Trang chủ Thời đại Truyền thông Các bước chuẩn bị kênh truyền hình Phật giáo Việt Nam

Các bước chuẩn bị kênh truyền hình Phật giáo Việt Nam

116

Nhưng chúng ta có thể khởi sự công việc ngay từ bây giờ, để giải quyết trước một số công việc, để tiết kiệm quỹ thời gian về sau.

Dưới đây là gọi ý các bước chuẩn bị:

1. Tích lũy chương trình

Trong hoạt động truyền hình, sản xuất chương trình là khâu tốn kém hàng đầu, cả về thời gian, lẫn công sức, tài chánh.

Các kênh truyền hình trước khi triển khai thường tốn đến hàng năm trời để chuẩn bị chương trình.

Kho chương trình của các đài luôn phải có một số lượng lớn chương trình dự trữ.

Do đó, để chuẩn bị kênh truyền hình PGVN chúng ta phải xây dựng trước thư viện chương trình.

Thư viện chương trình có thể do từng cá nhân Phật tử, từng chùa thực hiện, sau này góp lại thành một thư viện chương trình lớn.

Thư viện chương trình gồm có băng dĩa video, các chương trình liên hệ đến PGVN đã được xuất bản (thuyết pháp, phim truyện, phim tài liệu, ca nhạc…).

Để chương trình truyền hình không những chỉ cần chương trình video, mà còn cần cả hình ảnh tĩnh, băng dĩa âm thanh, sách vở.

Thí dụ, tuy không có hình ảnh video các buổi thuyết pháp của hòa thượng Trí Thủ chẳng hạn, nhưng với hình ảnh tĩnh và băng âm thanh lời của ngài, chúng ta vẫn có thể dựng thành các chương trình thuyết pháp của ngài (âm thanh thuyết pháp trên nên hình ảnh kỷ niệm).

Thậm chí, không có băng âm thanh thì vẫn có thể đọc lại các tác phẩm của ngài trên nền hình ảnh.

Trong truyền hình, hình ảnh là quan trọng hơn hết. Vì vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta đã có thể sưu tập, nhân bản lưu giữ những hình ảnh tư liệu.

Việc sưu tập lưu trữ phải được tiến hành song song với nhân bản. Vì nhân bản cũng là một dạng lưu trữ.

Cho đến bây giờ, tiến bộ khoa học công nghệ nghe nhìn chưa tìm ra được những phương thức hữu hiệu tuyệt đối để lưu trữ chương trình.

Hai giải pháp tưởng chừng như đã lỗi thời là dĩa cơ học (dĩa than, dĩa vinyl) và phim quang học là những giải pháp an toàn nhất. Các giải pháp mới hơn thường bị nấm mốc tác hại nặng nề.

Chương trình ghi trên phim và dĩa cơ học có thể chỉ hư hỏng từng phần qua thời gian. Những chương trình lưu trữ trên các phương tiện số có thể bị hư hỏng toàn bộ.

Vì vậy, nhân bản để lưu trữ các chương trình video, audio Phật học giá trị là điều hết sức cần thiết.

2. Live stream

Live stream là một dạng phát kênh chương trình truyền hình trên mạng internet.

Các đài đã có kênh phát sóng mặt đất, cáp và vệ tinh vẫn sử dụng live stream như là một trong nhiều phương thức đưa kênh truyền hình đến với khán giả. Live stream khác với dạng nhấp chuột vào để xem theo lựa chọn (thường được gọi là VOD – Video On Demand). Thí dụ đối với kênh VTV4, xem qua đường cáp hay thu qua vệ tinh thế nào, thì xem trên máy tính, dạng Live stream thì chương trình cũng như thế, hơn kém nhau trong khoảng vài giây.

Hiện nay, Live stream được ứng dụng rộng rãi cho các kênh chưa có tần số phát mặt đất hay chưa có khả năng phát qua vệ tinh.

Nếu chúng ta nạp một loạt chương trình thuyết pháp vào dĩa cứng rồi phát nối tiếp qua internet 24/7 thì khi đó đã có một kênh truyền hình PGVN.

Khi đã có kênh live stream, nếu được Phật tử phát tâm cúng dường tài chánh thuê vệ tinh và hoàn tất thủ tục cần thiết thì PGVN đã có kênh truyền hình vệ tinh.

3. Nâng cao chất lượng ghi hình các chương trình thuyết pháp

Thời kỳ những năm 70 – 80 thế kỷ trước, để ghi âm các chương trình thuyết pháp của chư tôn đức, cách thức thường dùng là đặt một máy cassette trên bàn và bấm nút thu. Với cách thu như vậy, chất lượng âm thanh rất kém. Đó là cách thu gia đình.

Đến nay, đa số các chương trình ghi âm thuyết pháp đều đã được nâng cao chất lượng. Nói khác hơn, đã được chuyên nghiệp hóa về mặt kỹ thuật.

Nhưng các chương trình ghi hình thì một phần vẫn còn giới hạn chất lượng hình ảnh. Trước hết đó là vì khi ghi hình, mục tiêu được xác định chỉ là phổ biến nội bộ trong chùa, trong chúng tăng hay trong đạo tràng.

Với mục tiêu như vậy, mức chất lượng thấp là phù hợp (giới chuyên môn gọi là Home video quality), vì tiết kiệm chi phí cho thiết bị chuyên dụng.

Tuy nhiên, hướng tới một kênh truyền hình PGVN, cần có những chương trình có chất lượng kỹ thuật cao, giới chuyên môn gọi là Broadcast quality, chất lượng phát sóng quảng bá.

Vì vậy, nên xác định lại mục tiêu ghi hình là phổ biến ở phạm vi rộng hơn về sau, có thể phát sóng còn trước mắt có thể xin phép xuất bản phát hành rộng rãi.

Với mục tiêu như vậy, cần nâng cao chất lượng hình ảnh và âm thanh chương trình.

Để làm được điều này, cần có nhiều bước, nhưng bước thứ nhất là nâng cấp thiết bị và ghi âm thanh với micro rời đặt trước mặt hay gài vào áo giảng sư, thay vì micro gắn liền với camera, thu âm từ xa. Người thực hiện ghi hình cũng cần được đào tạo cơ bản.

Nâng cao chất lượng hình ảnh và âm thanh chương trình thuyết pháp chừng nào là tốt chừng đó cho việc khai thác về sau.