Trang chủ PGVN Lịch sử PGVN Con đường hoằng pháp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông không tách...

Con đường hoằng pháp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông không tách rời vận mệnh dân tộc

219

Lối tu hành của Phật Hoàng Trần Nhân Tông là một lối hoằng pháp rất hữu hiệu, giúp gắn bó Phật giáo với dân tộc Việt Nam thông qua những hoạt động hết sức cụ thể của đời sống chính trị, kinh tế xã hội đất nước.

Hoằng pháp nhập thế

Theo GS Lê Mạnh Thát: Hoằng pháp là một sự nghiệp chung của các đệ tử Đức Phật, mang thông điệp từ bi và trí tuệ của Phật đến cho tất cả mọi người. Cũng vì mỗi người nhận thông điệp này rồi trao truyền cho những người khác theo môi trường văn hóa và tinh thần vật chất riêng mà thông điệp này có thể được diễn đạt khác nhau.

Do đó sự hoằng pháp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông cũng mang những nét riêng của thời đại và hoàn cảnh của Ngài, nhưng mặt khác, nó còn mang tính phổ quát, thậm chí vượt thời gian chung cho không những của thời đại Ngài mà cả thời đại của chúng ta.

Nói đến hoằng pháp là nói đến độ sinh (tức là việc cứu độ chúng sinh) hay nói cách khác là việc cứu nhân độ thế, muốn độ được người thì phải cứu người. Vì thế trong Phật giáo mới phân biệt ra khái niệm ba thừa: Những người nghe Phật để giác ngộ là thừa Thanh văn; Những người tự mình thực hiện là thừa Duyên giác và cuối cùng là thừa Bồ tát, tức là những người phục vụ chúng sinh, làm cho họ giác ngộ.

Khái niệm ba thừa này cho thấy ngay từ công tác hoằng pháp này đã đặt trong những phạm trù “tri hành”. Tri là biết nhờ hiểu biết mà ta giác ngộ, hành là làm nhờ thực hành mà ta giác ngộ. Có người cho rằng: biết thì dễ nhưng làm thì khó và ngược lại có người cho rằng: biết thì khó mà làm thì dễ vì vậy trong vấn đề tri hành này, Phật giáo mới đặt ra yêu cầu “văn tư tư” (nghe suy nghĩ và thực hiện). Chính vì vậy trong việc hoằng pháp của Đức Phật Hoàng, Ngài đã cho chúng ta một giải pháp hết sức cụ thể.

Trong hội thứ tám của “Cư trần lạc đạo phú”, Phật Hoàng đã dạy:

“Dựng cầu đò rồi chiền tháp

Ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu

Săn hỷ xả nhuyễn từ bi

Nội tự tại kinh lòng hằng đọc”

Thế là, việc tu trong văn tư tư của Phật giáo mang một nội dung hoàn toàn khác lạ. Thông thường nói đến việc tu hành, chúng ta luôn nghe tới việc phải buông bỏ, buông xả những điều phiền toái của cuộc đời, từ chuyện cơm áo, gạo tiền, thậm chí cả việc quốc gia, xã hội.

Phật Hoàng Trần Nhân Tông nói việc tu hành của người phật tử là phải làm cầu, làm đò rồi mới đến việc xây chùa tháp. Chùa tháp là những biểu hiện của Phật giáo, thế mà không được đặt ra ưu tiên, thay vào đó lại là việc làm cầu, đò. Đây chính là tính hiện đại trong quan điểm tu hành của Đức Phật Hoàng.

Ngày nay chúng ta thường nghe điệp khúc: điện, đường, trường trạm. Đây là những nhân tố quyết định để đưa đất nước vào vào thời kỳ công nghiệp hiện đại. Tất nhiên điện chưa được phát minh vào thời đó nhưng Vua Trần Nhân Tông đã biết nhấn mạnh đến vai trò xung yếu của con đường trong đời sống kinh tế, văn hóa xã hội quốc gia.

Cho nên muốn dựng cầu thì phải làm đường đến cầu, xây đắp đường xá dẫn lên cầu. Nhận thức được vai trò quan trọng của cầu đường đối với sự ấm no của nhân dân đã thể hiện được bản lĩnh và thiên tài chính trị của Trần Nhân Tông, đã giải thích cho chúng ta vì sao có những chiến thắng Bạch Đằng, Chương Dương, Hàm Tử…. lẫy lừng trong lịch sử dân tộc dưới sự lãnh đạo của Trần Nhân Tông .

Đồng hành cùng dân tộc

Sau “dựng cầu đò”, người Phật tử mới “dồi chiền tháp”. Chiền tháp là biểu tượng của Phật giáo. Điều này không sai nhưng chưa đủ bởi vì chùa tháp không chỉ biểu trưng cho Phật giáo mà còn là trung tâm văn hóa, giáo dục, đào tạo cho đất nước không biết bao nhiêu hiền tài từ Lý Nam Đế cho đến Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ v.v… Và ngay thời Trần Nhân Tông, Trạng nguyên Lý Tải Đạo tức thiền sư Huyền Quang cũng biến ngôi chùa của ngài thành nơi gõ đầu trẻ. Hãy đọc bài thơ Địa lô tức sự:

Ổi dư cốt đột tuyệt phần hương

Khẩu đáp sơn đồng vấn đoản chương

Thủ bã xuy thương hòa thái thác

Đồ giao nhân tiếu lão tăng mang

(Củi tàn lửa tắt đốt hương thôi

Trẻ hỏi mấy chương miệng đáp rồi

Tay nhặt mo nang tay ống thổi

Sư già bận bịu mặc ai cười)

Ở đây, rõ ràng vì thiền sư Trạng nguyên của chúng ta dù ở trong núi và tuổi đã cao, vẫn có những sơn đồng đến hỏi về chữ nghĩa. Những sơn đồng hay trẻ núi này chắc chắn là học trò của ngài. Cho nên, ngôi chùa Việt Nam từ xa xưa cho đến tận hôm nay rất khác với giáo đường của các tôn giáo khác, không chỉ là nơi thờ phụng lễ bái mà còn là nơi dạy dỗ sinh hoạt của cộng đồng.

Thực tế là vậy. Không chỉ là trung tâm văn hóa giáo dục, ngôi chùa còn là một bệnh xá. Ngay tại Yên Tử hôm nay, chúng ta còn thấy vết tích của Dược am, nơi trồng cây thuốc để chữa bệnh cho nhân dân. Thế là chiền pháp của thời đại Trần Nhân Tông vừa giữ chức năng trường học, vừa giữ chức năng trạm y tế.

Tính hiện đại của lối tu hành Trần Nhân Tông nằm ở đây. “Dựng cầu đò, dồi chiền tháp” chính là việc làm đường, làm trường, làm trạm trong thế giới ngày nay. Lối tu hành này đòi hỏi người Phật tử tại gia cũng như xuất gia phải làm những việc cụ thể, đóng góp trực tiếp vào sự cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, chứ không chỉ lo tu thân “săn hỷ xả, nhuyễn từ bi”, dù hỷ xả và từ bi là nền tảng của đời sống nội tâm Phật giáo mà mọi Phật tử phải kiên trì tu dưỡng.

Rõ ràng, lối tu hành của Phật Hoàng Trần Nhân Tông là một lối hoằng pháp rất hữu hiệu, giúp gắn bó Phật giáo với dân tộc Việt Nam thông qua những hoạt động hết sức cụ thể của đời sống chính trị, kinh tế xã hội đất nước. Đây chính là tiền đề làm cho sự nghiệp hoằng pháp của Phật giáo có những tác động tích cực và lâu dài không những lên Phật giáo mà lên cả những dân tộc Phật giáo có cơ hội truyền đạt thông điệp của mình.

Không những có một lý thuyết mới về vấn đề hoằng pháp còn vang vọng cho tới hôm nay, Phật Hoàng Trần Nhân Tông có thể nói là một trong những người đi hoằng pháp bên ngoài nước mình và đã để lại những dấu ấn sâu đậm lên đất nước chúng ta. Nói tóm lại, hoằng pháp không phải chỉ là thuyêt giảng suông, thuyết pháp suông, mà phải đem lại một cái gì thật cụ thể, đúng như lời Phật dạy là: “hãy ra đi vì hạnh phúc của quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người”.

Cần chú ý đến lời dạy về lợi ích mà đức Phật dùng ở đây. Lợi ích vừa có nghĩa quyền lực chính trị, vừa có nghĩa quyền lợi kinh tế. Do đó, cần đính chính lại những ngoa truyền trước đây về chuyện đạo Phật là đạo xuất thế, đứng bên ngoài cuộc đời, cố gắng trốn chạy khỏi những khổ đau của nó, không tha thiết đến xây dựng thế giới an lạc cho mình hay cho mọi người.

Đức Phật Hoàng của chúng ta không những đã thuyết giảng những lời dạy thiết thực của Đức Phật cho đời sống của đồng bào mình, mà còn tự thân mình thực hiện những lời dạy thiết thực đó. Đây là một số khía cạnh của sự nghiệp hoằng pháp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, mà đối với chúng ta ngày hôm nay vẫn là một thông điệp mời gọi và nhiều ý nghĩa.

Phúc Lâm – Thu Ngọc