Trang chủ PGVN Cửa thiền Chuyện cảm động của NS Đàm Lan

Chuyện cảm động của NS Đàm Lan

87

Niềm tự hào là một cá nhân được vinh danh trong số cả triệu người sống ở thủ đô không khiến sư thầy hài lòng với những gì mình đã làm.

Trong những năm qua, có biết bao nhiêu con người khốn khổ, bao nhiêu đứa trẻ bị bỏ rơi đã được sư thầy cứu vớt cuộc đời. Nhưng sư thầy buồn một điều, dù xã hội ngày càng phát triển, ngày càng giàu có nhưng có rất nhiều số phận rơi vào cảnh bi đát, rất nhiều đứa trẻ bị cha mẹ vứt bỏ không thương tiếc. Có lẽ, trong số 10 người được nhận danh hiệu cao quý, những câu chuyện của vị sư thầy khiến cho nhiều người cảm thấy xót xa, đau nhói nhất.

sư thầy Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề (Gia Lâm-Hà Nội)
Sư thầy Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề (Gia Lâm-Hà Nội)

Trích ngang cuộc đời vị sư thầy nhân hậu.

Có lẽ, thời điểm này, không chỉ là người dân thủ đô mà rất nhiều người khác sống ở những vùng miền Nam, Bắc của Tổ quốc đều biết đến vị sư thầy này. Sư thầy thường xuất hiện trên báo đài với những hình ảnh, câu chuyện về ngôi nhà tình thương của mình được xây dựng ngay trong khuôn viên của chùa Bồ Đề. Chẳng phải đến khi được cánh truyền thông quan tâm, sư thầy mới làm công việc này, trước khi bài báo đầu tiên viết về sư thầy, cả chục năm trước, đã có rất nhiều người tìm được cuộc sống ở ngôi chùa bình yên này.

Tiếng thơm cứ thế lan rộng trong nhân gian, càng ngày, càng có nhiều người biết đến chùa Bồ Đề, biết đến sư thầy Thích Đàm Lan và biết đến những con người đau khổ gửi gắm thân phận nơi đây.

Chẳng mấy khi sư thầy kể về cuộc đời của mình, có chăng, đó chỉ là những lời nói vắn tắt hết sức sơ lược. Sư thầy sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em. Cha mẹ sư thầy trước kia đều là người tham gia Cách mạng. Lớn lên, duy chỉ có người anh cả là xung phong nhập ngũ, còn tất cả những người em bên dưới đều tìm đến cửa Phật gắn bó cả cuộc đời.

Khi đến tuổi thiếu nữ, sư thầy Thích Đàm Lan đã khiến nhiều người trong gia đình, làng xã bất ngờ khi tìm đến chùa Bồ Đề để tu hành. Có nhiều người lúc đó còn cho rằng đó là sự dại dột, vì trước mắt sư thầy lúc đó là cả một tương lai dài rộng của cuộc đời. Nhưng nhân duyên đã đưa cô gái trẻ đến với cửa Phật, đến với ngôi chùa Bồ Đề một cách tự nguyện. Ngày đầu tiên khi đến chùa, khi đó, Bồ Đề là một ngôi chùa nhỏ nằm bên cạnh bờ sông Hồng phía Gia Lâm, cây cối um tùm, chẳng mấy khi có người đến thắp hương, thăm viếng.

Những ngày đầu tiên sống ở chùa, đôi lúc, sư thầy cảm thấy cuộc sống thật quá phẳng lặng. Nhưng càng sống lâu, sư thầy càng cảm thấy cuộc sống nơi đây thật bình yên, tránh xa được những xô bồ của xã hội, của những mưu toan lợi lộc trong sự sinh tồn của con người.

Ngày tháng cứ thế trôi đi, chứng kiến bao nhiêu sự thay đổi của thành phố, của đất nước, sư thầy cũng bắt tay vào việc tôn tạo lại ngôi chùa Bồ Đề cho khang trang hơn. Cùng với những Phật tử xung quanh chặt từng bụi cây, xếp lại từng viên gạch lát sân… dần dần chùa Bồ Đề trở nên thoáng đãng, sạch đẹp và từ đó, ngày càng có nhiều Phật tử ở tứ phương kéo đến.

Dần dần, tiềng lành đồn xa, chùa Bồ Đề càng ngày càng được nhiều người biết đến. Suốt từ khi là một cô gái tuổi 16 đến chùa, cho đến bây giờ khi đã bước qua nửa bên kia của cuộc đời, chứng kiến bao nhiêu cảnh đổi thay, sư thầy Đàm Lan hiểu rằng, quyết định nương nhờ cửa Phật của sư thầy là một việc làm chính xác. Có thể sư thầy không như những người phụ nữ khác hạnh phúc với thú đoàn viên bên gia đình, nhưng sư thầy lại cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn với cuộc sống ở trong chùa, được hưởng sự bình yên dưới cửa Phật.

Nhưng có lẽ điều khiến sư thầy cảm thấy hạnh phúc nhất là ở đây, sư thầy có thể được làm những công việc để giúp ích cho đời. Bao nhiêu năm nay, sư thầy Đàm Lan sống ở chùa Bồ Đề là bấy nhiêu năm nơi đây trở thành chốn bình yên cho những số phận đau khổ tìm đến để tìm lại cuộc sống bình yên và hạnh phúc.

Câu chuyện và những kỷ niệm buồn tê tái

Những câu chuyện của sư thầy Đàm Lan về ngôi chùa Bồ Đề rất nhiều, đã có biết bao sự đổi thay, sự xoay vần, cũng đã có biết bao nhiêu người phụ nữ đau khổ, đứa trẻ bị bỏ rơi đến rồi đi từ nơi đây. Bắt đầu câu chuyện của mình về những con người đã đến nơi đây, sư thầy kể một kỷ niệm cách đây đã gần hai mươi năm. Đó là vào một ngày trời mưa tầm tã vào tháng 8. Khi đó, chùa Bồ Đề chỉ có sư thầy Đàm Lan và một vị sư cô. Trời hôm đó mưa suốt từ chiều kéo đến tối nên ở chùa không có ai qua lại. Cũng như mọi người, sau khi đã dọn dẹp xong xuôi, sư thầy lui vào phòng để nghỉ.

Tiếng mưa như trút nước xuống mái nhà rồi nền sân khiến cho không gian trở nên ồn ào, nhức nhối. Khi nằm xuống giường để chuẩn bị đi ngủ, bỗng nhiên, sư thầy Đàm Lan nghe thấy tiếng khóc của  trẻ con khóc văng vẳng từ phía cổng chùa. Tiếng khóc đó cứ chập chờn vì bị lấn át bởi tiếng nước mưa nên lúc đó, sư thầy cho rằng đó chỉ là ảo giác. Nhưng ngay sau đó, tiếng khóc lại xé toang âm thanh của trận mưa to gió lớn, dội vào đôi tai của sư thầy. Nghĩ rằng, rất có thể phía ngoài có trẻ nhỏ, sư thầy cùng với vị sư cô cùng đội mưa đi ra phía cổng chùa.

Khi ra đến cổng, cả hai người đã hết sức bàng hoàng với cảnh tượng, một đứa trẻ chừng hơn 1 tháng tuổi được quấn bằng mấy chiếc áo của người lớn được đặt trong một chiếc rổ sụt cạp. Nước mưa khiến cho người bé ướt đẫm và khi sư thầy đi ra đến nơi, đứa bé này đã không còn khóc được nữa. Hơi thở của bé đã yếu dần, hình như nó đã kiệt sức sau những tiếng khóc xé lòng lúc trước để cầu cứu.

Đưa thật nhanh đứa trẻ vào trong chùa, sư thầy cùng sư cô cả đêm hôm đó đã vật lộn với số phận để níu kéo cuộc sống cho đứa bé tội nghiệp này. Thật may mắn khi ông trời đã không tàn nhẫn lấy đi cuộc sống của đứa trẻ xấu số, được sự chăm sóc nó trở hồng hào trở lại. Nó lại khóc vì quá đói. Trong chùa lúc đó chẳng có sữa bột hay một thứ gì đó để cho đứa trẻ ăn được, sư thầy phải pha nước đường rồi bảo sư cô xuống bếp nấu cháo rồi lấy nước loãng cho bé ăn đỡ đói rồi sáng mai đi mua sữa sau.

Vậy là đứa trẻ đã được cứu sống một cách kỳ diệu nhờ vào đôi tay của sư thầy Đàm Lan và vị sư cô. Nó đã vượt qua được trận mưa giông khắc nghiệt, chiến thắng được số phận để níu giữ cuộc sống lại với đời. Rồi thời gian trôi đi, đứa bé này dần lớn lên, nó được đến trường học tập như bao đứa trẻ khác trong sự lo lắng của sư thầy. Tuy nhiên, cũng sau khi đứa trẻ này đến với chùa Bồ Đề thì tiếp sau đó cũng có bao nhiêu đứa trẻ khác tìm đến đây như một sự an bài về số phận.

Đứa trẻ thứ 2 đến với ngôi chùa Bồ Đề cũng là một kỷ niệm hết sức nhói lòng mà sư thầy Đàm Lan không bao giờ có thể quên được. Dạo đó, trong một ngày mùa đông cách đây đã rất lâu, sáng hôm đó, sư thầy phải đi chợ để chuẩn bị cho ngày rằm. Sáng dậy sớm đi bộ ra khu chợ cách chùa đến vài cây số, khi đi ra đến khu vực bờ đê đoạn gần chân cầu Chương Dương bây giờ, sư thầy bỗng nghe thấy như thể có tiếng khóc trẻ nhỏ dưới vệ đê. Tiếng khóc đó cứ chập chờn xuất hiện bên tai, nhưng sư thầy bán tín bán nghi. Nhưng càng đến gần, tiếng khóc của đứa trẻ càng trở nên rõ ràng hơn.

Lúc đó, sư thầy biết chắc là có đứa trẻ bị bỏ rơi, ngay lập tức, sư thầy xuống vệ đê để xem thực hư. Quả đúng như những gì đã nghĩ, trước mắt sư thầy là một đứa trẻ đỏ hỏn vừa mới lọt lòng được quấn tạm bằng chiếc tã xô mỏng manh. Da dẻ của nó đã tím ngắt bởi tiết trời rét căm căm giữa đông. Sư thầy vội vàng lấy chiếc khăn mình đang quàng trên cổ để quấn cho đứa trẻ rồi ngay lập tức bế về chùa để chăm sóc…

Điều đau xót hơn là phía bên trong đứa trẻ này còn có một mảnh giấy nhỏ ghi dòng chữ: “Mẹ xin lỗi con vì đẻ ra lại không nuôi được. Nếu có ai nhặt được cháu xin hãy cứu sống nó… Người mẹ tội lỗi xin cảm ơn”. Đó là tất cả những gì là hành trang của đứa bé này khi đến chùa Bồ Đề.

(Kỳ 2: Những câu chuyện cảm động của người được nhận danh hiệu Công dân Thủ đô )