Trang chủ Blog chùa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự lễ Phật thành đạo tại...

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự lễ Phật thành đạo tại chùa Pháp Minh

84

Quang lâm chứng minh tham dự có chư tôn đức giáo phẩm: HT. Thích Minh Thiện- Ủy viên HĐTSTƯ, Phó ban Hoằng pháp trung ương, Trưởng Ban trị sự GHPGVN tỉnh Long An; TT. Thích Thanh Phong- Trưởng Ban kinh tế tài chánh GHPGVN; HT. Thích Thiện Tâm- Phó Ban trị sự GHPGVN tỉnh Long An, HT. Thích Huệ Hồng – Phó Ban trị sự GHPGVN tỉnh Long An; HT. Thích Thiện Phúc- Trưởng Ban trị sự GHPGVN liên Huyện Đức Hòa- Đức Huệ, Trưởng Ban tổ chức Đại lễ; HT Thích Quảng Ý-Trưởng ban Trị sự GHPGVN liên huyện Tân Thạnh, Tx Kiến Tường, Vĩnh Hưng; ĐĐ Thích Lệ Trí-UV HĐTS, Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh Long An; TT Thích Tắc Phi-Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Bến Lức; ĐĐ Thích Lệ Tấn-Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN liên huyện Tân Thạnh, Tx Kiến Tường, Vĩnh Hưng, ĐĐ Thích Quảng Lâm- Ủy viên Ban Phật giáo Quốc tế TƯ GHPGVN, Phó Trưởng ban tổ chức đại lễ, cùng Chư tôn đức lãnh đạo các Ban trị sự huyện thị, Chư tôn đức trụ trì các  tự viện trong tỉnh, Tăng Ni sinh trường trung cấp Phật học Long An  và hơn 1000 Phật tử về tham dự.

Ban tổ chức hân hạnh được đón tiến Ông Trương Tấn Sang- Chủ tịch Nước CHXHCNVN; Bà Mai Thị Hạnh- Phu Nhân chủ tịch nước; quý vị trong phái đoàn; và các cấp lãnh đạo ban ngành đoàn thể tại huyện Đức Hòa, huyện Tân Thạnh tham dự.

Buổi lễ diễn ra trang nghiêm long trọng: mở đầu với nghi thức niệm Phật cầu gia hộ, phút tưởng niệm nhập từ bi quán, tưởng niệm đến Lịch đại tổ sư tiền bối hữu công, chư anh linh anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp Đạo pháp-Dân tộc, tuyên bố lý do nêu rõ: 

“Sáu năm tìm đạo chốn rừng già

Khổ hạnh ai bằng Đức Thích Ca

Chim hót trên vai, sương phủ áo

Hương kề dưới gối, tuyết đơm hoa

Thử hỏi ai tìm chân lý ấy

Bên bờ sông giác Đức Thích Ca”.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo dưới cội Bồ đề là một dấu ấn vĩ đại trong dòng lịch sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Chính sự thành đạo này, con đường giải thoát và giác ngộ được khai mở, nếp sống từ bi và trí tuệ được thiết lập, sự an lạc và giải thoát lan tỏa khắp nơi, thể hiện tính nhân bản và nhân văn sâu sắc.

Xuyên suốt hơn 25 thế kỷ qua, dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng giáo lý của Đức Phật vẫn sống mãi với thời gian, tỏ ngát hương thơm, luôn mang tính hòa bình và đem lại hạnh phúc thiết thực cho con người.

Vì thế, ngày 15/12/1999 tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 54, mục 174 của chương trình nghị sự Liên Hợp Quốc đã chính thức công nhận tổ chức Đại lễ Phật đản hay còn gọi là Đại lễ Tam hợp (kỷ niệm đức Phật Đản sinh, Thành đạo và Niết bàn) là Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc, và là ngày lễ hội văn hoá tôn giáo thế giới của Liên Hợp Quốc, được tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc và các trung tâm Liên Hợp Quốc ở các khu vực từ năm 2000.

Hôm nay, những người con Phật trên khắp hành tinh đang hân hoan đón mừng Đại Lễ Phật Thành Đạo lần thứ 2610, PL.2560 của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni. Hòa trong niềm vui ấy, được sự chỉ đạo của Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An, Ban Trị Sự GHPGVN liên huyện Đức Hòa-Đức Huệ phối kết hợp với Chùa Pháp Minh long trọng tổ chức Đại Lễ Phật Thành Đạo để bày tỏ lòng thành kính và tri ân đối với Đức Phật.

Tiếp theo HT. Thích Thiện Phúc-Trưởng ban Trị sự GHPGVN liên huyện Đức Hòa-Đức Huệ, Trưởng ban Tổ chức tuyên đọc diễn văn ý nghĩa Phật thành đạo lần thứ 2610. Nội dung diễn văn nhấn mạnh:

Đức Phật thành đạo dưới cội cây Bồ đề là một sự kiện vô cùng trọng đại. Sự kiện ấy là một móc son cho toàn thể Phật tử nói riêng và cho toàn thể nhân loại nói chung. Ngày nay những người con Phật khắp năm châu đang hướng về ngày đại lễ Phật Thành đạo, nhằm để bày tỏ tấm lòng tri ân đối với Đức Phật-Người đã thiết lập con đường giải thoát cho toàn thể chúng sinh. Hướng về ngày Đại lễ Phật Thành Đạo, thay mặt Ban tổ chức, chúng tôi xin trình bày đôi nét về ý nghĩa Phật Thành đạo để toàn thể chúng ta một lần nữa thấu hiểu con đường giác ngộ và giải thoát mà Đức Phật đã thiết lập cách đây hơn 25 thế kỷ. 

Vào ngày trăng tròn tháng 4 năm 624 trước Tây lịch, Vua Tịnh Phạn, hoàng hậu Ma Gia và nhân loại reo vui đón mừng Thái tử Tất Đạt Đa ra đời tại cội cây Vô Ưu vườn Lâm Tỳ Ni, kinh thành Ca Tỳ La Vệ thuộc cõi nước Ấn Độ (nay thuộc nước Nepal).

Nhận rõ bản chất khổ đau của cuộc sống nhân sinh với bao hận thù, bất công, mê muội…Thái tử đã từ bỏ đời sống xa hoa nhung lụa nơi cung son điện ngọc, từ giả quốc vương, thê tử và hoàng tộc thân yêu, từ bỏ tình riêng ra đi tìm con đường giải thoát đau khổ cho chúng sinh.

Trải qua 6 năm tu khổ hạnh nơi núi tuyết, rừng già đến mức thân chỉ còn da bọc xương, Ngài nhận ra rằng: thọ hưởng dục lạc quá mức sẽ làm cho tâm trí mê muội, khổ hạnh ép xác quá mức càng làm cho sức lực suy tàn, cả hai con đường tu tập này đều sai lạc. Sự giải thoát là chính nơi tâm thức chớ không phải tìm cầu bên ngoài.

Ngài đến dòng sông Ni liên thiền, bên cội cây Tất bát la (sau này gọi là cây bồ đề) ngồi thiền kiết già và lập nguyện: “Nếu không chứng ngộ được đạo quả giác ngộ giải thoát, dù tan xương nát thịt ta quyết không rời khỏi cội cây này”. Trong 49 ngày thiền quán, Ngài đã trải qua nhiều sự cám dỗ và đe dọa của nội ma lẫn ngoại ma.

Vào đêm thứ 49, khi sao mai vừa xuất hiện, tâm thức Ngài đi sâu vào thiền định, vượt thoát ý niệm hạn hữu về không gian và thời gian, tuệ giác ngời sáng vô biên, chứng ngộ chân lý tối thượng. Đại đạo viên thành, Ngài bắt đầu thuyết pháp độ sinh.

Mỗi mùa thành đạo là mỗi lần người con Phật lại lắng lòng thanh tịnh suy niệm về cuộc đời cao cả của Đức Phật, suy niệm về chân lý mà Ngài đã chứng ngộ và truyền dạy nhằm kiểm chứng việc thực hành chuyển hóa tâm thức, thăng hoa đời sống tâm linh và hạnh nguyện lợi tha của chính mình, để xứng đáng là người con Phật và bạn lành của tất cả chúng sinh.

Thế giới ngày nay được mệnh danh là văn minh, hiện đại, tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật, nhưng bạo lực, xung đột tôn giáo, sắc tộc,  các cuộc tấn công khủng bố, suy thoái đạo đức, sợ hãi, hận thù, tuyệt vọng….vẫn chi phối đời sống của con người và xã hội.

Giờ đây, chúng ta hãy cùng nhau suy nghiệm lại năm điều đạo đức mà Đức Phật đã dạy cách đây hơn 25 thế kỷ nhưng vẫn còn đậm nét nhân văn, xây dựng nền tảng đạo đức hòa bình cho nhân loại.

Điều đạo đức thứ nhất: Bảo vệ sự sống

Điều đạo đức thứ hai: Hạnh phúc chân thực

Điều đạo đức thứ ba: Tình thương đích thực

Điều đạo đức thứ tư: Lắng nghe và ái ngữ

Điều đạo đức thứ năm: Nuôi dưỡng và trị liệu

Năm điều đạo đức trên là con đường của hiểu biết và thương yêu đích thực có khả năng đưa tới trí tuệ, chuyển hóa và hạnh phúc cho bản thân và cho thế giới; có khả năng tháo bỏ mọi cuồng tín, cố chấp, kỳ thị, sợ hãi, hận thù và tuyệt vọng.

Hướng về ngày Đại lễ Phật thành đạo lần thứ 2610, tất cả chúng ta hãy nương theo lời dạy của Ngài mà chuyển hóa những đau khổ, gieo trồng hạt giống lành để ngay trong giây phút hiện tại chúng ta có thể gặt hái được hạnh phúc. Và tất cả chúng ta hãy cùng nhau truyền bá lời dạy của Đức Phật để chánh pháp ngày càng lan rộng và người người được an lạc, giải thoát.

Đúng vào lúc 9 giờ 30 phút  toàn thể hội chúng vinh dự được đón tiếp Chủ tịch nước về thăm chùa xưa.

Tại buổi lễ HT. Thích Minh Thiện đã trình bày một số hoạt động thành tựu tiêu biểu của Phật giáo tỉnh Long An cũng như GHPGVN trong năm 2015 lên Ngài chủ Tịch nghe để cùng hoan hỷ với hội chúng.

Qua báo cáo, Ngài Chủ tịch rất vui mừng với những thành tựu đã đạt được của GHPGVN nói chung và Phật giáo Long An nói riêng; Chủ Tịch ghi nhận những đóng góp của Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo tỉnh nhà. Ngài Mong muốn những năm tới Phật giáo tiếp tục phát huy tinh thần “hộ quốc an dân” để tích cực đóng góp cùng nhà nước bảo vệ và xây dựng đất nước ngày thêm văn minh giàu đẹp. Nhân dịp chuẩn bị đón tết cổ truyền Ngài kính chúc toàn thể Tăng, Ni, Phật tử tỉnh nhà nhiều sức khỏe vui vẻ và thành đạt.

Thay lời  chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà, HT. Thích Minh Thiện  đã có lời tri ân sự quang lâm tham dự của Ngài Chủ tịch nước. Đồng thời kính chúc sức khỏe đến Ngài và toàn thể thành viên trong đoàn nhiều sức khỏe và đón tết cổ truyền an khang- thịnh vượng.

Tiếp theo đó Chư tôn đức thực hiện  nghi thức cúng dường đại lễ Phật thành đạo, toàn thể hội chúng trì tụng Kinh Phước Đức, Kinh Thương Yêu và đảnh lễ Tam bảo.

Buổi lễ thành tựu tốt đẹp trong niềm hoan hỷ của tất cả mọi người.

Sau đây là hình ảnh chúng tôi ghi nhận: