Trang chủ Thời đại Hoằng pháp ĐĐ. Minh Nhẫn: HT Hoằng pháp 2011 trên nền tảng thành công

ĐĐ. Minh Nhẫn: HT Hoằng pháp 2011 trên nền tảng thành công

98

Nền tảng thành công được nói đến ở đây là thành công của các Hội thảo hoằng pháp trước đây”. Đại đức Thích Minh Nhẫn, Phó Thư ký Ban Hoằng pháp Trung ương, Chánh Thư ký Ban Trị sự Phật giáo Kiên Giang, vị tăng sĩ đã góp nhiều công sức vào thành công của Hội thảo Hoằng pháp năm 2010 tại Kiên Giang và hiện cũng đang góp phần tích cực tổ chức Hội thảo Hoằng pháp năm 2011 tại Bình Dương đã nói như vậy trong buổi tiếp chuyện với phóng viên Phattuvietnam.net.

Phattuvietnam.net: Xin Đại đức cho biết về những biểu hiện thành công cụ thể của Hội thảo Hoằng pháp Kiên Giang năm 2010?

ĐĐ Minh Nhẫn: Thành công của Hội thảo Hoằng pháp Kiên Giang năm 2010 biểu hiện ở rất nhiều mặt, đến nay vẫn là một tác động quan trọng thúc đẩy sự phát triển hoạt động hoằng pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, của Phật giáo Kiên Giang nói riêng.

Riêng đối với Phật giáo Kiên Giang, số người tham dự đông đảo Hội thảo Hoằng pháp đã là một “cú hích” nâng cao số lượng Phật tử đến chùa, quy ngưỡng Phật pháp trong thời gian sau đó, với mức độ ước tính là gấp 3 lần so với thời gian trước khi diễn ra Hội thảo Hoằng pháp, đặc biệt là vào các dịp lễ lớn sau Hội thảo như Phật Đản, Vu Lan, Tết Nguyên đán, Lễ hội tháng giêng…

Một số đông Phật tử đã khắng khít hơn với sinh hoạt hoằng pháp tại các chùa.

Hội thảo Hoằng pháp Kiên Giang cũng làm chuyển biến tích cực trong nhận thức và tình cảm của trí thức, cán bộ, viên chức tỉnh Kiên Giang đối với Phật giáo.

Hội thảo Hoằng pháp năm 2010 tại Kiên Giang cũng tạo ra trong nội bộ Phật giáo Kiên Giang không khí chuyển biến tích cực đối với hoạt động hoằng pháp. Điều mà chúng ta có thể gọi bằng các cụm từ như “Hứng khởi hoằng pháp”, “Gia tốc hoằng pháp”…

Một trong những nội dung kết luận thống nhất của Hội thảo Hoằng pháp năm 2010 tại Kiên Giang đã được Phật giáo Kiên Giang triển khai rộng rãi sau hội thảo bằng nhiều hoạt động cụ thể, mà trước hết là Hội nghị Chuyên đề về vai trò của vị trụ trì, đề ra một số giải pháp nâng cao, hoàn thiện vai trò của tăng sĩ trụ trì.

Sắp tới Phật giáo Kiên Giang mở khóa học kỹ năng trụ trì trong sự nghiệp truyền bá Chính pháp, với thời gian 3 năm, học tập trung 1 tuần/tháng.

Trong khóa học, hoạt động hoằng pháp sẽ được hết sức chú trọng với việc chuyển tải đến quý tăng ni những kiến thức mới giúp nâng cao hoạt động hoằng pháp, như kỹ thuật diễn giảng, kỹ năng vận động quần chúng…

Có được nhận thức mới, dẫn tới những bước tiến mới trong hoạt động hoằng pháp ở Phật giáo Kiên Giang, cơ bản là nhờ có Hội thảo Hoằng pháp năm 2010 tổ chức tại Kiên Giang.

Hoạt động riêng từng chùa cũng khởi sắc. Để chào mừng Hội thảo Hoằng pháp, hơn 30 chùa đã được trùng tu. Hoạt động thảo luận nhóm trong Hội thảo đã đưa chư vị tôn đức và quan khách tham gia Hội thảo đến với từng chùa, tạo sự hoan hỷ cho tăng ni Phật tử. Những lời sách tấn về việc hoằng pháp của quý tôn đức tùy hoàn cảnh từng chùa giúp ích rất nhiều cho tăng ni Phật tử.

Không khí sôi nổi, năng động của Hội thảo Hoằng pháp đã để lại cho toàn thể người dân Kiên Giang nói chung, Phật tử Kiên Giang nói riêng những ấn tượng đẹp, những kỷ niệm đẹp về Phật giáo, sẽ khó phai mờ trong tâm trí tất cả những người tề tựu về tham dự Hội thảo Hoằng pháp năm 2010. Hội thảo đã tạo nên một ngày “tết hoằng pháp” tại nơi đăng cai tổ chức.

Những ảnh hưởng lớn lao từ thành công của Hội thảo Hoằng pháp năm 2010 tại Kiên Giang như thế chắc chắn cũng sẽ có từ Hội thảo Hoằng pháp năm 2011 tại Bình Dương.

Phattuvietnam.net: Đó là những hiệu ứng thành công, còn đâu là những kinh nghiệm về việc tổ chức sẽ được vận dụng trong Hội thảo Hoằng pháp năm 2011 tại Bình Dương, thưa Đại đức?

ĐĐ Minh Nhẫn: Không chỉ là kinh  nghiệm tổ chức Hội thảo Hoằng pháp nói riêng, mà ở đây còn là kinh nghiệm tổ chức một hình thức lễ hội Phật giáo mới mang tính chất chuyên đề, quy tụ số người tham dự đông đảo trong nhiều ngày, tổ chức thuyết pháp với quy mô lớn ở nơi công cộng, kết hợp tổ chức các sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật Phật giáo.

Việc tổ chức Hội thảo Hoằng pháp năm 2010 ở Kiên Giang đã giúp cho Ban Hoằng pháp Trung ương, Phật giáo Kiên Giang có được những kinh nghiệm tổ chức Phật sự hoằng pháp mới mẻ này. Chắc chắn những kinh nghiệm có được sẽ giúp cho chư vị tôn đức Ban Hoằng pháp Trung ương tổ chức thành công Hội thảo Hoằng pháp năm 2011 tại Bình Dương ở cấp độ cao hơn.

Ở đây, xin đặc biệt lưu ý đến 2 kinh nghiệm mà tôi nghĩ là quan trọng.

Đó là sự phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp giữa các khâu, các bộ phận trong công tác tổ chức.

Trong hội thảo Hoằng pháp, những sự kiện riêng lẻ cũng cấu thành từ nhiều hoạt động. Huống chi, ở đây, Ban Hoằng pháp tổ chức phức hợp các sự kiện ở nhiều địa điểm, qua nhiều hình thức.

Bên cạnh đó, cần tranh thủ tối đa sự hỗ trợ từ phía chính quyền, các ban ngành đoàn thể.

Thực tế cho thấy, quy mô của các Hội thảo Hoằng pháp đã đạt đến mức mà lực lượng Phật giáo trở nên mỏng trong việc tổ chức.

Tại Hội thảo Hoằng pháp năm 2010 tại Kiên Giang, số lượt người tham dự là vài chục ngàn lượt/ngày, tổng số lượt người tham dự Hội thảo có hơn 100.000 lượt người.

Vì vậy, tranh thủ mọi mặt và càng nhiều càng tốt sự giúp đỡ về phía chính quyền, thì Phật giáo mới kham nổi công tác tổ chức.

Thực tế Hội thảo Hoằng pháp Kiên Giang cho thấy các cán bộ, viên chức chính quyền, các ban ngành đoàn thể đều rất nhiệt thành giúp đỡ Phật giáo, không ngại cực khổ, nặng nhọc.

Tranh thủ như vậy, nhìn từ phía Phật giáo, còn là dịp san sẻ phần công đức Phật sự hoằng pháp cho tất cả mọi người.

Phattuvietnam.net: Những nét mới nào trong việc tổ chức các Hội thảo Hoằng pháp mà đại đức tâm đắc?

ĐĐ Minh Nhẫn: Đây là những ý tưởng từ chư tôn đức lãnh đạo cấp cao mà tôi hết sức tâm đắc. Đây là những suy nghĩ của riêng tôi, bên cạnh đó, tôi đề nghị Phatttuvietnam.net liên hệ đến quý tôn đức để có thể làm rõ hơn những ý tưởng hoằng pháp mới, mà chúng tôi cho là hết sức mới mẻ, sáng tạo và có tác dụng tích cực này.

Từ trước đến nay Phật giáo chúng ta có nhiều lễ hội cho nhiều Phật tử, nhưng chưa có nhiều các lễ hội mang tính toàn dân.

Nay, Hội thảo Hoằng pháp là một hình thức lễ hội Phật giáo toàn dân với quy mô lớn.

Trước hết về mặt tổ chức, đã có nhiều thành phần xã hội cùng tham gia, không chỉ riêng Phật giáo, trong đó phần giúp đỡ của nhà nước là rất lớn.

Số người tham gia lễ hội hoằng pháp, có thể gọi như vậy, không chỉ là Tăng ni Phật tử, mà là toàn thể người dân, gồm cả những người không tôn giáo và tôn giáo khác.

Vì vậy, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy Hội thảo Hoằng pháp chia làm 2 phần hoạt động. Vẫn có những hoạt động tâm linh truyền thống, nhưng bên cạnh đó, rất chú trọng đến hoạt động mang tính lễ hội Phật giáo quần chúng, như ca nhạc, diễn hành, triển lãm…

Và một hình thức trung gian, là thuyết pháp công cộng.

Buổi thuyết pháp công cộng của Thượng tọa Bảo Nghiêm, Trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương có đến 10.000 người tham dự, trong đó, chắc chắn có nhiều người không phải Phật tử.

Từ đây, chúng ta có thể nghĩ tới những buổi thuyết pháp công cộng có 20.000, 50.000 cho đến 100.000 người tham dự.

Hội thảo Hoằng pháp cũng được tổ chức với hoạt động dành một “sân chơi” cho tăng ni trẻ.

Quý tôn đức cao nhiên thiết kế một Phật sự đòi hỏi nhiều công sức như vậy, thì chắc chắn, người thực hiện phải là lớp tăng ni trẻ.

Nhờ đó, thế hệ hậu học của chúng tôi mới có dịp đóng góp, gánh vác Phật sự, phát huy được sở học, tạo phần công đức, thực tập để kế tục sự nghiệp quý liệt vị lãnh đạo Phật giáo Việt Nam.

Vì vậy, lớp tăng ni trẻ chúng tôi cố gắng hết sức trong Phật sự này với lòng biết ơn chư vị tôn đức lãnh đạo dành cho chúng tôi cơ hội.

Phattuvietnam.net: Xin chân thành cảm ơn Đại đức về những suy nghĩ và tình cảm chân thành mà Đại đức đã trình bày ở trên.

MT – NL