Trang chủ PGVN GHPGVN Báo cáo quá trình vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam

Báo cáo quá trình vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam

421

Dân tộc Việt Nam chúng ta là một dân tộc giàu sinh lực, có ý chí tự lực tự cường. Để có thêm sức mạnh đương đầu với phong kiến phương Bắc tránh hoạ bị thôn tính, vừa phát triển xuống phương Nam để tìm đất sống mới, dân tộc ta đã sớm nhận thức được sức mạnh vạn năng của sự đoàn kết. Phật giáo đồ Việt Nam, phát xuất từ trong lòng dân tộc, lại được rèn luyện trong tinh thần vô ngã, phá chấp nên lại càng ý thức sâu sắc, hơn nữa sức mạnh của sự đoàn kết đã thành truyền thống.


 


Được trang bị với truyền thống đoàn kết nói trên, trong khoảng một thế kỷ nay, dưới ách thống trị của thực dân Pháp, cũng như trong hai cuộc kháng chiến cứu nước vừa qua, Phật giáo đồ Việt Nam, trong mọi tình huống khó khăn của đất nước đã luôn xích lại gần nhau, cố gắng tập hợp hàng ngũ, xây dựng lại lực lượng, để chấn hưng đạo pháp phục vụ dân tộc một cách hữu hiệu và đắc lực hơn. Chỉ kể từ sau Cách mạng tháng Tám thành công đến nay, cũng đã có 4 cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam.


 


I. Các cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam trước ngày giải phóng 1975.


 


1. Cuộc vận động thống nhất Phật giáo năm 1951.


 


Tiềm tàng từ trước Cạng mạng tháng Tám năm 1945, qua các phong trào chấn hưng Phật giáo Trung, Nam, Bắc trong những thập niên 1930, 1940, truyền thống yêu nước và ý thức trách nhiệm đối với dân tộc và đạo pháp của tăng ni, Phật tử đã được thức tỉnh mãnh liệt với cuộc Cách mạng tháng Tám thành công. Cùng với những tổ chức cứu quốc khác, Phật giáo cứu quốc ra đời, đứng trong Mặt trận Việt Minh, năm 1951 Tổng hội Phật giáo Việt Nam ra đời do cố đại lão Hoà thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội Chủ, tập hợp 6 đoàn thể Phật giáo ở cả ba miền. Đây là cuộc vận động thống nhất đầu tiên của Phật giáo, nhưng sự thống nhất này chưa trọn vẹn.


 


2. Cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam năm 1960 tại miền Bắc.


 


Năm 1960, tăng ni Phật tử miền Bắc đã họp lại thành một tổ chức chung, dưới danh hiệu là Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, đặt trụ sở tại chùa Quán Sứ, do Hoà thượng Thích Trí Độ làm Hội Trưởng. Đây là tổ chức Phật giáo duy nhất có sự lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, những cũng chưa trọn vẹn.


 


3. Cuộc vận động thống nhất Phật giáo năm 1964 tại miền Nam.


 


Trên cơ sở của 6 đoàn thể Phật giáo của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam cộng thêm 5 giáo phái khác, đã tập hợp tại chùa Xá Lợi đầu năm 1964, thành lập một tổ chức Phật giáo và lấy tên là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”. Tổ chức này đã tập hợp được nhiều tăng ni, tín đồ, có hệ thống tổ chức tương đối chặt chẽ ở các tỉnh miền Trung, nhưng cũng chưa thống nhất trọn vẹn, chưa đáp ứng được nguyện vọng tha thiết của tăng ni, Phật tử cả nước.


 


II. Cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam sau ngày giải phóng 30 tháng 4 năm 1975.


 


Sau khi đất nước được giải phóng, giang sơn thu về một mối, đất nước bước vào kỷ nguyên mới; kỷ nguyên nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là yếu tố mãnh liệt thúc đẩy sự thống nhất Phật giáo, thực hiện ước vọng bao đời nay của tăng ni, Phật tử cả nước mà trước đây chưa thực hiện được. Nhờ những bối cảnh chính trị thuận lợi như vậy, các tàn tích phong kiến đế quốc bị dẹp tan không còn gây sức ép đối với đồng bào Phật tử, các thuận duyên để mở đầu sự nghiệp thống nhất Phật giáo cả nước đã chớm nở, đưa đến sự thành lập Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam.


 


Một yếu tố nữa giúp cho người Phật tử cả hai miền Nam – Bắc gần gũi nhau hơn. Nhờ sự thống nhất đất nước, sự giao lưu giữa hai miền Bắc – Nam dẽ dàng thuận tiện và xây dựng nhiều tình cảm mới, nhận thức mới. Người Phật tử miền Nam chưa biết đến miền Bắc, sẽ phải choáng váng kinh ngạc khi thấy số lượng đông đảo, các ngôi chùa ngoài Bắc đều có liên hệ mật thiết đến lịch sử, chính trị và văn hoá Việt Nam. Như chùa Pháp Vân, hay chùa Dâu hiện nay vẫn còn nguyên vẹn, đã đưa chúng ta đến thời kỳ đạo Phật mới du nhập vào Việt Nam, thời kỳ vàng son của trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Trong thời kỳ này, các Tăng ni, tiền bối Việt Nam đã có khả năng giúp chư Tăng ấn Độ phiên dịch kinh điển. Thành Thăng Long, chùa Một Cột nhắc nhở chúng ta sự nghiệp xây dựng quốc gia của thiền sư Vạn Hạnh và vua Lý Thánh Tông, chùa Quán Sứ mà hiện nay Hội nghị đang họp đã từng đóng một vai trò giao lưu lịch sử quan trọng, chùa Bộc cũng ở gần Hà Nội nói lên sự nghiệp cứu nước của vua Quang Trung, chùa Côn Sơn đánh dấu sự nghiệp văn học của Nguyễn Trãi, chùa núi Yên Tử nói lên sự nghiệp xây dựng nhà Trần và thống nhất Phật giáo Việt Nam của ba vị Tổ sư giáo phái Trúc Lâm.


 


Người Phật tử miền Bắc trái lại vào thăm Phật giáo miền Nam tất phải bàng hoàng, ngạc nhiên không ít trước tính cảnh đa dạng hiện đại và quốc tế của các sinh hoạt Phật giáo miền Nam. Các thư viện, chùa Xá Lợi, Viện Phật học Vạn Hạnh, Viện Cao đẳng Nha Trang…Giới thiệu cho Phật tử miền Bắc cả một rừng ba tạng Sankrit, Pali, Hán tạng, Cao Ly tạng, Nhật tạng, Thái tạng, Miến tạng, Anh tạng…kể luôn cả dịch tạng Việt Nam và như vậy giới thiệu một nền văn hoá Phật giáo phong phú đa dạng quốc tế, mà người Phật tử cẩn phải tìm hiểu, nghiên cứu và nói lên sự cần thiết phái xây dựng cho được một đại tạng Việt Nam. Tuy vậy, Phật giáo miền Nam chưa có một sự lãnh đạo thống nhất, nhưng các ngôi chùa dần dần được xây dựng hướng đến một ngôi tượng độc tôn, mỗi ngôi chùa đều có một giảng đường rộng rãi để thuyết pháp, thường có một thư viện đầy đủ kinh sách để nghiên cứu. Ngôi chùa không phải chỉ là trung tâm lễ nghi mà còn là một trung tâm văn hoá Phật giáo dân tộc. Tuy có danh từ Phật giáo miền Bắc, Phật giáo miền Nam, nhưng cũng là con Hồng cháu Lạc, cũng đều là con cháu một nhà, cũng đều là Phật tử Việt Nam. Đây là những yếu tố tích cực xây dựng nền tảng thống nhất Phật giáo Việt Nam.


 


Một yếu tố nữa cũng rất quan trọng, tức là địa vị và uy tín của nước Việt Nam trên diễn đàn quốc tế, từ khi nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra đời. Trong mọi hội nghị Quốc tế, tiếng nói của phái đoàn Việt Nam rất được trọng thị và chú ý. Khi Phật giáo Việt Nam được ngồi vào bàn hội nghị quốc tế, sự có mặt và tiếng nói của Phật giáo Việt Nam có những tác động chính trị và tôn giáo to lớn. Hội nghị quốc tế nào về hoà bình và về giải trừ quân bị cũng mời cho được Phật giáo Việt Nam. Một vị Hoà thượng Việt Nam được tôn lên làm Phó chủ tịch Hội Phật giáo châu Á vì hoà bình. Uy tín mới ấy của Phật giáo Việt Nam, tất nhiên làm náo nức trong lòng người Phật tử Việt Nam phải làm thế nào để thống nhất Phật giáo Việt Nam, và chỉ khi nào Phật giáo Việt Nam được thống nhất, Phật giáo Việt Nam mới có đủ điều kiện dể làm trọn những nhiệm vụ quốc tế của mình.


 


Khi các yếu tố chủ quan và khách quan đã hướng về thống nhất, khi bối cảnh chính trị và lòng Phật tử đã thuận lợi chín muồi, thời những sự kiện trọng đại tất nhiên phải đến để mở đầu.