Trang chủ PGVN Cửa thiền “Cô tiên” mặc áo blouse trắng!

“Cô tiên” mặc áo blouse trắng!

131

Sự cứu giúp những mảnh đời bất hạnh từ khắp nơi về đây của "cô tiên" lan xa đến nỗi khắp trong Nam, ngoài Bắc ai cũng biết tới, khâm phục, kính nể và biết ơn, không ngờ rằng giữa dòng đời bon chen tính toán lại còn người tốt như thế. Nhân vật trong chuyện tưởng chừng như "cổ tích" này lại đang hiển hiện với gương mặt phúc hậu, ban ngày thì khoác áo blouse trắng, ban đêm lại khoác áo cà sa của vị chân tu đắc đạo. Nhưng, dù mặc áo gì chăng nữa thì "cô tiên" ấy chỉ làm việc nhân nghĩa ở đời tại một bệnh viện, mà nói đúng hơn là ngôi chùa mới phải…

"Cô tiên" ấy là sư cô, BS. Thích Nữ Liên Thanh (tục danh là Nguyễn Thị Kim Anh), 43 tuổi, trụ trì chùa Long Bửu và cũng là Giám đốc Bệnh viện nhân đạo Long Bửu. Trong nhiều năm trời, "cô tiên" của bệnh nhân nghèo này đã gây dựng ngôi chùa Long Bửu thành bệnh viện, nên mọi người có thể gọi là chùa, hay bệnh viện đều không thay đổi sự kính yêu chân thành với "cô tiên" nhân hậu, mà dường như những chuyện như thế họ chỉ được đọc đâu đó trong sách vở, thế mà nó lại có thực…

 Sư cô Liên Thanh khám bệnh cho trẻ.

Tuổi thơ lưu lạc

Chuyện kể rằng, cách đây hơn 40 năm về trước, một vị sư cô đi hành khất, trong lúc di tản dưới làn mưa bom lửa đạn của giặc. Để tránh bom đạn của Mỹ ngụy, sư cô chui vào một ngôi miếu hoang ở Quảng Trị, chợt nghe thấy tiếng em bé mới vài tháng tuổi nằm khóc oe oe. Sau hồi thất thần, vị sư cô nghĩ, đây là một vùng chiến tranh ác liệt của miền Trung, người chết, kẻ chạy loạn, không biết cha mẹ bé còn hay mất mà bỏ con lại thế này? Không cầm lòng được nữa, vị sư cô này bất chấp nguy hiểm lao đến cứu đứa bé trong làn mưa bom bão đạn. Dứt bom đạn, vị sư cô bồng theo đứa bé hỏi khắp nơi, nhưng ai cũng lắc đầu, có người bảo, biết đâu cha mẹ đứa bé chết trong những trận mưa bom. Thế là từ đó, lưu lạc ở đâu, vị sư cô cũng bồng theo em bé để nuôi dưỡng. Cô bé đó lớn lên trong hoàn cảnh đất nước loạn lạc như thế. Rồi khi về đến chùa của vị sư cô, cô bé được mọi người tin chắc là "mồ côi" cả cha lẫn mẹ ấy được sự đùm bọc của những vị sư cô trong chùa, cô bé lớn lên và tỏ ra thông minh lạ thường…

Cô bé "mồ côi" ấy chính là sư cô, BS.  Thích Nữ Liên Thanh được mọi người mến yêu bây giờ. Ngồi nói chuyện với chúng tôi, hồi tưởng lại ký ức những ngày như thế, "cô tiên" (xin được gọi theo cách mà người dân dành cho bà) nói rằng không thể quên được, biết ơn vị sư cô đã cứu mạng mình, cũng từ vị sư cô ấy mà bà học được nhiều điều nhân ái ở đời, họ đã giảng đạo, đời, bể khổ, bi ai, hành thiện và nhiều triết lý nhà Phật sâu xa khắc vào tâm hồn bà. Họ mong, khi lớn lên "đứa con chung" ấy sẽ trở thành "thiên sứ" đem tình yêu đến cho nhân loại. Nên bây giờ, bà nói rằng, để không phụ lòng những người đã nuôi dưỡng, cho bà cuộc sống, bà sẽ làm gì đó cho đời, khi nào đời chưa hết bể khổ bi ai thì bà chưa hết làm những việc đáp nghĩa cho đời. Bà còn kể rằng, trong những ngày ấu thơ ấy, mặc dù theo chân thầy hành đạo khắp nơi, việc học hành gặp nhiều cản trở, nhưng bà vẫn gắng học và mơ ước trở thành thầy thuốc, bác sĩ để chữa bệnh cho người nghèo, những người lang thang không nhà, không cửa và không có tiền chạy chữa. Phải chăng, trong những ngày hành đạo, thâm nhập vào bể khổ trần ai, nhất là tiếp cận, chia sẻ với những người nghèo đã khiến bà tận hiểu cái bể khổ trần gian, đó là "ngôi trường" lớn nhất mà bà từng trải qua, thấu hiểu sự bi ai nơi bể khổ ở đời, vượt qua cái ngưỡng ấy, để hướng thiện, để làm gì đó giúp ích cho đời, đâu phải dễ. Vì thực tế trong đời, có người rất nhiều bằng cấp, học vị này, học vị kia, cả đời chưa chắc học hết trường đời, chưa chắc làm việc gì đó nhân ái bao dung. Có chăng họ ban ơn kiểu "bố thí" cho một ai đó để đạt được mục đích này, mục đích kia. Thế mà từ một cô bé mồ côi ấy đã vượt qua bể khổ, học được nghìn thứ trên đời, để ngẫm, để suy và rồi rút ra rằng không có kiến thức không giúp được họ – những người nghèo khổ và bệnh tật.

Bây giờ, ngồi nhớ lại thời thơ ấu học hành của mình, sư cô Liên Thanh nói: "Hồi đó theo thầy hành đạo khắp nơi, không cố định ở làng, xã nào cả, cũng không sách vở và thầy cô nên việc học hành chủ yếu là học lỏm những người đi trước. Mãi đến năm thi đậu vào lớp 10 thì thầy mới về nhận chùa Trụ Yên ở một huyện ngoại thành TP.HCM để đi học chính quy". Và cũng từ ngày ấy, để đến trường, bà phải đi xe đạp 30 cây số. Hành trang mang theo chỉ là mấy cuốn sách cũ, gigô cơm nguội cùng muối vừng… Cực khổ là thế, nhưng năm nào cô Kim Anh cũng đạt học sinh giỏi. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, Kim Anh thi đậu vào Khoa Tim mạch, Trường đại học Y khoa với số điểm rất cao. Những vị đồng môn, sư phụ, những bậc cao hơn trong chùa thấy cô bé siêng năng học hành nên nhiều người âm thầm giúp đỡ cho cô được toại nguyện. Sau 7 năm trời miệt mài "kinh sử", cô tốt nghiệp Đại học Y khoa với trình độ chuyên môn là tim mạch, được nhận về cộng tác ở Khoa Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Cũng cùng thời điểm đó, cô tốt nghiệp Khoa Sử học Phật giáo, Trường cao cấp Phật học TP.HCM, sau đó học chuyên sâu và có bằng Thạc sĩ sử học Phật giáo. Bên cạnh đó là hai bằng Thạc sĩ xã hội học và Thạc sĩ sử học Phật giáo trước sự ngưỡng mộ của tất cả mọi người. Thế nhưng, dường như chưa yên tâm với những kiến thức mình đã học được, vì bà cho rằng nó chưa giúp được nhiều cho xã hội, nên bà lại đăng ký học thêm ngành xã hội học. Sau 4 năm, bà lại có trong tay tấm bằng thạc sĩ loại ưu. Ba bằng cấp loại ưu, nhiều người nghĩ là bà sẽ có vị trí làm việc cao trong xã hội hoặc trong giáo hội, ở đó bà sẽ phát huy, sẽ có công danh, vị thế cao, cũng là xứng đáng. Thế nhưng, việc kỳ lạ đã xảy ra, bà xin thầy cô, xin chính quyền cho lên vùng sâu, vùng xa lập nghiệp trước sự ngỡ ngàng của nhiều người, nhất là các cấp lãnh đạo, ai cũng tiếc cho tài học của bà. Duy chỉ có thầy trụ trì chùa Trụ Yên là không nói gì, có lẽ, thầy trụ trì đã hiểu tâm ý sâu xa của bà, một người ngộ đạo chăng?

"Cô tiên" bỏ phố, lên rừng

Vào đúng thời điểm đó, bà nhớ là năm 1996, tỉnh Bình Dương đang có chính sách "trải thảm đỏ" kêu gọi nhân tài, nhân lực khắp nơi trên đất nước về phục vụ gây dựng tỉnh mới. Bà làm đơn xin gửi chính quyền cho mình về Bình Dương. Ban đầu, lãnh đạo tỉnh Bình Dương và những người thân thiết, ai cũng mừng, bởi về vùng cao, lại có trong tay nhiều bằng đại học, có trí tuệ, chắc chắn bà sẽ được cất nhắc lên vị trí cao. Thế nhưng, khi nhận đơn của bà, các lãnh đạo rất ngạc nhiên, bà xin về ở chùa Long Bửu, một ngôi chùa nằm hẻo lánh bên những cánh rừng cao su hun hút gió. Điều tệ hơn nữa, đây lại là một ngôi chùa xây dựng khá lâu, vì thiếu người trông coi nên bị xuống cấp, dột nát, hỏng hóc như cái ổ chuột. Nhưng bà vẫn nhận được sự hỗ trợ và tạo điều kiện nhiệt tình từ chính quyền các cấp tỉnh Bình Dương, và nhất là nhân dân, ai cũng mừng vì ngôi chùa hoang giờ đã có người trông coi, dọn dẹp để họ đến cầu tự được trong lành.

Thế nhưng, với sư cô, bác sĩ Thích Nữ Liên Thanh lại không nghĩ đến cuộc sống ẩn giật, an nhàn đến thế. Với bằng cấp trong tay, kiến thức trong đầu, cái tâm nung nấu bao lâu nay ở trong tim, đã bỏ phố lên rừng một mình bươn chải thì phải làm gì đó cho người nghèo. Cái quyết tâm xuất phát từ sự ngộ đạo ấy đã thôi thúc bà thành lập Phòng khám bệnh đa khoa từ thiện để chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Bước đầu rất khó khăn, thiếu tiền bạc, thiếu thuốc men, cơ sở vật chất lại chỉ là ngôi chùa hoang, mấy ai tin bà thành công đâu. Nhưng tấm lòng người thầy thuốc là sư cô, bác sĩ đã vận động, giúp đỡ bà con chữa bệnh, dần dần họ đã tin bà, cùng bà gây dựng một phòng khám dành cho người nghèo trong chùa. Chính quyền, lãnh đạo thấy việc làm thực tế ấy đã tận tình giúp đỡ bà gây dựng ngôi chùa thành phòng khám. Hạnh nguyện của ni sư Liên Thanh đã đem sở học của mình trong việc chăm sóc sức khỏe người nghèo, làm một chiến sĩ từ thiện xã hội, chữa trị tâm bệnh và thân bệnh cho chúng sinh. Nhận thấy Y phương minh (một trong Ngũ minh: Nội minh, Nhân minh, Thanh minh, Công xảo minh, Y phương minh) là một phương thức thực hành công tác xã hội rất thích hợp với lòng từ bi. Đó là sự cứu chữa người bệnh và đây cũng là phương cách thể hiện tinh thần cứu thế tích cực của đạo Phật. Và vào cuối năm 1999, bà trở thành trụ trì chùa Long Bửu và cũng là Giám đốc Bệnh viện nhân đạo Long Bửu từ đó. Những năm đó, người dân trong vùng gọi cô là bác sĩ, sư cô, "cô tiên" của người nghèo. Cũng mấy năm đó, Bình Dương trên đà phát triển, nhiều khu công nghiệp được quy hoạch xây dựng gần chùa Long Bửu. Hàng ngàn dân nghèo khắp nơi đổ về làm công nhân trong các khu công nghiệp. Cũng là lúc sự ấp ủ trong lòng thành hiện thực, bà đã có cơ hội đem việc học của mình giúp cho xã hội bằng cách treo bảng khám bệnh miễn phí cho công nhân. Những công nhân là những người tứ xứ, nghèo mới làm công nhân, lương ít, đói nghèo triền miên, giờ được khám chữa bệnh miễn phí ai cũng mừng lắm. Nhất là vào những ngày nghỉ, bà con nghèo, công nhân đến khám bệnh rất đông, bà phải khám, chữa từ mờ sáng đến nửa đêm vẫn chưa hết việc. Đông quá, một mình khám không hết, bà lại phải về TP.HCM nhờ các đồng nghiệp ở Bệnh viện Chợ Rẫy lên tiếp sức. Trước việc làm nghĩa cử cao đẹp này, Ban Giám đốc Bệnh viện 175 – TP.HCM đã ủng hộ nhiệt tình, luân phiên cử các bác sĩ xuống đây giúp đỡ  vật chất, thuốc men và hỗ trợ kiến thức y học để nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh ngày một tốt hơn. Điều vui mừng nữa là phòng khám được Sở Y tế Bình Dương cấp giấy phép hoạt động, ngày nhận giấy phép, bà và những người dân nghèo vui sướng đến vỡ òa, cũng từ đây, "cổ tích" từ một ngôi chùa hoang phế được "viết lên" làm nhiều người biết tới.

Từ đó, tiếng lành đồn xa, nhiều người đồng cảm, nhất là các "mạnh thường quân" khắp nơi nghe tiếng tìm đến chùa giúp sức. Từ việc khám bệnh miễn phí cho bà con nghèo, phòng khám "nâng cấp" phát luôn cả thuốc chữa trị.

Có một bệnh viện nhân đạo!

Một sự đồng cảm kỳ diệu đã xảy ra, đó là việc tổ chức nhân đạo Agape Foundation của Thụy Điển hay tin, đã cử người sang tìm hiểu sự thật về ngôi chùa, phòng khám nhân đạo nói trên. Khi họ trở về nước đã gửi hàng chục container trang thiết bị hiện đại như máy scan, Xquang… trị giá hàng triệu USD sang cho phòng khám. Sau khi nghiên cứu và tuyển lựa, sư cô Liên Thanh chia sẻ một phần thiết bị y tế tặng cho các bệnh viện nghèo, những nơi chưa có được những trang thiết bị này như các tỉnh: Long An, Bến Tre, Bạc Liêu, Đồng Nai… Còn đến thời điểm này, Phòng khám đa khoa từ thiện Long Bửu có hơn 20 phòng khám và điều trị bệnh, trang thiết bị ở đây không thua gì những nơi khác, chỉ khác một điều là khám chữa bệnh không lấy tiền. Mỗi ngày có khoảng 20 y, bác sĩ, hộ lý ở các bệnh viện lớn khác tình nguyện đến phục vụ cho bệnh nhân nghèo. Bên cạnh đó, sư cô Liên Thanh còn tổ chức phòng khám cổ truyền để châm cứu, chữa trị vật lý trị liệu cho những bệnh nhân già, đó là cách kết hợp phương pháp y học cổ truyền và y học hiện đại, một cách điều trị có hiệu quả với người dân nghèo.

Theo tìm hiểu của chúng tôi từ UBND tỉnh Bình Dương và các cấp ban ngành địa phương cho biết về ni sư Liên Thanh như sau: Bằng tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc và tấm lòng từ bi, bác ái của người tu hành, từ năm 2002 đến tháng 8/2009, ni sư Liên Thanh đã điều hành phòng khám với sự cộng tác nhiệt tình của các y, bác sĩ thuộc nhiều bệnh viện tại TP.HCM. Qua đó, đã khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 200.000 bệnh nhân không chỉ trong tỉnh Bình Dương mà còn ở nhiều tỉnh thành trong nước, đặc biệt là bệnh nhân nơi vùng sâu, vùng xa. Phòng khám đa khoa từ thiện Long Bửu còn là chiếc cầu nối với nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế như Apape Foundation (Thụy Điển), Long Bửu Charity Foundation (Úc), American Club (Mỹ)… và đã nhận được sự giúp đỡ về kiến thức chuyên môn, thuốc men, trang thiết bị hiện đại. Cũng từ sự hỗ trợ của các tổ chức này, phòng khám đã tiếp nhận xe lăn, xe đẩy, xe trợ đi, xe lăn điện, giường inox… đem đến trao tặng người khuyết tật ở 15 tỉnh, thành trong nước. Trong Đại hội Nữ giới Phật giáo thế giới (Sakyadhita) lần thứ 11 tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Thành hội Phật giáo TP.HCM từ ngày 28/12/2009 đến ngày 3/1/2010, ni sư Thích Nữ Liên Thanh được đề cử phụ trách Tiểu ban Y tế. Bằng kinh nghiệm chuyên môn, ni sư đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ tạo nên thành tựu viên mãn. Với những đóng góp trong việc chăm sóc sức khỏe cho 1.500 đại biểu trong và ngoài nước tham dự hội nghị, Hội đồng Trị sự  Giáo hội Phật giáo Việt Nam xiển dương và trao tặng Bằng công đức cho tập thể thành viên Tiểu ban Y tế cũng như trong công tác triển lãm giới thiệu về quá trình hình thành xây dựng của Phòng khám đa khoa từ thiện Long Bửu mà ni sư là người điều hành tổ chức.

Còn bà Nguyễn Thị Ninh, 76 tuổi, từ Đồng Nai lên, giờ vừa là bệnh nhân, vừa là tình nguyện viên của phòng khám nói trong nước mắt: "Hồi tôi lên chữa bệnh, đói quá được sư cô cho ăn cơm chay của chùa để chữa. Ngoài bà ra còn rất nhiều bệnh nhân nghèo ở các tỉnh, cả trong vùng nữa đều không có tiền ăn, có người chỉ ăn mỳ, hoặc ăn cháo ngày/bữa thôi. Thế là suy nghĩ mãi, một hôm, sư cô bảo chúng tôi họp lại thông báo sẽ làm một bếp ăn từ thiện chuyên dành cho những người bệnh phải ăn kiêng bằng rau qua và một bếp cho bệnh nhân bình thường. Thế là những người phục vụ bếp ăn từ thiện này vốn là những bệnh nhân đã chữa khỏi bệnh xin ở lại phục vụ các bệnh nhân khác, cái phong trào làm từ thiện đó ngày một lan rộng lan xa từ ngôi chùa này. Sau đó, sư cô còn tổ chức những đoàn từ thiện đi thăm và phát quà cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, những trẻ mồ côi, người già neo đơn, gia đình chính sách. Được biết, tính riêng trong năm 2009, số tiền làm từ thiện lên đến gần 2 tỷ đồng do các "mạnh thường quân" đóng góp, con số trên còn tiếp tục tăng cao trong năm 2010 này.

Ngoài tấm lòng từ bi bác ái của sư cô Liên Thanh, các y bác sĩ, lương y đều làm việc bằng sự tự nguyện, dù họ chưa xuất gia. Có người vừa mới ra trường đã xin về làm việc ở phòng khám, một số khác, sau khi nghỉ hưu cũng muốn góp chút công sức cho xã hội. Y sĩ Đinh Thị Minh Nguyệt bộc bạch: "Nếu ai không có cái tâm thì không thể trụ lại lâu ở đây, vì chúng tôi làm việc không lương, chùa có bồi dưỡng nhưng không đáng kể". Lương y Võ Thành Thân, công tác ở phòng khám đã 4 năm cũng thêm vào: "Đã mang tiếng làm từ thiện thì phải dẹp bỏ tính toán về danh lợi, mà phải có tấm lòng và tinh thần phục vụ bệnh nhân".

* * *

Khi tiễn chúng tôi rời chùa, sư cô Liên Thanh nói: "Đang xúc tiến làm thủ tục nâng cấp từ phòng khám lên bệnh viện nhân đạo có sức chứa khoảng 500 giường bệnh. Bệnh viện sẽ nằm ngay trên phần đất hiện tại của chùa đó là mong ước của bà con nhân dân địa phương và khắp nơi đổ về". Chúng tôi cũng được biết thêm thông tin, từ đầu năm 2010 đến nay, ni cô Liên Thanh đã tổ chức 4-5 đợt tặng quà, xe lăn, khám bệnh từ thiện cho dân nghèo, trẻ em mồ côi, khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa; tham gia những đợt khám bệnh từ thiện còn có bác sĩ ở các Bệnh viện 175, 115, Chợ Rẫy, y, bác sĩ Hội thiện nguyện TP.HCM. Trong 5 năm qua, Phòng khám đa khoa từ thiện Long Bửu đã khám, điều trị, cấp thuốc miễn phí, tặng quà, tặng trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế với tổng trị giá trên 8,5 tỷ đồng. Bây giờ, ni sư Liên Thanh nóng ruột nhất là việc biến phòng khám thành một bệnh viện nhân đạo bề thế, mọi việc đã chuẩn bị xong, chỉ chờ khởi công xây dựng. Khi đó nơi đây, từ chính ngôi chùa vốn hoang phế này, sẽ là nơi hội tụ, tìm đến của nhiều bệnh nhân nghèo, ở đây đời họ sẽ được cứu vớt bởi một "cô tiên" có thực ở trên đời!