Trang chủ Quốc tế Đề cử thánh địa Sarnath thành di sản văn hóa thế giới

Đề cử thánh địa Sarnath thành di sản văn hóa thế giới

226

Hiệp hội Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) tại thành phố Varanasi vừa đệ trình hồ sơ lên tổ chức Văn hóa Khoa học và Giáo Dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) xin được công nhận thánh địa Sarnath là di sản văn hóa thế giới. Đề xuất này được Bô Văn Hóa Ấn Độ chấp thuận và đang chờ UNESCO công nhận. Nếu được chấp nhận, Sarnath sẽ trở thành di sản thế giới thứ tư của UNESCO ở bang Uttar Pradesh và là di sản thứ 39 của Ấn Độ.

Thị trấn Sarnath cách trung tâm thành phố Varanasi khoảng 8km về hướng Đông Bắc.

Theo các nhà Khảo cổ học và các nhà nghiên cứu Phật học, Sarnath là nơi đức Phật đã chuyển bánh xe pháp sau khi ngài thành đạo, nơi đây, ngài đã tuyên thuyết bài kinh Chuyển Pháp Luân nổi tiếng và được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau. Hiện nay, Sarnath bao gồm một quần thể khảo cổ học rộng lớn, bao gồm đại tháp Dhamekh, nơi đức Phật đã thuyết giảng bài pháp Bốn Chân Lý Cao Thượng cho năm anh em Kiều Trần Như, một số ngôi Chùa đại diện cho các trường phái Phật học từ nhiều quốc gia khắp thế giới, bảo tàng Sarnath, nơi lưu giữ hàng ngàn cổ vật có liên quan đến Phật giáo và nhiều tôn giáo khác cũng như các chứng tích cổ vật biểu trưng cho nền văn minh văn hóa của Sông Hằng.

Neeraj Kumar Sinha, nhà khảo cổ học thâm niên, nhiều năm làm việc tại Viện Khảo Cổ Học Ấn Độ của thành phố Varanasi cho rằng: “Sarnath xứng đáng là địa danh di sản văn hóa thế giới để được UNESCO công nhận. Đây là một di sản hữu tình, với nhiều họa tiết độc đáo, khó ai có thể bì được.”

Nói về quá trình đạt được sự công nhận từ UNESCO, ông cho rằng: “Đây là nổ lực đầu tiên và quan trọng vì chúng tôi muốn địa danh này phải được công nhận hoàn toàn như là một nơi tâm linh, một ngôi nhà trong hệ thống di sản văn hóa thế giới. Trước đó, vào khoảng năm 2003, Sarnath cũng từng được đề cập đến”.

Theo truyền thống Phật giáo, sau khi thành đạo dưới cội cây Bồ đề tại Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng), đức Phật đã nhớ đến năm người bạn đồng tu khi xưa nên ngài quyết định đi đến Sarnath để dạy Phật pháp cho họ. Ngài đã xuôi theo con sông hằng, đi về hướng đông để đến Sarnath, từ Bodhagaya đến Sarnath khoảng 200km (tính theo đường chim bay). Khi đức Phật đến Sarnath, ngài nhìn thấy những người bạn đồng tu, ngài rất hoan hỷ nhưng ngược lại những vị này bàn nhau, hãy “làm ngơ” vì một người đã “sa ngã” khi tu khổ hạnh (nguyên do là đức Phật đã nhận bát cháo sữa của nàng Sujata khi ngài kiệt sức, điều này làm cho 5 người bạn đồng tu không mất hài lòng). Tuy nhiên khi đức Phật đến gần thì ngài đã cảm hóa được tất cả và sau đó họ trở thành những vị đệ tử xuất gia đầu tiên trong hàng Tăng bảo. Đức Phật cũng đã độ cho nhiều người xung quanh trở thành đệ tử tại gia của ngài như Da Xá, Cha mẹ Da Xá, những người bạn Da Xá…

Đại đế Asoka (302–232 BCE) sau khi quy y với Phật giáo, ngài đã đến chiêm bái và đảnh lễ nơi này. Asoka đã cho xây dựng một ngôi tháp uy nghi để đánh dấu nơi đức Phật giảng bài pháp đầu tiên cho nhân loại và dựng thêm một trụ đá, trên đó ghi sắc lệnh của Asoka rằng: cấm tất cả các tư tưởng kích bác có thể gây thù hận chia lìa tôn giáo và có khả năng dẫn đến chiến tranh.

Vài thế kỷ sau khi hai nhà chiêm bái người Trung hoa là Pháp Hiển ((337–422 CE) và Huyền Trang (602–64 CE) đã đến nơi này. Trong tác phẩm Phật Quốc Ký (của ngài Pháp Hiển) và Đại Đường Tây Vực Ký (của ngài Huyền Trang) đều ghi giống nhau rằng: Nơi đây (Sanarth) có hàng ngàn ngôi tự viện lớn nhỏ, vài ngàn tăng sỹ tu học theo các trường phái thuộc Tiểu thừa lẫn Đại thừa.

Ngày nay, Sanarth là một trong bốn thánh tích quan trọng liên quan đến cuộc đời của đức Phật. Bốn thánh địa này gồm có: Lumbini – nơi đức Phật đản sanh, Bodhgaya – nơi đức Phật thành đạo, Sanarth – nơi đức Phật chuyển pháp luân, Kushinagar – nơi đức Phật nhập diệt. Hàng năm, có vài triệu Phật tử và Tăng ni đến chiêm bái đảnh lễ bốn thánh địa này, nhiều nhất trong số các quốc gia đó như: Thái Lan, Tây Tạng, Việt Nam, Miến Điện, Tích Lan, Bhutan, Trung Quốc, Đài Loan…Tuy nhiên về địa hình thì Sanarth có lợi thế hơn bởi vì: “Đây là nơi khai sinh ra Phật giáo, nó gắn kết mối liên hệ về mặt tình cảm, tôn giáo, lịch sử với nhiều tôn giáo, nhiều quốc gia” Ông Sinha nói.

Ngoài đại tháp Dhamekh, Tháp Dharmarajika – nơi Tam bảo được thành lập và Moolgandhkuti (Hương Thất của Đức Phật) – nơi Đức Phật đã trải qua mùa an cư đầu tiên cùng với các vị tỳ kheo trong năm đầu tiên sau ngày thành đạo.

Ủy ban di sản văn hóa, khoa học và giáo dục của Liên hiệp quốc UNESCO họp hàng năm để lựa chọn các địa điểm mới dựa trên sáu tiêu chí văn hóa và bốn tiêu chí tự nhiên. Một di tích đáp ứng được một trong số những tiêu chí đó thì có thể được UNESCO công nhận. Các tiêu chí văn hóa bao gồm “ mức độ quan trọng trong giá trị nhân văn giữa các thế hệ, hoặc mức độ ảnh hưởng hoặc đóng góp trong một khu vực văn hóa mang tính thế giới, hoặc sự phát triển trong kiến trúc hoặc công nghệ, nghệ thuật tượng đài, quy hoạch thị trấn hoặc thiết kế cảnh quan, trực tiếp hoặc hữu hình gắn liền với các sự kiện hoặc truyền thống hiện thực, với ý tưởng, hoặc với niềm tin, với các tác phẩm nghệ thuật và văn học có ý nghĩa phổ quát nổi bật.”

Theo tờ Times of India, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cố gắng rất nhiều trong việc thúc đẩy thánh địa Sarnath được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Tuy nhiên, một trở ngại đáng lưu ý là xuất hiện trái phép và không có trật tự của một số cơ sở trong phạm vi thánh địa Sarnath có thể bảo tồn.

Minh Phương dịch (theo buddhistdoor)