cả mọi người, nhất là việc trẻ hóa nhân sự điều hành và chương trình hoạt động Phật sự, song từ tình đạo của những người con Phật ưu tú, sự đoàn kết và hòa hợp vì tiền đồ Phật giáo nước nhà, lãnh đạo Giáo hội cần ý thức trách nhiệm lịch sử của mình, lắng nghe, dám nghĩ dám làm, xứng đáng với mong mỏi và tin tưởng của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước.


8. Các khóa tu cho được mở ngày càng nhiều, nhất là các khóa tu cho tuổi trẻ


Một trong những minh chứng cho sự năng động và tích cực nhập thế của chư Tăng Ni là việc mở nhiều khóa tu cho Phật tử trong năm qua. Tiêu biểu nhất phải kể đến chùa Hoằng Pháp (TP. Hồ Chí Minh) với hàng chục ngàn người tham gia các khóa tu như Tu niệm Phật một ngày; Tu Phật thất; khóa tu nhân các ngày lễ vía trong năm.



Khóa tu cho bạn trẻ tại chùa Hoằng Pháp


Năm qua cũng ghi nhận nhiều nơi đứng ra tổ chức hoạt động cho tuổi trẻ như chùa Hoằng Pháp (khóa tu mùa hè cho 1600 bạn trẻ); Đoàn giảng sư Ban Hoằng pháp và báo Giác Ngộ (Hội trại Tuổi trẻ Phật giáo với 1200 trại sinh); Tu viện Bát Nhã (hơn 1000 bạn trẻ), chùa Phật Quang (Bà Rịa Vũng Tàu), chùa Lý Triều Quốc Sư (Hà Nội), chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa Từ Tân (TP. Hồ Chí Minh)..


.


Khóa tu tại Tu viện Bát Nhã (Lâm Đồng)


CLB TNPT TP. Hồ Chí Minh cũng có các hoạt động thiết thực, đi vào nề nếp, khẳng định kết quả bước đầu của một mô hình sinh hoạt mới.



Câu lạc bộ TNPT TP. Hồ Chí Minh trong Hội trại tuổi trẻ Phật giáo 2007


Mong rằng các hoạt động gắn kết Phật giáo với tuổi trẻ được quan tâm và đầu tư nhiều hơn, bởi đây chính là tương lai của Phật giáo Việt Nam.


9. Hoạt động văn hóa Phật giáo có nhiều nét khởi sắc


Năm qua chứng kiến nhiều lễ hội Phật giáo được tổ chức hoành tráng, ấn tượng và đậm bản sắc Phật giáo: Lễ hội Quán thế Âm tại Đà Nẵng (hơn 3 vạn người tham gia) và TT. Huế (gần một vạn Phật tử tham gia), Lễ vía Phật A Di Đà tại chùa Hoằng Pháp (2 vạn người tham gia)…



Nhiều triển lãm tranh, ảnh, thư pháp có chủ đề Phật giáo chào mừng Phật đản, Vu Lan, Đại hội PGVN cũng được tổ chức.


10. Tăng cường hoạt động giao lưu, đối ngoại Phật giáo


Cuối năm 2007, hai sự kiện thu hút sự chú ý: Pháp Vương Gyalwang Dpukpa đời thứ XII (Tây Tạng) đến Việt  Nam thăm và tham gia chủ trì các Pháp hội Quán đỉnh cầu nguyện Quốc thái dân an và pháp thoại… và khánh thành chùa Trúc Lâm Kharkov (Ucraina) – ngôi chùa Việt lớn nhất châu Âu. Vào tháng 7, Hội Phật tử Việt Nam tại Cộng hòa Séc được thành lập. Hòa thượng Thích Trí Quảng cũng có chuyến thăm Hoa Kỳ để trao đổi về vấn đề tôn giáo…