Trang chủ PGVN Nhân vật Cảm niệm Tôn sư – HT. Thích Kim Cương Tử

Cảm niệm Tôn sư – HT. Thích Kim Cương Tử

163

Nhiều hôm hoàng hôn xuống, khách thập phương lần lượt ra về, ngôi chùa mới đó đông người, bỗng chốc trở nên vắng vẻ…

Rảo bước quanh chùa, lần theo ký ức. Đây cây Bồ đề được chiết từ cây Bồ đề ở Ấn Độ nơi Đức Phật tĩnh tọa thiền quán đã chứng thành Đạo quả, được Tổng thống Ấn Độ Prasat, trong chuyến thăm Việt Nam, tận tay trao tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chùa Quán Sứ và rước lên trồng ở chùa Trấn Quốc vào ngày 24 tháng 3 năm 1959, nay đã là cây đại thụ trước sân chùa, bốn mùa ríu rít tiếng chim ca, minh chứng cho tình hữu nghị Việt – Ấn được chăm sóc vun bồi bằng đất, nước, tâm linh và tình người nước Việt, sáng chiều vi vút gió Hồ Tây.

Vườn tháp uy nghiêm, không lời, nhưng chứa đầy cổ tích, lặng lẽ âm thầm ghi chuyện của thời gian.

Trước cổng, hàng cau trang nghiêm, soi mình bóng nước Tây Hồ, khách đến vẫy chào rung rinh tàu lá, tiễn khách về rung nhẹ lá đung đưa.

Nhìn hàng cau mà nhớ chuyện xưa, nhớ Thầy Tổ, nhớ khi còn tuổi trẻ, được Thầy tiếp độ cho làm đệ tử. Nay Thầy đã cao đăng Phật quốc, nhưng mỗi một cây xanh, ngọn tháp, mỗi một hiện vật trong chùa còn in dấu Thầy ở lại với chúng con.

Nhân kỷ niệm chín năm xa Thầy, con xin ghi lại đôi dòng ký ức, góp thêm vào lịch sử ngôi chùa được nhân dân tôn vinh, gắn liền với lịch sử oai hùng của dân tộc- chùa Trấn Quốc.

Mặc dù lúc sinh thời Thầy lặng lẽ âm thầm cống hiến vì Đạo, vì Đời không muốn để ai danh xưng ca tụng. Nay con thành tâm đê đầu đỉnh lễ xin Thầy từ bi hoan hỉ cho con tỏ chút lòng thành, có đôi lời bộc bạch để lòng con vơi bớt nỗi nhớ thương:

Ơn giáo dưỡng một đời nên tuệ mệnh
Nghĩa Tôn sư muôn kiếp khó báo đền

Con xuất gia theo Thầy vào đầu những năm bảy mươi của thế kỷ hai mươi tại Hải Phòng, mới được một vài năm thì đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, cuộc sống còn khó khăn, càng khó khăn hơn, khi  miền Bắc vừa thực hiện công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội, vừa tập trung cho giải phóng miền Nam  khỏi ách xâm lược của đế quốc thực dân.

Với khẩu hiệu: “Tất cả dành cho tiền tuyến”, “Tất cả dành cho miền Nam ruột thịt”, thấy nhiều lớp thanh niên lên đường nhập ngũ, con cũng nôn nao bởi chính Thầy dạy con, truyền thống tăng sĩ Việt Nam khi Tổ quốc lâm nguy, sẵn sàng: “Cởi áo cà sa khoác chiến bào”.

Thấu hiểu tâm trạng học trò, Thầy đã gọi con và dạy:

Xưa nay việc nước việc nhà,
Cứu dân giúp nước ai mà dám quên,
Luật rằng phương tiện, tuỳ duyên,
Từ  bi lợi vật pháp truyền xưa nay
.

Thầy biết tâm trạng của con, nam nhi trong thời binh lửa, phải tranh tài chốn sa trường. Âu là duyên phận, con đã xuất gia tu học trong lúc chiến tranh cũng là duyên của con. Con phải biết trong đời không chỉ có giặc tướng mà còn có giặc vọng tâm (Giặc vọng tâm chính là tâm xấu, tâm ác, vọng tâm bất chính, tâm đố kỵ, tâm sân hận, tâm bất thiện, tâm tà kiến…).

Đánh giặc ngoài chiến trường là đánh giặc tướng, loại trừ được cái xấu, cái dốt trong con người để con người được an lạc là đánh giặc vọng tâm.

Khi chống xâm lược đánh giặc tướng là trọng, nhưng không phải không có giặc vọng tâm, khi thắng giặc tướng, giặc vọng tâm lại càng cần phải dẹp bỏ, nếu con hiểu được điều Thầy nói, thì con phải yên tâm tu học cho tinh tiến, để cùng Thầy và nhân dân giúp hậu phương vững vàng, để chiến trường thắng giặc tướng.

Giặc tướng khó mà dễ trừ, giặc vọng tâm vô hình mà khó tránh, khó trừ, con phải nhớ, để  không ngừng tu học. Lấy Đạo giúp Đời không dễ. Làm được việc này con đã góp phần cùng toàn dân đánh giặc”. Như lời Đức Phật dạy:

Dù tại bãi chiến trường
Thắng hàng ngàn quân giặc
Dễ hơn thắng chính mình,
Thật chiến thắng tối thượng”
Nghĩa là phải thắng những phiền não ngũ  ấm ma trong người của con…

Vâng lời Thầy dạy, con đã siêng năng, tinh tiến tu hành không lúc nào ngừng nghỉ. Và con không thể nào quên, để xương minh giáo pháp của Đức Thế Tôn, để giúp cho bà con Phật tử, Thầy đã đi khắp các nơi cùng với chư tôn thiền đức Tăng, Ni làm tốt việc Đạo để giúp Đời, giúp cho nhân dân, Phật tử về nghi lễ Phật giáo, động viên mọi người vững tâm tăng gia sản xuất, đoàn kết, xây dựng hậu phương vững mạnh…

Trong những năm tháng chiến tranh, đường sá, đi lại khó khăn, phương tiện chỉ có xe đạp,  nhiều hôm đường xấu, xe hỏng, Thầy phải vác xe đạp lên vai đi cả mấy cây số mới có nơi sửa xe, áo rách, vai sưng nhưng Thầy không một lời than phiền, không ngại khổ, ngại khó…

Có dạo, bữa cơm chùa chỉ có bát hạt bo bo với chút tương, rau, Thầy ăn một chút rồi kêu no để lại phần con. Nhớ hôm có người cúng dàng ít gạo, con nấu cháo, bỏ phích cho nhừ và nóng để Thầy dùng Thầy chỉ dùng chút nước, phần nhiều Thầy nhường con, Thầy bảo, ăn hết trong một bữa, hôm sau nấu cái khác, để lại không ăn nó hỏng.

Biết Thầy thương con đang độ tuổi ăn, tuổi lớn nên Thầy đã làm như vậy. Thương quý Thầy! Con càng chăm chỉ hơn! Trong những năm tháng chiến tranh, cuộc sống vốn khó khăn vất vả, nhiều hôm  Phật tử quý Thầy có người cúng dàng Thầy ít đồ dùng, đồ ăn nhưng Thầy lúc nào cũng dùng rất đạm bạc, Thầy dạy: “Mình là nhà tu hành, lấy tri túc làm trọng, mỗi món đồ dùng, đồ ăn của thập phương tín thí dâng cúng cho mình là một món nợ, mình không trả được bằng tiền thì con nhớ phải trả lại bằng đức độ, đạo hạnh và sự hiểu biết”.

Sau ngày đất nước thống nhất, theo yêu cầu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thầy về thủ đô Hà Nội với trọng trách mới trong cương vị lãnh đạo của Giáo hội và về trụ trì chùa Trấn Quốc từ đầu những năm tám mươi của thế kỷ hai mươi.

Khi Thầy mới về, chùa cảnh còn đơn sơ vắng vẻ, lối vào chùa hai bên là cây dứa dại, quanh chùa cũng trồng cây dứa um tùm để chống xói mòn, vườn tháp ngổn ngang gạch, ngói vỡ, trên đất chùa còn hai hộ dân, ở nhờ đã nhiều năm….

Từ khi về trụ trì, Thầy cất công tu bổ, sửa sang kè bao quanh ven đảo chùa để chống sạt lở, làm đường vào chùa, trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục công trình… Hai hàng cau trước cổng Thầy trồng, đã trở thành biểu tượng Tây Hồ trong tranh ảnh, thơ ca của bao thi nhân, nghệ sĩ.

Vườn tháp mộ, Thầy trùng tu, trông cổ kính linh thiêng, Phật tử gần xa cúi đầu thành tâm cung kính cầu nguyện giác linh các bậc chân tu Cao đăng Phật quốc, hộ trì đất nước bình an, nhà nhà, người người hạnh phúc.

Hàng cây Bụt mọc ven đường, trông “Ông Bụt” an nhiên tự tại.

Chùa Trấn Quốc từ khi có Thầy, mỗi ngày một thêm trang nghiêm tố hảo, như hòn ngọc giữa hồ toả ngát hương thơm… sáng, chiều vang vọng chuông chùa lan toả cùng sóng nước, phong cảnh hữu tình, thật đẹp! Như có người  đã viết khi tới đây:

Trấn Quốc, Hồ Tây
Chim trời hạ cánh
Cá  nước ngẩn ngơ
Khách du dừng bước
Bồng lai, hay mơ.

Không chỉ dựng chùa, tạo cảnh, trong hoạt động của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thầy là bậc cao tăng uyên thâm, thầy dạy của nhiều lớp tăng tài, Viện trưởng Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Phân Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học….

Trong cương vị lãnh đạo Giáo hội, Thầy là Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội (Khi đó Hoà thượng đệ nhị Pháp chủ thượng Tâm hạ Tịch làm Trưởng ban).

Không chỉ có Đạo, với Đời, Thầy là người hoạt động rất tích cực, Thầy tham gia đại biểu Quốc hội khoá VIII, IX, X; tham gia Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ viên Uỷ ban bảo vệ hoà bình thế giới thành phố Hà Nội và nhiều cương vị xã hội khác ở trung ương, cũng như thành phố Hải Phòng và thành phố Hà nội.

Ở lĩnh vực nào Thầy cũng nhất tâm, chí thành với nỗ lực hết mình, rất mẫu mực là tấm gương sáng được mọi người kính trọng, tin tưởng.

Thầy  đặc biệt nghiêm trì giới luật, là người dịch thuật, biên soạn và dạy Luật Phật học, đối với hàng Tăng Ni và Phật tử Thầy luôn là người xiển dương Kinh – Luật – Luận, Thầy chuyên tâm về giáo điển, Luật tạng đúng theo lời di huấn của Đức Phật trước khi nhập Niết Bàn, Ngài dạy: “ Này các Tỳ kheo sau khi ta diệt độ, chúng Tỳ Kheo các người phải tôn trọng Ba La Đề Mộc Xoa như  người mù gặp ánh sáng, người nghèo được của báu, phải biết rằng đây là bậc Thầy của các người, như ta còn sống ở đời chẳng khác gì Giới vậy” .

Vì giới luật còn thì Phật pháp còn, giới luật mất thì Phật pháp diệt vong, do vậy mà Thầy lúc nào cũng dạy cho con và mọi người phải lấy Giới luật làm cương yếu cho việc tu hành, xây dựng, hoằng dương Phật pháp.

Vì có tịnh giới, có chân tu, trì giới hạnh thì những tội nặng nhẹ đều không ngăn che hoen ố được chân tính. Nhờ đó mà Đạo được mở rộng, Đức được đi xa. Các giáo lý cạn sâu, đốn tiệm đều được xiển dương truyền bá.

Mình tu, dạy người tu, đều được lên bờ giác, theo dấu trước, mở đàn sau, tiếp nối ngọn đèn tuệ để sáng tỏ Đạo mầu.

Những đóng góp của Thầy cho Đạo pháp và Dân tộc đã được Giáo Hội và Nhà nước ghi nhận, hình ảnh của bậc Thầy khả kính phạm hạnh, nhân cách, giới đức, trí tuệ và đại nguyện của Thầy đã góp phần làm rõ nét vai trò và sứ mạng của Đức Như Lai trong thời kỳ vàng son của đất nước.

Trong Giáo hội, Thầy là bậc lãnh đạo được đông đảo tăng, ni, Phật tử kính quý, ngưỡng mộ; với xã hội Thầy là công dân gương mẫu tích cực vì sự nghiệp đại đoàn kết, vì sự phát triển của xã hội tiến bộ, Thầy đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác…

Con còn nhớ tại ngôi chùa Trấn Quốc này nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới đây cùng Thầy luận bàn về kế sách an dân, vững nước; nhiều tao nhân, mặc khách đã cùng thầy đàm đạo về dịch thuật, kinh điển Giáo lý Phật đà, học thuật, thi ca, triết lý nhân sinh,…và cả những người nông dân tới  xin Thầy dạy cho kỹ thuật làm nông nghiệp như trồng cây, giữ quả…ai cũng tìm thấy ở Thầy sự hài lòng và kính phục ở vốn sống đa dạng, kiến thức phong phú uyên thâm và sự nhiệt thành, ẩn tàng bên trong một con người bình dị mà cao quý!

Thật là:

Trí cao, vững nước, yên dân
Trồng cây, hái quả, ai cần đều hay
Dịch kinh, viết sách, làm thầy
Tâm  lành sáng mãi, việc hay để đời
.”

Từ  lúc còn khó khăn cho tới khi có điều kiện, Thầy lúc nào cũng giản dị, nghiêm trang, cả cuộc đời Thầy là tấm gương mẫu mực về đạo hạnh và tuệ nhãn xa, rộng. Nay Thầy đã quảy gót về Tây, nhưng những điều Thầy dạy mấy mươi năm về trước không hề sai khác.

Giặc tướng, dân tộc ta đã  đánh thắng, nhiều người đã đánh thắng, nhưng giặc vọng tâm hãy còn, để giúp mọi người thắng được giặc vọng tâm trong chính mình, để tìm thấy an lạc cho mình, cho người không dễ chút nào.

Dù đã đi xa, nhưng Thầy luôn là tuệ đăng soi chiếu và tiếp thêm cho chúng con cùng hàng hậu học có đủ dũng mãnh tự mình vươn lên vượt thắng chướng duyên, trau dồi giới đức trang nghiêm, để cùng mọi người tìm thấy Niết bàn trên chính cuộc đời đang hiện hữu.

Đất nước đang từng ngày đổi mới, đời sống của nhân dân từng ngày được nâng cao, quan hệ xã hội được mở rộng, người trong nước và ở nước ngoài đến chùa ngày càng đông hơn, Trấn Quốc thật sự là danh thắng giữa Hồ Tây, làm đẹp mãi thủ đô Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Được tu tập trong ngôi chùa Trấn Quốc hôm nay là nhờ công đức cao dày của Thầy, của cha mẹ sinh thành, của quốc gia xã hội, của đàn việt tín thí, của những anh hùng đã hy sinh xương máu để bảo vệ, gìn giữ và xây dựng quê hương đất nước. Và người con tri ân nhất là Thầy, người đã độ cho con Giới, Thân tuệ mệnh, Thầy đã cho con được như ngày nay.

Chín năm Thầy đi xa, Chín năm thiếu vắng Thầy, song trong con không quên những lời Thầy dạy, lúc nào con cũng khắc cốt ghi tâm, lòng khoan dung độ lượng, giọng nói thân tình mà sâu sắc của Thầy. Vẫn biết rằng con phải cố gắng nhiều hơn nữa để thực hiện tâm nguyện của Thầy.

Chín năm xa cách, Chín năm nhớ thương. Đã hiểu luật vô thường nào ai tránh được. Trước giác linh Thầy, đôi dòng tưởng niệm thay nén tâm hương dâng Thầy nơi Cực lạc tịnh bang.

Đỉnh lễ Tôn sư
Công đức cao dày
Danh thơm còn mãi
Cao Tăng thời nay
”.

Nam mô Việt Nam Phật giáo Giáo hội Hội đồng Trị sự, Phó Chủ tịch Thường trực, Ma ha Sa môn, Tỷ khiêu giới pháp húy Thích Kim Cương Tử, hiệu Thúy đồ Ba thành, Luật sư giác linh pháp không tọa hạ.

Chí  tâm đỉnh lễ Tôn sư tam bái! 

Hà  Nội, tháng 4 năm 2010