Trang chủ Diễn đàn Chùa Phổ Giác: Trùng tu hay xây mới?

Chùa Phổ Giác: Trùng tu hay xây mới?

92

Chiều 25-11, chúng tôi tìm đến chùa Phổ Giác (thuộc phường Văn Miếu, quận Đống Đa) tìm hiểu thực trạng. Trừ tam quan mái vòm xếp bằng đá, tượng voi phục ngay trước cổng, hai tháp, chỗ ngự của tượng Phật Quan Âm, một phần nhà Tổ, nhà khách còn nguyên, toàn bộ phần chùa chính và nhà Mẫu phần sau bên trái chùa được dỡ bỏ. Tượng Phật trong chùa hiện ngự tạm tại phần nhà Tổ và gian nhà bên tay trái chùa từ cổng vào.

Sư trụ trì chùa Phổ Giác – Thích Đàm Tường cho hay: “Chùa vốn làm bằng xi măng cốt thép, mái lợp ngói sông Cầu, nay sụt xuống và dột nát. Các vãi đến chùa thấy tình trạng đó đã phản ánh với phường. Chúng tôi làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng, nay được phép xây dựng lại chùa với kiến trúc tám mái, cột gỗ. Ngày 23-11 khởi công”. Phần vật liệu dỡ từ chùa đa phần là gạch, vôi vữa mục nát, nay được tận dụng trải móng.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, lần trùng tu gần đây nhất năm 1951, chùa giữ nguyên hiện trạng cho tới lúc được phá bỏ. Sư trụ trì Thích Đàm Tường vừa nói vừa chỉ tận nơi: “Phần mái, xà đều được làm từ xi măng cốt thép, cửa sổ cũng toàn vữa vẫn còn đây. Trên nóc chùa có biển chùa Phổ Giác, không hề đủ đấu cái, đấu con như kiến trúc cổ. Còn nữa, năm ngoái nhà Mẫu sập, chúng tôi phải chờ đến năm nay mới tiến hành xây dựng cùng chùa chính được”. Phần nhà Tổ mái ngói xô lệch cũng được duyệt thi công trong đợt này.

Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Nguyễn Thế Hùng giải thích: “Phần kiến trúc chùa Phổ Giác rất tạm bợ, vì kèo bằng sắt thép, chùa được xây vào thời kỳ cực kỳ khó khăn. Chùa không có giá trị gì về kiến trúc, được công nhận di tích quốc gia do cơ quan chức năng thấy cần thiết phải bảo tồn các pho tượng, chuông, bia và một số hiện vật của chùa.

Cho nên xây mới, nghĩa là bỏ đi phần xấu xí, chắp vá, giữ lại tượng cổ, hiện vật lịch sử văn hóa. Bộ VHTTDL đồng ý đề xuất của Sở, thay thế kiến trúc cũ bằng kiến trúc truyền thống phù hợp”.

Theo người giữ chùa Phổ Giác, nhà chùa vẫn giữ lại một số bia cổ, hoành phi, câu đối trong đó đặc biệt là bia Cảnh Hưng năm thứ ba.

Phần thiết kế và thi công được giao cho Công ty Cổ phần xây dựng và phục chế công trình văn hóa. Dự kiến, đến cuối năm dựng xong phần cột gỗ, giữa năm sau hoàn thành chùa.

Từ tháng 10-2008, công ty này lại được ủy quyền làm bản đánh giá hiện trạng chùa Phổ Giác, trong đó có nêu: Đặc biệt là ngôi Tam Bảo, ngôi nhà Tổ, ngôi nhà Mẫu, toàn bộ mái ngói bị xô lệch nghiêm trọng, dột nát nhiều chỗ, tường xung quanh cũng xuống cấp nghiêm trọng, nứt nhiều chỗ. Toàn bộ hệ khung và bệ mái cũng mối mọt, xuống cấp nghiêm trọng.

Chùa Phổ Giác xây mới dựa trên nguyên tắc: Bố cục mặt bằng phù hợp với phong cách truyền thống của chùa Việt Nam, đảm bảo mật độ công trình phù hợp. Vật liệu sử dụng phải đảm bảo truyền thống: gỗ lim, gạch Bát Tràng cổ, ngói mũi hài, đá xanh Thanh Hóa. Vật liệu kết dính thông thường có thể sử dụng xi măng, riêng phần đắp trát phục cổ dùng vữa truyền thống theo quy định.

Chùa Phổ Giác, hay còn gọi chùa Tàu – do là nơi huấn luyện voi ngày xưa – vốn nằm tại phường Phục Cổ (phía đông Hồ Gươm). Chùa chuyển về Ngô Sĩ Liên từ năm 1886, khi thực dân Pháp lấy đất xây tòa Đốc lý và Ngân hàng Đông Dương. Bên cạnh thờ Phật, chùa còn thờ ông Phan Cảnh Điệp, người có tài huấn luyện voi thời vua Lê – chúa Trịnh.