Trang chủ Tết Việt Du xuân Đầu xuân đến chùa Nóng xin lửa đầu năm

Đầu xuân đến chùa Nóng xin lửa đầu năm

132

“Lộc” nhà chùa đơn giản chỉ là một nhánh cây, 1 bông hoa, hay là nắm oản… tượng trưng cho sự tươi tốt, no ấm, dồi dào, khỏe mạnh.

Nhưng tin rằng ở nhiều vùng miền của đất nước có rất ít ngôi chùa cứ vào đầu xuân năm mới lại chia lộc cho mọi nhà bằng lửa như chùa Huống (tên chữ là Phú Nông Tự).

Đây cũng là nguồn gốc lí giải cho xuất xứ của một  tên gọi quen thuộc trong dân gian nữa của ngôi cổ tự là chùa Nóng ở xóm Cậy- xã Huống Thượng- huyện Đồng Hỷ- tỉnh Thái Nguyên…

Có một ngôi chùa giữ lửa …

Chùa Huống (chùa Nóng) cách trung tâm thành phố Thái Nguyên chừng 3km. Đi qua cầu treo bắc ngang dòng sông Cầu thơ mộng chừng vài trăm mét là có thể nhìn thấy ngôi chùa tọa lạc trên quả đồi có dáng chim Phượng Hoàng đang sải cánh bay về phía Tây Nam.

Theo khảo sát năm 1996 của Bảo tàng tỉnh Bắc Thái thì chùa Huống có từ thế kỷ thứ VI. Trong chùa hiện còn lưu giữ được các bức tượng cũ như: tượng Tam thế, Adi đà, Đức Phật Thích- ca –mâu- ni; Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, các vị A Nan, Ca Diếp, Tượng Đức Ông, Nam Tào, Bắc Đẩu, Tòa Cửu long và một quả chuông được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 19 (1838).

Khuôn viên chùa vẫn được giữ như xưa, xung quanh là cả một vùng đất rộng, cây cối sum suê bốn mùa hoa trái. Đứng ở sân chùa có thể nhìn bao quát được một vùng rộng lớn của xã Huống Thượng.

Sở dĩ chùa Huống còn có tên gọi trong dân gian là chùa Nóng vì theo tích xưa trong hậu cung của nhà chùa luôn giữ lửa. Ngày đầu xuân, khách thập phương và Phật tử khắp nơi đến xin lộc, nhà sư trụ trì sẽ lấy lửa từ trong hậu cung ra tiếp vào đuốc của các gia đình, cầu mong cho mọi người luôn được no đủ, may mắn trong năm mới.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, ngay sau khi du nhập vào nước ta Đạo Phật có một điểm rất đặc trưng. Đó là du nhập đến đâu Đạo Phật đã tự điều chỉnh và thay đổi cho phù hợp với tín ngưỡng và tâm thức dân gian của người Việt bằng con đường phong tục hoá và dân gian hoá ở chính vùng miền đó.

Từ đó, Phật giáo đã nhanh chóng hòa nhập các yếu tố có lợi cho mình trong hệ thống tín ngưỡng dân gian bản địa, đặc biệt là ở các tín ngưỡng nông nghiệp.

Từ xưa, xã Huống Thượng đã có cái thế trên bến, dưới thuyền “nhất cận thị, nhị cận giang” nên có điều kiện phát triển, nhất là nông nghiệp lúa nước. Giống như nhiều vùng khác, cư dân vùng Huống Thượng cũng có một hệ thống tín ngưỡng dân gian hết sức phức tạp và phong phú.

Từ nguồn sống chính bằng sản xuất nông nghiệp nên họ rất tôn sùng các hiện tượng tự nhiên có liên quan trực tiếp đến nghề nông. Đó là các vị thần linh siêu nhiên được người Việt quan niệm như các hiện tượng tự nhiên đầy sức mạnh huyền bí (mặt trời, mặt trăng, các vì sao, mây – mưa, sấm – chớp, gió – bão).

Và điều chắc chắn là không thể thiếu Lửa.

Nói về lửa thì ai cũng biết nó vô cùng quan trọng cho cuộc sống của con người. Hồi nguyên thủy, tìm ra lửa là một phát kiến vĩ đại đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của con người. Nhờ có lửa, con người từ ăn sống, uống sống chuyển sang ăn chín, uống chín.

Bởi khó như thế, cho nên khi đã có lửa rồi thì phải lo mà giữ, mà duy trì cho lửa không tắt. Nhà có lửa là nhà ấm cúng, bếp có lửa là bếp ở nhà có của để ăn. Trái lại, nhà ai lạnh bếp là nhà thiếu đói. Lửa ban đầu có giá trị thực dụng, cho chúng ta bếp lửa để nấu ăn, cho chúng ta ánh sáng trong ngôi nhà, chậu lửa hồng nổ tí tách sưởi ấm ta ngày đông tháng giá.

Cũng từ đó, lửa có thêm một ý nghĩa tâm linh khi trở thành biểu tượng cho sự ấm áp và no đủ trong suốt một năm. “Cơm mùa treo chái chùa cũng chín”, tục lệ “xin lửa- chia lửa” ở chùa Huống (chùa Nóng) có lẽ cũng bắt nguồn từ mong ước ấy của người dân Huống Thượng xưa.

Trải qua bao thời gian và thăng trầm của lịch sử, nhiều nét chùa xưa không còn giữ được nguyên vẹn. Nhưng bên cạnh những ngày lễ chính đang được duy trì như Tết Nguyên Tiêu (15/1) ; Lễ Phật Đản (mồng 8 tháng 4); Lễ Vu Lan (15 tháng 7); Lễ Tất niên (mồng 8 tháng 12) thì cái tên nôm là “Chùa Nóng” và tục lệ “phát lộc”  bằng lửa đầu năm vẫn còn mãi được nhắc đến…

Đi gieo những hạt từ tâm…

Vào những ngày cuối năm, dù cái rét cuối đông vẫn còn se sắt qua từng cơn gió, nhưng đến chùa Huống – Phú Nông ( chùa Nóng) đã thấy sắc xuân bừng dậy khắp. Trong khoảng sân rộng của chùa, bên sắc hồng của cây bích đào là sắc đỏ, tươi rói của hàng trăm chiếc đèn lồng – sản phẩm của bao ngày cẫn mẫn, chăm chỉ của thầy trụ trì và các chú tiểu.

Sắc màu tươi thắm làm cho không gian của ngôi chùa trở nên rực rỡ. Chợt thấy, nơi đây không chỉ chứa đựng vẻ đẹp ấm áp lộng lẫy của ngày Tết mà còn chứa đựng sinh khí dồi dào của một mùa xuân đang đến rất gần.

Đã biết mùa xuân là mùa của cây cỏ, lá hoa, mùa của những mầm sống trỗi dậy và dâng hiến thì cũng nên nghĩ: mùa xuân sẽ là dịp để con người đi gieo mầm nhân ái, mùa tưới tắm yêu thương và thực tập những thiện lành.

Trong Phật giáo coi tiết xuân bắt đầu từ 23 tháng Chạp và lấy một số ngày trong tháng như: 1, 14, 15, 23, 29… là ngày chay tịnh, giáo dục phật tử sống thanh đạm để tu nhân hướng thiện. 

Còn ở chùa đây, thầy trụ trì là Đại đức Thích Chúc Tiếp đã chia sẻ rằng: "Thật hoan hỉ vì sau nhiều nỗ lực, lời Phật dạy đang dần "thấm" vào sinh hoạt của người dân địa phương nhân dịp mùa xuân và những mùa sinh hoạt Phật giáo tháng Tư, tháng Bảy, tháng Mười. Nhưng vẫn còn đó rất nhiều trăn trở trong quá trình phụng sự đạo pháp, hóa độ chúng sinh.

Nằm trên diện tích gần 2 héc ta với khuôn viên có rừng cây rất yên tĩnh, chùa Huống ( chùa Nóng) rất thích hợp cho việc học Phật và tu tập.

Bản thân thầy nghĩ rằng, các vấn nạn của xã hội ngày nay phát sinh nhiều. Giới trẻ đang thừa hưởng quá nhiều vật chất, trong khi cái cốt lõi là đạo đức thì đang… mất dần đi.

Vì thế, thầy đang ấp ủ dự định xây dựng chùa Huống (chùa Phú Nông- chùa Nóng ) trở thành nơi tu học và phát huy giáo pháp của đức Phật, đặc biệt là tu tập cho thanh thiếu niên. Để giúp cho các em có niềm an vui, có lòng yêu thương và hiểu mọi người hơn, biết tự mình phục vụ cho chính mình. Đó là cách nhanh nhất để gieo những hạt giống từ bi của đạo Phật”.

Phật không của riêng ai, bởi mọi con người đều có tâm hướng thiện. Mệnh đề này sẽ phải được cụ thể bằng những việc làm thiết thực. Hy vọng với lòng chân thành và nỗ lực của thầy trụ trì là Đại đức Thích Chúc Tiếp cùng các Phật tử của chùa Huống (chùa Phú Nông- chùa Nóng)  sẽ sớm đủ duyên để hiện thực hóa mong muốn trong hành trình xây dựng những giá trị thiện lành của Phật giáo, trở thành điểm tựa cho mọi người dân hướng về.

Lan man nghĩ tiếp về tục lệ “chia lửa- xin lửa” đầu xuân ở chùa Huống ( chùa Phú Nông- chùa Nóng ) chợt nhận ra một điều: Từ xưa con người đã tìm ra lửa, cố công giữ lửa. Và ai cũng sợ mất ngọn lửa hồng trong bếp.

Song, làm mất đi ngọn lửa trong trái tim mới chính là điều nguy hiểm nhất. Bởi mất lửa trong trái tim, con người chúng ta sẽ trở nên băng giá, lạnh lùng, vô cảm với mọi người xung quanh, với cộng đồng, xã hội.

Đầu năm mới chia lộc cho mọi nhà bằng lửa là muốn nhắc nhở mỗi người về mối nguy hiểm thường trực đó. Phải chăng đó là ý nghĩa sâu xa đúc kết từ một phong tục mà các bậc tiền nhân muốn gửi gắm cho hậu thế  hôm nay?