Trang chủ Diễn đàn Nhịp cầu độc giả Cầu nguyện phép màu đến với thầy Duy – ‘chiếc bình nứt’...

Cầu nguyện phép màu đến với thầy Duy – ‘chiếc bình nứt’ khát sống

252

Ai cũng mong muốn có một phép màu giúp Duy bật ngồi dậy và tiếp tục hành trình kì lạ của mình.

Hành trình “mỉm cười, bước tiếp”

Tháng 10-2011, cô Nguyễn Thị Bích Hồng (giảng viên khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH sư phạm TP.HCM) gửi email chia sẻ với tôi về một chàng lớp trưởng “chu đáo, hiền hậu, điềm tĩnh, không xuất hiện ồn ào như những thủ lĩnh khác”.

Cô còn kể, Duy từng khởi xướng và đứng ra tổ chức Câu lạc bộ Ngôi nhà trái tim để tạo cơ hội rèn luyện nghề nghiệp tương lai cho các bạn sinh viên khoa.

Cuối lá thư năm đó, cô Hồng viết: “Cô rất tiếc là sức khỏe suy sụp đã làm cho Duy hạn chế hoạt động trong mấy tháng gần đây. Rất thương em ấy đang phải chống chọi với bệnh tật, nhưng vẫn cố gắng giữ vững tinh thần, vẫn học tập và tiếp tục điều hành câu lạc bộ, với những dự định làm cho ra trò trước khi tốt nghiệp và bàn giao cho đàn em”.

Lúc đó, Duy phải điều trị cả “ổ bệnh” bệnh nguy hiểm: suy thận mãn giai đoạn cuối, lao phổi, suy tim, suy giảm thị lực và men gan cao nhưng vấn tràn đầy khát vọng sống. Mặc cho trước mắt mù mù, trong lớp học Duy vẫn rất sôi nổi khi thảo luận nhóm, giơ tay phát biểu hay phản biện.

Sau giờ học, Duy ra ngồi chờ ở trạm xe buýt trước cổng trường, hễ nghe tiếng xe buýt tấp vô là quay sang hỏi người xung quanh tuyến số mấy. Đến bảy lượt như thế, Duy đón được xe buýt ra đường Hàm Nghi (quận 1) để bấm huyệt chữa bệnh.

Có bữa Duy khiến cả khu nhà trọ nháo nhào cả lên khi bất chợt lịm đi vì cảm lạnh do chờ xe buýt quá lâu dưới trời mưa lúc quay về.

Từ một chàng trai nặng 62 kg, da dẻ hồng hào, đến lúc đó Duy chỉ còn 50kg, da sạm đen, có lúc còn bị hôn mê co giật cả chục ngày. Nhưng đến khi đôi mắt dần tối tăm, trong đầu Duy lóe lên ý nghĩ “biết bao nhiêu người mù cũng sống được, sao mình lại không”.

Và trong khi bạn bè làm như thể sắp nói lời vĩnh biệt thì Duy vẫn đều đặn đến lớp, vẫn giơ tay phát biểu, vẫn điều hành câu lạc bộ…cho đến những hôm thân xác rã rời và gục xuống bàn học giữa lớp lúc nào chẳng hay.

Bạn trầm ngâm: “Tuổi trẻ mà, ai cũng ấp ủ nhiều ước mơ, hoài bão. Nhiều lúc muốn làm cái này, cái kia nhưng bệnh tật cứ ngăn cản, bức bối lắm”. Dẫu vậy, những lúc đó Duy chỉ buồn “hai giây thôi” rồi “mỉm cười, bước tiếp”.

Duy luôn chú ý giúp các bạn trẻ nhìn cuộc đời qua lăng kính tích cực hơn, biết trân trọng và biến cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Có lẽ vì vậy mà Duy vẫn sống trong lúc nhiều người suy thận nặng như bạn đã sớm “đi xa”.

Chờ phép mầu thứ hai

Bẵng đi ít lâu, đến một ngày tôi biết tin Duy hoàn tất luận văn thạc sĩ tâm lý. Càng vui hơn khi thấy bạn hoạt động nghề nghiệp thật xông xáo: tham vấn tâm lý, hội thảo chuyên đề, huấn luyện kỹ năng…

Qua trang Facebook cá nhân có thể thấy, có khi buổi sáng bạn còn hoạt động ở quận 4 thì buổi chiều đã thấy hình ảnh của bạn ở ngoại thành, rồi tỉnh này tỉnh nọ triền miên.

Nhìn cách Duy làm việc như không hề biết mệt mỏi dù trong mình mang đủ thứ bệnh nặng, cho tôi cảm giác dường như bạn trẻ này cảm thấy quỹ thời gian mình có rất hữu hạn nên “sống” gấp đôi, gấp ba lần so với người khác.

Duy trong chuyến đi sinh hoạt kỹ năng

Hai năm trước, tôi gặp Duy và nghe Duy nói về sức khỏe: “Đôi mắt em đỡ hơn trước, nhưng chỉ nhìn thấy khối chứ không rõ đường nét, nên chỉ dám chạy xe thật chậm thôi. Em vẫn chạy thận đều đặn ba lần mỗi tuần, nhưng trước và sau mỗi lần chạy thận khó mà làm được gì vì rất mệt mỏi, đau đớn”.

Không hiểu bằng cách nào, tôi vẫn thấy Duy liên tục xuất hiện trong các hoạt động nghề nghiệp ở khắp nơi.

Duy chia sẻ, bởi vì cuộc sống có quá nhiều việc mà chuyên viên tâm lý cần làm chứ bản thân bạn cũng biết từ chối lắm. Và bạn đã chọn và ưu tiên làm chính là đến với người dân vùng khó khăn, trẻ mồ côi hay nhiễm HIV/AIDS, sinh viên học sinh thiếu kỹ năng sống…

Duy thường chia sẻ rằng mỗi người là một “chiếc bình nứt” với những vết bể, vết nứt, vết sẹo, vết thương…, nên mặc dù không mang được đầy nước về nhà nhưng lại tưới tắm để có được những cây hoa khoe sắc bên đường.

Những ngày này, bạn bè, đồng nghiệp đều cầu mong một phép màu nữa sẽ đến Duy để anh ấy tiếp tục hành trình của một “chiếc bình nứt” tích cực giữa đời.

Họ gọi đó là phép màu thứ hai bởi vì phép mầu thứ nhất đã có hiệu nghiệm suốt hơn tám năm qua là do chính “anh Hai” đã tự tạo ra từ hành trình “sống vui” của chính mình.

Theo TTO