Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Cúng hoa

Cúng hoa

136

Chỗ tôi ở không làm gì tìm được một bông sen.
 
Nhưng nói chung, hầu hết các loại hoa đều đẹp, đều tinh khiết và an lành. Hoa nào cũng chứa sẵn nụ cười, cũng sẳn sàng thể hiện cái tinh túy của đất trời, của sự sống, chất liệu nền tảng cho sự kết nối, trao truyền. Hoa nào cũng là hiện thân cái đẹp của thế giới vật chất cũng như của trí tuệ và tâm hồn.
 
Hoa nở hồn nhiên như sự sống trôi chảy hồn nhiên khi chưa có tâm phân biệt. Vô tư, tinh khiết như những bước chân đầu tiên không ngăn cách, vướn ngại của em bé Tất Đạt Đa lúc mới ra đời. Tự nhiên như cảnh giới Thiền đầu tiên mà vị thái tử vị thành niên lọt vào không chủ ý khi ngồi dưới bóng mát cây táo trong một ngày hội lớn của bộ tộc.
 
Hoa cũng là chất xúc tác làm nở ra trong tâm người đóa hoa vĩnh cữu, như đã nở trong tâm của ngài Ca Diếp khi đức Phật đưa lên một bông sen và mỉm cười. Hoa cũng nở trong tâm của những người đệ tử đương thời và những Phật tử về sau khi Thiền sư Mãn giác gợi lên một cành mai nở ra ở sân trước trong đêm hôm qua.
 
Trong cuôc sống chung quanh, lúc nào cũng có những đóa hoa sẵn sàng nở, sẵn sàng tỏa huơng và kêu gọi chúng ta cùng nở, cùng tỏa hương. Khi chúng ta mở lòng để đón nhận những đóa hoa đó và cùng nở với, lúc đó chúng ta sẽ thấy được niềm vui, sự tinh khiết, siêu thoát, bình an và hạnh phúc của đời sống.
 
Thế giới của Phật giáo là một một thế giới đầy hoa: Pháp Hoa, Hoa Nghiêm…. Đức Phật sinh dưới hoa vô ưu và bước đi trên những bông sen. Ngài trao truyền Chánh Pháp, Phật Tâm, cũng qua một bông sen. Trong một Pháp hội ở Linh sơn, đức Phật cầm bông sen mỉm cười. Cả đại chúng im lặng, lúc đó chỉ có ngài Ma Ha Ca Diếp nhìn Phật mỉm cười. Phật ấn chứng cho ngài Ca Diếp để ngọn đèn Thiền Tông tiếp nối và soi sáng đến ngàn sau.
 
Cuộc đời đức Phật cũng liên hệ nhiều với hoa. Khi đức Phật sắp thành Đạo, những mũi tên độc đã nở thành những đóa hoa an lành để đáp lại tánh tham, sân, si của ma quân bằng lòng Từ bi. Trong các kinh điển, ở đâu cũng thấy hoa, cũng thấy chư thiên rải hoa để cúng dường đức Phật, lúc sinh, lúc thành Đạo, lúc thuyết Pháp, lúc ở trong đại định…
 
Do đó, không phải ngẫu nhiên mà giữa thành phố Thăng Long, ngôi Chùa Một Cột mang hình dáng của một bông sen thờ đức Quán Thế Âm được dựng lên và sống mãi với đất nước trải qua gần một ngàn năm và sẽ còn tiếp tục cùng đất nước hướng về tương lai.
 
Có thể nói đó là hình ảnh của thế giới Bông Sen Ngọc Quí, thế giới của Om Mani Padme Hum. Mani là ngọc quí, Padme là bông sen. Om Mani Padme Hum là câu thần chú xuất ra từ tâm Đại bi của đức Quán Thế Âm. Khi nói đến Thăng Long, người ta không thể không nhắc đến ngôi chùa bông sen đó.
 
Và ngôi chùa thể hiện tinh thần Từ Bi Hỉ Xả đó đã trở thành một biểu tượng của Thăng long, gắn liền với cái hồn của Thăng Long và của nền văn hóa Việt.
 
Vì vậy, cúng dường Phật Đản không gì hơn cúng dường một đóa hoa, mà hoa sen là đại biểu để nói lên đầy đủ ý nghĩa nhất của sự cúng dường.
 
Việc cúng dường hoa không chỉ hiện diện ở thế giới loài người. Chư thiên các cõi trời và thánh chúng cõi Tịnh độ cũng coi hoa như phẩm vật thích hợp và tốt đẹp nhất để cúng dường. Kinh A Di Dà nói: “Chúng sanh ở cõi ấy, cứ mỗi sáng sớm, thường dùng đãy y, đựng các hoa đẹp, đem cúng dường mười vạn ức Phật ở phương khác.”
 
Kinh Vinaya-sutra nói: “Người hiểu biết dùng tâm hoan hỉ cúng dường bông hoa trước tháp của Phật thì công đức lớn hơn nhiều so với việc cúng dường trăm ngàn con sông chứa đầy vàng ròng.”
Kinh Ratnakuta nói: "Cúng Phật một nắm bông sen và bông utpala sẽ được tái sinh trong bông sen báu ở trước Như Lai.” Tái sinh trong sen báu ơ trước Như Lai nghĩa là có đầy đủ sự trang nghiêm và đức hạnh của Như Lai.
 
Giá trị chân thật của việc cúng dường không phải ở sự hiếm quí, đắc tiền của phẩm vật. Cốt lõi giá trị trong việc cúng dường là cung cách và tâm niệm cúng dường. Câu chuyện cúng dường ánh sáng của vua Prasenajit và bà lão ăn mày nói với chúng ta điều nầy. Và cúng dường với tâm hoan hỉ thì công đức sẽ vô lượng.
 
Hoan hỉ cúng dường là cúng dường trong niềm vui của tâm rỗng rang, không vướn ngại. Cúng dường hoa là cúng dường sự thanh khiết, suối nguồn hạnh phúc thế gian và xuất thế gian, là Phật tánh sẵn có nơi mỗi chúng ta. Suối nguồn hạnh phúc đó thể hiện ra trong đời sống qua nét đẹp, hương thơm, luôn luôn tươi mới, an lành, tương dung, kết nối.
 
Cúng dường hoa là một phương tiện dễ thực hiện trong việc đưa tâm thức hướng về chân thiện mỹ, là một nghệ thuật đơn giản trong việc làm thăng hoa ý nghĩa của đời sống. Con đường đó là một con đường đầy chất thánh thiện.
 
Dễ thực hiện và đơn giản vì trên khắp mặt đất, nơi nào cũng có thể tìm thấy hoa. Bất cứ người nào cũng có thể chiêm ngưỡng và cúng dường cái đẹp và sự tinh khiết của hoa. Bông sen, một biểu tượng của đạo Phật, cũng là một loài hoa dễ mọc và có mặt khắp nơi trong vùng nhiệt đới. Bông sen và tính chất của nó cũng rất gần gũi với con người.
 
Cúng dường bông sen là hòa mình vào những tính chất của bông sen được diễn tả trong kinh điển, để làm hiển lộ lại tánh chất bông sen cố hữu trong mỗi chúng ta.
 
Tính chất thánh thiện trong việc cúng dường hoa được ngài Dodrupchen III trình bày như sau:
 
“Hoa là những thứ vô cùng tinh khiết, có thể có được mà không cần phải dấng thân vào những hành động bất thiện. Chúng có thể được dùng để cúng dường mà không gây nên sự khốn khổ và hối tiếc về sau. Do đó sự cúng dường sẽ được thực hiện với tâm trong sạch ở giai đoạn đầu, giữa và sau cùng.
 
Ngay cả  một căn nhà tồi tàng mà được trang hoàng bằng hoa cũng trở nên một nơi di dưỡng. Nó trở thành suối nguồn cho một “chân tâm”, tâm trong suốt, giống như trên những cõi trời. Do đó hoa là một trong những phẩm vật cúng dường có sức mạnh chuyển hóa lớn lao nhất.”
 
Ta thấy hoa nói chung và bông sen nói riêng là một trong những phẩm vật cúng dường có nhiều ý nghĩa.
 
Trong đạo Phật, bông sen tượng trưng cho toàn bộ con đường Đạo là Giới, Định và Huệ. Giới hạnh trong sạch như bông sen, Tâm Thiền tự tại và thanh thoát như bông sen, Trí tuệ bình đẳng và kết nối như bông sen.
 
Giới hạnh Phật giáo được tóm tắt trong câu ca dao về bông sen của người Việt “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.” Đó là loại giới hạnh không xa lánh xã hội, sống và hòa mình trong thế giới muôn màu của thế gian mà vẫn giữ được sự trong sạch. Trong văn hóa Ấn độ nói chung và Phật giáo nói riêng, sen chỉ cho sự trong sạch hoàn toàn của thân, miệng, ý, và những hành động tốt đẹp đưa đến giải thoát khổ đau.Kinh Lalitavistara nói: “Người đức hạnh tâm không tì vết, giống như bông sen mọc từ bùn mà không bị ô nhiễm.”
 
Về ý nghĩa Thiền Định, chúng ta thấy hình tượng Phật và Bồ tát luôn ngồi hay đứng trên tòa sen. Do đó, tòa sen cũng biểu thị trạng thái an tịnh, chỗ an trụ của chư Phật, Bồ tát. Tòa sen là Tòa Như lai, Tòa Mọi Pháp Đều Không. Mọi lúc đều ở trong sự quán chiếu về tánh không của mọi hiện tượng, mọi sự vật thì đó là Chánh Định. Trong Kinh có nói: “Nếu sống trong một căn nhà được trang hoàng bằng hoa, tâm của người đó sẽ được an trú và tiến đến mục đích giải thoát.” Sống trong căn nhà trang hoàng bằng hoa cũng có nghĩa là sống trong trong giới và định.
 
Về ý nghĩa Trí tuệ, bông sen tượng trưng cho tính nhân quả đồng thời, mọi hiện tượng trong vũ trụ đều mỗi lúc liên hệ và tương dung nhau. Đó là Trí tuệ Bình đẳng, là Từ Bi Hỉ Xả. Các kinh Pháp hoa và Hoa nghiêm nói rằng mỗi chúng sanh là một bông sen, một thực thể thanh tịnh và giải thoát. Và mỗi thực thể thanh tịnh và giải thoát đó kết nối và dung chứa với mọi thực thể thanh tinh và giải thoát khác để tạo nên thế giới là một tràng hoa nghiêm tịnh và toàn khắp.
 
Bông sen cũng nói lên tiến trình giải thoát của một người đi trên con đường tu Phật: Mọc từ bùn, xuyên qua nuớc rồi vươn lên nở thành một bông hoa rực rỡ trong bầu trời. Từ vô minh và ô nhiễm của luân hồi, giữ giới và tu định để có được tâm thanh tịnh, trong sáng. Từ tâm thanh tịnh trong sáng đó dần tiến vào cảnh giới của ánh sáng chân thật hay chân quang, giác ngộ. Cách tăng trưởng nầy giải thích tiến trình tâm thức từ tình trạng miệt mài trong vật chất, qua sự thực hành và trải nghiệm tâm linh, để cuối cùng mở ra trong ánh sáng giác ngộ.
 
Cọng sen mềm nhưng sớ bền nên không dễ bị bẻ gãy. Do đó, cọng sen còn tượng trưng cho một tính chất trong việc thực hành Giáo pháp: uyển chuyển nhưng bền chắc, kiên trì.
 
Sen cũng nói lên tính cách của người Phật tử. Cọng sen ra khỏi bùn, đi vào nước và vươn mình trên không gian để nở hoa, không nương tựa vào đâu. Tính chất của người Phật tử là tự chủ, bản thân thì giữ tinh khiết, hướng thượng. Với gia đình thì bền chặt, chung thủy như cộng sen uyển chuyển mà khó đứt. Với xã hội thì lan tỏa, kết nối, bao dung như hương sen lan tỏa và bông sen nở chứa trọn ba thời.
 
Bông sen do đó là  một loại bông gắn liền với đời sống nghệ thuật và tâm linh của người Phật tử, có nghĩa là một đời sống đẹp từ ngoài vào trong. Nó tượng trưng cho Tâm Phật và Hạnh Phật, là lý tưởng và con đường mà mỗi Phật tử đi theo.
 
Bông sen nở tượng trưng cho giác ngộ, bông sen búp tượng trưng cho tiềm năng giác ngộ. Đức Phật là bông đã sen nở, chúng ta là những bông sen búp. Nhưng cả hai đều có cùng một Tánh Phật như nhau. Đem Tánh Phật của bông sen búp cúng duờng lên đức Phật trong ngày Đản Sinh là hướng về một tương lai tỏa ngát giống như Ngài.
 
Trong tinh thần cúng dường bông sen lên đức Phật, ông cha ta đã tạo dựng ngôi Chùa Một Cột. Đó là hình ảnh Bông Sen Om Mani Padme Hum, Bông Sen Ngọc Quí. Bông Sen Ngọc Quí đó là tinh hoa của mỗi con người nói riêng và của mọi xã hội hay toàn nhân loại nói chung. Tinh hoa đó là sự trong sạch, lành mạnh hoàn toàn trong hành động, lời nói và ý nghĩ. Đó cũng là tất cả những gì đức Phật muốn trao phó cho chúng ta.
 
Nói như đức Dalai Lama :“Sáu chữ nầy, om mani padme hum, có nghĩa là thực hành con đường hợp nhất không phân ly giữa phương tiện và trí tuệ để chuyển hóa thân, miệng và ý bất tịnh của chúng ta thành thân, miệng và ý của Phật.”
 
Và trong quá trình xây dựng Thăng Long, phát huy cái hồn của đất nước, ông cha ta đã gắn liền với bông sen đó. Bông Sen Diên Hựu đã song hành với lịch sử dân tộc trong gần một ngàn năm và đã trở thành biểu tượng của Thăng Long, cũng là một biểu tượng của văn hóa Việt nam.
 
Ý hướng xây dựng cái hồn Thăng long trên tinh thần Bông Sen Diên Hựu là ý hướng xây dựng một cõi tịnh độ ở nhân gian, dù ý thức hay không ý thức. Cõi tịnh độ đó có ba yếu tố nền tảng là con người, xã hội và môi trường như kinh A Di Dà diễn tả. Đó là hình ảnh của một cõi Tinh độ đầy bông sen mà đức Quan Thế Âm là một trong ba vị Thánh đại diện.
 
Kỷ niệm Phật Đản năm nay cũng là kỷ niệm Một Ngàn Năm Thăng Long. Phẩm vật cúng dường có ý nghĩa nhất trong dịp nầy có lẽ là Bông Sen Diên Hựu. Đó là cúng dường đức Phật bằng Đạo Tâm của dân tộc, cái đạo tâm đã tạo nên cái hồn của Thăng long và của đất nước.
 
Chúng ta sẽ noi theo cha ông, lấy tinh thần Từ Bi Hỉ Xả làm nền tảng cho những hành động, việc làm của chúng ta. Tinh thần đó là nền tảng vững bền nhất cho mọi sự phát triển thành công của cá nhân cũng như tập thể đã được cha ông chúng ta chứng minh qua lịch sử, cũng như được nói lên qua cái nhìn thấu thị của đạo Phật: “Nhiều người cho rằng sống một đời sống từ bi là vấn đề thuộc tâm linh. Thật sự, sống từ bi là một cách sống có hiệu quả nhất để thành tựu trong bất cứ lãnh vực nào. Tu tập Từ bi có thể tốn nhiều thời gian hơn là áp dụng bạo lực, nhưng những kết quả của Từ bi thì ổn định và dài lâu hơn nhiều. Từ bi là cách giải quyết dài hạn cho những vấn đề. Cách giải quyết nầy tạo ảnh huởng tích cực lên xã hội và nền kinh tế của chúng ta. Nó làm cho đời sống của chúng ta và đời sống của người khác được ổn định. Khi chúng ta có can đảm trong việc trau giồi Trí tuệ và Từ bi, những loại cỏ dại sân giận, đố kị, và ích kỷ có ít khoảng trống hơn để mọc.” (Sakyong Mipham, Viên Ngọc Như Ý).
 
Trong khúc quanh của lịch sử hôm nay, đất nước chúng ta đang xây dựng để hòa mình vào cộng đồng thế giới, ưu thế của chúng ta là một gia tài lịch sử dài lâu đầy chất liệu, đã cống hiến cho chúng ta một ý sống sâu sắc, tạo nên “cái lòng” của người Việt.
 
Hy vọng trong việc phát triển đời sống, bảo tồn di tích, bảo vệ môi sinh và nhiều vấn đề khác, chúng ta sẽ không rời xa “cái lòng” đó để có một sự phát triển bền vững, không phụ lòng tiền nhân, không để khó khăn cho đời sau.