Trang chủ Diễn đàn Hộ Pháp Bàn thêm về cận điểm cải đạo

Bàn thêm về cận điểm cải đạo

127

Trước tiên, xin chân thành cảm ơn quý độc giả đã quan tâm đến vấn đề mà tôi nêu ra, với gần 50 ý kiến đóng góp, bàn luận.

Đặc biệt, xin cảm ơn độc giả Hoàng Nguyên đã đọc rất kỹ bài viết, nên đã đề nghị tôi có ý kiến giải thích đối với một câu viết cụ thể của tôi mà ông rất chú ý.

Vì vậy, tôi thấy cần có thêm bài viết này, để đáp lại sự quan tâm của bạn đọc.

Bài viết “Vấn đề Phật tử mừng… Noel” của tôi, thực ra, là phác thảo một số phương án đối phó với việc cải đạo tín đồ Phật giáo trong thời gian cao điểm này.

Trong bài viết đó, tôi vẫn theo quan điểm cố trình bày vấn đề một cách thật tế nhị, chỉ đưa ra những gợi ý chung, hoặc thí dụ không đi vào cụ thể, chi tiết.

Nhưng nay, ý kiến bạn đọc đã như thế, nên tôi xin nhắc lại một số quan điểm đã trình bày, nhưng đi vào việc lý giải, trình bày cơ sở lập luận.

Cũng như những bài trước, tôi xin phép chỉ nói trong phạm vi hoạt động cần có của người Phật tử để đối phó với việc cải đạo từ các tôn giáo khác, mà mọi người trong chúng ta đều đã hiểu.

Vì vậy, tôi dùng một cụm từ chung là “những tôn giáo thờ chúa trời Việt Nam”.

Chúng ta phân biệt những tôn giáo thờ chúa trời tại Việt Nam có 2 tôn giáo.

Tôn giáo, tạm gọi là A, có lịch sử truyền giáo 600 năm, ban đầu cũng dùng cách như tôn giáo B, là dụ dỗ, mua chuộc.

Sau đó, nhờ thế lực ngoại bang, họ chuyển sang dùng phương thức cứng, là ép buộc, bạo lực.

Tuy nhiên, trong nửa thế kỷ nay, phương thức cứng không còn thích hợp nữa. Trong điều kiện đã có một số tín đồ, họ lại chuyển lại phương thức cải đạo mềm, nhưng với nội dung khác, chủ yếu là dùng hôn nhân, giáo dục, áp lực trong địa bàn (mà thường gọi là “nhập xứ”).

Tôn giáo này, trong dịp 25/12, không tổ chức hoạt động cải đạo rầm rộ, mạnh mẽ, mà chỉ chủ yếu tổ chức vui chơi và cử hành ngày lễ tôn giáo. Vì vậy, trong giai đoạn cận điểm, tức là lễ Noel, khi diễn ra thời gian các hoạt động từ các tôn giáo thờ chúa trời tại Việt Nam tiếp xúc ở mức cao nhất với xã hội Việt Nam, thì không diễn ra cao điểm hoạt động cải đạo. Do đó, hướng đối phó của chúng ta tập trung về hướng khác, đáng quan tâm hơn.

Đó là những hoạt động của tôn giáo thờ chúa trời thứ hai tại Việt Nam, tạm gọi là tôn giáo B.

Tôn giáo này mới truyền vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XX, đến nay, chưa có đông đảo tín đồ.

Họ không có cơ hội để sử dụng bạo lực và cưỡng bức trong việc cải đạo, do đó, họ dùng phương thức mà tôn giáo A đã dùng trong buổi đầu xâm nhập Việt Nam, là dụ dỗ, mua chuộc.

Do có hạn chế, vì còn xa lạ với sinh hoạt xã hội Việt Nam, nên họ lợi dụng triệt để thời gian Noel, là thời gian người Việt Nam tiếp xúc với các tôn giáo thờ chúa trời ở mức độ cao nhất. Đó là thời gian đông đảo người Việt cảm thấy, dưới tác động của những yếu tố khách quan, các đạo du nhập từ Âu Mỹ là tương đối gần gũi với họ.

Họ tổ chức những buổi, gọi là truyền giảng, cố làm sao mời những tín đồ các tôn giáo khác, mà ở Việt Nam là người theo đạo Phật, đến với sinh hoạt tôn giáo của họ.

Tức là họ cố tạo ra một tình huống tiếp cận đám đông.

Đây là một hoạt động, mà chúng tôi nghĩ rằng, đã được nghiên cứu, vạch kế hoạch và tổ chức rất kỹ càng, chu đáo, trên cơ sở các kiến thức chuyên ngành tâm lý xã hội, dựa vào những đặc điểm của tâm lý đám đông.

Đặc điểm của tâm lý đám đông ra sao, bạn đọc có thể tham khảo ở một tài liệu giáo khoa, là sách Tâm lý học xã hội, do thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hằng biên soạn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ấn hành năm 2009.

Phần II của sách giáo khoa: “Đám đông, nhóm và tập thể” đã đưa ra một số miêu tả về đặc điểm đám đông, đúc kết những kết quả nghiên cứu của những nhà tâm lý học phương Tây.

Có thể tóm tắt: Đám đông có các đặc điểm

– hình thành nhất thời

– dễ bị xúc cảm hơn cá nhân, có khi chịu sự tác động, lây lan nhanh, dễ kích thích

– có hiện tượng tương tác hành vi, dễ bị lôi cuốn hơn so với cá nhân.

Trên cơ sở nắm những kiến thức về tâm lý học đám đông như thế, trong thời điểm cận điểm cận điểm cải đạo, rất thuận lợi để tập hợp đám đông và tạo ra những hiệu ứng tâm lý thuận lợi cho việc cải đạo.

Năm ngoái, tại TPHCM các cơ quan truyền thông nước ngoài đưa tin, họ đã tạo được một đám đông lên đến con số 30.000 người tại một sân vận động ở Gò Vấp, với tên gọi “đêm thánh nhạc truyền giảng”.

Nhạc tất nhiên phải rất hay, để tập họp và giữ chân đám đông.

Còn lại là nội dung phục vụ mục tiêu cải đạo, với lời kêu gọi hãy đến để được ơn phúc từ thượng đế.

Nhiều người, có thể là được sắp xếp sẵn, sẽ đứng dậy.

Một tình huống tạo nên quá trình tương tác đám đông hình thành.

Họ sẽ nắm ngay những người chịu ảnh hưởng tương tác đám đông đó, cử người tiếp cận, thu thập thông tin, thực hiện diễn biến cải đạo, mà đỉnh điểm không phải là nghi lễ tôn giáo, mà sự tham gia triệt để trong hoạt động hội thánh, hoàn toàn phục tùng sự chỉ đạo của cấp lãnh đạo hội thánh.

Trước diễn biến như vậy, cách giữ gìn con em là tránh xa các buổi tạo hiệu ứng đám đông cho việc cải đạo như thế, ở nhà thờ, cũng như ở các điểm tập trung đông người mà các thế lực cải đạo tổ chức trong đêm Noel.

Trước Noel năm nay, tôi chưa có thông tin về những đám đông vài chục ngàn người, hay lấy những cơ sở công cộng như hội trường, sân vận động… làm nơi tụ họp đám đông như năm vừa rồi.

Tuy nhiên, do ý kiến yêu cầu của bạn đọc, tôi thấy cần thiết phải trình bày chi tiết về kỹ thuật cải đạo tín đồ Phật giáo trong thời điểm nhạy cảm, rất có lợi cho mục tiêu cải đạo này.

Trong năm, việc cố gắng hình thành đám đông bằng những buổi thánh nhạc tổ chức tại cơ sở tôn giáo được tổ chức liên tục.

Trong bối cảnh sau 1975, kỹ thuật này đã đạt được kết quả từ cuối những năm 1970, thập niên 1980, với những cán bộ tôn giáo của họ bây giờ đã cải đạo trong thời điểm đó, trưởng thành bước vào phục vụ tôn giáo, nay đã là những người đứng tuổi cốt cán dù rằng đám đông lúc đó được hình thành hạn chế, với mức độ nhỏ.

Với quy mô 30.000 như Noel 2009 thì kết quả cải đạo sẽ đến mức nào?

Chúng tôi đề nghị những cách thức đưa con em Phật tử chúng ta tránh xa những đám đông được tạo ra để có được tương tác đám đông như đã trình bày ở trên.

Hai hình thức đã đề nghị là, nếu các em, các cháu muốn, có thể cho chúng ăn uống và đi du lịch.

Các tôn giáo thờ chúa trời tại Việt Nam dường như chưa tổ chức các hoạt động cải đạo thông qua các tour du lịch. Hiện nay, tổ chức tour chuyên nghiệp đều do các công ty du lịch chuyên nghiệp tổ chức. Họ có treo bảng tour “mừng Noel”, thì cũng như tiệm ăn, tiệm may, tiệm dĩa nhạc… treo bảng, kèm theo mời chào giảm giá, khuyến mãi.

Từ đó, nhận xét chủ quan của tôi là  nó không có tác động cải đạo, mà lại có tác động giải cải đạo, tức là đưa thanh thiếu niên con em chúng ta tránh xa đám đông được tổ chức để tạo tương tác.

Nếu có thông tin gì khác về việc này, xin quý bạn đọc thông báo để chúng ta bàn bạc đối sách thích hợp.

Cách giải đám đông là tạo những đám đông khác, với mục đích trung hòa, như ăn uống.

Trong những năm 1980, khi đài truyền hình tại TPHCM còn phát song song màu  và đen trắng, thì đêm Noel có những chương trình “ca nhạc mừng Noel”, là những chương trình màu hiếm hoi, tốn kém lúc đó, để thu hút công chúng vào việc xem TV, để họ không ra đường hay đến những điểm tụ tập đám đông kiểu như nói trên. Trong khi các bài hát “mừng” thì chỉ là những ca khúc nước ngoài chung chung.

Khái niệm “mừng” mà chúng tôi trình bày là trên tinh thần như vậy. “Mừng” trong ngoặc kép. “Mừng” theo cách chúng ta chủ động, xa các đám đông được tổ chức với mục tiêu cải đạo.

Trước nay, đi du lịch Noel vẫn được hiểu là đến những điểm du lịch, thắng cảnh trong điều kiện có đông người tới (không tạo thành đám đông tương tác), không phải đến đám đông nào đó tập hợp có mục tiêu ngoài việc vui chơi.

Dù sao, tôi cũng ghi nhận và lưu ý cảnh báo của độc giả Hoàng Nguyên.

Những ý kiến, vấn đề khác mà bạn đọc nêu ra, tôi xin phép dần dần trả lời, vì dẫu sau quỹ thời gian cũng giới hạn, mong bạn đọc thông cảm khi thấy vấn đề đã nêu ra, hoặc đã mail đến tôi, mà chưa có bài viết giải đáp. Tôi sẽ hết sức cố gắng.

MT