Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Cung Trúc Lâm – Công trình ý nghĩa lớn về văn hóa,...

Cung Trúc Lâm – Công trình ý nghĩa lớn về văn hóa, kiến trúc, cảnh quan

268

Cung Trúc Lâm có ý nghĩa rất lớn về văn hóa, kiến trúc, cảnh quan, là một trong 10 công trình được Thường trực Tỉnh ủy lựa chọn để gắn biển chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời, công trình cũng tạo sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, góp phần thúc đẩy ngành du lịch không chỉ của TP Uông Bí mà của cả tỉnh.

Cung Trúc Lâm là công trình được thiết kế hài hòa với thiên nhiên.
Cung Trúc Lâm là công trình được thiết kế hài hòa với thiên nhiên.

Kế thừa và phát huy các giá trị cốt lõi vốn có của núi Yên Tử, kiến trúc sư người Mỹ Bill Bensley cùng các nghệ nhân đã tái hiện một không gian văn hóa – lịch sử mang phong cách thiền – thời Trần, thế kỷ XIII. Toàn bộ kiến trúc của công trình được thiết kế bằng cách lấy cảm hứng từ các kiến trúc cổ còn sót lại ở Yên Tử, đặc biệt là tháp Huệ Quang cùng với các bức tường quanh tháp và các di sản văn hóa, lịch sử của Việt Nam và Thiền phái Trúc Lâm trên núi Yên Tử.

Từ yếu tố gốc này, kiến trúc sư đã nhân bản một số đường nét cơ bản và truyền tải tinh thần nhà Trần, thế kỷ XIII vào toàn bộ quy hoạch, kiến trúc tổng thể và chi tiết của toàn bộ quần thể. Các đường nét chính mà quần thể công trình được kế thừa từ tháp tổ bao gồm cổng/ cửa cuốn vòm, bức tường dày, được vuốt cao lên ở hai bên, mái ngắn lợp ngói mũi sen sẫm màu, các đường phào chỉ dọc theo riềm mái. Đao mái ngắn, chắc khỏe, đơn giản, mộc mạc, chất phác.

Ngôn ngữ kiến trúc cung Trúc Lâm tiếp nối giá trị văn hóa, tinh thần, thiên nhiên của đất nước và con người Việt Nam, tạo cảm giác gần gũi, thân thuộc với tinh thần, tâm hồn người Việt. Các hình ảnh, cách bài trí quen thuộc, nhiều vật liệu tự nhiên được sản xuất thủ công. Do đó, cung Trúc Lâm là công trình kiến trúc có sự kết hợp hài hòa giữa đạo pháp và dân tộc.

Đây là nơi diễn ra nhiều
Đây là nơi diễn ra nhiều hoạt động hành hương, hội họp, tham quan, lễ Phật, thưởng ngoạn, trải nghiệm, tu tập.

Trong bối cảnh chung, cung Trúc Lâm là điểm kết thúc của trục Tâm Đạo còn gọi là “trục linh” là không gian theo một đường thẳng nối từ chính giữa cổng Khai Tâm đi qua một loạt hạng mục công trình. Và Cung Trúc Lâm cũng nối tiếp lên núi thành “con đường hướng thượng” hay “con đường giác ngộ”, hướng vào những địa danh trên núi như: Vườn tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên. Vì vậy, ở cung Trúc Lâm không có các tượng Bồ Tát, La Hán, ý tưởng ở đây là củng cố tinh thần Trúc Lâm – “Phật tại tâm” và “ai cũng có thể thành Phật được nếu đạt giác ngộ”.

Cung Trúc Lâm là dự án nhằm tiếp tục hiện thực hoá mục tiêu đưa các dịch vụ ra xa “vùng lõi” của di sản. PGS.TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho rằng: “Cung Trúc Lâm là công trình hiện đại xây dựng trong không gian hiện đại nhưng lại mang hồn cốt dân tộc, ý tưởng phù hợp với xu thế của quốc tế. Đây sẽ là một điểm đến thu hút du khách. Cung Trúc Lâm là cách để di sản văn hóa tìm được một chức năng mới có vị thế trong đời sống xã hội”.

Cung Trúc Lâm là công trình mang phong cách kiến trúc độc đáo.
Cung Trúc Lâm là công trình mang phong cách kiến trúc độc đáo.

Những chức năng mới của cung Trúc Lâm là từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách thập phương về một hạ tầng văn hóa – dịch vụ khang trang, tiện nghi và hiện đại, đảm bảo được điều kiện phục vụ tốt nhất cho các hoạt động hành hương, hội họp, tham quan, lễ Phật, thưởng ngoạn, trải nghiệm, tu tập… ở Yên Tử.

Công trình được lên ý tưởng qua một hành trình nghiên cứu, tìm kiếm tâm huyết và công phu trong hơn 10 năm, xây dựng trong 2 năm và đã hoàn thành giai đoạn 1. Công trình giai đoạn 1 được xây dựng trên diện tích rộng hơn 6.000m2, do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng từ nguồn công đức và xã hội hóa.

Đại lễ tưởng niệm 711 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn được tổ chức tại Cung Trúc Lâm.
Đại lễ tưởng niệm 711 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn được tổ chức tại cung Trúc Lâm.

Giai đoạn 2 của công trình sẽ có thêm một điện thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông, tạo thêm các vườn thiền xung quanh, dự tính xây dựng bức phù điêu về giai đoạn lịch sử ấn tượng nhất của nước Việt khi Phật hoàng xuất hiện. Cung Trúc Lâm xây dựng với ý nghĩa là cung của Phật hoàng.

Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng Ban Trị sự, Chánh Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Cung Trúc Lâm là nơi tôn thờ Trúc Lâm tam tổ, đồng thời là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa tôn vinh Phật giáo Trúc Lâm. Như vậy, cung Trúc Lâm có thể tổ chức nhiều sự kiện quảng bá Phật giáo Trúc Lâm, nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật gắn liền với Phật giáo Trúc Lâm và Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Quần thể mới này là một vùng đệm, làm nền, bổ sung, tôn vinh, tăng thêm giá trị cho vùng lõi di tích. Đặc biệt, công trình gắn chặt thêm đạo và đời, kết nối xưa và nay tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo góp phần thu hút du khách đến với Quảng Ninh. Không chỉ thể hiện sự tri ân đối với công đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông, công trình còn giới thiệu, quảng bá các giá trị tư tưởng, văn hóa Phật giáo Trúc Lâm nói riêng, hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam nói chung ra thế giới.

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, đánh giá: “Công trình mang đậm bản sắc văn hóa chứa đựng trong từng thành tố kiến trúc. Và đâu đó thể hiện được tinh thần của Phật giáo Trúc Lâm, tinh thần của Phật hoàng Trần Nhân Tông”.


Huỳnh Đăng/ Báo Quảng Ninh