Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Vườn thiền

Vườn thiền

677
Một khu vườn Thiền truyền thống là sự kết hợp giữa 3 tính chất đặc trưng không thể thiếu bao gồm: sự tinh giản (Kanso), sự khắc khổ (koko) và nguyên tắc tự nhiên (Shizen), và chúng được thể hiện rất rõ qua các yếu tố cấu thành nên khu vườn.

Vườn Thiền Nhật thường không thể thiếu bonsai. Vẻ ngoài cổ kính của bonsai nói lên sự từng trải của đời người, việc ngắm nhìn bonsai cũng là cách để suy xét sự thăng trầm của cuộc sống đồng thời hướng con người vào trạng thái thiền định sâu sắc.

Mượn vườn Thiền để giảng dạy các nguyên tắc sống cũng như hỗ trợ thiền định, Phật giáo Thiền tông đã tạo ra vườn Thiền khô theo phong cách Karesansui đầu tiên vào thế kỷ thứ 6 sau Công Nguyên. Về sau cùng với sự nổi tiếng của mình, vườn Thiền khô được gọi hẳn là Vườn Thiền (Zen garden), khu vườn cũng đã có sự thay đổi ít nhiều trong thiết kế dù vậy các cấu trúc cơ bản vẫn gần như được giữ nguyên.

Đá – linh hồn của vườn Thiền

Những khu vườn với nghệ thuật sắp đặt đá đã khá quen thuộc với những người yêu thích sân vườn, đặc biệt là vườn Nhật Bản. Đá – về cơ bản mô phỏng và thể hiện cho những ngọn núi hùng vĩ hoặc các hòn đảo trên biển cả. Tuy vậy, với đa tầng ý nghĩa của vườn Thiền thì bản thân đá còn biểu trưng cho ngũ hành. Như đá hình vòm cung tượng trưng cho yếu tố lửa, đá phẳng và đặt nằm ngang tượng trưng cho yếu tố nước, trong khi những hòn đá dựng đứng có thể tượng trưng cho yếu tố mộc.

Các bố cục thiết kế khác nhau có thể được gọi tên bằng các yếu tố tự nhiên khác nhau, việc phân chia các cụm đá cũng tùy thuộc vào diện tích và mục đích để quyết định số lượng các tảng đá mà thông thường là các số lẻ.

Có thể nói biểu tượng của đá trong vườn Thiền là một trong những yếu tố thiết kế quan trọng và không thể thiếu. Với phong phú các hình dáng, màu sắc, gợn vân cũng như độ xù xì thô rám của bề mặt, đá sẽ được các nghệ nhân lựa chọn kỹ lưỡng sao cho thể hiện được nét đặc trưng của cảnh vật thiên nhiên mà khu vườn muốn hướng đến.

Sỏi,  cát và dòng chảy nghệ thuật

Vườn Thiền khô thường sẽ không chứa một cái ao, hồ hay một cá thể gần như nước, chính vì vậy, sỏi và cát sẽ đóng vai trò mang tất cả mọi dòng chảy của nước trong tự nhiên vào khu vườn.

Trước hết, chúng sẽ được trải rộng ra theo bề mặt diện tích cần mô phỏng, đôi khi tượng trưng cho hình ảnh con sông, dòng suối hay thậm chí là một vùng biển có thật nào đó. Tiếp theo, các nghệ nhân sẽ sử dụng bồ cào tạo cát sỏi thành các hình xoắn ốc hoặc gợn vân tượng trưng cho những con sóng lăn tăn trên mặt nước. Khi bình minh hay hoàng hôn, góc thấp của mặt trời sẽ làm nổi bật kết cấu và hoa văn tạo ra một cảnh tượng luôn thay đổi hấp dẫn về mặt thị giác. Có thể nói nghệ thuật cào vân không chỉ mô phỏng thiên nhiên cố định mà còn linh động thay đổi theo chuyển biến thời tiết và vạn vật trong năm.

Trong các khu vườn khô không có ao, hồ hay dòng suối, vì vậy sỏi và cát sẽ đóng vai trò mang dòng chảy của nước vào khu vườn thể hiện qua các đường xoắn ốc, gợn văn tượng trưng cho những con sóng lăn tăn trên mặt nước.

Bonsai và nét thăng trầm thời gian

Bonsai có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng lại phát triển rực rỡ nhất ở Nhật Bản. Dần dà, bonsai trở thành một nét đặc trưng tại xứ sở hoa anh đào và cũng có mặt trong hầu hết vườn Thiền khô. Một cây bonsai phải hội tụ đủ 4 yếu tố về ngoại hình và vẻ đẹp: gốc rễ, thân, cành lá và hoa. Mặc dù bonsai cũng là thành phần thường thấy ở vườn Thiền, nhưng trong thiết kế chúng  được giữ ở mức độ tối thiểu, đáp ứng sự tinh giản (Kanso) của khu vườn. Bên cạnh đó bonsai nên sử dụng cây thấp, tán rộng thay vì cây thẳng đứng.

Bonsai là sự mô phỏng của các cây cổ thụ ngàn năm về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bản thân một cây bonsai có thể thật sự già cỗi, hoặc, nó phải được các nghệ nhân cắt tỉa và uốn nắn sao cho thể hiện được sự già cỗi tự nhiên nhất. Vẻ ngoài cổ kính của bonsai nói lên sự từng trải của đời người, việc ngắm nhìn bonsai cũng là cách để suy xét sự thăng trầm của cuộc sống đồng thời hướng con người vào trạng thái thiền định sâu sắc.

Rêu – vẻ đẹp của sự yên bình

Vườn Nhật nói chung và vườn Thiền nói riêng đều sử dụng rất nhiều rêu vì tính linh hoạt và khả năng phát triển tốt. Cây rêu có thể giữ được màu sắc ở hầu hết các mùa trong năm cũng như có thể sống sót trong những điều kiện khắc nghiệt của Nhật Bản. Tùy theo mục đích mà loại cây này sẽ phủ xanh toàn bộ nền đất thậm chí là mặt đá tạo nên sự cổ kính cho khu vườn.

Mặc dù chỉ là một loại cây nhỏ bé và không có mặt chính thức trong các bản thiết kế nhưng chúng lại được mặc định như một “nước màu” bao phủ cuối cùng thể hiện sự hoàn hảo không thể thiếu của bức tranh vườn Thiền. Người Nhật quan niệm rêu là một loại cây tượng trưng cho yên bình, tồn tại một cách giản đơn và tĩnh lặng theo năm tháng, qua đó lý giải sự quan trọng không thể thiếu của rêu trong các khu vườn Thiền Nhật Bản.

Những chiếc cầu trong vườn Thiệt Nhật không chỉ đơn thuần là giúp di chuyển từ đầu nầy sang đầu kia mà còn thể hiện sự gắn kết không gian từ khu vườn đến với bên ngoài. Và trong khu vườn Thiền, những chiếc đèn bằng đá cũng có câu chuyện riêng của nó.

Chấm phá với đèn và cầu đá

Đèn đá là một yếu tố khá nhỏ nhưng rất đặc trưng trong các khu vườn Nhật. Chúng có thể được làm bằng đá, gỗ hay kim loại, nhưng phổ biến nhất vẫn là vật liệu đá. Hình dáng của đèn đá chính là sự mô phỏng rõ nét nhất phong cách kiến trúc của Phật giáo Á Đông – nơi khai sinh ra Thiền tông.

Một khu vườn thiền cũng có thể có một cây cầu đơn giản được làm bằng đá. Những chiếc cầu trong khu vườn Nhật Bản không chỉ đơn thuần giúp di chuyển từ đầu này sang đầu kia mà nó còn thể hiện sự gắn kết không gian giống như cách người Nhật muốn truyền tải tinh thần của khu vườn đến với bên ngoài. Có rất nhiều kiểu dáng và màu sắc khác nhau từ đơn giản đến phức tạp với chất liệu đặc trưng từ đá. Đôi khi một phiến đá phẳng dẹt trong bộ đá cũng đảm nhận hẳn vai trò như một chiếc cầu tư nhiên.

Mặc dù chỉ là những yếu tố trang trí nhưng những tính năng này có khả năng tạo ảo giác về khoảng cách và không gian, qua đó bạn có thể sử dụng chúng như một tiêu điểm để hỗ trợ việc tập trung trong thiền định.
Có thể nói, vườn Thiền Nhật Bản mang trong mình nghệ thuật mô phỏng và vay mượn cảnh quan cực kỳ rõ nét. Bằng việc sử dụng các thành phần tinh giản nhất để mô phỏng cuộc sống và thiên nhiên, đồng thời vay mượn cảnh quan xung quanh để làm cho khu vườn dường như rộng hơn, vườn Thiền đã trở thành một xu hướng được ưu tiên tìm đến trong các thiết kế sân vườn nói riêng và các thiết kế cảnh quan hiện đại nói chung.


KTS Nguyễn Bảo Tiên Hoàng/NGƯỜI ĐÔ THỊ