Trang chủ Bài nổi bật Cùng chung tay xóa “rác” trên không gian mạng

Cùng chung tay xóa “rác” trên không gian mạng

202
Ảnh minh họa

Tôi nhớ cách đây khoảng 6 tháng, khi sang hàng xóm, bà cụ 70 tuổi, hễ rỗi là dán mắt vào điện thoại để xem YouTube về cách chữa bệnh. Hết phương pháp ăn gạo lứt để chữa bách bệnh, đến khen “thần y” Võ Hoàng Yên chữa bệnh giỏi. Sùng đến mức, bà bắt con trai mua vé máy bay vào Nam hy vọng gặp thần y chữa bệnh xương, khớp.


Việc tin các video phát trên hệ thống YouTube nói riêng, không gian mạng nói chung như bà cũng là tình trạng chung của nhiều người dùng mạng xã hội hiện nay. Ngay đến trường hợp ông Võ Hoàng Yên, mệnh danh “thần y” chữa bách bệnh như câm, điếc được phát trên mạng, tôi cũng đã phải tranh cãi “nảy lửa” với người thân trong nhà. Nếu chữa được các bệnh nan y bằng phương pháp thủ công mà giới y khoa tân tiến của thế giới chưa làm được thì đã nhận được giải Nobel y khoa.

Nói điều này để thấy rằng, trong thời đại công nghệ thông tin, rất nhiều cá nhân, tổ chức đã biết lợi dụng sự tiện ích của không gian mạng cho việc “kinh doanh”. Ngoại trừ bán hàng online, Live Stream trên Facebook, thì hiện đang xuất hiện trào lưu dựng kênh YouTube cho riêng mình.

Ảnh minh họa

Ngoài những kênh phục vụ cho mưu đồ chính trị, tổng hợp những tin nóng, sốt trong ngày, những vấn đề được người dùng mạng quan tâm như quốc phòng, an ninh… là rất nhiều kênh liên quan đến chữa bệnh bằng phương pháp Đông Y (y học cổ truyền), những bài thuốc chữa bệnh hiệu quả, những sản phẩm thuốc gia truyền uy tín. Nói ngắn gọn, nếu bị bệnh chỉ mở mạng ra thì chắc chẳng cần phải đến bệnh viện.

Sự “ngọt hóa” bằng những lời nói có cánh, những “người thật, việc thật” đã chữa khỏi bệnh được dàn dựng để đưa lên hệ thống không gian mạng đã làm “say mê” biết bao người dân và kết quả là họ thu về rất nhiều tiền. Những năm qua, cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính, thậm chí truy tố những “thầy thuốc Đông Y” dởm trên không gian mạng là minh chứng sống động.

Công nghệ thông tin, kỷ nguyên số trên không gian mạng xét cho cùng là phục vụ con người. Nên việc phát triển các loại hình thông tin (mạng xã hội, các kênh cá nhân như YouTube) phục vụ nhu cầu thông tin và kể cả kinh doanh là chuyện hết sức bình thường. Điều mà người dân cần lúc này là công tác hậu kiểm ra sao để lọc ra được những thông tin, những kênh chính thống. Ngoài cơ quan công an, và ngành Thông tin- Truyền thông, thì phải có sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành liên đới.

Ví dụ, khi xuất hiện những thông tin, video Clip, kênh YouTube phát trên không gian mạng liên quan đến quảng cáo, giới thiệu các bài thuốc chữa bệnh; các ông thầy lang giới thiệu chữa bệnh… thì cơ quan chức năng là ngành Y tế (Sở, Bộ) phải vào cuộc kiểm tra. Xét thấy không đúng bên cạnh việc xử phạt còn đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước có biện pháp dừng hoạt động ngay.

Có làm như vậy, chúng ta mới làm lành mạnh hóa không gian mạng; người dân đặc biệt là những nhóm người già (biết sử dụng điện thoại thông minh) và giới trẻ không bị “u mê” bởi các kênh thông tin không đúng sự thật trên mạng. Lợi nhuận chảy vào túi các nhà mạng, các công ty, không ít người dân “vô tình” mất cả tiền, mất cả niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp!


H.Phạm/LDTD