Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Trường Thọ – ngôi chùa cổ bên dòng sông Dinh

Chùa Trường Thọ – ngôi chùa cổ bên dòng sông Dinh

204

Chùa Trường Thọ tọa lạc tại Thôn 3, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa – quê tôi.

Bình thường bình thường thôi
Bạn ơi quê hương tôi
Cùng núi giăng mây cùng lúa xanh đôi bờ.
Và một dòng sông nước đầy với sớm tối…

Ôi con sông Dinh (Huỳnh Phước Liên)

Trên chuyến xe buýt Quyết Thắng tuyến Nha Trang – Vạn Ninh, sáng nay, đã đưa chúng tôi từ thành phố biển Nha Trang về thăm quê hương Ninh Hòa – thăm ngôi chùa cổ trên 220 tuổi bên bờ sông Dinh thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Quê hương là gì hở mẹ?

Mà cô giáo dạy phải yêu

Quê hương là gì hở mẹ?

Ai đi xa cũng nhớ nhiều

Chùa Trường Thọ còn gọi là Hiệp Trường Thọ hay chùa Cát, tọa lạc tại thôn 3, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Chùa do Tổ Phật Kế Hoằng Kim khai sơn vào thời Vua Cảnh Hưng (1740-1786). Một ngôi chùa cổ trên 220 tuổi, đã luôn luôn đồng hành cùng người dân Ninh hòa trong mọi hoàn cảnh.

Long vị Tổ trên bàn thở Tổ khai sơn cho ta biết, Tổ gốc ở chùa Vạn Thiện, Diên Khánh. Sau khi thọ pháp với tổ Thiệt Vinh là một vị cao tăng thời bấy giờ ở phủ Diên Khánh, Ngài Hoằng Kim xin thầy vân du hành đạo khắp nơi trong vùng. Ðến phủ Bình Khang (tức Ninh Hòa ngày nay) Ngài đứng bên bờ sông Dinh cắm tích trượng bên hữu ngạn đầy cát trắng, lập ra thảo am tu thân và hành đạo. Ðó chính là ngôi chùa Trường Thọ đầu tiên được sáng lập, vì thế mà người dân quen gọi chùa với cái tên thân thiện chùa Cát.

Chùa còn có tên là Hiệp Trường Thọ, vì  hợp 3 chùa lại thành một. Trên 220 năm về trước, ngay tại khu chợ Mới, thuộc quần thể chợ Dinh, Ninh Hoà ngày nay, có vị Hoà thượng đến lập ngôi chùa. Sau đó Hòa Thượng viên tịch,  rồi chùa bị  sập đổ, Phật tử đem Phật tượng, pháp bảo của chùa này nhập chung  thờ tại chùa Trường Thọ.

Chùa hiện có nhiều di vật cổ như: Đại hồng chung, pho tượng Hộ pháp, bảng hiệu chùa bằng chũ Hán chạm, khắc trên gỗ, một tấm bia gỗ khắc chũ Hán, một cây xiên bằng gỗ có khắc hàng chữ: “Tự Đức Nhâm Ngọ niên đồng trùng tạo” tức là niên hiệu Tự Đúc, năm Nhâm Ngọ (1882) trùng tu chùa. 

Căn cứ những dòng chữ khắc trên Đai hồng chung cổ tại chùa đã cung cấp cho chúng ta: “Đinh Mão niên trọng hạ nguyệt cốc nhật. Bình Hòa phủ, Tân Định huyện, Trung tổng, Toàn Thạnh xã, (丁 卯 年 仲 夏 月 穀 日 平 和 府 新 定 縣中 總 全 盛 社) Trường Thọ tự, Trụ trì Tăng pháp danh Phật Kế thượng Hoằng hạ Kim, trai chứng thiền đạo hiệp thập phương thiện nhân tín cúng chú tạo hồng chung (長 壽 寺 住 持 僧 法 名   計 上 下 金 齋 證 禪 道合 十 方 善 人 信 供 註 造 鴻 鐘)” Có nghĩa là: Năm Đinh Mão (1807), tháng năm, mùa hạ, ngày tốt. Tại chùa Trường Thọ, xã Toàn Thạnh, tổng Trung, huyện Tân Định, phủ Bình Hòa, vị Tăng Trụ trì pháp danh Phật Kế tự Hoằng Kim, lập trai đàng cầu nguyện cùng thập phương thiện tín cúng dường đúc Đại hồng chung. Như vậy, Tổ Khai sơn chùa Trường Thọ chính là vị Trụ trì đúc Đại hồng chung.

Đặc biệt, chùa có thờ pho tượng Hộ pháp được tạc bằng đá, cao 1m80 mặc áo giáp giống như một võ tướng. Tượng được an vị tại chùa từ năm nào không ai biết rõ. Theo truyền thuyết, tượng được tìm thấy ở vùng Lệ Cam, bị chôn vùi dưới cát. Nghe tin ngài ở dó, nhiều xã cử người đến thỉnh nhưng không xã nào thỉnh được.

Sau cùng, xã Toàn Thạnh (sau này là Mỹ Hiệp) với một số ít người thành tâm cầu nguyện, lại được ngài hộ Pháp cho phép thỉnh về chùa Trường Thọ thờ. Vùng Lệ Cam thời đó là một cửa biển ghe thuyền ra vào thường xuyên. Người ta cho rằng pho tượng Hộ Pháp được thỉnh từ Tàu sang do một số thương thuyền đến buôn bán với phủ Bình Hòa (Ninh Hòa).

Các thương thuyền này thường ghé lại chùa Trường Thọ vì chùa gần bờ sông để những người trên thuyền lễ Phật, cầu nguyện an lành. Chính những người đi buôn đã chở tượng Hộ pháp từ bên Tàu sang để cúng dường cho chùa, nên khi bị thất lạc chỉ có người của chùa Trường Thọ mới thỉnh được Ngài về.

Sau trên 220 năm khai kiến và phát triển, Chùa Trường Thọ đã bị vết thời gian hư hoại theo quy luật thành trụ hoại không. Chùa đã được trùng tu nhiều lần.

– Trùng tu năm 1882, thời Tự Đức, các dấu tích còn lại như sau: Một bảng tên chùa bằng chũ Hán khắc trên gỗ, Một tấm bia gỗ có khắc chũ Hán, Một cây xiên bằng gỗ có khắc dòng chũ: “Tự Đức Nhâm Ngọ niên (1882), bổn xã đồng trùng tạo”

– Trùng tu năm 1944: Đây là thành tựu của phong trào chấn hưng Phật giáo huyện Ninh Hòa do Hòa thượng Thích Quảng Đức chứng minh.

– Trùng tu năm 1992: Do Đại đức Thích Chơn Thiện khởi xướng. Đại đức Thích Chơn Thiện Trụ trì chùa trong những năm 1983-1988. Đầu năm 1988 Đại đức được phép xuất cảnh. Giữa năm 1991, Đại đức gởi tiền về cho Ban Hộ tự trùng tu theo dự án: Sửa lại mái chánh điện và làm mới tiền đường.

Tuy đã được trùng tu nhiều lần song do điều kiện kinh tế trước đây nên xây dựng chưa đáp ứng với nhu cầu Phật sự, vì thế sáng ngày 07-3-2010 Thượng tọa Trụ trì Thích Ngộ Trí đã tổ chức lễ đặt đá khởi công đại trùng tu chùa Trường Thọ. Quang lâm Chứng minh có Hòa thượng Thích Thiện Bình – Phó Thư ký HĐCM, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa và  Chư tôn đức Tăng, Ni, đại biểu chính quyền cùng đông đảo Phật tử tham dự.

Sau gần hai năm xây dựng, công tác đại trùng tu chùa Trường Thọ đã hòan thành viên mãn gồm: CồngTam quan, chánh điện, nhà Tổ, đài Quan Âm, đài Hộ Pháp, nhà Tăng, nhà khách, nhà trù, lớp học tình thương và các công trình phụ…

Trong hai ngày 20-21.8.2011 (tức 21-22.7.Tân Mão) Hòa thượng Thích Ngộ Trí – Trụ trì đã long trọng tổ chức Lễ Khánh tạ Lạc thành nhằm thù ân Tam bảo, chư Lịch đại Tổ sư và liệt vị tiền bối cầu nguyện quốc thái dân an, đăng đàn chẩn tế bạc độ âm linh, chiến sĩ trận vong, đòng bào tử nạn, cầu âm siêu dương thái, dưới sự chứng minh của chư tôn đức tăng ni BTS GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, BTS GHPGVN huyện Ninh Hòa và đại biểu chính quyền địa phương…

Chùa Trường Thọ, bên bờ sông Dinh, phạm vũ huy hoàng, trang nghiêm tú lệ, xứng tầm vói ngôi chùa cổ trên 220 năm, không chỉ là nơi chư Tăng, phật tử lễ bái và tu học mà còn trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân thị xã Ninh Hòa. 

Về thăm chùa Trường Thọ vào những ngày cuối đông Giáp Ngọ, tiết trời se lạnh, nhưng vào trong chùa trở nên ấm hẳn. Hôm nay, không chỉ có HT.Thích Ngộ Trí trụ trì mà Đại đức Thích Nguyên Hoa, nguyên trụ trì chùa sắc tứ Thiên Bửu (thượng) cũng về trú xứ tại đây và Đại đức Thích Nhuận Tính sau khi học xong Trung cấp Phật Học Khánh Hòa cũng đã trở về chùa hầu Thầy, chăm sóc  Thầy tuổi cao sức yếu.

Trao đổi với Thầy Nhuận Tính, Thầy chia sẻ năm nay, mảnh vườn sau sạch của chùa đang được chăm sóc tốt với bàn tay cần mẫn của quý Thầy. Tết Ất Mùi chùa Trường Thọ sẽ có nhiều rau xanh cải, tàn ô, xà lách…Vườn cây cảnh của chùa cũng đang được vun bón chuẩn bị đón Xuân. Tết đến, Xuân về vạn vật hồi sinh, cây cối đâm chồi nảy lộc. Cửa chùa Trường Thọ luôn mở rộng đón chào thập phương phật tử đi chùa lễ Phật đầu năm,   hứa hẹn một năm mới Ất Mùi vạn sự  an lành, vô lượng kiết tường như ý. 

Thật đúng là:

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của Tổ tông

 

Và nói như Nhạc sĩ Huỳnh Phước Liên:

Bình thường bình thường thôi như bao dòng sông trôi.
Nhưng nếu tôi xa dòng nước xanh quê nhà
Là trọn đời tôi sẽ nghèo đi nỗi nhớ
Như con sông phơi bãi cát hoang cằn khô

Trí Bửu – Ngày về quê Mẹ – Tháng 01/2015