Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống An trú và thư giãn

An trú và thư giãn

178

Thay vì để cho tâm ý bay nhảy lung tung, cuốn vào vọng tưởng hay cảm xúc, thì ta phải luôn tinh tấn thực tập đưa tâm trở về ‘nhà’. Khi thân tâm hợp nhất, thân đâu tâm đó, ta sẽ trở thành một thực thể sinh động và mầu nhiệm, có thể nhận biết và hiểu biết những gì đang xảy ra xung quanh và ngay trong chính mình. Do đó, ta cần phải luyện tập thuần thục khả năng sống sâu sắc và bền vững ngay trong giây phút hiện tại, xem mỗi giây phút trôi qua là cơ hội để phát triển sự tỉnh thức, mà không còn nôn nóng, vội vàng đi về tương lai hay ngồi đó luyến tiếc quá khứ.

An trú phải gắn liền với ‘Thư giãn’. Thiền sinh lúc nào cũng tự nhắc nhở mình ‘thư giãn, thư giãn và thư giãn’. Phải thường xuyên kiểm tra xem mình có đang căng thẳng không, kể cả trong giờ ngồi thiền cũng có thể bị căng thẳng bởi ta hay cố gắng quá mức. Mà, căng thẳng là dấu hiệu của phiền não, nó cho biết mình đang mong muốn điều gì đó xảy ra đúng với ý của mình, hoặc đang chống lại điều gì đó xảy ra khác với ý của mình. Có thể cuộc sống bên ngoài rất khó để thực tập thư giãn liên tục, nhưng trong môi trường tu luyện thì không có lý do gì mà ta không thể thư giãn được cả. Dù phải gánh vác công việc cho đoàn thể, nhưng ta phải nhớ công việc chính của mình là hành thiền, mà sự thư giãn và an trú là nền tảng vô cùng quan trọng. Ngoài ra, khi phát hiện vị nào trong đoàn thể, nhất là những người bên cạnh mình đánh mất sự an trú và thư giãn thì ta phải có trách nhiệm đánh thức họ, đó cũng là cách bảo vệ môi trường thiền tập chung – luôn được nhẹ nhàng, tươi tắn.

Thích Minh Niệm