Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Để lãnh đạo GHPGVN nhận việc chứ không chỉ nhận chức

Để lãnh đạo GHPGVN nhận việc chứ không chỉ nhận chức

324

“GIÁO HỘI TA HIỆN NAY CÓ TỔ CHỨC NHƯNG KHÔNG CÓ GIÁO QUYỀN”

Trên đây là phát biểu của HT Thích Như Niệm, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Từ thiện xã hội Trung ương, Phó Ban Từ thiện GHPGVN TPHCM, trong bài trả lời phỏng vấn “Không nên thả nổi ngành từ thiện xã hội” đăng trên báo Giác Ngộ số 762, ngày 19/9/2014.

Trong bài phỏng vấn nói trên, HT Thích Như Niệm cũng đi vào cụ thể việc thế nào là “không có giáo quyền”.

HT Thích Như Niệm cho rằng “vụ việc vừa rồi, Ban TTTT [Thông tin truyền thông] của giáo hội lại “im re” không nói lên tiếng nói của đại diện Giáo hội, để báo chí truyền thông khai thác quá đà”.

Hòa thượng cũng phân tích chi tiết cơ chế “không có giáo quyền” đó. Theo hòa thượng “Giáo hội ta hiện nay có tổ chức nhưng không có giáo quyền, không ai kỷ luật được những trường hợp này. Giáo hội cũng chỉ nhắc nhở, chứ không có quyền can thiệp sâu vào những việc làm của các vị trụ trì”.

Đi vào cụ thể để khái quát vấn đề, HT Thích Như Niệm nói: “Không nên để các cơ sở này làm việc vô tổ chức, không khéo người ta sẽ nói Giáo hội là một tổ chức nhưng làm việc vô tổ chức”.

Hòa thượng cũng đưa ra lời khuyên rất xác đáng: “Đứng trên cương vị là Phó ban TTXH TƯ, tôi luôn có suy nghĩ những ai được Giáo hội suy cử thì ta nên lãnh việc chứ không nên lãnh chức…”.

Phát biểu của HT Thích Như Niệm hoàn toàn tương đồng với nhận xét của GS TS Nguyễn Hồng Dương trong một bài báo mà chúng tôi đã có dịp đề cập. Trong đó, giáo sư so sánh, nếu phía đạo Ca tô La Mã quyền lực trong tay vị giám mục, còn phía Phật giáo thì chỉ có thầy trụ trì có quyền.

Cả HT Thích Như Niệm và GS TS Nguyễn Hồng Dương đều cho rằng trong Phật giáo chỉ vị trụ trì chùa là có quyền quyết định, quyền cuối cùng. Nếu trụ trì chùa nắm thực quyền như thế thì toàn bộ giáo hội cấp trên chỉ để làm kiểng, trang trí cho vui, không có quyền chi hết.

Đọc những lời HT Thích Như Niệm, tôi nhớ đến tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong mà tôi sinh hoạt hồi nhỏ. Đội có một tổ chức cấp bậc khá hoàn chỉnh: phân đội trưởng và các phó, chi đội trưởng và các phó, liên chi đội trưởng và các phó. Đội viên có cấp bậc ngoài danh xưng còn được đeo cả một dạng như “quân hàm” ở cánh tay, có sao có vạch, rất có uy.

Nhưng có uy mà không có quyền, nên chi đội trưởng, liên chi đội trưởng… chỉ gọi để cho vui thôi, không có quyền gì hết, có khi còn bị giáo viên ghét, “đì” vì cho rằng đi công tác đội bỏ bê việc học, gài vào thế kẹt vì phải gánh yêu cầu cao hơn học sinh bình thường. Chức vụ thì có, cấp bậc thì đeo, nhưng quyền hạn thì không, làm gì cũng qua anh chị phụ trách, nên trở thành đối tượng đùa giỡn, trêu chọc.

Cấp bậc đeo ở vai của các “trưởng phó” thường bị sờ, kéo, giật đứt, hay bị bạn trong lớp kín đáo tháo đi vứt bỏ mà các trưởng phó đeo cấp bậc chẳng làm gì được.

Đến giờ thì thấy dường như chẳng có đội viên nào đeo cấp bậc nữa, ngay cả đi học cũng không thấy đeo khăn quàng như trước.

Không có thực quyền các chức vụ giáo hội trở thành những tiếng kêu leng keng vui tay, thỏa mãn “thị dục huyễn ngã” (cụm từ của Nguyễn Hiến Lê dùng trong bản dịch quyển Đắc Nhân Tâm nói về ham muốn thể hiện cái tôi) của người có chức, và chỉ kêu cho vui lòng nhau vậy thôi, thực tế không có quyền gì hết.

HT Thích Như Niệm đã rất tinh tế khi phân biệt “chức” và “việc”. Do chỉ có chức mà không nhận việc, nhân sự Giáo hội làm thành một dạng tủ kiếng chưng bày chức tước, có khi một vị có đến hai, ba, bốn, cá biệt có đến năm chức ở đủ mọi nơi từ trung ương đến địa phương, vòng vèo đủ các cấp đến trường, đến viện, đến báo.

Chức vụ đeo kín thân thể, in đầy kín danh thiếp.

Điều này chưa từng có ở các tổ chức. Chức nhiều thì có, nhưng tất nhiên việc nhiều thì không thể, vì làm sau phân ra một lúc năm, sáu thân có mặt ở năm, sáu chỗ khác nhau. Thành ra đương nhiên chỉ nhận chức mà không nhận việc, như HT Thích Như Niệm phân tích.

Mà nhận chức nhưng không nhận việc thì chỉ có hư danh, như tấm bảng cấp bậc chi đội trưởng, liên đội trưởng đeo lủng lẳng trên vai cho mọi người xem như một thứ đồ trang sức. Nhưng tệ hơn đồ trang sức, tệ lắm chỉ làm ra vẻ diêm dúa, kệch cỡm cho người đeo, các loại chức mà không việc đó làm tê liệt bộ máy Giáo hội, làm Giáo hội trở thành cái người ta có thể bôi bác, trêu ngươi, như một đám học sinh tinh nghịch cứ kéo giật bảng đeo cấp bậc của chi đội trưởng, liên chi đội trưởng làm trò vui.

HT Thích Như Niệm nói Ni sư trụ trì chùa Bồ Đề phải chịu một trách nhiệm trong vụ Chùa Bồ Đề. Đúng, nhưng cả Giáo hội cũng phải chịu trách nhiệm, vì những kẻ tập kích truyền thông vào Phật giáo Việt Nam có thể tiên lượng trước phản ứng của Giáo hội là “im re” (từ của HT Thích Như Niệm), một giáo hội có “chức” mà không có “việc” (cũng theo từ dùng của HT Thích Như Niệm).

Việc “im re” đó là một lời khuyến khích gián tiếp những người có tâm bất hảo làm tới trong vụ chùa Bồ Đề và chắc chắn sẽ làm tới trong nhiều vụ nữa, vì chỉ như là trò vui thôi, không sao cả, họ mặc tình làm mưa làm gió trên đầu những người đeo năm, sáu chức để trưng bày tủ kính.

PHÉP THỬ

Trước đây, chúng tôi đã dự báo những việc sẽ xảy ra sau việc im lặng hầu như trói tay trước việc Duy Tuệ viết sách rồi xuất bản công nhiên sách nội dung nói xấu Phật giáo. Cả xã hội nhìn vào đó như một phép thử. Thử để mà xem tổ chức của Phật giáo Việt Nam phản ứng thế nào trước việc tôn giáo, giáo chủ của mình bị lăng mạ, hạ nhục, nói xấu đủ điều…

“Im re”. Thế thì xét nghiệm đã có kết quả. Cứ thế mà làm tới.

Vụ chùa Bồ Đề mới đây sẽ cũng thế. Đó là hệ quả của một cuộc thử nghiệm cũ, đồng thời cũng chính là một cuộc thử nghiệm mới, đồng thời cũng dọn đường một cuộc thử nghiệm mới nữa. Cũng “im re”, điều đó dự báo điều gì, không khó để nhìn ra.

Tục ngữ có câu “Được đàng chân, lân đàng đầu”. Một giáo hội không có giáo quyền đã bị test khả năng thực thụ của giáo hội. Duy Tuệ, vụ nhà sư tạc tượng mình, vụ chùa Bồ Đề…, người ta đã đạp lấn tới từng ngón chân để tiến tới dẫm cả bàn chân. Rồi chắc chắn sẽ lên đàng đầu nếu cứ mà “im re” như thế. Đó là bước phát triển tất yếu.

Không có một giáo hội nào mà ở đó mỗi đơn vị lại ban hành kinh tụng riêng, tùy ý sửa, đổi, thêm bớt vào lời của giáo chủ, rồi ngang nhiên tuyên bố, rằng đã làm thế đó đúng chứ sao!

Trong khi cũng là giáo hội, mà người ta muốn đề cập gì đến lời của giáo chủ, thì phải trình duyệt đi duyệt lại. Có quyền hay không có quyền chính là ở chỗ này.

Cứ để người ta viết văn mình xen vào lời giáo chủ, thì nhiều người cứ thế mà làm theo Giáo hội lại càng thể hiện việc bất lực, “không có giáo quyền” của mình.

Theo tôi, từ “im re” là từ hay nhất trong bài trả lời phỏng vấn Báo Giác Ngộ của HT Thích Như Niệm. Cụm từ “không có giáo quyền” đã quá quen thuộc, trở nên mất tác dụng. “Im re” mới gợi hình, gợi tả, thể hiện sự bất lực, còn có vẻ khiếp nhược, tê liệt. Yếu tố gợi tả nằm ở hình vị “re” trong “im re”. Im re là im đến mức cùng cực, cứng đờ ra, tê liệt không có gì im hơn nữa. Theo tôi, hình vị “re” trong “im re” cho thấy im lặng đến mức nghe tiếng re, là tiếng ruồi bay.

Tình thế mới sau vụ chùa Bồ Đề đưa Giáo hội vào trạng huống nếu cứ “im re” thì không khác gì tự phủ nhận của mình. Nếu cứ “im re” thì thực chất là Phật giáo không hề có giáo hội. “Im re” đồng nghĩa với không tồn tại.

Cùng lúc với vụ chùa Bồ Đề, còn có vụ báo “Người Cao tuổi” nói xấu một vị tôn đức lãnh đạo giáo hội. Mặc dù phía Phật giáo nhắc nhiều đến vụ chùa Bồ Đề, riêng tôi coi 2 vụ này là nghiêm trọng như nhau, vì phạm đến một vị lãnh đạo vào hàng cao nhất của Phật giáo Việt Nam, thì đương nhiên đã coi Phật giáo Việt Nam không ra gì.

Họ đã dám phạm đến một vị lãnh đạo Phật giáo ở cấp cao, thì đối với các vị cấp dưới, thì chỉ còn chờ cơ hội mà thôi.

Trừ một vài bài phản ứng có tính chất cá nhân, xét về mặt chính thức, nếu tôi không lầm, thì Giáo hội cũng “im re”. Những người làm truyền thông có ý đồ xấu đối với Phật giáo Việt Nam thêm một phép thử mang lại kết quả có lợi cho họ.

Một lần nữa, hình ảnh giáo hội không có quyền hiện ra sau phản ứng của thí nghiệm, vẫn “im re” như những lần trước. Kết quả thử nghiệm này cho những người ác ý đối với Phật giáo thêm một điểm căn cứ quan trọng để tung ra những cuộc tập kích truyền thông tiếp theo.

Vậy làm thế nào để Giáo hội có quyền? Câu trả lời có ngay trong bài trả lời phỏng vấn của HT Thích Như Niệm, là thôi không “im re” nữa, là nhận “việc” chứ không phải nhận “chức”. Chúng tôi sẽ đi vào chi tiết vấn đề trong một bài sau.

MT