Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Bí ẩn tượng Kim Cương thân mặc kim giáp, đầu đội kim...

Bí ẩn tượng Kim Cương thân mặc kim giáp, đầu đội kim khôi ở Chùa Đọi

775
Tượng Kim Cương chùa Đọi khoác lên mình trang phục giống như một vị võ tướng. Không chỉ mang ý nghĩa bảo vệ Chánh pháp trong Phật giáo Đại Thừa, tượng Kim Cương chùa Đọi còn minh chứng cho sự hoàn mỹ về nghệ thuật điêu khắc đá thời Lý.

Tương truyền xa xưa, Đức Phật từng phái bốn vị Đại Thanh văn, mười sáu vị La-hán đến để hộ trì Phật pháp. Bên cạnh họ còn có các vị Phạm Thiên, Đế Thích, Tứ Thiên Vương… nhân nghe Phật thuyết pháp mà nguyện hộ trì Phật pháp. Những vị này đều được gọi là thần Hộ pháp. Họ có nhiệm vụ, trách nhiệm bảo hộ chúng sanh, độ đời, tiêu trừ mọi tai họa, hàng phục ma chướng… để tâm trong sạch mà hướng Phật.

Ảnh minh họa.

Trong các ngôi chùa Việt thường không đầy đủ các loại tượng này, mà chỉ hay tồn tại bốn loại hệ tượng, đó là: Vi Đà Bồ – tát và Tiêu Diện Đại sĩ; Khuyến thiện – Trừng ác; Tứ Thiên Vương và Bát bộ Kim cương. Tượng Kim Cương chùa Đọi nằm trong hệ tượng Bát bộ Kim Cương.

Vị thần Hộ trì Phật pháp thuần Việt

“Kim Cương” nguyên là “Kim Cương thủ, vị Bồ Tát có công bảo vệ Phật. Theo kinh Phóng Quang Bát Nhã và kinh Đạo Hạnh Bát Nhã thì bất cứ ai tu thiền thành Bồ tát trên đường thành Phật sẽ được thần Kim Cương gìn giữ bảo vệ, không bị ai phá hoại hoặc nhũng nhiễu, cho dù đó là người hay ma.

Vì là hiện thân Bồ-tát nên các vị Kim Cương ở trong các kinh thư được mô tả không cầm binh khí mà mang kim cương chử. Thế nhưng, Bát bộ Kim Cương trong chùa Việt được tạo tác không giống như kinh Phật đề cập.

Đặc điểm nhận thấy của tất cả các tượng Kim Cương chùa Việt còn thấy đến nay như tượng Kim Cương ở chùa Mía, chùa Tây Phương, chùa Dâu… đều không một vị nào cầm kim cương chử. Ngược lại các vị tay đều cầm các binh khí khác như gươm, chùy, việt phủ…

Danh hiệu của các vị Kim Cương trong chùa Việt ở Bắc Bộ cũng rất khác. Qua sự giao thoa giữa Phật giáo với Lão giáo thì tại Việt Nam có tới 8 vị thần hộ pháp “Kim Cương”, được gọi với cái tên Bát bộ Kim Cương.

Tám vị thần này thường bài trí trong chùa Việt Nam như để bảo vệ Phật pháp, tín đồ và cơ sở thờ phụng Phật. Tám vị thần có tên riêng là: Thanh Trừ Tai, Tích Độc Thần, Hoàng Tùy Cầu, Bạch Tịnh Thủy, Xích, Thanh Hỏa, Định Trừ Tai, Tử Hiền Thần, Đại Thần Lực.

Hiện nay, trong các ngôi chùa Việt thường đặt đăng đối hai bên tiền đường, mỗi bên 4 vị Kim Cương. Tuy nhiên, trong các ngôi chùa thời Lý, các vị Kim Cương được đặt hai bên cổng của các tòa tháp Phật, quay mặt về bốn phương tám hướng. Thông thường, trong tám vị sẽ có ba vị tô mặt trắng nét mặt nhân hậu, năm vị tô mặt đỏ dữ tợn, thể hiện hai chức năng khuyến thiện và trừng ác…

Tượng Kim Cương tại chùa Đọi mang ý nghĩa Hộ trì Phật pháp

Tượng được tạc bằng sa thạch nguyên khối, với dáng võ quan khỏe mạnh, đầu đội mũ có chỏm tròn trên đỉnh, bó sát đầu, ôm lấy hai bên mang tai cho đến tận cằm. Giữa trán và chóp mũ nổi lên những đường gờ tạo thành hình vòng nối xuống những bông hoa cúc cách điệu hai bên mang tai.

Thân tượng vận giáp trụ, bó sát người xuống tận dưới đầu gối, ngực áo có hai xoáy lớn, vai có hình mặt hổ phù, phía trước bụng có dải như hình chiếc khánh. Thân áo điểm những bông hoa cúc chạm nổi nhiều cánh. Chân đi hài cao cổ có mũi hơi cong.

Do những biến động của lịch sử, các pho tượng Kim Cương tại chùa Đọi đã không còn nguyên vẹn, một số bị mất đầu hoặc sứt gãy. Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền: “Kim cương biểu hiện cho tâm trong sáng, không hủy hoại, kiên định trong tu hành hay hộ trì Phật pháp nên gọi là Kim Cương Hộ pháp, y phục này là áo nhẫn nhục hay còn gọi là áo tùy hình chống lại ba mũi tên độc tham, sân, si (tham lam, nóng giận và ngu tối)”.

“Đại danh lam” ngự trên thế đất Long chầu

Thôn Đọi Nhì, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam – nơi chùa Đọi an tọa được mệnh danh là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”. Lịch sử của vùng đất này gắn với dòng sông Châu – núi Đọi cùng thế đất Long chầu.

Bởi hình thế nơi đây được ví như hình con rồng lớn nằm phục giữa vùng đồng bằng rộng lớn. Từ trên đỉnh nói có thể thấy 9 đường nước từ bốn phương chạy về núi Đọi như chín con rồng chầu về. Tại đây, còn chín giếng nước hiện nay vẫn đang đựơc sử dụng và quanh năm không bao giờ khô cạn được ví như những mắt rồng – Long nhãn.

Theo truyền thuyết, vào khoảng thế kỷ X – XI, chùa Long Đọi Sơn chỉ là một am nhỏ (chùa nhỏ), sau đó được vị tổ sư Đàm Cứu Chỉ cho xây dựng và mở rộng khang trang. Đến thế kỷ XII, trên đường kinh lý, vua Lý Nhân Tông khi qua đây thấy cảnh sắc vẫn còn mà ngôi chùa thì đã đổ nát, người đã cho xây dựng lại.

Văn bia Sùng Thiện Diên Linh tại chùa cho biết về công việc xây dựng lại ngôi chùa và dựng cây Bảo tháp: “Xác định phương hướng, mặt trông ra ngoài sông Kinh, gió lặng mặt sông như lụa biếc, lưng quay vào núi Điệp, mưa tan dáng núi như gấm thêu. Bên Hữu khống chế Bình Nguyên, trông tới luỹ cũ Càn Hưng; bên tả men theo sông nhỏ, quanh Hán Thuỷ để ra khơi. Xuống chiếu cho thợ thuyền căng dây nảy mực, thi của cải làm sáng thêm công đức. Nhiều công trình kiến trúc khác cũng được xây dựng như: bên Tả dựng cung tứ giác, bên Hữu dựng nhà khám, xây tường bảo vệ, dựng hiên phô trương, bắc cầu mở rộng thôn….”

Chùa Đọi từng được mệnh danh là “Đại danh lam” dưới thời Lý

Và đặc biệt là cây Bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh được xây dựng bằng đá, cao 13 tầng, mở 40 cửa hóng gió. Vách trạm ổ rồng; xà treo chuông đồng. Tầng trên đặt hộp vàng Xá lỵ. Nơi đây chính là vị chí của các vị Hộ Pháp “Tầng dưới chia tám tướng khôi ngô, đứng hộ vệ có thần nhân cầm kiếm. Chính giữa đặt tượng Đa Bảo Như Lai; sức thề nguyền sâu rộng, đành hiến cả thân mình”, bia Sùng Thiện Diên Linhghi lại.

Chùa được xây dựng từ năm 1118 đến năm 1121 thì hoàn thành. Vua Lý Nhân Tông đích thân đến chùa Đọi để khánh thành và đặt tên cho cây Bảo tháp. Tuy nhiên, đến thời Lê, dưới sự tàn phá của giặc Minh, chùa Đọi bị đập nát. May mắn còn sót lại tấm bia Sùng Thiện Diên Linh và 6 pho tượng Kim Cương, tượng thần Kinaras.

Cũng qua văn bia Sùng Thịên Diên Linh cho biết, chùa được sửa sang và thay đổi vào thời Mạc. Từ đó cho đến nay qua mỗi thời kỳ binh biến của đất nước, chùa Đọi luôn bị tàn phá nhưng cũng được người dân đồng lòng tu sửa.

Với những giá trị lịch sử văn hóa và vẻ đẹp vừa uy nghi, cổ kính, năm 1992 chùa Đọi Sơn được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Quần thể di tích danh thắng Đọi Sơn ngày càng khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa và du lịch to lớn, khắc sâu thêm biểu tượng của quê hương núi Đọi, sông Châu trên bản đồ Hà Nam. Tháng 12/2017, chùa Đọi Sơn là một trong 10 di tích trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.


Theo BÁO PHÁP LUẬT