Trang chủ Tin tức Có một nơi như thế “Tàn nhưng không phế” !

Có một nơi như thế “Tàn nhưng không phế” !

88
Tôi được theo đoàn từ thiện nhóm Tuệ Đăng với sự tài trợ của chị Karen Trần Tiêu (Hoa hậu quý bà TP San Fancisco, California, Mỹ) đến đây lần đầu tiên vào một trưa hè oi ả. Cái nắng như thiêu đốt của tháng 5 làm cho cả Đoàn chúng tôi khá mệt sau một quãng đường dài, con đường dẫn vào trụ sở của Hội được làm từ bê tông vẫn còn mới nguyên, vì con đường mới làm khá nhỏ nên xe 29 chỗ không thể nào chạy vào tận nơi. Vậy là các Cô chú anh chị em chúng tôi mỗi người một tay giúp nhau vận chuyển quà vào tận nơi. Nào là gạo, là dầu ăn, nước tương, quần áo…

Nghĩ rằng sau khi đổ mồ hôi vì vất vả khuân đồ vào thì sẽ được dừng chân giao lưu tặng quà ở một nơi mát mẻ, dễ chịu như bao nơi khác mà chúng tôi đã ghé qua trước đó. Nhưng tôi không ngờ, cái dãy nhà tạm được dựng nên hoàn toàn từ tôn không làm cho cái nóng dịu đi, mà thậm chí còn oi bức khó chịu hơn cả khi đứng ngoài trời nắng gió.

Theo chân người hướng dẫn len theo dãy nhà tôn, chúng tôi xuống khu nhà ăn tập thể (vì chỉ nơi đây mới đủ không gian cho tất cả mọi người). Cảm giác oi bức khó chịu dường như không tồn tại nữa khi trước mắt chúng tôi bà con khiếm thị đã ngồi ngay ngắn chờ sẵn.

Sau khi để quà tập trung vào 1 chỗ, Đoàn chúng tôi bắt đầu giao lưu với mấy Cô chú anh chị của Hội. Không khí của buổi giao lưu rất thân thiết và gần gũi bởi do đây là lần thứ 2 các Anh chị trong nhóm Tuệ Đăng về thăm nơi này. Qua sự chia sẻ của chú Đỗ Văn Đá một thương binh mù 2 mắt và cụt mất bàn tay, chú được phân công về đây làm chủ tịch Hội để kết nối những người mù trong Tỉnh về một nơi tập trung để cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau. Chú nói: “Có cả ngàn người mù ở Tỉnh Bạc Liêu, nhưng do điều kiện chưa cho phép nên chúng tôi chỉ tập trung được số lượng rất ít bà con về đây cùng sống. Đây là cơ sở mới của Hội, chúng tôi được nhà nước cấp cho 4000m2 đất và cũng nhờ tình thương của các mạnh thường quân các đoàn từ thiện trong và ngoài tỉnh giúp đỡ chúng tôi dựng lên những dãy nhà tôn này để ở, chúng tôi dời về cơ sở mới này được tầm 10 ngày thôi”.

Được biết cơ sở cũ trước đây được người dân cho thuê với chi phí rẻ, nhưng hiện tại đã bị lấy lại, chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc của mọi người khi được dời về chỗ mới này, giờ đây mọi người ko còn lo lắng về chỗ ở và chi phí thuê hàng tháng nữa.

Anh trưởng đoàn từ thiện của chúng tôi có vẻ rất thân thiết và gần gũi với mọi người trong Hội, anh bắt đầu giới thiệu tài năng của anh chị trong Hội. Mọi người trong đoàn đã nhận được hết bất ngờ này đến bất ngờ khác khi được nghe giới thiệu anh An (Phó Chủ Tịch Hội) là một người rất trẻ, tôi đoán anh chừng ngoài 30, nhưng vượt qua khiếm khuyết của bản thân anh hiện được xem như là một trong những người khiếm thị giỏi tin học nhất miền Tây Nam Bộ. Anh An chia sẻ: “Tôi được Hội tin tưởng cử cho đi học để về giúp Hội trong các công tác làm văn bản, báo cáo và cập nhật thông tin nên phải nổ lực hết mình để học hỏi, sắp tới được cử đi học tiếp, tôi sẽ về dạy lại cho các anh chị em trong Hội mình biết”. Một em gái khiếm thị xinh đẹp khác được giới thiệu và đề nghị hát, cô gái có thần thái rất vui tươi, nhỏ nhắn với giọng hát dễ thương và tự tin được giới thiệu là có tài đọc sách rất nhanh và lưu loát…

Tôi lại càng nể phục hơn khi được biết rằng dãy nhà tôn mà họ ở cũng do chính bàn tay của họ dựng nên-điều mà người sáng mắt, lành lặn như chúng tôi chưa chắc đã có thể làm được và làm đẹp như họ.

Với nghị lực sống, tinh thần vươn lên những khó khăn của người thương binh Đỗ Văn Đá, chú đã truyền ngọn lửa này đến với những người trong Hội, như đã chia sẻ bên trên “Tàn nhưng không phế”. Thật vậy, chú nói: “Chuyện lo cho mọi người có chỗ ở ổn định, tôi mong nhận được sự hỗ trợ từ phía mạnh thường quân để có được những mái ấm thật sự cho mọi người trong Hội, còn chuyện cơm áo hằng ngày mọi người cùng giúp đỡ nhau, các em ở đây cố gắng tự mưu sinh lắm, hiện tại những người không đủ khả năng thì hằng ngày kiếm sống bằng nghề đi xin hoặc bán vé số, còn lại một số các bạn trẻ tôi tạo điều kiện để học nghề tẩm quất y học cổ truyền xoa bóp bấm huyệt, đàn ca cổ nhạc phục vụ cho tiệc cưới và xe tăm. Các em mỗi tháng cũng kiếm được hơn một triệu rưỡi để tự nuôi thân. Cô chú biết không, một triệu rưỡi đối với người sáng mắt không là bao nhiêu, nhưng đối với người mù và đặc biệt được làm ra từ chính sức lao động của mình thì là niềm hạnh phúc to lớn lắm!”

Điều kiện sống có thể nói là khắc nghiệt, thiếu thốn đủ bề nhưng trên gương mặt mỗi người hiện rõ niềm vui an lạc khi biết trong đoàn chúng tôi có sự đồng hành của Đại Đức Thích Trung Hạnh, khi này chú Đá lại mạnh dạn chia sẻ: “Tôi cũng có duyên may hiểu được Phật pháp và nhân quả, không ai muốn mình sinh ra mà khiếm khuyết cả, nhưng chúng tôi bị thế này là do nhân từ nhiều đời trước mà có, chúng tôi chấp nhận cuộc sống của mình và cố gắng vươn lên, tôi sẽ hướng cho các em các cháu sống tốt hơn để gieo những nhân lành trong đời này…”

Tôi quá khâm phục với tinh thần vượt khó, khát vọng sống mãnh liệt từ những con người có phần bất hạnh hơn mình. Chỉ khi đi, khi đến trực tiếp mới cảm nhận, thấu hiểu và thương hơn những con người nơi đây. Họ không sống để trông chờ vào những đồng tiền từ thiện của mọi người mà băng ý chí, nghị lực họ luôn cố gắng vươn lên. Qua họ, tôi biết trân quí hơn những gì mình đang có, biết “nhìn xuống” để thôi bớt mong cầu.

Với những gian nhà tôn tạm bợ nóng ran nhưng đó là “mái ấm” là niềm hạnh phúc của họ, tôi thầm mong ước sẽ có nhiều hơn những “mái ấm” như thế để chú Đá có thể tập hợp nhiều hơn nữa những người khiếm thị còn khó khăn khác cùng về sinh sống. Tôi mong ước sẽ còn nhiều tấm lòng đến để giúp đỡ Hội có nhiều phương tiện làm kế sinh nhai cho bà con trong Hội hơn nữa…

Bản thân tôi thấy mình rất may mắn, tôi xin cảm ơn BTC chương trình Thương Mến Bạc Liêu đã cho tôi được cơ hội đến nơi đây. Tôi nguyện trong lòng sẽ cố gắng sống tốt hơn, mở rộng tâm yêu thương nhiều hơn và hứa hẹn rằng 1 ngày không xa tôi sẽ trở lại thăm những con người nơi đây.