Trang chủ PGVN Cửa thiền Bóng bồ đề trên bến Bình Ðông

Bóng bồ đề trên bến Bình Ðông

46

Ngôi chùa ấy trước đây mang tên Lâm Quang Tịnh, về sau đổi thành chùa Lâm Quang, nằm trong một con hẻm sâu hun hút ở bến Bình Ðông, phường 14, quận 8, TP Hồ Chí Minh. Trụ trì chùa là một nhà sư còn khá trẻ, Sư cô Thích Nữ Huệ Tuyến (Lê Ngọc Lịch).

Con hẻm ngoằn ngoèo dẫn vào chùa Lâm Quang như sâu hơn, dài hơn trong cõi u tịch. Tôi được một người làm công quả dẫn ra ngôi nhà phía sau bức tượng Phật. Ðó là nơi ăn nghỉ của các cụ già được nhà chùa nhận nuôi dưỡng. Căn nhà được chia làm ba khu. Một khu dành cho những cụ bị tật nguyền, đau yếu, mọi sinh hoạt phải thực hiện một chỗ. Một khu dành cho các cụ tuổi cao, đầu óc không còn minh mẫn. Khu còn lại là nơi nghỉ dưỡng của những cụ đang tự lo được những sinh hoạt cá nhân.


Sư cô Thích Nữ Huệ Tuyến cùng những sư sãi đang chuẩn bị bữa ăn trưa cho các cụ già. Tôi hòa vào không khí ấm cúng, chan hòa như trong một đại gia đình ở chốn từ bi. Sư cô Thích Nữ Huệ Tuyến chậm rãi mở đầu câu chuyện: “Ðức Bổn sư Thích Ca Mầu Ni dạy rằng “Phụng sự chúng sanh tức cúng dường chư Phật”. Chúng tôi lấy đó làm phương châm sống và hành đạo, góp phần nhỏ, thúc đẩy trách nhiệm của các tổ chức xã hội đối với những bậc cao niên…”.


Sư cô Thích Nữ Huệ Tuyến sinh năm 1964, trong một gia đình theo đạo Phật nên được xuất gia từ khi còn nhỏ. Năm 1970, khi đang còn là một cô bé sáu tuổi, Sư cô được Hòa thượng Thích Từ Bạch, trụ trì chùa An Phú, quận 8, TP Hồ Chí Minh nhận làm đệ tử. Giữa bao điều ngỡ ngàng của cuộc sống chốn thiền môn, cô luôn hướng lòng quan tâm tới các cụ già neo đơn.


Sư cô Thích Nữ Huệ Tuyến kể: “Kỷ niệm ám ảnh tôi suốt là hình ảnh sư phụ tôi đưa một cụ già đã phải nằm liệt một chỗ về chùa chăm sóc. Chúng tôi được sư phụ dặn dò, phải giúp đỡ, chăm sóc mọi sinh hoạt cá nhân cho cụ. Ban đầu tôi còn ái ngại, nhưng càng ngày tôi càng nhận ra, việc làm ấy chính là để trau dồi cái tâm theo lời răn của Phật. Tâm trí tôi lúc ấy đã nguyện rằng, sau này mình cũng noi gương sư phụ giúp đỡ, cưu mang các cụ già”…


Năm 1996, Sư cô Thích Nữ Huệ Tuyến được Ban trị sự Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh bổ nhiệm làm trụ trì chùa Lâm Quang. Ngôi chùa này đã hơn 20 năm không có người trụ trì nên gần như bị hoang phế, trở thành nơi tá túc của một số cụ già không nơi nương tựa, hằng ngày đi bán nhang và xin ăn sống qua ngày. Cuộc sống cực khổ của những mảnh đời neo đơn ở đây đã làm Sư cô Thích Nữ Huệ Tuyến xúc động. Ðó cũng là nhân duyên để Sư cô thực hiện ước nguyện ấp ủ từ xưa.


Sư cô nói với các cụ: “Từ nay trở đi, các cụ sẽ ở đây sống với Sư cô, có gì ăn nấy, nhưng nhất định không được đi ăn xin nữa”. Vào buổi chiều hằng ngày, nước từ sông Bình Ðông dâng lên làm ngập hết khuôn viên chùa. Mái chùa dột nát, hư hỏng trầm trọng. Phải khó khăn lắm mới chọn được chỗ ở lành lặn cho các cụ. Vừa chăm sóc các cụ, Sư cô và các tăng ni trong chùa vừa phải dùng xe ba gác chở xà bần về đắp, tôn cao nền chùa. Thấy nhà chùa vất vả, quý phật tử và bà con lối phố đã tận tình giúp đỡ.


Tiếng lành đồn xa, chuyện một Sư cô tuổi đời còn trẻ nhận nuôi dưỡng những cụ già neo đơn, bất hạnh nhanh chóng lan xa. Các đệ tử từ nhiều địa phương trong cả nước cảm kích tấm lòng từ bi của vị trụ trì đã tìm đến đây xin xuất gia, góp sức chung lòng cùng Sư cô thực hiện tâm nguyện. Hiện chùa Lâm Quang có 19 Sư cô đến xuất gia tu học. Sư cô cùng các đệ tử đi tìm các cụ già lang thang đầu đường xó chợ, hoặc trong các bệnh viện không có người chăm sóc, đưa về chùa. Có cụ được phật tử giới thiệu, có cụ được những người qua đường đưa đến. Vào một buổi sáng cách đây ba năm, một người chạy xe gắn máy chở cụ Tuyến đến nhờ nhà chùa trông coi giúp, chiều sẽ quay lại đón. Cụ Tuyến lúc ấy rất yếu. Ngoài cái tên của mình, cụ hầu như không nhớ gì. Người chạy xe gắn máy ấy đã một đi không trở lại. Nhà chùa đã nuôi dưỡng cụ, hiện nay sức khỏe cụ ngày một tốt hơn. Cứ thế, mỗi người mỗi cảnh, số cụ già neo đơn về chùa ngày càng nhiều.


Ðể tạo nguồn thu lấy tiền nuôi các cụ, Sư cô và các đệ tử đã phải đi cắt cói về dệt chiếu bán. Ðể nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng các cụ, nhà chùa đã cử một ni cô đi học khóa điều dưỡng. Những năm gần đây, Hội Chữ thập đỏ quận 8, Bệnh viện 115 và Bệnh viện Nguyễn Trãi đã hỗ trợ tích cực cho nhà chùa, thường xuyên đến khám, cấp thuốc chữa bệnh, tặng quà cho các cụ.


Ðến nay, chùa Lâm Quang đã nhận nuôi dưỡng 133 cụ già. Hiện còn 78 cụ đang sống, trong đó tám cụ mắc bệnh tâm thần nặng, 21 cụ bị liệt nằm một chỗ, 12 cụ đi phải có người dìu. Những cụ đã qua đời được nhà chùa lo ma chay chu đáo, đưa đi hoả táng và đem tro hài cốt về chùa chăm lo hương khói, kinh kệ, để các cụ được vãng sanh về miền cực lạc. Người cao tuổi nhất trong số các cụ còn sống là cụ Phạm Thị Huê, 96 tuổi. Cụ Huê bị lãng tai, tinh thần không còn minh mẫn.


Cụ Phùng Yến, 91 tuổi, tâm sự: “Tôi sống neo đơn khổ cực từ nhỏ, không chồng, không con, không gia đình. Nỗi lo lớn nhất của tôi là về già không biết nương tựa vào ai, khi thác xuống không có nơi vùi nắm xương già. Chẳng ngờ đến cuối đời tôi lại được Sư cô nhận vào chùa nuôi dưỡng. Sư cô và các ni cô kính trọng, yêu quý chúng tôi như những người bà, người mẹ thật sự”.


Cảm động nhất là tại khu nhà ở của các cụ bị liệt nằm một chỗ, bàn tay của Sư cô và các ni cô ân cần, dịu dàng đút cho các cụ từng thìa cháo. Ðiều kiện sống như vậy nhưng từ chiếc giường các cụ nằm, quần áo các cụ mặc cho đến nơi ăn ở… tất cả đều được vệ sinh sạch sẽ, tươm tất.


Việc làm đầy tính nhân ái, lương tri của nhà chùa đã nhận được sự hậu thuẫn, giúp đỡ rất lớn từ các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện xã hội. Nhờ đó, việc nuôi dưỡng các cụ ngày càng thuận lợi. Nhà cửa được sửa chữa tươm tất hơn. Sư cô cho biết: Với lưu lượng các cụ neo đơn nhận về chùa ngày càng nhiều, chùa Lâm Quang bắt đầu quá tải. Theo đề nghị của Sư cô, Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch bổ sung cho Sư cô một ngôi chùa khác, rộng rãi hơn. Ðó cũng là bước chuẩn bị cho quá trình thành lập Trung tâm Dưỡng lão của Thành hội Phật giáo, nhằm mở rộng, nâng cao chất lượng nhận và chăm sóc, nuôi dưỡng các cụ già neo đơn, không nơi nương tựa.


Cây bồ đề trước cổng chùa Lâm Quang đã thành cổ thụ, tỏa bóng lá sum suê. Tấm lòng từ bi của Sư cô Thích Nữ Huệ Tuyến cũng như bóng bồ đề kia, tỏa mát, chở che hàng trăm thân phận ở buổi hoàng hôn của đời người. Tôi thành kính chắp tay dưới chân tượng Phật. Trên bức tường vàng dưới mái cong tôn nghiêm của ngôi chùa treo những bức trướng ghi những lời răn của Phật, trong đó có hai câu, chữ viết rất to: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/ Ðừng để buồn lên mắt mẹ nghe không…”. Tôi bỗng nhận ra, dường như cái tâm của mình đang sáng hơn lên từ những gì mắt thấy tai nghe về tấm lòng, việc làm của vị trụ trì ngôi chùa trên bến Bình Ðông…