Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Cơ sở hoạt động của Giáo hội: Những điều suy nghĩ

Cơ sở hoạt động của Giáo hội: Những điều suy nghĩ

75

Từ những ngày tháng khởi động phong trào chấn hưng Phật giáo, quý Thầy Cô hoặc quý Phật tử lúc đó (hiện tại là những vị Trưởng lão đã quá cố), mỗi năm họ tham gia học từ một đến hai trường, vì vậy mà cả thầy lẫn trò luôn sẵn sàng và chuẩn bị tâm lý di chuyển bất kỳ lúc nào, nguyên nhân chính ở đây là việc thiếu kinh phí để các lớp học này có thể tồn tại lâu dài, cũng có những nơi kinh phí tạm đủ nhưng tình hình chính trị bất ổn dẫn đến không thể hình thành một lớp học đúng nghĩa.

Ngoài ra cũng còn rất nhiều những lý do để các lớp học này không thể đi vào hoạt động.

Ý thức được sự gian nan, khó khăn khi tìm thầy học đạo, từ đó quý Thầy Cô đã nuôi chí nguyện phải thành lập ngôi trường có cơ sở vật chất đầy đủ, khang trang, theo kiểu tự viện truyền thống kết hợp với yếu tố hiện đại và hoạt động với những điều lệ của tổ chức nhất định. Để đó là nơi đào tạo lên các Tăng tài, làm nguồn cung cấp nhân sự cho giáo hội, và là trung tâm hành chính của giáo hội.

Trong thời kỳ binh lửa ấy, quý Ngài đã làm nên rất nhiều kỳ tích, làm tiền đồ cho chúng ta ngày nay.

Hiện tại theo thống kê của giáo hội, cả nước có 4 Học viện đào tạo đại học và sau đại học, 8 trường Cao đẳng, 28 trường Trung cấp và một số trường sơ cấp. Đây là những trường lớp theo tiêu chuẩn của những năm thời bao cấp. Nếu căn cứ theo quy định của Bộ Giáo Dục hiện hành thì có nhiều vấn đề chưa đạt đến tiêu chuẩn để được cấp bằng theo hệ thống giáo dục quốc gia, bởi lẽ chúng ta còn thiếu một vài yếu tố như: tổ chức nhân sự, giáo trình giảng dạy, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học của các Giáo sư v.v…nên bước đầu chúng ta cũng đã gặp những khó khăn trở ngại nhất định để đạt tới một Học viện hay một trường Đai học theo đúng tiêu chuẩn quốc gia.

Và quý giáo thọ sư tham gia giảng dạy đa số là người có chức vụ trong các ban ngành của Phật giáo, tuy nhiên văn phòng làm việc của họ hầu như không có, vậy thì họ sẽ làm việc ở đâu, ngồi chỗ nào để có thể chuyên tâm cho công tác giáo hội.

Những người làm công việc hành chính của Phật giáo cũng vậy, họ cũng cần sự tư duy và khối óc của một nhân viên hành chính, chuyên giải quyết công tác sự vụ hàng ngày, nên họ cũng cần thời gian và không gian nhất định, trang thiết bị đủ để đáp ứng nhu cầu của công việc, chứ không làm theo kiểu Thánh thần. Nếu như chúng ta không tạo điều kiện thuận lợi thì làm sao họ phát huy hết năng lực để cống hiến cho Đạo pháp – dân tộc được.

Khi họ có văn phòng làm việc tổng hợp trong nhà trường, ngoài thời gian giảng dạy nghiên cứu, điều hành các nhân sự do mình lãnh đạo, và xử lý tình huống nhanh nhất, thì họ sẽ có trách nhiệm, có ý thức hơn trong việc giữ gìn và bảo vệ cơ quan. Vì đó là nơi tập trung đầu não của mọi sinh hoạt và nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín cũng như danh dự của cá nhân người lãnh đạo.

Nhưng hiện nay các cơ sở vật chất của Trường lớp thì thua kém các trường ngoài xã hội, mà tại sao chúng ta không đầu tư một cách triệt để và thống nhất cho cơ sở Phật giáo? Trong khi đó giáo dục luôn được ưu tiên hàng đầu của mọi tổ chức, trong đời sống xã hội, là nơi đào tạo ra những công dân tốt, đủ năng lực phục vụ cho xã hội, cũng là nơi đào tạo ra những bậc Thầy vĩ đại mà họ chính là những con người xuất gia, gánh trọng trách phải tu học cho cá nhân, sau đó đem những gì mình được lĩnh hội truyền đạt lại cho các cá nhân khác cũng như những đoàn thể của Giáo hội.

Đội ngũ kế thừa được đánh giá rất quan trọng, nếu như Giáo hội ít quan tâm đến yếu tố này, thì đây có thể coi như một lỗ hổng về mặt đào tạo nhân tài.

Một Giáo hội không thể vững mạnh nếu như không có những con người đủ về kiến thức chuyên môn, đủ về đạo đức của một người con Phật. Chúng ta hay tham gia đàm luận về vấn đề đào tạo của lĩnh vực này lĩnh vực khác, trong khi vấn đề của chúng ta thì vẫn chưa giải quyết. Nhà có vững thì mới yên tâm để làm công việc khác, nhà chưa xây xong mà lại đem tiền tỷ ủng hộ người khác, thì khó tránh khỏi tai tiếng là hào nhoáng quá đáng và thiếu trách nhiệm với chính con em của mình.

Giả sử đầu tư xây dựng các ngôi chùa dành riêng cho Tỉnh hội, hoặc Trung ương, thì khả năng quản lý sử dụng rất lãng phí, mỗi năm chúng ta mở từ một đến hai có thể là ba những buổi tham luận, hội họp, vậy vào những ngày thường, cơ quan đó được sử dụng vào việc gì, hay chỉ là nơi tụng Kinh của vài chục Phật tử, thế thì việc đầu tư đó có hiệu quả không.

Và nó sẽ đi vào quên lãng khi vị lãnh đạo cao nhất của nơi đó vãng sinh. Nếu còn muốn duy trì cơ sở đó, thì người trụ trì tiếp theo của ngôi chùa sẽ có được cơ sở này, sẽ được quyền tham dự hàng ngũ lãnh đạo kế nhiệm, mặc dù năng lực của họ có hạn, công tác hành chính này đã trở thành trao truyền theo cách “cha truyền con nối”. Vậy thì nó có còn tính dân chủ theo tinh thần lục hòa của đức Phật hay không?

Như các nước Phật giáo khác, họ xây dựng trường Phật học, trong đó có phòng hội trường lớn 1000 chỗ ngồi để hội họp, có quảng trường lớn để tổ chức các Phật sự ngoài trời, các văn phòng điều hành bên giáo hội và văn phòng nhà trường, ngoài ra có nhà triển lãm truyền thống, kết hợp với các trung tâm thực hành thiền v.v…

Khi tổ chức các lễ hội lớn, thì họ trực tiếp tiến hành ngay theo lập trình đã có, không còn cảnh đi xin chỗ này chỗ kia, và khi trang trí tổ chức thì có cái nhìn tổng thể thống nhất từ trên xuống dưới. Nhìn vào thực tế của chúng ta hiện nay, thật xót xa khi tôn tượng Đức Phật lại không có chỗ an trí sao cho hợp lễ.

Còn các buổi họp nhỏ, có thể sử dụng hệ thống internet để họp trực tuyến, tránh lãng phí. Điều này cũng cần xem xét và bàn luận thêm.

Ngoài những yếu tố trên, đó còn là nơi để các vị lãnh đạo đón tiếp các đoàn ngoại giao trong nước cũng như quốc tế, chúng ta có nơi để tiếp đãi và thảo luận v.v…

Nơi này trang bị hệ thống máy móc hiện đại, an ninh tốt, được sự hỗ trợ của nhà nước, thì mức độ an toàn sẽ cao hơn, bảo mật tốt hơn, nó sẽ trở thành thư viện tổng hợp và kho lưu trữ chung của Phật giáo.

Từ những vấn đề đã được nêu ở trên, tại sao chúng ta không tổng hợp các yếu tố này, để hoàn thiện một trung tâm giáo dục hành chính của Phật giáo trong cơ sở ấy. Hiện tại, chúng ta thấy được học viện Sóc Sơn và Vạn Hạnh mới v.v… có phần quy mô hơn, nhưng so ra vẫn còn khiêm tốn. Nếu giả sử đồng tâm hợp lực và chuyển đổi cách sử dụng cho giáo hội, thì nơi đây sẽ phát triển hơn rất nhiều so với mức mà Học viện này đang sở hữu.

Hiện tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới và Việt Nam đang dần hiện đại hóa các thủ tục hành chính, còn Phật giáo thì các vấn đề này chưa đề cập đến, việc xin cấp giấy phép tu sửa tự viện, làm trụ trì, hoặc đi học v.v… vẫn còn khó khăn, vì có khi tìm người ký tên không có, vì Phật sự đa đoan, có nhiều nỗi oan do gián đoạn này mà ai đâu thấu hiểu, chỉ có người trong cuộc bị rồi mới cảm nhận thấm thiết hai chữ “Nhân Duyên”.

Giáo hội đồng tâm xây dựng hệ thống trường lớp và kết hợp với văn phòng giáo hội, để nơi ấy có thêm các văn phòng của các ban: Ban Tăng sự, Ban Giáo dục Tăng Ni, Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Hoằng pháp, Ban Nghi lễ, Ban Văn hóa, Ban Kinh tế Tài chính, Ban Từ thiện Xã hội, Ban Phật giáo Quốc tế, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Các Ủy viên Pháp chế, Các Ủy viên Kiểm soát v.v… làm việc, điều hành tổng hợp các hoạt động Phật sự được chu toàn viên mãn.   

Quy hoạch tổng hợp trường học và văn phòng giáo hội, sẽ thảo luận trong bài “Mô hình tổng quát xây dựng khu tổng hợp Trung ương giáo hội của Đại sư Thái Hư” tiếp theo.