Trang chủ Tu học Lời Phật dạy Bệnh

Bệnh

1086
Mọi người đều có bệnh. Hiện hữu luôn đi tới theo quy luật: sinh ra, lớn lên, biến hoại (bệnh) và tự mới. Bệnh là hình ảnh thấy được, cảm được của quá trình biến hoại. Bệnh không có giới hạn về thời gian và không gian. Tuổi nào cũng có bệnh; nơi nào cũng có bệnh. Có thân là sẽ có bệnh.
Đức Phật Gotama cho biết ngoài thân bệnh còn có tâm bệnh. Con người có thể một năm, hai năm hay nhiều năm không có thân bệnh, nhưng không thể không có tâm bệnh dù chỉ trong một khoảnh khắc, ngoại trừ người đã đoạn tận các lậu hoặc (Tăng Chi Bộ II, Bệnh, 86, Hoà thượng Minh Châu Dịch).
Ngồi yên một chút, cho mình tĩnh lặng để nhìn bệnh, mình sẽ khám phá ra thân mình không thể không bệnh. Hôm nay thân không bệnh, ngày mai thân sẽ bệnh. Bệnh không tránh mình, chỉ có duyên chưa đủ. Mình càng sợ, càng lo, thì càng đau khổ. Hệ miễn dịch cũng sẽ theo đau khổ đó mà suy yếu, làm cho nguy cơ thêm bệnh gia tăng.
Càng ngồi yên, càng tĩnh lặng để nhìn bệnh, mình sẽ thấy: Có thân bệnh và có tâm quan sát thân bệnh. Tâm quan sát hoàn toàn có thể tự do, nếu tâm không đồng hoá với thân, tâm không cho rằng thân này là tôi và thân này là của tôi. Mình thấu hiểu thân có thể đau, nhưng tâm có thể không khổ và hạnh phúc của mình tuỳ thuộc và tâm hơn vào thân. Thân chỉ là phần cứng của sự sống. Phần mềm hệ thống của sự sống chính là tâm. Trở về được với tâm tự do, sống với tâm tự do trong giây phút hiện tại, thân bệnh sẽ không còn nhiều chướng ngại.
Vì thế, khi còn khoẻ, mình nên trân trọng sự sống và muôn loài. Học cảm nhận sự sống, hạnh phúc với sự sống và thưởng thức những bình dị sự sống mà mình có. Trong trường hợp có bệnh, mình học chấp nhận bệnh và điều trị theo hiểu biết tự thân và thành tựu của y giới. Sợ, lo hay đau buồn không giúp ích gì được. Thân đã bệnh, đừng để tâm cũng bệnh. Chiêm nghiệm sự thật về bệnh, suy nghĩ tích cực và làm việc phúc lành thường cho kết quả tốt đẹp hơn.
Trường hợp học theo lời khuyên của Đức Phật: “Dầu cho thân tôi có bệnh, tâm sẽ không có bệnh” và thật sự muốn tâm hoàn toàn không bệnh, giải thoát tận gốc đau khổ, thực tập nhìn sâu năm uẩn (xác thân, cảm xúc, tri giác, tâm tư và nhận thức) để thấy năm uẩn vô thường, năm uẩn không phải là ta, không phải là của ta như hướng dẫn của thầy Sariputa (Xá-lợi-phất) cho Nakulapita (Tương Ưng Bộ III, Nakulapita, 9, Hoà thượng Minh Châu dịch Việt) là một liệu pháp tham khảo đáng được tham khảo không nên chậm trể ngay trong kiếp sống này.

Nhuận Đạt