Trang chủ Thời đại Truyền thông Chùa Hội Sơn bị cháy: Truyền hình An Viên đưa còn yếu...

Chùa Hội Sơn bị cháy: Truyền hình An Viên đưa còn yếu về nghiệp vụ báo chí?

206

Nghe tin chùa Hội Sơn, một ngôi chùa cổ 300 năm ở TPHCM bị hỏa hoạn, dù đã biết từ trước, chúng tôi vẫn chờ đợi qua bản tin Ngày An Viên của Truyền hình An Viên mong được biết thông tin chi tiết, vì Ngày An Viên là chương trình tin tức mà phần lớn là tin tư Phật giáo.

Tuy nhiên, chúng tôi đã hết sức thất vọng, vì Ngày An Viên đưa tin về sự kiện cháy chùa Hội Sơn không khác gì mấy so với các phương tiện thông tin đại chúng khác. Tin chùa Hội Sơn cháy trên Ngày An Viên vẫn tương đối ngắn, khá sơ lược, không đáp ứng được mối quan tâm của Tăng Ni Phật tử trước sự việc một ngôi chùa cổ đã 300 năm có nhiều tượng quý như thế bị hỏa hoạn.

Với nghiệp vụ báo chí, dưới mắt của người làm truyền hình Phật giáo, sự kiện một ngôi chùa 300 năm tuổi bị cháy là một sự kiện báo chí hết sức quan trọng, cần phải thông thật chi tiết.

Việc thông tin này không chỉ nhằm mục đích đáp ứng được sự quan tâm của Tăng Ni Phật tử đối với sự việc, mà còn có nhiều tác động khác, như cảnh báo về nguy cơ hỏa hoạn đối với các chùa, ghi nhận về việc phòng cháy chữa cháy ở chùa, bài học kinh nghiệm qua việc chữa cháy tại chỗ và chữa cháy của lực lượng chuyên nghiệp đối với ngôi chùa bị cháy đang được đưa tin, sơ bộ về công tác điều tra đối với nguyên nhân  cháy, so sánh với những trường hợp cháy chùa trước đây, nhất là các chùa cổ, lưu ý về những điều cần thiết trong việc phòng cháy chữa cháy đối với chùa chiền, nhất là chùa cổ, có giá trị lịch sử.

Rất tiếc, là xem bản tin về việc chùa Hội Sơn bị cháy trên chương trình Ngày An Viên người xem thấy không khác với các bản tin có nội dung tương tự được đưa trên các kênh truyền hình khác là mấy.

Khán giả chỉ được biết rằng chùa cháy, thời gian cháy, một số chi tiết liên quan đến vụ cháy, một số hình ảnh về thiệt hại, cảnh sát phong tỏa hiện trường để điều tra vụ cháy…

Theo chúng tôi, trước một sự kiện như thế đối với Phật giáo, chương trình Ngày An Viên phải dành sự quan tâm đặc biệt, thông tin chi tiết, tường tận về nhiều mặt liên quan đến sự kiện, nêu bật cảnh báo về việc cháy chùa, làm sao để các chùa quan tâm nhiều hơn đến việc phòng cháy chữa cháy, sao cho hiện tượng cháy chùa được hạn chế triệt để.

Chúng tôi nghĩ rằng, với nghiệp vụ báo chí vững vàng, nhà báo không thể bỏ qua một sự kiện báo chí, không thể có những đánh giá không đúng mức về một sự kiện báo chí, không thể có sự thể hiện thông tin, phản ánh không phù hợp với tầm vóc của một sự kiện báo chí quan trọng.

Cháy chùa cổ Hội Sơn, 300 năm tuổi, đối với Phật giáo Việt Nam là một sự kiện báo chí hết sức quan trọng. Vì vậy, thiết nghĩ, kênh truyền hình An Viên cần trở lại sự kiện báo chí này nhiều lần bằng nhiều hình thức khác nhau.

Cháy chùa, nhất là chùa cổ đã nhiều lần diễn ra, và thực sự là một nỗi lo thường trực. Nó đã từng diễn ra ở Hàn Quốc, là hậu quả gắn liền với quá trình cải đạo của xã hội Hàn Quốc sang đạo Tin Lành. Bây giờ, tại Việt Nam ta tại sao hàng năm cứ nghe tin chùa cháy, từ Bắc vào Nam, mà chưa nghe cơ sở tôn giáo nào khác bị cháy, dù rằng họ vẫn thường xuyên đốt đèn nến trong nội thất để tế lễ? Thật là có nhiều vấn đề để nói.

Tôi mong rằng Truyền hình An Viên trở lại với sự kiện báo chí quan trọng là chùa cổ Hội Sơn bị cháy, đi vào chi tiết, xem xét nhiều mặt. Dưới đây là một số đề nghị cụ thể:

       – Sưu tầm, đưa những hình ảnh chùa Hội Sơn trước khi bị cháy.

      – Phỏng vấn chư tôn đức, các nhà nghiên cứu lịch sử, tôn giáo học, dân tộc học, Tăng Ni Phật tử chùa, quan chức ngành bảo tàng, quan chức chính quyền địa phương về giá trị lịch sử của ngôi chùa, đặc trưng kiến trúc ngôi chùa, quá trình kiến tạo ngôi chùa, các cổ vật quý trong chùa…

– Đưa tin chi tiết hơn về sự kiện chùa bị hỏa hoạn. Phỏng vấn Tăng Ni Phật tử, người dân có mặt tại chùa và chung quanh chùa vào thời điểm hỏa hoạn, diễn tiến, nỗ lực việc chữa cháy.

Đánh giá sơ bộ thiệt hại.

     – Phỏng vấn những cán bộ chiến sĩ chỉ huy và tham gia trực tiếp vào việc chữa cháy, đánh giá tình hình vụ cháy từ cơ quan chuyên môn, kết quả sơ bộ về việc điều tra nguyên nhân vụ cháy.

      – Cảnh báo về nguy cơ cháy chùa, nhất là các chùa cổ, để thúc đẩy Tăng Ni Phật tử quan tâm nhiều hơn đối với việc phòng cháy chữa cháy, kể cả đề phòng nguy cơ phá hoại.

Trang tin Phattuvietnam.net nhiều lần đưa tin về việc cháy chùa và nhiều lần cảnh báo những nguy cơ có thể qua việc liên hệ chuỗi sự kiện chùa ở Hàn Quốc bị đốt vào thời điểm cải đạo nóng bỏng. Những chùa cổ Hàn Quốc đều đã cháy vì những nguyên nhân bí hiểm thường không thể tìm ra được. Những chùa bị cháy là những chùa đều hàng vài trăm năm tuổi, có giá trị lịch sử, với những hiện vật bị cháy là những bảo vật vừa có giá trị lớn về mặt tinh thần, biểu tượng cho truyền thống hàng ngàn năm Phật giáo Triều Tiên, vừa có giá trị lớn như là những món đồ cổ tính giá trị bằng tiền hết sức lớn lao. Chùa cổ bị cháy là Phật giáo chịu ngay những thiệt hại lớn lao, không thể bù đắp được.

Ý nghĩa đáng lưu ý của nó là chỗ tác động tiêu hủy những giá trị truyền thống của Phật giáo, bôi xóa mối liên hệ của Phật giáo với lịch sử, tiêu hủy những cái mà chỉ Phật giáo mới có, những tôn giáo hiện đại mới truyền vào không thể có.

Cho nên, dù kết quả điều tra nguyên nhân vụ cháy là như thế nào, Tăng Ni Phật tử Việt Nam phải hết sức cảnh giác trước nguy cơ cháy chùa, nhất là chùa cổ, chùa mới nhưng có những cổ vật có giá trị lịch sử.

Các cơ quan đơn vị truyền thông Phật giáo, các trang mạng Phật giáo cần lưu ý, đánh động, thường xuyên cảnh báo về nguy cơ cháy chùa, nhất là chùa cổ. Sự việc xảy ra thì nên thông tin ở mức độ chi tiết như là một trường hợp cảnh báo, để lấy đó mà đề phòng. Một chương trình truyền thông Phật giáo, nhưng lại thông tin về sự kiện cháy chùa cổ chỉ ở mức một kênh truyền hình hay một tờ báo bình thường là điều đáng tiếc.

Tin trên báo Tuổi Trẻ, thứ năm 19/7/2012, có đưa một chi tiết rất đáng chú ý: “nhiều người trong chùa hoảng loạn dùng nước dập lửa. Nhưng do cúp điện, không thể bơm nước lên được nên việc chữa cháy hết sức khó khăn”. Tại sao lại cậy vào điện để bơm nước chữa cháy, trong khi cúp điện khu vực cháy là điều đương nhiên diễn ra khi có cháy? Không lẽ chùa cổ bằng gỗ mà không có bình chữa cháy?

Bên cạnh đó, tin trên Ngày An Viên cho biết trước khi cháy chùa bị mất điện trong khi chung quanh vẫn có điện. Tại sao? Nó có liên hệ gì đến việc không thể bơm nước chữa cháy?

Đây là một chi tiết quan trọng mà truyền thông Phật giáo cần điều tra để làm sáng tỏ, để lấy đó làm kinh nghiệm cho việc phòng cháy chữa cháy chung cho tất cả các ngôi chùa, nhất là các chùa gỗ, dễ cháy.

Phê bình và đề nghị như trên đối với chương trình Ngày An Viên có thể là một yêu cầu cao. Nhưng dưới mắt của một người tu hạnh hộ pháp, thấy một ngôi chùa cổ bị cháy, tôi vô cùng đau xót, không thể không lên tiếng.

Xin hãy thông cảm, chia sẻ và cố gắng vì công việc chung, góp tay bảo vệ những di sản vô giá của Phật giáo Việt Nam.

MT