Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Chùa Ba Vàng không nên thỉnh vong, chỉ nên giúp Phật tử...

Chùa Ba Vàng không nên thỉnh vong, chỉ nên giúp Phật tử sám hối để giải nghiệp

864

Theo giáo lý Phật Giáo, thực sự có hồn Ma báo oán không?

Trong văn học dân gian, chúng ta thường đọc, thường nghe rất nhiều về “hồn Ma báo oán”. Trong Kinh sách Phật Giáo cũng có nhiều câu chuyện về Ma Quỷ báo oán đối với những người có tiền khiên oan trái với họ.

Đã là tôn giáo, hầu như tôn giáo nào cũng nói đến sự tồn tại các dạng siêu nhiên mà sáu giác quan thường của con người không tiếp xúc được. Theo Phật Giáo, có 6 nẻo luân hồi : Trời, Người, Súc Sanh, A Tu La, Ngạ Quỷ, Địa Ngục. Vậy có 2 loại có thể theo báo oán con người, nếu người đó từng gây kết oan nghiệp với họ, đó là : A Tu La và Ngạ Quỷ.

Ví dụ : Câu chuyện Triệu Thố, trong Thủy Sám, theo báo oán 10 đời với Viên Án, người khiến Triệu Thố chết oan,  và kiếp thứ 10, hiện thành mụt nhọt mặt người hành hạ báo oán Ngộ Đạt Quốc Sư (tiền thân là Viên Án), câu chuyện “Đại bàng kim sí điểu, khoáng dã quỷ thần chúng” mà các chùa cúng thí thực mỗi ngày có câu chuyện : “Quỷ Tử Mẫu (S: Hriti, Há Lợi Đế) Hán dịch là “Ái tử mẫu”, quỷ mẹ của 500 quỷ con, là vợ của ác thần. Do sân hận phát lời thề độc ăn thịt trẻ sơ sinh trong thành Vương Xá, nên bị đọa thành Dược xoa, chuyên tìm giết hại trẻ con. Đức Phật muốn cảm hóa ác quỷ, dùng thần thông giấu mất đứa con mà Há Lợi Đế yêu quý nhất. Quỷ mẹ thương nhớ con than khóc thảm thiết, đến cầu Phật cứu giúp. Đức Phật dạy: “Bà có đến 500 con nay chỉ mất một đứa mà sao đau buồn, khổ não đến thế? Vậy những người mẹ ở thành Vương Xá mất con họ phải chịu đựng đau đớn, thương tiếc đến chừng nào?”. Quỷ Tử Mẫu nghe xong tỉnh ngộ, sám hối quyết dứt bỏ việc ác và xin phát nguyện bảo hộ phụ nữ sinh sản, hài nhi an lành.”

Không phải những Kinh Sách thuộc Phật Giáo Phát Triển (Bắc Truyền) mới nói đến Ma Quỷ mà ngay trong Kinh Sách của Phật Giáo Nguyên Thủy đề cập rất nhiều về thế giới Ngạ Quỷ.

Cho dù những người có trách nhiệm trong việc in Đại Tạng Kinh Việt Nam sắp tới muốn gạt bỏ ra “Ngạ Quỷ Sự” này đi nữa (đặt giả sử như vậy)  thì chúng ta vẫn có thể đọc được với văn hệ Pali, Anh Ngữ, Hán Ngữ,…. Có thể tham khảo Ngạ Quỷ Sự tại link :

https://www.budsas.org/uni/u-nga-quy/nga-quy00.htm

https://sites.google.com/site/tieubokinhtheravada/tap-ii—nga-quy-su

https://sites.google.com/site/tieubokinhtheravada/tap-ii—nga-quy-su-1

https://sites.google.com/site/tieubokinhtheravada/tap-ii—nga-quy-su-2

https://sites.google.com/site/tieubokinhtheravada/tap-ii—nga-quy-su-4

https://sites.google.com/site/tieubokinhtheravada/tap-ii—nga-quy-su-5

Ở trong đó có rất nhiều câu chuyện Ngạ Quỷ theo báo oán. Đó là sự thật xưa nay về Kinh Sách Phật Giáo, dù ai có chối cãi hay muốn bỏ đi theo ý chủ quan của mình cũng không được.

Chúng ta không dùng bóng Ma Quỷ để hù dọa cuộc sống con người nhưng mà cũng không thể đồng hóa Phật Giáo như là một bộ môn Đạo Đức Học, chỉ là tập hợp những lời dạy cho đời sống cho đạo đức, thánh thiện, không nên tin vào thế lực Ma Quỷ, Thần Thánh, Siêu Nhiên, hễ tin như vậy là mê tín dị đoan. Không phải gom hẹp Phật Giáo theo kiểu như vậy.

Sự thật bao giờ cũng là sự thật, không phải bóp méo sự thật theo ý chủ quan của mình hoặc theo ý của một nhóm người nào đó theo sở thích chủ quan hoặc phù hợp với những chủ thuyết thế gian nào đó.

Có những sự tồn tại của thế giới, của chúng sanh, của chủng loại, của siêu nhiên khác với con người và các giác quan thông thường chúng ta không thể tiếp cận được. Không thấy, không nghe, không tiếp cận được,… không có nghĩa là không có. Chính các Tôn Giáo giúp con người vươn từ cái hữu hạn đến cái vô hạn.

Phải cực kỳ thận trọng khi tổ chức pháp “Thỉnh oan gia, trái chủ”

Vấn đề nằm ở chỗ: anh không có phép thần thông, làm sao biết ai đang bị oan gia trái chủ phá phách, báo oánliệu cái pháp anh tổ chức làm ra đó có đủ thỏa mãn cho các oan gia trái chủ và khiến họ bỏ đi, không theo hành hạ đối tượng đó nữa không?

Theo Phật Giáo, một hiện tượng xảy ra, có nhiều loại nguyên nhân khác nhau, có khi đó là kết quả từ những nguyên nhân của quá khứ, có khi nó là kết quả của nguyên nhân trong hiện tại, có khi đó là kết quả của quy luật tự nhiên, vật lý, sinh hóa,…

Phật Giáo bao gồm tất cả, trong đó có khoa học, chứ không phải là “tâm linh suông”.

Ví dụ, về sức khỏe, đau bệnh triền miên hoặc tâm thần dật dờ lờ lãng, có thể nguyên nhân là nghiệp, oan gia trái chủ báo oán (đeo nhập, bám víu, phá phách,… như câu chuyện của “Đại bàng kim sí điểu”, Thủy Sám, Ngạ Quỷ Sự, hoặc Ngạ Quỷ cố gắng chui vào trong bụng Ngài Mục Kiền Liên để phá phách,…) nhưng cũng có thể là do các yếu tố sinh học “tinh cha, huyết mẹ” ADN, tế bào, di truyền, môi trường, thực phẩm, ví dụ : chúng ta cứ cho muỗi chích cắn thì dễ bị sốt rét, ăn đồ thiu thì dễ hư dạ dày và ói mửa, xem tivi, laptop, phone liên tục thì dễ hư mắt, không cẩn thận gần các người bệnh với các bệnh lây nhiễm thì sẽ bị lây bệnh,… hoặc tâm thần lờ lãng có thể là thiếu giáo dục tốt, thất bại, thất vọng và lo sợ, căng thẳng lâu ngày,…

Không phải bệnh hoạn nào của thân thể và tinh thần cũng quy kết vào nghiệp của quá khứ hoặc bị oan gia trái chủ báo oán.

Ngoài ra, đối với những bất hạnh xảy ra trong cuộc sống, chúng ta không có thần thông (túc mạng thông, thần túc thông,…) thì làm sao biết nguyên nhân từ đâu? Ví dụ có một người A bị người B cướp bóc, hãm hiếp, hành hạ, chúng ta cứ kết luận máy móc : do người A có oan trái và nợ người B từ tiền kiếp nên bây giờ phải trả. Kết luận này có thể đúng, có thể không đúng.

Nghiệp báo là một trong 4 điều bất khả tư nghì chứ không phải quy kết đơn giản như vậy. Ai biết là A đang trả nghiệp (đã từng gây trong quá khứ và giờ phải trả) hay là B tự động đến gây tạo nghiệp (A không nợ gì B hết, chính B đến gây nợ mới trong kiếp này).

Cứ lý luận máy móc như vậy dẫn tới tình trạng thiếu nhân văn, đạo đức: không thương và giúp cho nạn nhân (vì họ phải trả nợ cho công bẳng vậy thôi) và luật pháp để đâu, chẳng lẽ luật pháp không can thiệp à, ai muốn làm gì làm rồi đổ thừa : do người ấy nợ tôi, tôi đòi lại à?  Về nhân quyền : không ai được xúc phạm tổn hại ai vô lý, về nhân văn, nhân đạo : thương cho người đang bị khổ, gặp hoạn nạn, về pháp luật : không cho bất công, ngang trái xảy ra ( xét trong kiếp này), không thể giải thích suông suông máy móc mà phản lại 3 ý nghĩa : nhân quyền, nhân văn và pháp luật nêu trên và khiến cho xã hội rối loạn, mạnh được yếu thua, an ninh, trật tự, chân lý, công bằng, … làm sao bảo đảm.

Vậy nếu tổ chức Pháp “thỉnh oan gia trái chủ” mà không khéo (phương tiện thiện xảo), không đúng Pháp sẽ dẫn đến 5 hậu quả tai hại sau đây :

1/ Không biết ai oan gia trái chủ nhập vào phá, ai không bị, toàn là suy diễn và kết nạp lung tung: ai tự xưng là mình có thần thông, chứng minh xem nào? Nếu không có thần thông thì phán đoán sai và diễn dịch vô lý, phản giáo lý nhà Phật và khoa học thực tế.

2/ Chưa chắc gì bày pháp đàn giải oan gia đã có hiệu quả mà phải hao tốn : Mình và những người làm pháp đó có thanh tịnh không, có đạo lực không, có Bồ Đề Tâm vững vàng không, đủ sức để nói chuyện (thương thuyết, giao cảm) với Ma Quỷ, oan gia hay không? Nếu không hiệu quả thì bày pháp đàn ra tốn thời gian, công sức sắm sửa,… nhiều thứ.

3/ Có thể gây mê tín với lối giải thích tai hại, máy móc, tất cả quy kết 1 nguyên nhân là do oan gia trái chủ theo phá phách, như đã nói trên như vậy đi ngược với đạo lý, nhân quyền, nhân văn và pháp luật, toàn là bí hiểm mơ hồ, không ai biết, chỉ có mình biết. Đôi khi rất bất công và nguy hiểm, ví dụ, nghi ngờ người nào đó, đệ tử nào đó có Ma nhập vào, căn cơ không tốt vậy thì công việc hiện tại, vị trí, triển vọng tương lại họ như thế nào?

Việc này giống như kiểu Đường Cao Tông Lý Trị (có hoàng hậu là bà Võ Tắc Thiên), việc dân việc nước toàn tin vào ông Thầy Pháp và lập Pháp Đàn khiến cơ đồ càng suy yếu, gây nhiều oan khuất và sụp đổ.

4/ Nếu phổ biến rộng toàn quốc hoặc toàn thế giới (lập đàn giải oan tập thể) thì có thể gây lo lắng hoang mang trong lòng quần chúng và có những thành phần khác lợi dụng pháp thức đó để trục lợi : hễ ai bị cái gì, trục trặc kỷ thuật thế nào trong cuộc sống là cũng nghĩ đến do oan gia trái chủ theo phá, thật là một đáp số vạn năng, máy móc và buồn cười! Vậy họ gặp trở ngại gì về thân và tâm, thay vì nghĩ đến những giải pháp khác thực tế, khoa học và hiệu quả hơn, lại chỉ nghĩ về việc lo “đi cúng giải oan gia”.

Cái bệnh “tự kỷ ám thị” của con người rất lớn. Người tổ chức đàn lâu ngày ảo tưởng: mình có pháp lực thật và cứu thế độ nhân nhiều lắm, tự tin vào quyền năng của mình và pháp, đàn mình tổ chức, bệnh hoang tưởng. Còn quần chúng thì xôn xao cứ nghĩ là mình bị ma quỷ oan gia phá – có thể quá lo lắng, phòng xa và ảo giác tự hành hạ tiếp.

Trong cuốn sách “Con Đường thoát khổ” Ngài Rahula dạy: “Trước hết, Phật giáo không bi quan cũng không lạc quan. Có thể gọi Phật giáo là thực tiễn, vì Phật giáo có một quan điểm thực tiễn về nhân sinh và vũ trụ. Phật giáo nhìn sự vật một cách khách quan (yathàbhùtam).

Phật giáo không giả ru người vào trong một thiên đường của người ngu, cũng không làm người hãi hùng thất vía với đủ mọi thứ sợ hãi tưởng tượng và đủ mọi tội lỗi. Nó chỉ nói cho bạn biết một cách chân xác và khách quan bạn là gì và thế giới chung quanh bạn là gì, và chỉ cho bạn con đường đưa đến tự do hoàn toàn, thanh bình, an ổn và hạnh phúc.”

5/ Biến tướng sinh hoạt Phật Pháp : Hãy xem gương của Ngài Khổng Tử, Khổng Tử ít khi nói đến lợi, mệnh trời và nhân, không bao giờ bàn luận những chuyện quái dị, bạo lực, phản loạn, quỷ thần, Tử Lộ hỏi về việc tế lễ quỷ thần. Khổng Tử nói “Chưa biết phụng thờ con người làm sao có thể phụng thời quỷ thần ?“. Tử Lộ lại hỏi “Con mạnh dạn hỏi thầy về đạo lý của sự chết“. Khổng Tử nói “Chưa biết đạo lý của sự sống sao biết đạo lý của sự chết.

Bây giờ nếu phổ biến “đàn tràng giải oan gia trái chủ” tập thể ra, thế thì khắp các chùa, các nơi xôn xao cứ lo cái việc lo đi tổ chức, tham dự, hộ trì “đàn tràng giải oan”.

Bởi vì tâm lý con người số đông: ít chịu khó tu tập mà ham thích dựa dẫm năng lực siêu nhiêu, chuyển dữ làm lành, mang đến lợi lạc kiết tường nhanh chóng. Vậy liệu các đàn tràng: bát quan trai giới, thập thiện, khóa tu an lạc hấp dẫn người đến tu tập hơn hay là “đàn tràng giải oan” vạn năng kia hấp dẫn quần chúng nhiều hơn? Chúng ta hãy xem sinh hoạt Phật Pháp thời Đức Phật: có bao nhiêu đàn tràng giải oan gia trái chủ tập thể do Phật và những vị Thánh Đệ Tử của Ngài tổ chức?

Vậy chú trọng của Phật Giáo là nhân quả, nghiệp báo, giáo lý, đạo lý, tích cực chủ động tu chuyển nghiệp : “ta là kẻ thừa tự của nghiệp và là chủ nhân của nghiệp” chứ không phải là tổ chức nhiều đàn tràng với pháp thuật siêu hình. Đức Phật đã từng dạy Ngài Mục Kiền Liên và các đệ tử dùng giáo lý, giáo hóa độ sinh và hạn chế thi triển thần thông, lấy đó làm pháp độ sinh.

Thực tế xưa nay đã có ai tổ chức kiểu : “Thỉnh oan gia trái chủ” chưa?

Thực sự là có, dù tôi không muốn nói ra điều này, nhưng sự thực là như vậy, nhưng xảy ra lẻ tẻ với những căn cơ lẻ tẻ, đặc biệt, chứ không phải với đàn tràng cả hàng ngàn người tham gia với một kiểu oan trái nợ nần.

Ví dụ : đâu đó vẫn còn có việc “lên đồng lên bóng”, có việc phong thủy “phạm mả phạm mồ”, có việc xin oan hồn cõi âm đừng nhập vào người cõi dương nữa mà hãy tách ra ở nơi thờ phượng, cúng tế cho người cõi dương được an ổn, có việc cúng “đại bàng kim sí điểu”, thí thực, cúng vong, bạt độ, chẩn tế cô hồn,….

Nếu vậy, theo Phật Giáo, làm sao có thể hóa giải được oan gia trái chủ?

Suy cho cùng, trừ các bậc Thánh với nguyện lực vào đời ra, ai mà tránh khỏi lầm lỡ gây nghiệp xấu và kết oán với oan gia trái chủ từ những kiếp trước.

Phật Giáo dạy các hành giả thực hành các Pháp Sám Hối, nếu tiền khiên oan báo đến báo oán theo quanh quẩn mà thấy người đó sống tốt đẹp, lo sám hối, có chư Phật Bồ Tát chứng minh, dắt dìu trên đường sáng thì họ có thể tha thứ hoặc là chưa có cơ hội  báo oán, trả thù (như trường hợp của Triệu Thố phải đợi 10 kiếp mới báo thù Viên Án, Ngộ Đạt Quốc Sư).

Về mặt tâm lý, chẳng hạn ai đó hại chúng ta mà sau đó họ thay đổi ngược lại hắn (180 độ), sống tốt, làm lợi cho dân, cho nước, cho mọi người và có nhiều bậc hiền Thánh quây quần xung quanh, chúng ta sẽ tự nhủ : “đã ở trong cuộc sống này, ai mà tránh khỏi lỗi lầm, quan trọng là họ đã biết sám hối, ăn năn hối cả, sống tốt và sống có lợi ích, bây giờ ta báo oán họ làm gì, thôi thì để họ lấy công chuộc tội, họ làm ích lợi cho đất nước, cho mọi người và có bao nhiêu hiền Thánh, người tốt, quỹ đạo tốt xung quanh họ, họ sẽ đi theo đường tốt thôi, không như ngày xưa nữa, tha thứ cho họ vẫn tốt hơn”.

Chứ nếu tiền khiên oan báo mà theo dõi đối tượng, thấy đối tượng vẫn tiếp tục xấu xa, hại bao nhiêu người khác, chúng sanh khác thì họ càng muốn báo oán là đúng rồi.

Kinh Phổ môn dạy, Bồ Tát Quan Thế Âm có 12 nguyện trong đó có nguyện rằng : “Nammô hàng tà matrừ yêu quái Quan Âm Như-Lai năng trừ nguy hiểm”.

Nên nhớ rằng Ma có 4 loại Ma, trong đó có Tâm Ma, phiền não ma, nếu phiền não Ma không khởi thì ngoại Ma khó xâm nhập và phá được. 49 ngày đêm dưới cội Bồ Đề, Bồ Tát Tất Đạt Đa đã hàng phục các loại Ma vương vì Ngài không còn Tâm Ma, chỉ có một Tâm Bồ Đề sắt son với Đạo.

Vậy thì hành giả niệm Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn, niệm Quan Thế Âm, niệm Chú Đại Bi, Chú Chuần Đề và Thập Chú, tụng Kinh Dược Sư, Phổ Môn, … nếu thành tâm thì chư Phật Bồ Tát, Thánh Thần giao cảm gia hộ, những nghiệp xấu ác qua được thì đã qua được rồi còn những nghiệp nào không thể qua được phải trả thì ắt phải trả vậy.

Chúng ta nên nhớ trong “tam bất năng” (3 điều Đức Phật không thể làm được) có “nghiệp lực bất khả cứu”, Đức Phật Thích Ca muốn cứu dòng họ Thích thoát khỏi họa diệt chủng bởi Lưu Ly Vương và đã cố gắng đi khuyên giải 3 lần mà rốt cuộc có cứu được đâu?

Thực ra : 2 Kỳ Sám Hối mỗi tháng, Lễ Vu Lan, Mông Sơn Thí Thực, Chẩn Tế Cô Hồn đã là Pháp “thỉnh oan gia trái chủ” rồi, còn bày thêm làm chi nữa? “Thỉnh” ở đây có nghĩa là thỉnh đến tại đàn tràng đó mà nghe, thấy, chứng kiến mà cảm thông mà hóa giải cho nhau chứ không phải rước về nhà mình. Với bài kệ :

“Chúng con vốn tạo các vọng nghiệp,

Đều do vô thỉ tham, sân, si.

Từ thân miệng ý phát sinh ra.

Đệ tử thảy đều xin sám hối.”

“Hoặc đời này của con, hoặc đời trước của con, con từ vô thỉ sanh tử nhẫn đến nay gây phạm các điều tội lỗi, hoặc tự mình làm hoặc bảo người làm, hoặc thấy người làm mình vui mừng theo.

……

Năm tội vô gián, hoặc tự mình làm, hoặc bảo người làm, hoặc thấy người làm mình vui mừng theo.

Mười điều bất thiện, hoặc tự mình phạm, hoặc bảo người phạm, hoặc thấy người phạm mình vui mừng theo.

Bao nhiêu tội chướng của con gây tạo ra, hoặc có che giấu hoặc không che giấu, đáng đoạ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cùng các ác thú khác, đoạ vào chốn biên địa, hạng hạ tiện, kẻ ác kiến.

Những tội chướng đáng bị đoạ vào các nơi khổ báo như thế, nay con đều sám hối.”

Sám hối bày tỏ như vậy, nếu có oan gia trái chủ đi theo thì họ đã nghe rồi. Nếu e sợ họ vẫn chưa nghe chưa hiểu được, thì trong các Khóa Sám Hối nếu thêm câu :

“Kính mong các vị oan gia trái chủ vì tôi mê mờ, phiền não mà gây bao oan nghiệp, đau khổ đến quý vị xin quý vị hãy niệm tình hỷ xả cho, chúng ta không kết oán nghiệp lâu dài để gây khổ cho nhau, oan gia nên mở chứ không nên ràng buộc mãi, việc tôi đã lầm lỡ xin cúi đầu sám hối, quý vị khư khư chấp nê mà quanh quẩn mịt mờ thêm đau khổ. Nguyện quý vị hướng về nẻo sáng Phật Tổ dắt dìu, được an lạc, thăng hoa, hạnh phúc, giải thoát”.

Ở tại đàn tràng Sám Hối mỗi tháng 2 lần, ai mà cấm cản vị chủ Lễ Kỳ Nguyện, Phục Nguyện như thế? Ai mà cấm cản mỗi hành giả tâm niệm như thế? Chẳng lẽ Thủy Sám, Hồng Danh Sám Hối, Lương Hoàng Sám, Kinh Vạn Phật, Ngũ Bách Danh, hồng danh Quan Thế Âm, Thập Chú,… mà không đủ năng lực hóa giải, còn phải đợi một bí pháp đặc biệt do một vị Tổ Sư mới sáng chế ra nữa hay sao?

Về Nghi Lễ, Phật không dạy như vậy mà nhiều vị Tổ Sư thông minh, sáng tạo, sáng chế nhiều quá theo suy nghĩ chủ quan của mình, xuất phát với thiện tâm cứu nhân độ thế nhưng mà hầu hết chúng ta dùng thế gian trí (trí thông minh bộ não, thế gian) chứ chưa phải trí tuệ mà làm vị Tổ sáng chế nghi lễ thì dễ sinh ra phản ứng phụ, hậu quả tai hại.

Cho nên Ban Nghi Lễ và Ban Văn Hóa Trung Ương Giáo Hội phải cùng nhau thảo luận cho thật kỹ và thống nhất sử dụng những Nghi Lễ nào bao hàm về Lý và Sự, Tánh và Tướng, dĩ huyễn độ huyễn, dĩ huyễn độ chơn, hành các Pháp nghi Lễ làm sao đó để đúng với tinh thần Phật Giáo, an tâm, lợi lạc, chuyển nghiệp chúng sanh, hướng đến tốt Đạo, đẹp Đời, thăng hoa, hạnh phúc, giải thoát, pháp giới chúng sanh hàm triêm lợi lạc.

Để kết luận tôi muốn mượn ý 2 câu trong Kinh Kim Cang :

“Phàm cái gì có hình tướng đều là hư vọng”

Tất cả các pháp hữu vi
Như bóng, bọt nước có gì khác đâu
Như sương, như điện lóe mau
Hãy xem như giấc chiêm bao mơ màng
”.

Thích Đồng Trí – Chùa Giác Ngộ, Saigon, 25/03/2019