Trang chủ Tin tức Đại lễ cầu siêu liệt sĩ tại Tây Ninh

Đại lễ cầu siêu liệt sĩ tại Tây Ninh

60

Đến chứng minh và tham dự có HT. Thích Giác Tường – Thành viên HĐCM GHPGVN; HT. ThíchThiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HĐTS GHPGVN; HT. Thích Thông Nghiêm – Trưởng Ban trị sự Phật giáo tỉnh Tây Ninh;  chư Tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS GHPGVN, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tây Ninh, hàng ngàn Tăng Ni, Phật tử tham dự.
 
Buổi lễ còn có sự hiện diện của ông Nguyễn Thiện Nhân – Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCNVN; ông Nguyễn Thanh Sơn – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; ông Trần Đức Lai – Thứ Trưởng bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Văn Phuôn – Phó Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Tây Ninh; ông Nguyễn Văn Nên – Chủ tịch tỉnh Tây Ninh ; quý ông, bà đại diện các Bộ, ngành TW và các Sở, ban ngành tỉnh Tây Ninh; hàng trăm kiều bào đại diện cho hơn 4.000 triệu người Việt đang định cư và học tập tại nhiều nước trên thế giới.
 
Trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam có nhiều địa danh đi vào lòng người như lũy thép Quảng Bình, đất thép Củ Chi, Đồng Khởi Bến Tre …, Tây Ninh là một trong những thành đồng của cách mạng miền Nam. Quân đội Mỹ và Sài Gòn tập trung binh lực, khí tài quân sự để hòng phá vỡ thành đồng Tây Ninh, như với lòng quả cảm, các chiến sĩ cách mạng, nhân dân đã bảo vệ thành công căn cứ địa của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, là nơi có các căn cứ Trung ương Cục Miền Nam, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, Ban An ninh Trung ương Cục Miền Nam, Bưu cục Trung ương Cục miền Nam… cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn năm 1975.
 
Bên đó, các chiến sĩ cách mạng Việt Nam vừa bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, vừa giúp cách mạng nước bạn Campuchia và Lào giành thắng lợi hoàn toàn. Nhất là sau năm 1975, các chiến sĩ Quân đôi Nhân dân Việt Nam bảo vệ thành công biên giới Tây Nam, quân tình nguyện Việt Nam một lần nữa giúp nước bạn Campuchia khỏi họa diệt chủng của chế độ Pôn Pốt, Ieng Sa Ry.
 
Tổ chức Đại lễ tưởng niệm, cầu siêu anh linh các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh được an táng tại đồi 82 nghĩa trang liệt sĩ huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh chính là dịp để nhân dân Việt Nam tưởng nhớ và tri ân các người con của Tổ quốc đã vĩnh viễn nằm xuống cho đất nước toàn vẹn, các anh hùng, liệt sĩ đã để lại cho hậu thế bài học vô giá về chủ nghĩa anh hùng, yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau học tập và làm theo.
 
Nhằm thể hiện tinh thần tri ân, báo ân của Đạo Phật, đạo lý uống nước nhớn nguồn của dân tộc Việt Nam, cùng với nguyên lý Pháp giới duyên khởi của Đạo Phật, sự giao hòa của hai thế giới duyên sinh vô tận, chủ bạn viên dung, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Ủy ban Nhân dân, các ngành chức năng tỉnh Tây Ninh, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tây Ninh, Ban Quản trị Tổ đình Vĩnh Nghiêm, long trọng tổ chức Đại lễ cầu siêu bạt độ anh linh chiến sĩ đã hy sinh tại chiến trường biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, anh linh các quân binh chủng, cán bộ chiến sĩ ngành Bưu chính viễn thông, Thanh niên xung, dân công phong hỏa tuyến và đồng bào yêu nước hy sinh tại nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.
 
Việt Nam và Campuchia có chung biên giới đường bộ dài khoảng 1.170 km, có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, tôn giáo và một số phong tục tập quán, nhất là tinh thần bảo vệ Tổ quốc và Dân tộc thân yêu, cho nên trong công cuộc vệ quốc, bảo vệ độc lập vừa qua nhân dân Việt Nam và Campuchia đã từng sát cánh bên nhau để bảo vệ từng tấc đất quê hương.
 
Năm 1975, nhân dân Việt Nam – Campuchia hân hoan ca khúc khải hoàn, đất nước Chùa Tháp và đất nước của các Vua Hùng không còn bóng quân xâm lược. Trong lúc dân tộc Việt Nam và Campuchia còn vang dậy tiếng âu ca mừng ngày chiến thắng thì một bi kịch lại xảy ra cho nhân dân hai nước. Người đứng đầu chính quyền non trẻ Campuchia – Pôn Pốt, Ieng Sa Ry đã phản bội lại dân tộc Campuchia, phản bội lại tình đồng chí Việt Nam, phát động một cuộc chiến tranh biên giới, phá vỡ tình đoàn kết của hai dân tộc và đưa nhân dân Campuchia rơi vào thảm họa diệt chủng.
 
Trước thảm cảnh nhân dân Campuchia bị sát hại vô tội, nhân dân Việt Nam một lần nữa sát cánh cùng nhân dân nước bạn Campuchia, lên đường làm nghĩa vụ quốc tế theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp bạn là tự giúp mình”.
 
Ngày 07 tháng 01 năm 1979, thủ đô Phnôm Pênh được hoàn toàn giải phóng, chính phủ và quân đội Pôn Pốt, Ieng Sa Ry tan rã, chế độ diệt chủng sụp đổ. Nhân dân Campuchia tự coi như mình vừa được sống lại từ cõi chết. Thắng lợi từ cuộc chiến này của lực lượng Cách mạng Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam là tiền đề cho sự hồi sinh và phát triển của nước bạn Campuchia cũng như của Việt Nam trong xu thế hòa bình, hợp tác hữu nghị và cùng phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
 
Khi nói về vùng Tây Nam bộ, Tây Ninh là một trong những địa phương chịu rất nhiều thiệt hại do chiến tranh gây ra. Về phương diện lịch sử, Tây Ninh là địa phương giàu truyền thống cách mạng yêu nước, là “Thủ phủ” của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, là nơi có các căn cứ Trung ương Cục Miền Nam, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, Ban An ninh Trung ương Cục Miền Nam, Bưu cục Trung ương Cục miền Nam… Ngoài ra, Tây Ninh còn nhiều di tích lịch sử gắn liền với cuộc kháng chiến giải phóng Miền Nam như di tích căn cứ Bời Lời, chiến khu Dương Minh Châu, địa đạo An Thới, chiến thắng Tua Hai cũng như nhiều địa danh gắn liền với chiến tranh biên giới Tây Nam và nhiều di tích khác.
 
Trong cuộc kháng chiến cứu nước và bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ Quốc, huyện Tân Biên tỉnh Tây Ninh là một trong những địa bàn rất ác liệt, bộ đội chủ lực thuộc các Trung đoàn, những chàng trai cô gái Thanh niên xung phong đã chiến đấu rất ngoan cường vì độc lập, vì tự do của tổ quốc cũng như giúp nhân dân nước bạn Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng. Quả thật:“Một đời vì nước, toàn dân luôn tưởng nhớ, Ngàn năm yên nghỉ, Tổ quốc mãi ghi công”.
 
Hơn 30 năm đã trôi qua, hòa bình đã được thiết lập, đất nước đã hồi sinh, phát triển và vươn rộng ra tầm cao thế giới, nhưng trong ký ức những người lính trực tiếp tham chiến, trong lòng người dân vùng biên giới, thì cuộc chiến tranh khốc liệt ấy vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi. Khi cửa rừng biên giới Tây Nam khép lại, thì đời sống tâm linh của những người còn sống luôn xót xa khi nhớ về những kỷ niệm thiêng liêng của những người thân, đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi biên cương quạnh quẻ, cũng như chiến trường Camphuchia khốc liệt. Vì thế, một nhà thơ đã nói: “Cái riêng trong lòng đã chia sẻ cho nhau, nhưng vết thương nào không quằn quại cơn đau”.
 
Ngày nay, Việt Nam – Campuchia không ngừng phát triển về mọi mặt, đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển trang nghiêm trong lòng dân tộc.
 
Tăng Ni, Phật tử Việt Nam không sao quên được sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ đã nằm xuống cho hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Thể hiện tinh thần tri ân và báo ân của người con Phật, Đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, để chia sẻ phần nào đau thương, mất mát mà những người dân vùng biên cương, những người dân Campuchia vô tội đã gánh chịu, cũng như đồng cảm với những anh linh anh hùng chiến sĩ, bộ đội, thanh niên xung phong, những chiến sĩ Quân Bưu quả cảm, những người đã vĩnh viễn nằm yên trong lòng đất khi tuổi đời vừa mới đôi mươi, hay những người đã hy sinh một phần thân thể mình để giữ gìn từng tấc đất nơi biên cương và để giúp đất nước bạn thoát nạn diệt chủng.
 
Trong mùa An cư kiết hạ thanh tịnh của Tăng Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng gần kề mùa Vu lan Báo hiếu của Đạo Phật, nhân kỷ niệm 63 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, 65 năm ngày truyền thống ngành Bưu Điện, 60 năm ngày Truyền thống Thanh niên Xung phong, kỷ niệm 31 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao, Tập đoàn Bưu Chính Viễn thông Việt Nam, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tây Ninh, Ban Quản trị Tổ đình Vĩnh Nghiêm trọng thể tổ chức Lễ Tưởng niệm và trai đàn chẩn tế cầu siêu bạt độ anh linh các liệt sĩ hy sinh tại chiến trường biên giới Tây Nam, chiến trường Campuchia và các anh hùng Liệt sĩ cũng như đồng bào hy sinh vì sự nghiệp Bưu Điện tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tân Biên, là nơi yên nghỉ ngàn thu của hơn 4000 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập tự do của Tổ quốc.
 
Trong ý nghĩa tri ân, báo ân của Đạo Phật, uống nước nhớ nguồn của Dân tộc Việt Nam, cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc và Phật giáo Việt Nam, trong ý nghĩa thế giới chan hòa, duyên khởi của người đã mất và những người còn sống, âm có siêu thì dương mới thới, người thác có yên lòng, người sống mới an tâm, chúng tôi tin tưởng rằng anh linh của các Liệt sĩ và hương linh những người đã mất sẽ được thanh thản về mặt tinh thần. Tổ quốc mãi mãi ghi công và nhân dân Việt Nam trong đó có Tăng Ni, Phật tử Việt Nam luôn tưởng nhớ các anh hùng Liệt sĩ bằng hành động cụ thể, lợi Đạo ích Đời, góp phần hoàn thành mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; và cầu nguyện cho những người còn sống luôn được hạnh phúc và an lạc trong một xã hội chan chứa tình người, một đất nước độc lập tự do.
 
Với lòng tưởng niệm vô biên, biết ân vô hạn, đồng cảm vô cùng vô tận, lòng từ bi chan hòa pháp giới, sẽ giao cảm với anh linh các anh hùng liệt sĩ trong thế giới vô biên. Bằng Phật lực gia trì, năng lực chú nguyện của chư Tôn đức Tăng Ni, tiếng kinh siêu độ, một dạ chí thành, lắng lòng thanh tịnh, xin cầu nguyện anh linh các chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc nói chung và ngành Bưu Điện nói riêng, vì sự bình yên của biên giới và nghĩa vụ Quốc tế luôn được an nhàn trong cõi Tịnh. Nơi nghĩa trang thân yêu, cây cỏ bạt ngàn này, các anh hùng liệt sĩ hãy an nghĩ cho ngàn thu in bóng, mãnh hình hài hòa quyện với non sông, sẽ sống mãi trong lòng dân tộc, trong trang sử rạng ngời của đất nước Việt Nam quang vinh.
 
 
Trong lời đạo từ, Thượng Toạ Thích Quảng Tùng phát biểu: “Ba nước Đông Dương: Việt Nam – Lào – Campuchia tự ngàn xưa luôn là những người bạn thân thiết, những đồng đội chí nghĩa chí tình sát cánh bên nhau trong chiến hào để bảo vệ từng tấc đất, ngọn rau của Tổ quốc khi bị xâm lược.
 
Như chúng ta biết, bán đảo Đông Dương có một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quân sự đối với các nước phương Tây, nhất là tài nguyên khoáng sản dồi dào, do đó các thế lực xâm lược phương Tây luôn tìm mọi cách để xâm chiếm.
 
Ngược dòng thời gian, khi thực dân Pháp và sau này là đế quốc Mỹ hoàn tất việc thôn tính Đông Dương, nhân dân 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia đã cùng nhau kiên cường, bất khuất đấu tranh với kẻ thù chung vì sự độc lập, toàn vẹn Tổ quốc của mỗi dân tộc. Với chiến thuật “hợp tung”, “môi hở răng lạnh”, Việt Nam có thể là hậu phương của nước bạn Lào – Campuchia, và ngược lại hai nước bạn là hậu phương của Việt Nam. Tình hữu nghị, tình nhân loại đã tạo thêm sức mạnh để nhân dân 3 nước Đông Dương lập nên những chiến công hiển hách, những kỳ tích lịch sử để giải phóng quê hương, giành độc lập cho mỗi đất nước.
 
Nhân dân 3 nước luôn trọn vẹn nghĩa tình với nhau, nhất là truyền thống hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Campuchia đời đời bền vững. Nhân dân hai nước vừa mới mừng vui khi chiến tranh kết thúc, thì bất ngờ người đứng đầu chính quyền non trẻ của Campuchia – Pôn Pốt, Ieng Sa Ry do vô minh đã phản bội lại lòng tin của nhân dân Campuchia, đã phản bội lại tình đồng đội, đồng chí hôm nào, phát động một cuộc chiến tranh phi nghĩa tại biên giới hai nước, sát hại chính đồng bào của mình, tạo nên một thảm họa diệt chủng đối với nhân dân Campuchia.
 
Để cứu lấy một dân tộc đang đối diện với họa diệt chủng cũng như giữ gìn toàn vện biên cương của Tổ quốc, bảo vệ sự bình yên của nhân dân hai nước, một lần nữa tình bạn, tình nhân loại được các chiến sĩ bộ đội quân tình nguyện Việt Nam thể hiện. Hội đồng nhân dân cách mạng và nhân dân Campuchia đã cùng quân tình nguyện Việt Nam liên minh chiến đấu để giải phóng Campuchia khỏi họa diệt chủng do Pôn Pốt, Ieng Sa Ry gây ra cũng như thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân hai nước.
 
Gần năm năm liên minh chiến đấu, hàng ngàn người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh khi thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả và bảo vệ Tổ quốc; Đồng thời để tưởng niệm các anh hùng chiến sĩ Quân bưu, công nhân ngành Bưu điện đã hy sinh trong cuộc cuộc giải phóng đất nước, để tưởng nhớ các liệt sĩ vì nước quên thân, vì tình nhân loại mà phục vụ, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Ủy ban Nhân dân, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tây Ninh, Ban Quản trị Tổ đình Vĩnh Nghiêm, trọng thể tổ chức Đại lễ cầu siêu anh linh các liệt sĩ đã hy sinh nơi chiến trường Campuchia và biên giới Tây Nam và các anh hùng liệt sĩ ngành Bưu điện.
 
Thay mặt Trung ương Giáo hội, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, Bộ, ngành Trung ương, các cấp Ủy Đảng, Chánh quyền, các Sở, Ban ngành tỉnh Tây Ninh, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tây Ninh, Ban Quản trị Tổ đình Vĩnh Nghiêm cùng toàn thể quý Đại biểu hiện diện xin bày tỏ lòng thành kính và tưởng niệm anh linh các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, cho sự hồi sinh và bình yên của nhân dân Campuchia.
 
Đại lễ tưởng niệm và cầu siêu bạt độ cho các liệt sĩ tại nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tân Biên hôm nay, là một trong những dịp để chúng ta ôn lại lịch sử hào hùng, truyền thống hữu nghị và tinh thần quốc tế vĩ đại của dân tộc Việt Nam; cùng nhau thực hiện một truyền thống tốt đẹp của Đạo Phật, của dân tộc về sự biết ơn và nhớ ơn đối với sự kiên trung, anh dũng hy sinh của các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam – những người con ưu tú của đất nước đã nằm xuống cho sự toàn vẹn biên cương, cho sự hồi sinh của nhân dân nước bạn Campuchia. Đặc biệt, Đại lễ cầu siêu hôm nay được tổ chức nhân kỷ niệm 63 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, 65 năm ngày truyền thống ngành Bưu điện, 60 năm ngày Truyền thống Thanh niên Xung phong, kỷ niệm 31 năm ký kết Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và phát triển giữa Việt Nam và Vương quốc Campuchia đã nói lên trọn vẹn tinh thần tri ân, báo ân của người con Phật, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Quá khứ tốt đẹp luôn là động lực, là sức mạnh để các thế mai sau học tập và làm theo”.
 
Nhân Đại lễ tưởng niệm, cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ, ông Nguyễn Thanh Sơn – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã trao Kỷ niệm chương và Bằng khen cho các tập thể và các cá nhân.
 
Sau khi Lãnh đạoGHPGVN, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước bày tỏ tâm tư, lòng tri ân đối với anh linh các  anh hùng liệt sĩ, Chư tôn giáo phẩm Lãnh đạo GHPGVN, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp, Tăng Ni, Phật tử và đại diện kiều bào đồng dâng hương tưởng niệm anh linh các anh hùng, liệt sĩ.
Lãnh đạo GHPGVN và Lãnh đạo Nhà nước CHXHCNVN thắp hương tưởng niệm
 
Chư tôn giáo phẩm chứng minh
 
Quý quan khách tham dự
 
 
Chư tôn đức Tăng – Ni tham dự
 
Đại diện Campuchia tham dự
 
Quang cảnh buổi lễ
 
Ông Nguyễn Thanh Sơn phát biểu khai mạc
 
Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu
 
Ông Hoàng Huy Loạt phát biểu
 
Đại diện kiều bào Việt Nam phát biểu
 
Ông Nguyễn Thế Cường đọc quyết định trao Kỷ niệm chương và Bằng khen
 
 
ông Nguyễn Thanh Sơn trao Kỷ niệm chương và Bằng khen cho các tập thể và các cá nhân.
 
 
 
 
HT. Thích Thiện Tánh cảm tạ
 
Lãnh đạo GHPGVN và Lãnh đạo Nhà nước CHXHCNVN thắp hương tưởng niệm