Trang chủ Tuổi trẻ Tăng Ni sinh Cựu TNS K.5 V HVPGVN TPHCM: Cô sinh viên vượt khó

Cựu TNS K.5 V HVPGVN TPHCM: Cô sinh viên vượt khó

336

Lời tác giả : Bài viết này được thực hiện vào năm 2002, và đăng ở báo GN trong năm đó. Sau khi ra trường năm 2005 cho đến nay, Ban liên lạc Cựu Tăng ni sinh K5 TP.HCM vẫn chưa có nhiều thông tin về sư cô Viên Nhàn. Thông qua bài viết đăng lại trên PTVN, Ban liên lạc rất mong nhận được tin tức từ sư cô.

Dáng người nhỏ nhắn, hằng ngày đến trường bằng chiếc xe đạp cũ, nhưng với tinh thần vượt khó của những tháng ngày tưởng chừng “bao tử chảy máu”, cô sinh viên Nguyễn Thị Thu Anh, pháp tự : Viên Nhàn đã bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp, và là một trong 3 sinh viên nhận bằng khen sinh viên xuất sắc của trường Đại Học Mở Bán Công TP.HCM – chuyên ngành : Xã hội học (niên khoá 1998 -2002)

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, có tín tâm Tam bảo, nhờ vào sự đồng ý của mẹ, Viên Nhàn nhập tự, xuất gia tại Ni viện Diệu quang, thành phố Nha Trang. Ở đây, được sự dìu dắt tận tình của Ni sư trụ trì và Ni chúng, đồng thời với sự nhận thức cá nhân về con người, về thực trạng xã hội, cô quyết định theo học chuyên ngành Xã hội học.

Từ thực tế cuộc sống

Mẹ Nhàn sau cơn tại biến, bà bị liệt toàn thân. Mặc dù, tuổi già, bệnh nặng nhưng khi gặp cô, bà luôn miệng bảo: “Con phải cố gắng tu học, vì cuộc đời này cần có những tấm lòng xuất phát từ tinh thần giáo dục của đức Phật”.
Hình ảnh người mẹ nằm bất động trên gường bệnh nơi quê nhà và lời nhắc nhở thiết tha đậm đà tình mẫu tử ấy, chúng như một động lực giúp cô vượt qua những cơn đau thắt của bệnh tật suốt 4 năm tại giảng đường đại học. Cô tâm sự : “Thủ thuật của Nhàn là để gối vào bụng, áp thật sâu vào bao tử cho đến khi bớt đau rồi học, chừng nào mệt quá, không chịu đựng được nữa thì nghỉ, miết như vậy. Có những lúc “bao tử chảy máu”, nhưng đau thì đau, học vẫn học ”. Giọng nói trầm, nhỏ xí có vẽ nhút nhát của cô, chúng tôi khó thể tưởng tưởng, Viên Nhàn là một người đầy nghị lực như vậy.

Khi hỏi Viên nhàn tại sao chọn đề tài “ Hiện trạng Đời sống và việc làm của người lao động nhập cư qua phân tích về giới”. Viên nhàn kể : “Ngay từ năm II, mình đã thích làm luận văn rồi. Và không phải ngẫu nhiên mà Nhàn chọn đề tài người lao động nhập cư, lý do chính từ các em nhỏ mà ra. Nhiều đêm học bài khuya, đứng trên lầu nhìn xuống, thấy các em bé đi bán hủ tiếu gõ, rồi những bà mẹ bồng con ngũ gục trên tay với những tờ vé số, các em bé đánh giày…Nhàn xúc động lắm, và muốn làm một cái gì đó cho các em thông qua Luận văn tốt nghiệp của mình”. Xem lại luận văn mà Nhàn tặng chúng tôi, có đoạn viết : “… Qua nghiên cứu này, người viết mong muốn sẽ tìm ra những giải pháp hiệu quả giúp người dân nhập cư nghèo (trong đó có trẻ em) có thể hội nhập thành phố, và thực sự góp phần vào công cuộc phát triển thành phố”. Từng trang, từng trang viết mà chúng tôi đọc được qua công trình nghiên cứu của Nhàn là cả một quá trình tận tuỵ, tích luỹ kiến thức học tập, cùng với sự nghiêm túc làm việc, mà hơn thế nữa là lòng nhiệt thành, biết dấn thân, biết hoà mình vào công cuộc phát triển xã hội của thế hệ trẻ Ni sinh, Sinh viên. Một điều đáng nói đối với Nhàn, là các phương tiện nghiên cứu khi làm luận văn, cô đều mượn từ thầy cô và bạn bè, bởi hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên không thể đáp ứng hết nhu cầu học tập. Mặc dù vậy, Viên Nhàn vẫn cố gắng hoàn tất luận văn tốt nghiệp, khi căn bệnh bao tử cứ đeo đẳng. Nhàn nói : “ Cho đến ngày bảo vệ, mình vẫn không tin đã có đề tài để báo cáo”. Bạn bè Nhàn cho biết, không chỉ một đề tài luận văn này, mà Nhàn còn cùng các bạn làm khá nhiều đề tài nghiên cứu khác, trong đó có một đề tài về Tôn giáo: “Vai trò nữ giới trong Phật giáo”.

Hình ảnh SC Viên Nhàn trong ngày tốt nghiệp

Đồi điều chia sẻ

Gặp Nhàn trong ngày lễ tốt nghiệp, chúng tôi hỏi : Bạn có suy nghĩ gì về những thành tích đã đạt được ? Nhàn trầm ngâm : “Nhàn không nghĩ mình đã thành công, bởi vì những gì có được hôm nay không thể đánh giá thông qua điểm số hay luận văn, vì nó vô giá đối với những tháng ngày miệt mài đạp xe và làm việc trên máy vi tính. Song bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, mình còn có sự giúp đỡ từ nhiều phía: Thầy tổ; Sư trưởng chùa Phước Hải; Ni sư, Ni chúng chùa Kim sơn; giáo viên hướng dẫn Tiến sĩ. Thái Thị Ngọc Dư , các bạn sinh viên cùng trường, cùng khoá và đặc biệt là hình ảnh người mẹ già trên gường bệnh”. Về phần giáo viên trực tiếp hướng dẫn đề tài cho Nhàn, Tiến sĩ Thái Thị Ngọc Dư, Trưởng khoa Xã Hội học, cho biết : “Trong suốt thời gian hướng dẫn Thu Anh (Viên Nhàn) làm luận văn, chúng tôi nhận xét, Cô đã có nhiều cố gắng trong mọi vấn đề, đặc biệt là vấn đề hội nhập, bởi người xuất gia việc hội nhập xã hội khi làm đề tài nghiên cứu rất hạn chế, thế nhưng cô ấy đã làm được điều đó, thể hiện khá cao tinh thần nhập thế. Điều mà chúng tôi tâm đắc ở Thu Anh (Viên Nhàn) trong đề tài này, là phương pháp tiếp cận đối tượng nghiên cứu (người lao động), rất thuyết phục”. Nụ cười tươi của giáo viên hướng dẫn như lời động viên gởi đến Viên Nhàn, khiến chúng tôi, những người viết bài này cũng hiểu được phần nào tinh thần học tập cần mẫn, siêng năng của cô sinh viên vượt khó. Hiện nay, Viên nhàn đang học năm II tại Học viện Phật giáo TP.HCM, tạm trú tại chùa Kim sơn, Q. phú Nhuận. Ước mơ sau khi tốt nghiệp Học viện Phật giáo, Nhàn sẽ học tiếp khoa tâm lý, mong trở thành chuyên viên tư vấn, đóng góp vào công cuộc an sinh xã hội của Phật giáo.

Người viết hy vọng, với sự nỗ lực học tập không ngừng, với ý chí kiên trì cao, ước mơ của cô sẽ sớm thành hiện thực.

Minh thuận – Quảng Châu