Trang chủ Văn học Chuyện liêu trai trong kinh điển Pàli

Chuyện liêu trai trong kinh điển Pàli

Có sống thì có lầm lỗi. Tội khổ trầm luân nằm ngay chỗ đó. Cái quý là mỗi người nên tự có một tư lương cho những dặm đời mù mịt, và chánh pháp luôn là ánh sao mai dẫn đường cho những người lạc lối nhưng vẫn còn niềm tin vào cái thiện trên đời. Dù gì hiền thánh ba đời cũng là những tấm gương cho đời sau ghé mắt trong từng ngày còn trôi nổi trên biển trầm luân. Đáng suy gẫm lắm thay!

571

Một đêm mùa đông, ngồi đọc ngang bài kinh Hemavatasutta (Kinh Tuyết Sơn) số 9 của Kinh Tập (Suttanipàta), phần thứ 5 của Tiểu Bộ Kinh, tôi tò mò tìm vào Chú Sớ xem rõ ngọn ngành. Ô hay, đó là câu chuyện về hai vị đại lực quỷ vương trong Tuyết Sơn, tiền thân là hai bậc long tượng trong tăng-già thời Phật Ca-Diếp. Tôi nghe một cảm giác lạ đi qua lòng mình, không phải vì sợ, mà là chút gì ngậm ngùi, bồi hồi.

Theo chú sớ của Suttanipàta, trong thời mạt pháp của Thế-Tôn Ca-Diếp, tức khi Phật đã viên tịch từ lâu, có hai vị trưởng lão nổi tiếng thạc đức, bác học. Trăm sự trong tăng chúng đều nhờ đến sự chỉ điểm phân giải của các ngài. Rồi thì một hôm trong tăng chúng có xảy ra chuyện cãi cọ giữa hai vị tỷ kheo. Chuyện mỗi lúc một trở nên nghiêm trọng, đến mức cả hai không còn muốn nhìn mặt nhau. Kinh ghi rằng một trong hai vị là tỷ kheo hiền thiện, và vị còn lại thì tuy giới luật tinh nghiêm nhưng lòng tu vẫn còn nhiều chỗ bất cập. Ta cứ gọi thầy là tỷ kheo xấu bụng vậy. Tự biết mình có thể phải gặp rắc rối khi nội vụ được đem ra giải trình trước tăng, nên thầy tỷ kheo xấu bụng đã nhanh chân đến gặp mặt hai vị trưởng lão và ra sức hầu hạ sớm chiều, cung đốn lễ phẩm. Khi thấy đã đến lúc thích hợp, thầy nỉ non thưa lại chuyện bất hoà của mình với những tình tiết thay đổi cần thiết.

Lòng phàm ai cũng có nhược điểm. Và nhiều lúc, đối với người thanh tu chơn chất thì cái nhược điểm đó càng lớn. Hai vị trưởng lão bỗng thấy xót thương cho một kẻ hậu bối biết điều nên mặc nhiên hứa khả một sự đồng thuận.

Rồi đến cái ngày chư tăng họp mặt để phân giải chuyện xích mích giữa hai thầy tỷ kheo vừa kể. Toàn bộ tăng chúng cung kính ngước nhìn lên chỗ ngồi của hai bậc lão tăng để thỉnh ý. Như ma xui quỷ khiến, hai bậc thượng thủ của tăng-già đã lớn tiếng bênh vực thầy tỷ kheo xấu bụng và như vậy vị tỷ-kheo hiền thiện kia đã rơi vào hoàn cảnh thê thảm, huynh đệ tẩy chay, có người còn bẻ bàng ra mặt. Dù tự hiểu đó chỉ là một cuộc tranh cãi không nhằm mục đích tranh giành danh lợi, nhưng thầy tỷ kheo hiền thiện đã bàng hoàng trước thái độ khó ngờ của hai bậc đại lão. Thầy chỉ mong nghe được một lời cảm thông chí tình và trung thực giữa chốn tòng lâm thánh thiện này thôi, mà vẫn không được sao chứ. Thầy tìm đến hội chúng 1000 tỷ kheo đệ tử của hai vị trưởng lão để thưa chuyện lần nữa. Thế nhưng lòng trung thành tuyệt đối của họ đối với thầy tổ một lần nữa càng khiến thầy tỷ kheo trẻ ngầm hiểu là giáo pháp Phật-Đà đã sắp chìm ngấm trong đêm đời. Thầy vào đảnh lễ hai bậc tôn túc lần cuối rồi khóc:

-Hai ngài đã vì người mà bỏ đạo rồi (sàsanam arakkhitvà puggalam rakkhittha). Hôm nay mới đúng là ngày Thế Tôn thật sự viên tịch !

Lạy xong ba lễ, thầy vĩnh biệt tăng đoàn, về đâu không ai biết. Và chuyện về thầy sau đó cũng nhanh chóng bay biến trong những chuyện đời thời mạt pháp.

Nhưng đó là chuyện của những người trẻ tuổi, họ mau giận rồi cũng mau quên. Đời tu có chút đạo nghiệp xênh xang là đủ vui rồi. Chỉ khổ cho hai vị trưởng lão. Không ai ngờ được rằng từ sau lúc thầy tỷ kheo hiền thiện kia bỏ đi, hai vị trưởng lão đã trải qua những đêm dài mất ngủ. Không phải hai vị thương nhớ gì nhà sư trẻ cứng cõi kia, họ chỉ bị ám ảnh khôn nguôi với câu nói cuối cùng của thầy. Gì mà khó nuốt đến vậy chứ. Vào ra hôm mai, hai vị cứ tự dằn vặt với hồi ức về nét mặt và giọng nói của thầy tỷ kheo trẻ tuổi kia.

Và tuổi già đã lần lượt đưa hai bậc tôn túc đến giường chết. Thật lạ, một đời tu trì nghiêm cẩn nhưng hai vị trong phút thoi thóp cứ nghe văng vẳng câu nói của nhà sư trẻ dạo nào. Với đạo hạnh một đời, lẽ ra hai bậc lão tăng muốn ngự lên tầng trời nào cũng được, nhưng do mối nội kết dằng dai kia thúc đẩy, hai vị đã sinh vào cảnh giới Da-Xoa, một hạng á-thiên không thảnh thơi như chư thiên trên tiên giới nhưng cũng có được những thần lực uy mãnh đủ làm mưa gió một phương. Lãnh địa của hai vị là vùng Tuyết Sơn, mỗi người một ngọn tiểu sơn làm nơi hùng cứ. Và toàn bộ 1000 tỷ kheo đệ tử của hai vị cũng theo nghiệp a-tòng ngày trước mà thác sinh làm một hội chúng lâu la gồm ngàn tiểu quỷ.

Tình tri giao tiền kiếp cộng với lý tưởng tu hành tương đồng nên hai vị quỷ vương tiếp tục nhận ra nhau và tâm đắc thân tình không thua ngày xưa.Kinh ghi mỗi tháng một lần, họ gặp nhau và hàn huyên chuyện cũ. Vùng Tuyết Sơn từ đó càng thêm phần thâm nghiêm ngăn cách nhân gian với những tràng cười sảng khoái dưới trăng hay những tiếng thét gào thống hối vào những buổi mưa khuya trên ngàn. Thời gian cứ vậy trôi đi vùn vụt, sông cạn núi mòn cho qua hết khoảng thời gian chuyển tiếp giữa hai đời Phật.

Rồi hoàng tử Tất-Đạt chào đời ở xứ Ca-Tỳ-La, hơn ba mươi năm sau đã trở thành bậc đại giác làm thầy khắp trời người muôn cõi. Hai vị đại lực quỷ vương kia dĩ nhiên thừa sức biết ngay những đại sự xảy ra chốn nhân gian.Trong một đêm khuya, cả hai cùng hẹn nhau đến vấn đạo Thế-Tôn mà nội dung cuộc đối thoại này chính là kinh Hemavata số 9 của Kinh Tập vừa nhắc ở trên. Trong chánh tạng thì chỉ ngắn gọn chừng đó, tìm vào chú sớ (tức bộ Paramatthajotikà) thì độc giả sẽ thấy ra một trời uẩn khúc nằm sau bài kinh. Sớ ghi vào cuối buổi pháp thoại, cả hai vị quỷ vương đều đã chứng đắc thánh quả Dự-Lưu, nghĩa là vĩnh viễn chẳng quay lui phàm tình, và chắc chắn sẽ viên tịch Niết-Bàn trong một ngày không xa.

Có sống thì có lầm lỗi. Tội khổ trầm luân nằm ngay chỗ đó. Cái quý là mỗi người nên tự có một tư lương cho những dặm đời mù mịt, và chánh pháp luôn là ánh sao mai dẫn đường cho những người lạc lối nhưng vẫn còn niềm tin vào cái thiện trên đời. Dù gì hiền thánh ba đời cũng là những tấm gương cho đời sau ghé mắt trong từng ngày còn trôi nổi trên biển trầm luân. Đáng suy gẫm lắm thay!


Toại Khanh