Trang chủ Diễn đàn Bao bì dầu tắm Terosi in hình ảnh Đức Phật: Có xúc...

Bao bì dầu tắm Terosi in hình ảnh Đức Phật: Có xúc phạm tín ngưỡng (cập nhật 21h18 23/1/07)

106

Sản phẩm dầu tắm Tesori (Nhà sản xuất CONTER.SPA, Italia) là một trong những sản phẩm do Cty TNHH sản xuất & dịch vụ thương mại BNB nhập khẩu và hiện đang được bán tại nhiều siêu thị, cửa hàng trên toàn quốc.

Trên bao bì của sản phẩm dầu tắm này có in hình Đức Phật đang toạ thiền bên bờ sông Nil, và đây chính là nguyên nhân gây nên sự bức xúc dữ dội của nhiều Phật tử VN.

Bà Trần Thị Hương (Chúng trưởng của Chi hội từ thiện Phật Quang HN) cho rằng hình ảnh tôn kính của Đức Phật đã bị đem “trần tục hoá”.

Một số Phật tử phản đối sự việc này: “Hình ảnh của Đức Phật là bậc tôn quý nhất trên đời, làm sao lại đem vào phòng tắm được! Chúng tôi đề nghị công ty (BNB) không nên vì chút lợi lộc mà đành lòng chà đạp lên niềm tin, xúc phạm đời sống tâm linh người Phật tử chúng tôi”.

Khi họ góp ý cho Cty Nhất Nam về vấn đề này thì nhận được văn bản trả lời của ông Trần Việt Hải – GĐ Cty TNHH sản xuất & dịch vụ thương mại BNB và NSX CONTER.SPA, trong đó viết: “Conter.Spa không có ý định xúc phạm đến Đức Phật hay bất kỳ một tôn giáo nào. Hình ảnh này (Đức Phật ngồi bên bờ sông Nil – người viết) không chỉ được in trên sản phẩm sữa tắm mà còn được in rất nhiều trên các ảnh lưu niệm, gạch, đá ốp tường của Cty tại Ấn Độ và nhiều nước Châu Âu khác”.

Trao đổi với phóng viên LĐ, ông Hải cho biết: “Chúng tôi đã hoàn thành đầy đủ các giấy tờ liên quan và tuân thủ theo đúng pháp luật khi nhập khẩu sản phẩm này. Chúng tôi cũng đã tham khảo cơ quan hải quan, với những sản phẩm như thế này thì họ nói rằng không có bất cứ một văn bản nào cấm hoặc hạn chế việc này cả.

Chẳng hạn như sách, báo, tranh ảnh liên quan đến Phật giáo hoặc đạo giáo khi nhập khẩu vào VN thì mới phải xin giấy phép của Bộ Văn hóa. Và ở VN vẫn chưa có một văn bản luật nào quy định về chuyện vi phạm thuần phong mỹ tục của sản phẩm nhập khẩu”.

Ông Hải cũng khẳng định, nếu bà Hương và các Phật tử vẫn tiếp tục có những hành động phản đối sản phẩm sữa tắm Tesori “mà không có những bằng chứng xác đáng bằng văn bản về việc công ty của chúng tôi vi phạm quy định về luật pháp hay thuần phong mỹ tục của nước sở tại, công ty chúng tôi sẽ tiến hành mọi cách để ngăn ngừa hoặc đưa đến khởi kiện bà tại Toà án VN hoặc Italia về việc vô cớ cản trở, gây rối, làm thiệt hại đến công việc kinh doanh của công ty và đối tác của chúng tôi”.


Nếu quý vị độc giả có ý kiến gì, xin gửi thư về địa chỉ [email protected] hoặc bấm vào đây hoặc vào diễn đàn Phật tử Việt Nam trao đổi ý kiến tại đây







Ý kiến độc giả Website Phật tử Việt Nam


Nguyễn Kha – Hoa Kỳ ([email protected])


Về việc công ty BNB/Trần Việt Hải bán các mỹ phẩm có in hình Đức Phật, tôi xin gửi đến độc giả địa chỉ của công ty Conter SpA như sau: Conter SpA Viale Europa 10 26855 Lodi Vecchio (LO) Italy Tel: 03714621 Fax: 0371460474 Email: [email protected] Web: http://www.conter.com


Đề nghị chúng ta liên tục cùng nhau gửi email/fax để phản đối Conter SpA với nội dung như sau (hoặc tương tự): “To the President of Conter SpA, As a Vietnamese Buddhist, I am sending you this message to strongly oppose the distribution and sales of one of your product in our country. As you must be well aware, Vietnam is an overwhelmingly Buddhist nation, and your Tesori d’Oriente lotion, when using the image of our Lord Buddha on the packaging as a marketing tool, had undeniably violated even the minimum standard of business ethics. I therefore demand that these products to be immediately re-called from Vietnamese market and, at your discretion, discontinued from future production. I thank you for your consideration”


Tôi nghĩ rằng đối với các công ty nước ngoài có truyền thống kinh doanh toàn cầu, áp lực của khách hàng địa phương nhiều lúc cũng có hiệu quả. Còn riêng với ông Trần Việt Hải thì xin đề nghị ứng xử với ông ta sao cho hợp tình hợp lý. Dù sao thì ông cũng chỉ là một “con buôn” trong thời kinh tế thị trường …


Cảnh Nguyễn – Hoa Kỳ ([email protected])


Tôi đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải có văn thư phản đối việc sử dụng hình ảnh Đức Phật trên nhãn hiệu sữa tắm và đăng văn thư đó lên báo chí.


Vũ Văn Sơn – Kim Sơn, Ninh Bình ([email protected])


Có lẽ đã đến lúc Phật tử chúng ta phải liên kết lại, thống nhất ý chí và hành động để cùng có tiếng nói của người Phật tử Việt Nam. Chúng ta phải đồng thanh phản đối tất cả những việc làm thương mại hóa hình ảnh Phật giáo. Chúng ta yêu cầu Bộ Văn hóa can thiệp kịp thời.


Kiên Trung ([email protected])


Không thể chấp nhận sản phẩm dầu tắm Tesori , vi phạm tín ngưỡng tôn giáo và thuần phong mĩ tục của dân tộc.


Wamiando ([email protected])


Đang tiếc quá !  Việc đầu tiến chúng ta, những Phật tử, có thể làm và nên làm là không sử dụng và nói với người thân, bạn thân của mình cùng không sử dụng sản phẩm này để bày tỏ sự không bằng lòng đối với nhà sản xuất sản phẩm này vì họ đã vô tình hay cố ý xâm phạm , và coi nhẹ hình ảnh của Bậc Giác Ngộ, đức Phật Thích-ca. Hãy làm ngay các bạn nhé. Và sau đó chúng ta mới nói đến chuyện khác.


Lê Hoàn ([email protected])


Nhớ lại mấy năm trước cũng có một dạo báo chi và các diễn đàn trong và ngoài nước đều phẩn nộ trước việc một công ty sản xuất áo tắm Bikini in hình ảnh Phật Thích Ca lên bộ áo tắm hai mảnh… Và tất cả mọi người đều phản đối và tẩy chay không dùng sản phẩm của công ty đó. Rốt cuộc họ cũng phải xin lỗi và thu hồi lại những bộ áo tắm có in hình Phật Thích Ca. Và bây giờ chuyện cũ lại tái diễn, hình ảnh đức Phật lại xuất hiện trên một bao bì của công ty sản xuất dầu tắm… Và chúng ta lại một phen phản đối, tẩy chay, thưa kiện v.v…

Bây giờ thử nghĩ lại nguyên do vì sao có chuyện này!? Tại sao những hình ảnh của đức Phật và các vị Bồ tát (ví dụ như Bồ Tát Quán Thế Âm chẳng hạn) lại được các công ty tư nhân lớn nhỏ lạm dụng vào lòng tín ngưởng và thị hiếu ưa chuộng cái đẹp của mọi người để sản xuất ra những món hàng đủ loại. Lấy một thí dụ nhỏ thôi, trên các bao bì sản xuất nhang thơm, chúng ta thường thấy có in hình Bồ Tát Quán Thế Âm, được mọi người mua về thắp mối ngày trong nhà và ngay cả trong các chùa chiền, thế mà chẳng có ai phản đối gì cả. Thử nghĩ nếu những bao nhang đó đã dùng xong, thì nó sẽ đi đâu?! Vô thùng rác chăng? Và hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm lại nằm chung lộn với những thứ phế thải hôi hám trong thùng rác. Có ai nghĩ đến chuyện này và có ai phản đối không?

Đó cũng chính là lý do vì sao mà các công ty sản xuất tiêu dùng họ lạm dụng vào sự thờ ơ của chúng ta trước một việc nhỏ nhoi, để cho sản xuất “đại trà” những hình ảnh Phật với những món hàng quá ư khiêu dâm.

Vậy ngay từ bây giờ, chúng ta phải hợp nhất cả tư tưởng và hành động trong việc sản xuất và tiêu dùng những sản phẩm có hình ảnh Phật và Bồ Tát. Nhà nước và giáo hội Phật giáo phải có những việc làm cụ thể trong việc ngăn cấm các công ty tư nhân trong nước in những hình ảnh Phật và Bồ tát trên các món hàng của công ty mình, đừng vì mục đich “lợi nhuận” mà quên đi giá trị đạo đức của cả một dân tộc.


Bat Chanh ([email protected])


Ông Trần Việt Hải, giám đốc công ty TNHH BNB đã nói: “Công ty chúng tôi sẽ tiến hành mọi cách để ngăn ngừa hoặc đưa đến khởi kiện bà tại Toà án VN hoặc Italia về việc vô cớ cản trở, gây rối, làm thiệt hại đến công việc kinh doanh của công ty và đối tác của chúng tôi”.


Cách trả lời dứt khoát như vậy chứng tỏ ông Hải là một người rất cứng rắn, tài ba và giỏi trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế và luật. Tuy nhiên, ông không thèm quan tâm gì đến văn hoá, tín ngưỡng dân gian của đất nước nơi ông đang sống. Đứng trên phương diện Luật, ông rất có thẩm quyền, vì ông không xúc phạm ai.


Luật hiện hành của nhà nước Việt Nam bảo vệ cho hoạt động làm giàu của công ty ông. Điều đó, chúng tôi rất mừng cho ông. Nhưng ông Hải ơi, ông mải lo làm giàu mà quên đi nguồn cội văn hoá dân tộc là thanh đạm, dịu dàng, đa cảm… thì đáng tiếc lắm. Ông lại còn hăm doạ kiện cáo những người góp ý với ông, thì quả là ông không thèm quan tâm đến ai khác rồi và chỉ biết cái lợi, dùng Luật để bảo vệ cái lợi của mình…


Ông lại biện minh, “Conter.Spa không có ý định xúc phạm đến Đức Phật hay bất kỳ một tôn giáo nào. Hình ảnh này không chỉ được in trên sản phẩm sữa tắm mà còn được in rất nhiều trên các ảnh lưu niệm, gạch, đá ốp tường của Cty tại Ấn Độ và nhiều nước Châu Âu khác”. Ông biện như vậy thì quá hay rồi. Khâm phục! Vì ông thừa biết, ở “Ấn Độ và nhiều nước Châu Âu khác”, tín đồ Phật tử đâu có bao nhiêu, hình ảnh đức Phật đâu có phải hoàn toàn là đấng thiêng liêng của họ. Tuy nhiên, nơi ông đang sống là Việt Nam cơ mà! Việt Nam là một đất nước có Phật Giáo gắn liền với Dân Tộc suốt 20 thế kỷ nay, ông đâu cần biết, vì nó đâu có nằm trong các dự án kinh tế của công ty ông.


Ông lại nói: “Chúng tôi cũng đã tham khảo cơ quan hải quan, với những sản phẩm như thế này thì họ nói rằng không có bất cứ một văn bản nào cấm hoặc hạn chế việc này cả.” Cơ quan Hải Quan có phải là cơ quan gắn bó gì với tôn giáo đâu! Cho nên làm sao họ có văn bản cấm được. Dẫn chứng thế thì quá tuyệt vời! Cơ sở lý luận thật vững chắc. Đúng là địa vị của một giám đốc. Tôi tin chắc, công ty ông sẽ rất mạnh và vững tiến, không cơ sở nào làm yếu đi được. Tuy nhiên, chỉ có nhân quả, nghiệp báo… (là những quy luật chắc thật mà ông chưa hề biết đến) mới có thể xác quyết đúng đắn cho việc làm của ông thôi. Nó là quan toà thuộc về tâm linh, làm việc rất công bằng, không bao giờ bị ai có thể dùng quyền chi phối.


Thật ra, nếu tôi có được một chai dầu của hãng Tesori, tôi sẽ dùng bình thường, không có vấn đề gì. Nếu các bạn không muốn để hình ảnh đức Phật vào nơi bất tịnh thì hãy lột nhãn, đốt ngay tại bồn đốt giấy cúng, hoặc trong chuông nơi bàn Phật. Đó là hình thức cung kính, không có tội đâu. Tội hay không do tâm của mình ngay lúc làm thôi. Cũng như nhiều người đã từng giải quyết với nhãn mac của bao hương, trầm xông…


Lê Hoàn ([email protected])


Kính chào Bát Chánh. Bài viết của bạn phân tích rất hay về phương diện nhân quả và nghiệp báo trong các lãnh vực đời thường và đạo Phật…

Tôi cũng có cùng ý nghĩ như bạn về việc dùng những sản phẩm của các công ty có in hình ảnh chư Phật và Bồ Tát, như tôi đã thí dụ về bao nhang thơm. Sống trong đời thường chúng ta gặp rất nhiều tình huống éo le, nếu biết cách xử trí thì vẫn hoàn tốt đẹp cho mình về cả hai phương diện vật chất và tâm linh.

Bạn hướng dẫn cách phá chấp rất hay, giống như một câu chuyện trong nhà Thiền mà tôi đã được đọc qua, xin kể lại vắn tắt vì không nhớ rõ từng chi tiết.

Có hai thầy trò sống trong trong một hang động, mùa đông giá rét, tuyết rơi bít mất lối ra. Trong động lại hết củi, không còn gì đốt để sưởi ấm trong cái lạnh cắt da. Thiền sư bảo học trò đi kiếm những thứ gì có thể đốt được để sưởi ấm hang động. Thiền sinh đi kiếm tất cả mọi nơi trong hang động đều không còn một thứ gì bằng gỗ để chụm, ngoài tượng đức Phật Thích Ca đang ngồi chễm chệ trên bàn thờ bằng đá. Thiền sinh báo cáo lên thầy mình rằng không còn một thứ gì bằng gỗ để đốt lò sưởi. Ông thầy gay gắt bảo kiếm cho được thứ gì bằng gỗ để chụm lò. Thiền sinh run run nhìn lên tượng Phật ngồi trên bàn thờ nhưng không dám. Ông thầy bực tức bước lên xô tượng Phật xuống, rồi lấy búa chẻ ra làm ba bốn mảnh, quăng vào lò sưởi để đốt, trước cặp mắt thất thần và lo sợ của người thiền sinh.

Ghê quá phải không quý vị, nhưng đây là cái phá chấp rất hay cho người học trò. Phật tượng, Phật cốt chỉ là một hình thức bên ngoài, ngộ được ông Phật trong tâm mình mới là điều sống chết của người học Thiền.







Chị Phạm Thu Trang (cán bộ trường Trung học công nghiệp – HN): “Để trong nhà tắm sẽ không ổn”. Theo tôi, hình ảnh đức phật in lên sản phẩm dầu tắm thì không nên vì khi để trong nhà tắm sẽ không ổn”. 

Bà Phạm Bảo Khánh (Phật tử của Đạo Tràng Phật Hạnh – HN): “Cần phù hợp với văn hoá người Việt”. Phật tử chúng tôi chỉ có ý kiến hoà bình, không bao giờ muốn kiện cáo ai cả hay làm cho các công ty thiệt hại tiền của… Nhưng các công ty khi nhập hàng hoá về thì phải để tâm xem sản phẩm của mình có gì không phù hợp với tâm lý, văn hoá của VN không.

Ông Võ Thịnh (cán bộ nghỉ hưu – HN): “Nên sớm bổ sung luật”. Tôi cũng không rõ trong các văn bản luật nhãn mác hàng hoá ở VN có những quy định chặt chẽ về vấn đề này hay chưa. Nếu chưa có thì cần kịp thời bổ sung để tránh kiện tụng gây rắc rối.

Trong trường hợp này, phía công ty nhập khẩu cũng bị thiệt thòi về kinh tế cũng như uy tín mà các Phật tử cũng phiền lòng vì đây là một vấn đề hết sức tế nhị đối với một đất nước vốn rất coi trọng đạo Phật như ở VN.

Chị Đoàn Thiên Kim (nhân viên VP Cty XNK Nông thủy sản – TPHCM): “Tôi tẩy chay những hàng hoá có hình ảnh phản cảm”. Quảng cáo, thiết kế những mẫu mã… của sản phẩm phải làm sao cho người tiêu dùng cảm thấy đẹp, thích mua chứ chỉ cốt sao gây “sốc” cho người tiêu dùng thì không nên chút nào. Đó là chưa nói đến vấn đề tín ngưỡng.

Theo tôi, những “thủ lĩnh tinh thần” như Đức Chúa, Đức Phật… chính là đức tin của con người, là biểu tượng cho những gì thánh thiện, đẹp đẽ trong tâm hồn, suy nghĩ của con người.

Vì vậy, dù bất kỳ với lý do gì cũng không nên sử dụng những biểu tượng thiêng liêng này để tạo ấn tượng trong việc buôn bán, kinh doanh. Tôi cho rằng, những sản phẩm như vậy sẽ trở nên xa lạ, không được ủng hộ của đông đảo người tiêu dùng bình thường ở  nước ta.

Ông Đỗ Quốc Hưng (GĐ Công ty TNHH O2 – TPHCM): “Không dễ “bước qua” truyền thống văn hoá”. Làm gì thì làm, truyền thống Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng đều có những  giới hạn, nhất là trong vấn đề tế nhị như văn hóa, thẩm mỹ. Chúng ta không thể dễ dàng “bước qua” giới hạn đó.

Bản thân tôi cũng là chủ một doanh nghiệp được quyền xuất nhập khẩu những mặt hàng về phục vụ sức khỏe, tôi ý thức rất rõ điều này. Theo tôi, những sản phẩm phản cảm, xa lạ với văn hóa Việt phải bị huỷ bỏ và không thể được nhập tràn lan vào thị trường nước ta, dù có hội nhập, có WTO.


Mai Ka – T.U thực hiện – Theo Lao Động