Trang chủ Bài nổi bật Đá xưa thành ngọc, hạnh từ chiếu soi

Đá xưa thành ngọc, hạnh từ chiếu soi

526
Di ảnh cố Ni trưởng Thích Nữ Như Ngọc

Chúng con lớp người sau về tu tập dưới sự hướng dẫn của Thầy nơi Gia đình Khánh An, chưa biết rõ Sư bà Như Ngọc là ai nhưng cảm được tấm lòng của Sư bà qua tự sự của Thầy.


Từ thuở còn là học Tăng, Thầy chúng con đã được Sư bà chăm lo mọi bề để thầy an tâm lo việc đèn sách. Cho đến khi cất bước hành đạo, phụng sự Tam Bảo thì Sư bà cũng là một trong những cộng sự phía sau.

Con nghe kể Khánh An những ngày đầu lúc thầy mới về, nơi đây còn hoang vắng, ngôi chùa bé nằm thỏm giữa cánh đồng nước mênh mông. Có lẽ là người có bề dày trong việc tiếp chúng độ ni và biết được sự lao nhọc của vị trụ trì nên Sư bà đã giúp thầy chăm lo từ cái nhỏ nhất.

Khách đến Khánh An bao giờ cũng phải gặp thầy, uống trà trò chuyện. Còn sư bà đến Khánh An việc đầu tiên là đi thẳng xuống nhà bếp, xem hủ gạo, tủ thức ăn đủ thiếu thế nào để yểm trợ.

Ân tình của Sư bà đối với Thầy không mang tính giao đãi nơi phòng khách mà nó nằm ở hủ gạo nơi nhà bếp, nơi bình hoa cúng Phật, nơi những mâm cỗ mỗi khi Khánh An có lễ hội.

Những khi thầy đi giảng hay hội họp Giáo hội, con may mắn được nhiều lần đi theo, hễ tiện đường là Thầy ghé qua Phổ Đà. Có những lúc thầy và sư bà trò chuyện rất vui nhưng cũng có những khi thầy lặng lẽ ngồi bên Sư bà, cả hai không nói gì. Có lần sư bà cầm lấy bàn tay thầy rồi nhắm mắt thật lâu… Con nghĩ lúc ấy, ngôn ngữ đã trở nên bất lực trước đạo tình quá lớn của hai vị tôn đức.

Trước ngày Sư bà viên tịch khoảng 10 ngày, sau thời giảng ở chùa Hoà Khánh, Thầy trò ghé qua Phổ Đà thăm Sư bà. Vẫn ánh mắt đầy yêu thương đầy kính trọng ấy chằm chằm nhìn về phía Thầy. Lần này thì Thầy chủ động nắm lấy bàn tay Sư bà. Những ngón tay yếu ớt kia không còn sức để nắm lấy bàn tay Thầy. Những ngón tay run rẩy kia như muốn ghì lấy bàn tay Thầy mà không thể cầm nắm được. Thăm lần này, Thầy ngồi không lâu lắm rồi ra xe về. Suốt chặng đường về lại Khánh An, cả xe ngồi lặng im, không ai nói gì. Con chợt nghĩ biết bao ân nhân đã đi qua cuộc đời mình dù ít hay nhiều, lớn hay nhỏ điều phải sống với niềm biết ơn.

Cái tình của người tu được gọi là tình “linh sơn cốt nhục pháp lữ đại thừa”. Cái tình ấy được Đức Thế tôn đã truyền trao cho các thánh đệ tử nơi pháp hội Linh Sơn và nó truyền mãi đến bây giờ. Cái tình ấy được chư thánh tổ chuyên chở trên cổ xe lớn (đại thừa) và nó mãi được chuyển vận chưa bao giờ dứt trên lộ trình tu tập, phụng sự nhân sinh.

Nhìn vào trong con, con thấy trong con có thầy, và nhìn vào trong thầy, con thấy có bóng dáng của Sư bà. Vậy nên không phải chỉ mình con mà tất cả những ai đã từng sống, từng tu ở Khánh An đều ít nhiều thọ ơn Sư bà.

Buổi sáng Sư bà viên tịch, thầy gửi con tấm hình của Sư bà rồi bảo phóng lớn để thờ. Thiết trí hương án mà tay con run run như bà vẫn hiển hiện đâu đây nơi Khánh An.

Xin thay mặt Tăng thân gói trọn niềm kính thương dâng lên sư bà như lễ phẩm của người sau thọ ơn gián tiếp.

Hôm đến viếng tang Sư bà, trong đêm khuya thanh vắng, thầy trò chúng con có mấy chục phút ngồi tĩnh tâm thiền tọa rồi sau đó kinh hành niệm Phật quanh kim quan ba vòng. Con ngước nhìn tôn dung của bậc ni lưu ở trên cao kia đầy hoa đầy nến. Ánh mắt từ hoà của Sư bà như đang nhìn xuống vị tăng trẻ mà mấy mươi năm trước Sư bà phải đóng tiền học hàng tháng. Giờ đã là một vị tôn đức với cả một tăng đoàn vững chãi đang ngồi tỉnh tọa uy nghiêm trước Giác linh đài. Con nghĩ Sư bà đang nở nụ cười hoan hỷ toại ý với ước nguyện thầm kín được nuôi dưỡng từ mấy chục năm trước trong lòng.

Như vầng trăng soi sáng
Ngọc chiếu khắp mọi đàng
Nói sao cho được nên lời
Nói sao cho hết một đời chuyên tu
Người về với cõi Chân Như
Đá xưa thành Ngọc hạnh từ chiếu soi.
Yêu thương gởi đến muôn loài
Xây ngôi nhà pháp rạng ngời Tâm tông
Chung vui xây giấc đại đồng
Vuông tròn đạo quả thong dong lên đường.
Kính cẩn bái biệt Sư bà.


Quảng Thức/ Tu Viện Khánh An