Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Cặp đối của Hòa Thượng Trí Hải tại chùa Bích Liên

Cặp đối của Hòa Thượng Trí Hải tại chùa Bích Liên

750

Nguyên văn:

其間水鳥樹林咸宣妙偈

之外山河大地全露法身

Phiên âm:

Kỳ gian thủy điểu thọ lâm hàm tuyên diệu kệ,

Chi ngoại sơn hà đại địa toàn lộ pháp thân.

Tạm dịch:

Trong đây chim suối cỏ cây cùng tuyên diệu kệ,

Ngoài đó núi sông đất cát đều lộ pháp thân.

Cặp đối được treo ở chánh điện chùa Bích Liên. Chữ viết thảo điêu luyện, có hoa văn tinh xảo bao quanh. Câu bên phải có hai dòng ghi “Bảo Đại nguyên niên Bính Dần trung hòa tiết” và “Quan Âm thánh đản giai thần” cho biết câu đối được tạo vào ngày đức Quan Âm đản sinh, nhằm tiết trung hòa năm Bính Dần (1926). Câu bên phải ghi “Bích Liên đường Tín Văn bảo” và “Chơn Giám hòa nam bái đề” nghĩa là Chơn Giám kính viết tại Bích Liên đường Tín Văn bảo.

Bích Liên (1876-1950), xuất gia với hòa thượng Hoằng Thạc chùa Thạch Sơn, Quảng Ngãi. Ngài pháp danh Chơn Giám, tự Đạo Quang, hiệu Trí Hải, thuộc dòng Lâm Tế đời 40, có công lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo những năm 30-40 qua việc làm chủ bút cho tạp chí Từ Bi Âm của Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học. Ngài còn để lại nhiều tác phẩm Hán – Nôm rất quý về tư tưởng và văn chương như Mông Sơn thí thực khoa nghi, Kinh văn diễn âm toàn tập, Cổ thi từ diễn nghĩa… và những câu đối.

Ở Bình Định nhắc đến câu đối người ta nghĩ ngay đến ba vị: Bích Liên, Chí Tâm và Kế Châu. Điều đặc biệt hầu như toàn bộ các câu đối đều do quý ngài sáng tác, viết chữ. Công việc khắc bản thường diễn ra tại chùa Vĩnh Khánh dưới sự chỉ đạo của hòa thượng Chân Đạo Chí Tâm, và theo một số bậc trưởng lão, Chí Tâm còn là người nghệ nhân tài hoa trực tiếp o bế từng nét chữ. Hòa thượng Chí Tâm trụ trì chùa Vĩnh Khánh là sư phụ ngài Huyền Quang, người huynh đệ cùng thầy với hòa thượng Bích Liên.

Mối tri kỷ giữa Bích Liên – Chí Tâm (Chơn Giám – Chơn Đạo) đã để lại cho đời những kiệt tác liễn đối độc đáo. Nhìn vào những cặp đối của ngài Bích Liên, người ta không nghĩ đó là chữ viết mà là tranh vẽ, những bức tranh hút hồn cả những người không hiểu biết gì về nó.

Ta ngày nay không biết quý ngài đã rèn luyện như thế nào để có thể đạt tới trình độ mà những thư họa gia bản xứ người Trung Hoa cũng phải thán phục. Những câu đối thuần Việt và độc đáo đến như vậy không nhiều lắm trong cả nước, xin giới thiệu ra đây để bạn đọc thưởng lãm đồng thời cho thấy câu đối cùng là đối tượng cần được sưu chụp một cách cẩn thận, nghệ thuật và đầy đủ để bảo tồn.

Suối Nguồn, số 11, tháng 7/2013