Trang chủ Diễn đàn Báo Lao động cắt xén ác ý lời bà Phạm Thị Yến...

Báo Lao động cắt xén ác ý lời bà Phạm Thị Yến về nữ sinh giao gà

1254

Trong clip “Gọi vong chùa Ba Vàng – bí ẩn nguồn thu trăm tỉ” ngày 20/3/2019, Báo Lao động điện tử dẫn lời bà Phạm Thị Yến về nguyên nhân nữ sinh giao gà tại Điện Biên bị hiếp, giết như sau:

“Nguyên nhân chính chưa phải là nguyên nhân đi ship hàng mà khiến bị hiếp như vậy. Mà nguyên nhân chính phải do các ác nghiệp của bạn ấy trong tiền kiếp. Bạn ấy bị người khác xâm hại về thân thể, hãm hiếp, giết chết. Trinh tiết của người khác bạn ấy xâm phạm. Cho nên bạn ấy mới bị quả báo như vậy”.

Báo Lao động cho rằng đây là “những lí lẽ cay nghiệt và phản khoa học”.

Thực tế, bà Yến không đề cập đến nhân quả pháp lý mà chỉ giải thích sự việc theo nhân quả Phật giáo trong khuôn khổ sinh hoạt đạo tràng, trả lời câu hỏi của một Phật tử.

Dựa theo giáo lý nhân quả Phật giáo, bà Yến chỉ ra nguyên nhân lý thuyết của sự việc gồm nguyên nhân quá khứ “do các ác nghiệp của bạn ấy trong tiền kiếp” và nguyên nhân hiện tại “duyên trong hiện tại bạn ấy lại sát sinh”.

Tuy nhiên, trong clip nói trên, báo Lao động điện tử đã bỏ câu “duyên trong hiện tại bạn ấy lại sát sinh”, tức là cắt xén nguyên nhân hiện tại.

Giờ đây, khi mẹ của nữ sinh này – người do báo chí kích động đã mấy lần dọa khởi kiện bà Yến – đã bị bắt để tạm giam về hành vi mua bán trái phép chất ma túy thì nguyên nhân hiện tại mà báo Lao động giấu đi dường như đã được phơi bày.

Nữ sinh này có liên quan tới nghiệp bất chính của gia đình – nghiệp sát sinh gieo cái chết trắng cho xã hội.

Theo giáo lý nhân quả Phật giáo, nữ sinh này cộng nghiệp với hành vi phạm tội của mẹ đẻ vì đã được nuôi dưỡng từ nghiệp bất chính ấy.

Còn về nhân quả pháp lý, nữ sinh ấy có biết hoặc tham gia hành vi phạm tội với mẹ đẻ không xin đừng vội phán xét, hãy đợi kết quả điều tra, truy tố, xét xử trên tinh thần tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội.

Trở lại buổi chia sẻ Phật pháp, bà Yến chỉ nói về nguyên nhân lý thuyết của sự việc dựa trên giáo lý nhân quả Phật giáo.

Bất cứ ai hiểu biết về giáo lý nhân quả Phật giáo cũng đều có thể nói như bà Yến.

Nếu không hiểu biết về giáo lý nhân quả Phật giáo thì đứng trước các bức tranh nhân quả treo ở các chùa cũng có thể nói được như bà Yến.

Điểm quan trọng là trước câu hỏi của Phật tử trong buổi sinh hoạt đạo tràng, bà Yến đã từ chối đề cập đến nguyên nhân cụ thể của sự việc.

Bà nói: “Yến không muốn quán sát để biết chính xác cái nguyên nhân này. Bởi vì như thế sẽ gây nên nhiều ý kiến trái chiều. Và cũng không phải là việc của gia đình nhà bạn ấy hỏi Yến. Bao giờ phải là gia đình nhà bạn ấy hỏi Yến thì Yến mới có trách nhiệm trả lời”.

Như vậy, bà Yến hoàn toàn không đề cập đến nguyên nhân cụ thể của việc nữ sinh bị hiếp, giết vì bà tôn trọng bí mật riêng tư của gia đình bị hại, mặc dù bà Yến có thể quán được nguyên nhân ấy.

Đây là sự ngay tình của bà Yến.

Vậy mà trong clip nói trên, báo Lao động điện tử đã đang tâm cắt bỏ chi tiết cực kỳ quan trọng này, lừa dối công chúng và phun thêm vào vài ngụm máu “cay nghiệt và phản khoa học” để đầu độc dư luận, làm cho mọi người hiểu nhầm rằng bà Yến đã giải thích nguyên nhân cụ thể của việc nữ sinh bị hiếp, giết.

Trong khi chia sẻ nguyên nhân lý thuyết của sự việc theo giáo lý nhân quả Phật giáo, bà Yến còn lên án những kẻ phạm tội: “Năm người hãm hiếp kia do làm việc ác cho nên sẽ bị quả báo… Chúng ta lên án những người giết bạn ấy để khiến cho người khác học hỏi và đừng bao giờ làm việc đó”.

Nhưng báo Lao động điện tử cũng lờ đi chi tiết này, cố ý vẽ nên hình ảnh không có thật về một bà Yến ngu muội và tàn ác.

Đi xa hơn, trong bài “Khi “nhà chùa” mang “nữ sinh giao gà” ra làm nhục” ngày 20/3/2019, báo Lao động điện tử còn “buộc tội” bà Yến làm nhục người khác.

Làm nhục là hành vi cố ý xâm phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

Biết rõ bà Yến không hề cố ý xâm phạm danh dự, nhân phẩm nữ sinh này nhưng báo Lao động điện tử đã lợi dụng sự không khéo trong diễn đạt, cắt xén những lời nói ngay tình của bà Yến để vu khống, hãm hại bà Yến và chùa Ba Vàng.

Bằng việc làm thất đức ấy, báo Lao động điện tử đã tự “làm nhục” thành tích 20 năm phấn đấu và trưởng thành của mình.

Nguyễn Mai