Trang chủ Tin tức Đạo tràng Pháp hoa miền Bắc – 10 năm một chặng đường...

Đạo tràng Pháp hoa miền Bắc – 10 năm một chặng đường phát triển

885

HẠT SEN ĐẦU TRÊN ĐẤT BẮC


Cụ Đinh Thị Mão, pháp danh Hoa Huệ, người vẫn được các Phật tử Đạo tràng Pháp hoa miền Bắc gọi là chị Cả, năm nay ngoài 82 tuổi nhưng trông vẫn mạnh khỏe, minh mẫn và xông xáo. Hơn 10 năm trước đây, vào ngày 20 tháng 11 năm 1997, cụ đã tổ chức cho hơn 80 Phật tử thọ pháp với Hòa thượng Thích Trí Quảng tại khách sạn Kim Liên, Hà Nội, nơi Ngài nghỉ nhân dịp ra dự Đại hội Phật giáo Việt Nam lần thứ IV.



Cụ Đinh Thị Mão, pháp danh Hoa Huệ – chị Cả của Đạo tràng Pháp hoa miền Bắc


Cụ Mão kể lại cho chúng tôi những ngày đầu đến với Kinh Pháp hoa và thành lập Đạo tràng trong sự xúc động và tự hào. Năm 1996, Cụ đi chùa, niệm Phật, tụng Kinh Pháp hoa mà không hiểu được hết ý nghĩa sâu xa. Như nhân duyên đã định, một hôm đến chùa Lý Triều Quốc Sư, Cụ tìm và mượn được cuốn sách Lược giải Pháp hoa. Cuốn sách đã giải đáp hết thắc mắc cho cụ về bộ Kinh. Được khai mở trí tuệ, cụ vô cùng biết ơn người viết cuốn sách nên đã để ý đến tên tác giả. Khi đó cụ mới biết đến Thượng tọa Thích Trí Quảng (khi đó Ngài 59 tuổi).


Lặn lội vào TP. Hồ Chí Minh, thấy nhiều chùa to, cảnh lớn Cụ không dám vào, nhưng quyết hỏi bằng được đến chùa Ấn Quang để gặp, đỉnh lễ và cầu pháp ở Hòa thượng. Thấy Phật tử miền Bắc không có nhiều cơ hội được nghe và học Pháp như trong miền Nam, khi trở ra Hà Nội, Cụ đã mang theo 50 cuốn sách Bổn môn Pháp hoa, băng giảng, băng tụng, các bức ảnh của Hòa thượng. Tìm cách mời được gần 10 người đến nhà, Cụ nói: “Ở miền Nam có một vị Thầy hứa khả rằng ở đâu có người tụng kinh Pháp hoa thì vị Thầy đó sẽ đến tận nơi để độ cho, gian nan đến đâu cũng ra để hướng dẫn tu tập”.


Sau đó, Cụ lại quay vào Nam tiếp tục tu học kinh Pháp hoa, liên lạc với bà Ngô Thanh Lịch, một người mà Cụ tin cậy để giao vai trò tổ chức và cầu nối ở ngoài Bắc. Cụ nhận danh sách xin quy y, thọ pháp ở Hòa thượng Trí Quảng rồi gửi sách, băng giảng, báo Giác Ngộ ra Bắc. Cứ cách vài tháng, Cụ lại ra Bắc để thu hút Phật tử và hướng dẫn tu tập. Lúc đầu, mọi người trì tụng kinh Pháp hoa tại chùa Một Cột được hơn 1 năm và đây cũng là nơi Hòa thượng dự định mở đạo tràng Pháp hoa đầu tiên. Thế rồi vì một vài lý do khác nhau, việc thọ pháp không thể tổ chức ở đây. Hòa thượng đã quyết định thọ pháp ngay tại khách sạn Kim Liên. 11 giờ đêm hôm trước, bà Lịch đã phải lặn lội đến từng nhà thông báo việc thay đổi địa điểm thọ pháp. 5 giờ sáng hôm sau, 80 người xếp hàng từ dưới sảnh lên đến phòng khách sạn, lần lượt từng người một vào phòng nhận pháp y.


Trong vài tháng đầu, Đạo tràng đã thu hút được hơn 300 người tham gia. Sau đó, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm đã đỡ đầu và tạo điều kiện cho Đạo tràng sinh hoạt tại chùa Lý Triều Quốc Sư. Số lượng Phật tử sinh hoạt ở đây dần tăng lên đến hơn 1000 người, phải chuyển bớt sang chùa Phụng Thánh, rồi đến chùa Mọc Quan Nhân.


TÂM NGUYỆN CỦA HÒA THƯỢNG TÔN SƯ


Kinh Pháp hoa là một bộ kinh quan trọng, thiết yếu đối với Phật tử trên con đường tu tập, nhưng lại là kinh khó thấy ý nghĩa sâu xa, cũng như cách ứng dụng trong đời sống tu tập. Học kinh Pháp hoa ở Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Quảng Đức, rồi sang Nhật Bản du học tại một trường đại học chuyên về kinh Pháp hoa, lại có những trải nghiệm màu nhiệm khi hành trì bộ kinh này, Hòa thượng Thích Trí Quảng đã phát nguyện độ trì, hướng dẫn Phật tử tu hành bằng cách mở các đạo tràng Pháp hoa trên cả nước.


Năm 1979, lần đầu tiên ra Bắc, được tham vấn Hòa thượng Thích Trí Độ – Hội trưởng Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, được tham quan một số di tích Phật giáo miền Bắc, Hòa thượng thấy cảnh chùa tiêu điều, hiếm có hình bóng Tăng Ni. Nhưng nhìn chiều sâu theo kinh Pháp hoa, Hòa thượng có niềm tin vững chắc rằng Phật giáo miền Bắc rồi sẽ phát triển. Khi đến chùa Quán Sứ, gặp thầy Bảo Nghiêm, gặp các vị Tăng Ni trẻ, tổng cộng là 49 người mà Hòa thượng coi là 49 hạt sen quý rơi trên đất Bắc trong hoàn cảnh khắc nghiệt về tư tưởng và nhận thức xã hội,  Hòa thượng chợt liên tưởng đến 49 năm Đức Phật thuyết pháp. 49 hạt sen này được Hộ pháp Long Thiên bảo vệ, giữ gìn, chắc chắn sẽ đưa Phật giáo miền Bắc hồi sinh và phát triển.


Khi được Hòa thượng Tâm Cẩn dắt sang viếng thăm chùa Một Cột, một đóa hoa sen giữa thủ đô Thăng Long do vua Lý Thái Tông nằm mơ mà xây lên, Hòa thượng đã nhìn thấy đây chính là bản tự của đạo tràng Pháp hoa miền Bắc, cho dù lúc ấy chưa có đạo tràng, chưa có người tu. Từ đây Hòa thượng phát tâm xây dựng đạo tràng Pháp hoa miền Bắc, từ một đạo tràng vô tướng trong tâm đến đạo tràng hữu tướng sau gần 20 năm kể từ lần ra Bắc ấy.


Khi không thể trao y pháp cho Phật tử tại chùa Một Cột, Hòa thượng đã quyết định trao y pháp cho Phật tử ngay tại khách sạn Kim Liên, vì từ Kim Liên cũng nói lên được nhân duyên lớn rồi. Hòa thượng nói với Hòa thượng Thiện Duyên, người ở cùng phòng khách sạn khi ra dự Đại hội PGVN lần IV “Người nào có căn lành, có nhân duyên, Phật khiến tới, Long Thiên Hộ pháp đưa đến để thọ pháp, không nhất thiết tại chùa”.


PHÁP HOA GIỮA ĐỜI THƯỜNG


Khó có thể kể hết được những câu chuyện và sự lợi lạc khi hành trì kinh Pháp hoa của gần 1 vạn Phật tử trong Đạo tràng Pháp hoa miền Bắc. Phật tử Hoa Huệ, chị Cả của Đạo tràng thì tâm đắc nhất với đoạn kinh “Khai thị chúng sinh, ngộ nhập Phật tri kiến”, ở đây là tri kiến Phật của chính bản thân mỗi người. Cụ mong giúp nhiều người khác nhận ra được tri kiến Phật của mình, và đó là lý do Cụ dành nhiều tâm huyết để phát triển Đạo tràng Pháp hoa.


Phật tử Bùi Hồng Liên, Pháp danh Phát Tâm đến từ tỉnh miền núi Hòa Bình, gia nhập Đạo tràng từ năm 2005. Tỉnh Hòa Bình có 11 huyện, thị nhưng chỉ có 2 chùa, không có Tăng, Ni, hiện nay mới có Ban đại diện Phật giáo. Tuy nhiên bác đã đứng ra lập Đạo tràng tại nhà riêng, thiết trí bảo điện thờ Phật, cùng tu tập với 250 Phật tử khác trong vùng. Vào ngày 14 và 30 hàng tháng, bác cùng các Phật tử tụng kinh Pháp hoa, tự giảng pháp và chia sẻ giáo lý cho bạn đạo. Theo bác, điều quan trọng nhất khi sinh hoạt trong Đạo tràng là phải thương yêu nhau như con một nhà, lá lành đùm lá rách.



Phật tử Bùi Hồng Liên, pháp danh Phát Tâm


Nam, học sinh lớp 12, một Phật tử đến từ Đạo tràng Pháp hoa ở Quảng Ninh cho biết, điều quan trọng nhất với cậu khi học kinh Pháp hoa là khai mở trí tuệ, việc cần thiết không chỉ cho việc học đạo mà cả cho việt học tập ở trường và ôn thi đại học. Cậu cũng muốn mình là một tấm gương để các bạn trẻ khác đến với Đạo.


Đối với chị Tuyết, cư trú tại làng hoa Ngọc Hà (Hà Nội), ở nhà nội trợ, lần dự lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Đạo tràng Pháp hoa miền Bắc là lần đầu tiên đến với Đạo tràng do sự giới thiệu của bà cô họ. Chị có mong muốn giản dị khi xin vào Đạo tràng là được tịnh tâm, thay đổi tính tình mềm mại hơn, đối xử tốt hơn với chồng, với con. Chồng chị rất ủng hộ việc chị tham gia Đạo tràng và nói với chị rằng ở nhà làm nội trợ nhưng cũng phải có hướng học gì đó để vun đắp hạnh phúc gia đình. Chị tự hứa sẽ thu xếp thời gian để đi nghe pháp và tập tu Pháp hoa.



Chị Tuyết, đến từ Làng hoa Ngọc Hà


NHỮNG THÀNH TỰU BƯỚC ĐẦU VÀ ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI


Sau 10 năm phát triển, hiện nay đã có 38 đạo tràng Pháp hoa tại miền Bắc và gần 1 vạn Phật tử. Giai đoạn đầu, đạo tràng phát triển chủ yếu trong các chùa ở Hà Nội, xuất phát từ chùa Một Cột đến Lý Triều Quốc Sư, Phụng Thánh, Mọc Quan Nhân, Bát Mẫu, chúng Phổ Hiền chùa Quán Sứ, Kim Liên, Yên Bái, Khương Đình, Trạm, Hoàng Mai, Hoàng Liệt, Vạn Phúc hiện nay đã lan toả đến Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Tây, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh và Đạo tràng mới nhất vừa được mở tại Thái Bình.



Cầu siêu nạn nhân bão Chanchu tại Nam Định. Ảnh: Xuân Loan



Đi thiền hành – Ảnh: Xuân Loan



Tham dự Hội tu Bát Quan trai. Ảnh: Phúc Thịnh



Đi cúng dàng trường hạ. Ảnh: Phúc Thịnh


Các Đạo tràng Pháp hoa miền Bắc đã có nhiều hoạt động tu học hữu ích như nghe pháp theo lịch giảng cố định, tụng kinh Pháp hoa trong tang lễ Đức Đệ nhị Pháp chủ, dự lễ cầu siêu cho nạn nhân cơn bão Chanchu tại Hải Hậu (Nam Định), tham gia các hội tu bát quan trai, các khóa tu đặc biệt như khóa tu tại chùa Phật Tích, dự lễ mừng thọ, thăm các trường hạ mùa an cư, tham gia khóa học Phật pháp dài hạn của THPG Hà Nội, tổ chức trung thu, ngày quốc tế thiếu nhi, trao quà, học bổng cho các cháu thiếu nhi, quyên góp từ thiện ủng hộ người nghèo, gia đình chính sách…


Phật tử từ các Đạo tràng khác nhau thường xuyên được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm tu tập, được Hòa thượng Thích Trí Quảng – tôn sư, Thầy Thích Bảo Nghiêm – giáo thọ sư, các thầy giảng sư trong Ban Hoằng pháp Trung ương và các tỉnh truyền dạy Phật pháp, hướng dẫn tu tập. Các Phật tử đã bước đầu định hướng cho con cháu, bạn bè đến với đạo Phật, mang lại những nhân tố mới, nét mới cho Đạo tràng.


Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương cho biết,  ngày 27/1 và 7/12 âm lịch chính thức được chọn là ngày chúc thọ và ngày ngày họp mặt truyền thống của Đạo tràng Pháp hoa miền Bắc. Bên cạnh những hoạt động mang tính tu học truyền thống, Đạo tràng Pháp hoa miền Bắc sẽ đẩy mạnh phát triển trong giới trẻ, tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, giao lưu, tọa đàm, hội thảo, sáng tác, triển lãm… để chia sẻ kinh nghiệm tu học. Các hoạt động hướng đến đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng như cầu an, cầu siêu… cũng sẽ được tổ chức.


Hy vọng trong thời gian tới, Đạo tràng Pháp hoa miền Bắc sẽ ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động, có các chương trình tu học lợi lạc, góp một phần quan trọng vào sự phát triển của Phật giáo và xã hội tại vùng đất trung tâm của Phật giáo một thời.