Trang chủ Văn hóa Du lịch Cổ tích đất Luy Lâu

Cổ tích đất Luy Lâu

188

Tích cổ

Hội chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 8 – 4 (Âm lịch), cũng là ngày Phật đản theo truyền thống cổ, nhưng lễ hội được tổ chức kéo dài từ mấy ngày trước đó.

Vào ngày hội, kiệu của các Nữ thần Pháp Vũ từ chùa Đậu, tượng Pháp Lôi từ chùa Tướng, tượng Pháp Điện từ chùa Dàn tụ về chùa Dâu, rồi cùng kiệu Pháp Vân đi đến chùa Tổ thăm mẹ Man Nương.

Theo ghi chép trong sách sử, bia đá, chùa Dâu là ngôi chùa Phật giáo cổ nhất Việt Nam, được xây dựng từ thế kỉ thứ 2 dưới thời Sĩ Nhiếp làm thái thú. Chùa Dâu còn có tên là chùa Diên Ứng, thờ nữ thần Pháp Vân nên còn gọi là chùa Pháp Vân, và nằm trong vùng đất Cổ Châu nên cũng gọi là chùa Cổ Châu.

Chùa gắn liền với truyện cổ tích Tứ pháp của người Việt xưa. Lịch sử chùa Dâu gắn liền với huyền thoại Man Nương, người trinh nữ làng Mãn Xá bên sông Đuống từ lúc 12 tuổi đã bỏ từ bờ Nam sang bờ Bắc để học đạo với Thiền sư Khâu-đà-la người Thiên Trúc (Ấn Độ) ở chùa Linh Quang (xã Phật Tích, Tiên Sơn).

Khâu-đà-la là một Thiền sư đã kết hợp việc truyền giảng Phật giáo Mật Tông với tín ngưỡng dân gian, nên có ảnh hưởng rộng lớn trong cư dân Luy Lâu.

Nhưng con đường học đạo của Man Nương bị dở dang vì một hôm, lúc nàng đang ngủ, Khâu-đà-la sau giờ hành lễ đã bước qua người nàng khiến nàng thụ thai.

Một năm hai tháng sau, nhằm ngày 8-4 (âm lịch), Man Nương sinh một bé gái và mang trả cho Thiền sư, Khâu-đà-la bồng đứa bé đến một cây đa cổ thụ ven sông, niệm thần chú.

Khi nhà sư dùng thiền trượng gõ vào, gốc cây nứt ra đứa bé được đặt vào, vết nứt liền khép lại và một mùi hương thơm ngát tỏa ra.

Kỷ vật cuối cùng mà Thiền sư trao cho Man Nương là cây thiền trượng. Theo lời dặn của Khâu-đà-la, mỗi khi trời hạn hán, đất đai khô nẻ, mùa màng thất bát, Man Nương cắm cây thiền trượng xuống đất cất lời cầu nguyện, thì phép màu lại hiện ra: trời đổ mưa.

Một đêm mưa to gió lớn, cây đa cổ thụ nơi gửi xác đứa con gái của Man Nương bỗng đổ xuống sông và xuôi theo dòng nước trôi về làng Dâu.

Dân làng không ai khiêng nổi cây, may có Man Nương dùng dải yếm đào kéo được cây lên bờ. Đêm ấy dân làng được thần nhân báo mộng khuyên nên đem cây tạc tượng thờ.

Từ đó ra đời 4 pho tượng thờ 4 vị nữ thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp: Pháp Vân (tức bà Dâu, thờ ở chùa Thiền Định), Pháp Vũ (tức bà Đậu), thờ ở chùa Thành Đạo), Pháp Lôi (tức bà Tướng, thờ ở chùa Phi Tướng), Pháp Điện (tức bà Dàn, thờ ở chùa Phương Quang).

Từ câu truyện cổ đó, đã tạo nên một hệ thống chùa Tứ Pháp rất đặc biệt của riêng người Việt: chùa thờ Nữ thần nông nghiệp, thờ người Mẹ Việt, lấy tượng Nữ thần làm trung tâm chứ không phải là tượng Phật. Phật và Nữ thần hòa quyện, bà mẹ của các Nữ thần cũng được tôn là Phật Mẫu Man Nương.

Nghi thức ngày hội

Huyền thoại Man Nương, người mẹ đồng trinh trở thành Phật Mẫu sinh ra Tứ Pháp đã khiến hàng năm vào ngày 8-4 (âm lịch), các vị sư tăng và khách thập phương về chùa Dâu mở hội như câu thơ trên đã nói.

Hội chùa Dâu không chỉ là dịp để các Phật tử hành hương về nơi cửa Phật mà còn để tham dự những nghi thức văn hóa của cư dân nông nghiệp.

Hội diễn ra khắp cả tổng với đám rước tưng bừng (gồm rước chào, rước đón, rước đưa) thỉnh các tượng bà Đậu, bà Tướng, bà Dàn về quy tụ với chị cả là bà Dâu ở chùa Diên Ứng. Trong bốn chị em, Pháp Điện trẻ nhất lại ở xa nhất, vì vậy bao giờ cũng phải đi sớm hơn, nhưng bao giờ cũng đến chùa Dâu trước tiên. Còn khi đã gặp chị cả Pháp Vân ở chùa Dâu, thì phải theo thứ tự mà về thăm mẹ. Vì vậy xưa kia sân phía trước chùa rất rộng mới đủ chỗ cho các cỗ kiệu và nghi trượng, tam quan ở tận bến sông Dâu. 

Ban ngày rước Tứ Pháp về chùa Dâu “công đồng” là hội tụ các yếu tố Mây, Sấm, Chớp, Mưa. Ban đêm rước Tứ Pháp đi “tuần nhiễu” một vòng khép kín từ đông sang tây là mô tả chu kỳ quả đất xoay tròn, tạo ra năm tháng, bốn mùa. Nghi thức “Múa gậy” trong ngày hội không chỉ để dẹp đám, mà nghi thức đó còn là hình thức tái diễn sự tích cây gậy thần kỳ. Giếng cổ trong chùa là dấu vết Man Nương cắm gậy xuống đất làm ra nước cứu sống sinh linh.

Hội Dâu còn có một sự kiện đặc biệt mà không nơi nào có, đó là cuộc thi “Cướp nước”. Đây là cuộc thi chạy giữa bà Sấm (Pháp Lôi) với bà Mưa (Pháp Vũ). Người ta bói xem ai về đích trước để dự báo mùa màng. Nếu là bà Mưa thì năm ấy được mùa. Nếu là bà Sấm thì năm ấy ruộng đồng lắm sâu, nhiều đỉa, làm ăn trắc trở.

Tương truyền thời xưa các vị vua triều Lý ngày xưa thường rước Phật Pháp Vân về Kinh đô Thăng Long làm lễ “cầu đảo”. Sau lễ múc nước, dâng nước và múa gậy, đám rước lại thỉnh 4 tượng về bái vọng Phật Mẫu Man Nương ở chùa Tổ Mãn Xá. Trước kia, mỗi khi Hội Dâu rước phật vào ngày hội, trên bãi chùa Dâu người ta có thể xem múa sư tử, múa hóa trang rùa và hạc, múa trống, đấu vật, đánh cờ người.

 

Tượng Pháp Vân
 

Kiến trúc độc đáo

Vốn là một ngôi đền mang tên Pháp Vân, chùa Dâu đã được sửa chữa và trùng tu nhiều lần: giữa thế kỷ XIII vào đời Lý, cuối thế kỷ XIII và thế kỷ XIV vào đời Trần, thế kỷ XVIII vào đời Lê, cuối thế kỷ XIX vào đời Nguyễn.

Ngôi chùa ngày nay còn mang nhiều dấu ấn của kiến trúc thời Hậu Lê. Ông Mạc Đĩnh Chi đã đứng ra tổ chức trùng tu lớn ngôi chùa vào năm 1313 như Đại Nam Nhất Thống Chí đã ghi lại: “Đời Trần, Mạc Đĩnh Chi dựng chùa trăm gian, tháp 9 tầng và cầu 9 nhịp, nền cũ nay vẫn còn”.

Chùa làm theo kiểu “Nội công ngoại quốc”. Từ tiền đường, đi qua một sân gạch có tháp Hòa Phong ở giữa, sẽ đến Đại bái đường và Phật điện, sau lưng là Hậu đường. Tất cả nằm giữa bốn dãy nhà dài vây quanh theo hình chữ “Quốc”.

Trong Phật điện, tượng bà Pháp Vân thờ ở gian giữa cao gần 2m ngồi trên tòa sen. Đặt liền hai bên tượng bà Pháp Vân là tượng Kim Đồng và Ngọc Nữ cao 1,57m mang đặc trưng phong cách nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVII – XVIII.

Bao quanh tòa điện chính chữ công là những dãy nhà ngang, nhà dọc vây kín theo kiểu nội công ngoại quốc. Chính giữa sân chùa trước bái đường, được Thiền sư Pháp Hiền xây dựng vào cuối thế kỷ VI để giữ gìn các di tích xá lợi, tháp Hòa Phong vốn có 9 tầng. Nay tháp chỉ còn 3 tầng, tháp cao 17m, tầng chân tháp hình vuông mỗi cạnh 7m, tường dày, trổ 4 cửa vòm cuốn.

Hai cửa chính nhìn ra hướng Đông và hướng Tây có bậc cấp lên xuống. Hai bên bậc cấp là hai con sóc đá trong tư thế nằm dài từ thềm xuống sân mang phong cách rất gần với điêu khắc cổ Chăm-pa và điêu khắc thú tượng trưng trong kiến trúc lăng mộ đời nhà Tùy. Tháp Hòa Phong được trùng tu năm 1737 vào đời Lê. Trong tháp có chuông lớn đúc dưới triều Cảnh Thịnh và khánh lớn bằng đồng đúc năm 1837 dưới triều Minh Mạng.

Ngôi tháp vuông xây bằng gạch trần mộc to bản, dáng chắc khỏe nổi bật giữa khung cảnh xung quanh. Tháp tượng trưng cho ngọn núi vũ trụ, bốn góc tháp có bốn tượng Thiên vương trấn giữ, trên tháp treo một khánh đồng cổ. Tháp Hòa Phong được xây cao với vai trò như một thạch trụ chặn cản luồng gió nghiệp chướng từ cõi vô minh thổi tới.

Dưới chân tháp Hòa Phong có một bức tượng cổ hình một con cừu đá nằm quỳ hai chân trước, được tạc từ gần 2.000 năm trước. Chính điện chùa Dâu là pho tượng lớn và đẹp nhất là bà Dâu – nữ thần mây Pháp Vân. Pho tượng màu gụ, được ngồi trên tòa sen như tượng Phật, nét mặt như một người mẹ hiền từ nhìn xuống, bàn tay phải đưa ra như vỗ về an ủi, tay trái đặt trong lòng. Bốn phía tòa sen có các vòng sắt để có thể di chuyển tượng trong ngày lễ hội.

Tượng được phủ lớp áo vàng, ngày hội khi làm lễ tắm tượng mới thay áo. Phía trước là nơi đặt Thạch Quang Phật, bàn thờ trước nữa là người em hai Pháp Vũ. Nguyên chùa Đậu bị phá thời Pháp, người dân đem tượng Pháp Vũ về thờ chung với chị tại chùa Dâu.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng chùa Dâu trên đất Luy Lâu với những tích cổ và tín ngưỡng thờ Tứ Pháp vẫn tồn tại như một minh chứng cho một vết tích nền nông nghiệp hết sức phát triển ở khu vực hạ lưu sông Hồng. Mặt khác đây còn là nét đặc sắc trong tín ngưỡng thờ thần của người Việt, là minh chứng cho những giai đoạn hoàng kim của Phật giáo tại Việt Nam.