Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Nam Thiên: Cõi Thiền giữa chốn Đại ngàn

Chùa Nam Thiên: Cõi Thiền giữa chốn Đại ngàn

291

 

TÌM LẠI DẤU XƯA


Từ trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột đi về phía Bắc, dọc theo Quốc lộ 14 khoảng 7km, thuộc thôn Đạt Lý, xã Hoà Thuận, TP.Buôn Ma Thuột, ở đó du khách sẽ bắt gặp mái chùa Nam Thiên thấp thoáng ẩn hiện dưới bóng những tán cây cổ thụ cao vút. Vào khuôn viên chùa, bạn nhẹ nhàng thả bước trên những lối đi nhỏ uốn quanh, tắm mát trong không khí bình yên của hoa cỏ và chiêm bái những tôn tượng Phật nghiêm tịnh.

 


Chùa Nam Thiên vào những năm 1957, trước khi Đại trùng tu


 

Theo Đại đức trụ trì Thích Giác An, chùa Nam Thiên có từ năm 1957, do đồng bào dân tộc kinh di dân lên vùng Tây Nguyên Đắk Lắk lập nghiệp khởi dựng. Ban đầu, chùa chỉ là một thảo am nhỏ, chánh diện xây bằng gạch vửa, mái lợp tôn làm nơi tu tập của cư dân địa phương trong vùng. Lúc bấy giờ, chùa do cử Ban Hộ tự quản lý, trông coi hương khói. Năm 1981, sau khi ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam được thống nhất mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đắk Lắk được thành lập, chùa Nam Thiên được công nhận là cơ sở trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đến năm 2005, bổn tự và Ban Hộ tự chùa Nam Thiên cung thỉnh ĐĐ.Thích Giác An. đệ tử xuất gia của HT.Thích Minh Nghĩa, viện chủ Tổ đình Giác Nguyên (quận 4, TP.Hồ Chí Minh) về trú trì, hướng dẫn Phật tử tu tập. Đây cũng là niềm khát khao của cư dân địa phương và bổn đạo Phật tử chùa Nam Thiên lúc bấy giờ! Cũng trong thời gian này, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đắk Lắk quyết định bổ nhiệm Đại đức Thích Giác An đảm nhận trụ trì chùa Nam Thiên cho đến ngày nay.

 


Chùa Nam Thiên sau khi Đại trùng tu từ khi ĐĐ. Thích Giác An về trụ trì.

 

Đầu năm 2010, được sự sách tấn của Hòa thượng bổn sư Thích Minh Nghĩa cũng như sự trợ duyên, đồng thuận của BTS Phật giáo và chính quyền tỉnh Đắk Lắk, Đại đức Giác An phát nguyện đại trùng tu toàn bộ ngôi chùa. Có thể nói, chùa Nam Thiên sau khi đại trùng tu sẽ là một trong những ngôi chùa đẹp và hoành tráng nhất Việt Nam nói chung và là một trong những cơ sở  Phật giáo lớn của tỉnh nhà. Cho đến nay, công tác xây dựng vẫn đang trên mật độ hoàn thiện, dự kiến sẽ tổ chức khánh thành vào ngày 29 tháng 2 năm Đinh Dậu (nhằm ngày 26/ 3/ 2017.

 

Mùa Vu Lan – Báo Hiếu PL 2560 (2016), Đại đức Thích Giác An tổ chức An vị Phật tại ngôi Chánh điện đã được đại trùng tu. Buổi lễ Hô thần – An vị Phật được sự chứng minh của chư tôn giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPGVN, Chư tôn giáo phẩm lãnh đạo các cấp Giáo hội cùng hàng ngàn Phật tử tham dự.

 


Chư tôn giáo phẩm lãnh đạo các cấp Giáo Hội PGVN tham dự lễ động thổ Đại trùng tu chùa Nam Thiên



 Chư tôn giáo phẩm quang lâm tham dự lễ An Vị Phật chùa Nam Thiên



Tượng Phật Thích Ca tôn trí trong Đại Hùng Bảo Điện được đúc bằng đồng nặng hơn 6 tấn



Đại đức Thích Giác An, trụ trì chùa Nam Thiên chụp ảnh trồng cây lưu niệm cùng ông Hoàng Cao Tánh,Cục trưởng Cục P88

 

MÁI ẤM TÂM LINH XỨ ĐẠI NGÀN


Trong kiến trúc chùa tháp Phật giáo, cái đẹp không chỉ được bộc lộ qua chân lý sâu xa mà còn là một cái gì rất thật, rất gần gũi với văn hóa của một dân tộc và đời sống tâm linh của con người. Chùa Nam Thiên, với mái cong vút trên nền trời xanh mây trắng, hòa quyện vào cảnh quan thiên nhiên của xứ cao nguyên đại ngàn tạo nên vẻ đặc trưng cho nét kiến trúc chùa tháp Phật giáo Việt Nam.

 

 

 

 

 

Nếu có dịp đi trên Quốc lộ 14 ghé chân đến chùa Nam Thiên, du khách như được mở ra cả không gian để khám phá nét hài hòa giữa vẻ đẹp thiên tạo và nhân tạo. Nhờ nhãn quan của một người am hiểu kiến trúc như thầy Giác An, theo thời gian chùa Nam Thiên dần hiện lên những công trình kiến trúc chuẩn mực. Dù mới tạo dựng nhưng kiến trúc chùa Nam Thiên mang vẻ cổ kính theo phong cách những ngôi chùa thiền thời Lý – Trần.

 

Khi xây dựng ngôi chùa này, vị thầy trụ trì muốn cho bổn đạo, bổn tự cũng như du khách thập phương cảm nhận sự bình an, tĩnh lặng khi đến chùa. Các pho tượng được tôn trí trong khuôn viên chùa hầu hết đều làm bằng xi-măng, mang một phong cách độc đáo. Qua những tác phẩm điêu khắc này ta có thể hiểu được cảnh sinh hoạt và đời sống của chư Tăng và Phật tử trong chùa, không khí trang nghiêm của ngôi thiền tự và nếp sống tu hành chân chính của ngôi chùa này.

 

Quần thể kiến trúc chùa Nam Thiên được thiết kế theo hình chữ “Điền” trên diện tích gần 10.000m2. Đầu tiên là cổng tam quan mang mô-típ kiến trúc Huế, gồm bốn trụ biểu, 2 trụ lớn và 2 trụ nhỏ tạo nên “tam quan” cao gần 20m. Mặt trước bốn trụ khắc 4 câu đối bằng chữ Quốc ngữ do Đại đức trụ trì sáng tác. Hai câu đối hai bên cổng chính đề: “Nam Hải mênh mông rải giọt nước từ bi hiển lộ pháp thân tan nẻo tốiThiên Thai vời vợi soi mặt trời trí tuệ rạng ngời Phật tính dứt đường mê”Hai câu hai bên cổng phụ đề cập đến đạo hiệu của người đại trùng tu chùa Nam Thiên: “Giác ngộ giữa vô thường rõ thấu nhân duyên từng phút từng giây tĩnh tại vững vàng cùng chánh niệm. An nhiên trong biến dịch tỏ thông giả hợp mọi nơi mọi chốn thảnh thơi thường trụ với chân tâm”

 

 

 

 

Bước vào cổng tam quan là hoa viên rộng khoảng 2.000m2, bao quanh hoa viên tôn trí 18 pho tượng La-hán làm bằng xi-măng sơn son thếp vàng, mỗi pho tượng cao khoảng 210cm. Chính giữa hoa viên tôn trí tượng Phật A Di Đà cao gần 14m, đúc bằng xi-măng sơn son thếp vàng. Bên trái hoa viên là hồ sen hình bán nguyệt, đường trên hồ tôn trí tượng Bồ-tát Quán Thế Âm cao khoảng 3m, được đúc bằng xi-măng sơn trắng. Qua hoa viên là chùa chính. Chùa chính được xây trên diện tích khoảng 4.000m2, bao gồm 3 tầng. Tầng trệt dùng làm trai đường, tầng 2 là nhà thờ tổ và cũng là giảng đường và tầng trên cùng là chánh điện. Từ hoa viên dẫn vào chùa chính qua các bậc tam cấp, hai bên là 2 hồ nước trồng sen, mỗi hồ có diện tích khoảng 100m2, quanh năm sen nở thơm ngát. Chánh điện có diện tích khoảng 800m2, bên trong tôn trí pho tượng Phật Thích Ca mâu Ni đúc bằng đồng nặng khoảng 6 tấn, tả hữu tôn trí 2 pho tượng Bồ-tát Văn Thù và Bồ-tát Phổ Hiền được đúc bằng đồng, mỗi pho tượng nặng khoảng 2 tấn. Trên nóc chánh điện là những bích họa trang trí tạo thêm mỹ quan và tôn nghiêm của cõi Phật đường. 

 

Phía sau chùa chính là Tăng xá, nhà trù. Bên trái là phòng khách, phía sau phòng khách là khu trà thất. Trà thất là nếp nhà xây 1 trệt 1 lầu, tầng trệt là nhà nghỉ của phương trượng, tầng trên là trà thất – nơi uống trà, đàm đạo và tọa thiền. Phía trước có khoảnh sân riêng, tạo nên một hoa viên cho khu trà thất này. Bên phải chùa chính là nếp nhà sàn bằng gỗ mang kiểu dáng nhà sàn Tây Nguyên, mái lợp ngói. Nhà sàn làm nơi ở cho chư Tăng trong chùa.

 

Với đồ án quy hoạch tổng thể đó, có thể nói chùa Nam Thiên sẽ là một trong những trung tâm tu học lớn của khu vực Tây Nguyên Trung Phần và là điểm hành hương đầy ý nghĩa cho du khách trong và ngoài nước. “Khi khoác áo cà-sa tôi luôn tâm niệm phải học đạo, tu tâm theo lời Phật dạy. Nhưng hành đạo không có nghĩa chỉ tu cho bản thân mình, mà phải đem cái tâm “Hỷ” trải lòng trên niềm vui của nhân sinh, đem cái tâm “Từ” để giáo hoá những ai còn nặng nghiệp chướng, tai ương. Xây dựng Tam bảo, thiết lập đạo tràng cũng chỉ nhằm hướng đến bản nguyện độ sanh, đó cũng là bản nguyện của người xuất gia…” – Đại đức Giác An chia sẻ.

 

Lúc trời trong xanh hay trăng tròn soi bóng, mái chùa cong vươn nhẹ nhàng như “Ngư long vờn nguyệt”, tạo cảm giác thư thái, tĩnh mịch cho người vãn cảnh. Đứng trên tầng chánh điện nhìn xuống, du khách có thể buông tầm mắt ngắm nhìn hoa viên trước sân. Những hàng cây cổ thụ xanh um và các khu vườn tiểu cảnh làm cho ngôi chùa đẹp như một bức tranh phong cảnh sống động.

 

Để có những giây phút thật thư thái dạo trên con đường nhỏ đầy hoa cỏ, thả tâm hồn vào hư vô cõi Phật hay ngắm nhìn phố núi từ trên cao, du khách đã đến Đắk Lắk hẳn không thể bỏ qua chùa Nam Thiên, ngôi chùa mới xây nhưng vẫn rất hoài cổ với màu nâu ấm áp của gỗ, của đất… chờ mỗi bước chân qua.

 

Một ngày ở chùa Nam Thiên là một ngày được sống trọn vẹn trong niềm an lạc của sự tĩnh lặng; một thế giới của sự tĩnh lặng bình yên. Mọi sự nhiễu nhương của cuộc đời, cái giới hạn bởi không gian và thời gian dường như tan biến, để thay vào đó là sự thanh tịnh, yên bình. Về với chùa Nam Thiên là tìm về chính mình; nơi đây con người được yêu thương và sẻ chia, được sống cùng với thiên nhiên và nguồn cội, nhất là khi được thắp lên ngọn nến của tuệ giác… Tuệ giác là nguồn khai sáng và đạo diễn cho cuộc đời hướng về giá trị của an vui và hạnh phúc, nơi nào được thắp sáng bằng tuệ giác nơi đó có hạnh phúc, có tình thương và hoà bình.