Trang chủ Thời đại Giáo dục Đề xuất giảng dạy bộ môm kỹ thuật audio-video ứng dụng trong...

Đề xuất giảng dạy bộ môm kỹ thuật audio-video ứng dụng trong các học viện PG

380

Từ những ý kiến như vậy, tác giả thấy cần phải đi vào những đề xuất cụ thể hơn nữa, liên hệ đến đề tài đang được đề cập. Do vậy, tác giả đã biên soạn tiếp bài Đề xuất giảng dạy bộ môn kỹ thuật audio-video ứng dụng trong các học viện Phật giáo.

Trong cố gắng tổng hợp những vấn đề đã trình bày để làm cơ sở đi tới những đề xuất chi tiết hơn ở chỉ riêng trên lãnh vực đào tạo, bài viết có nhắc lại một số ý đã nêu trong các bài trước đây. Mong bạn đọc thông cảm.

I. Giảng dạy bộ môn kỹ thuật audio-video ứng dụng trong các học viện Phật Giáo là một yêu cầu khách quan và cấp bách

Cụm từ “kỹ thuật audio-video” ở đây được hiểu là các giải pháp kỹ thuật hiện đang sử dụng để tổ chức thực hiện, lưu trữ, phổ biến, truyền tải các sản phẩm truyền thông dưới dạng âm thanh và hình ảnh. Kỹ thuật audio-video là bộ phận chủ yếu của truyền thông hiện đại, và hiểu rộng ra, gồm cả phát thanh và truyền hình, một trong các phương thức để truyền tải âm thanh và hình ảnh đến người tiếp nhận.

Kỹ thuật audio-video đã có từ rất lâu. Đến cuối thế kỷ XX, kỹ thuật audio-video đã trở nên hết sức phổ cập với sự cải tiến và ra đời của nhiều công nghệ mới, cho phép giảm mạnh chi phí sản xuất các sản phẩm audio và video, đa dạng hóa chủng loại kỹ thuật lưu trữ hình ảnh, âm thanh. Từ đó, kỹ thuật audio-video có vai trò ngày càng quan trọng trong truyền thông hiện đại. Nó không những được sử dụng nhiều hơn, rộng rãi hơn, mà người ta còn nói đến khả năng thay thế của nó đối với những loại hình truyền thông cổ điển như sách, báo in.

Kỹ thuật audio-video ngày nay có tác động mạnh mẽ đến đời sống con người, đặc biệt khi người ta đã có thể gởi và lưu trữ hình ảnh, âm thanh trên các phương tiện cầm tay (như điện thoại di động). Như vậy, không những các thiết bị thu nhận và lưu trữ âm thanh (radio cassette) có thể mang theo bên người như một cuốn sách, tờ báo, mà ngày nay, công chúng truyền thông đã có thể xem TV ở trong thời gian bất kỳ và ở mọi địa điểm. Theo đó, số lượng và thời lượng các sản phẩm audio-video tăng vùn vụt theo hướng nhảy vọt.

Chi phí thấp, khả năng phổ cập rộng rãi, sức lan toả nhanh, tác động mạnh mẽ, sự sinh động và thuận tiện của kỹ thuật audio-video hiện đại là những yếu tố khiến người tăng sĩ Phật Giáo không thể không sử dụng đến kỹ thuật audio-video trong hoạt động truyền đạo và hành đạo. Và vì thế, nảy sinh yêu cầu đào tạo kỹ thuật này cho tăng ni sinh trong các học viện Phật Giáo, thậm chí trong các trường lớp Phật học nói chung.

Nói đây là một nhu cầu khách quan, vì trước hết, đó là một nhu cầu tất yếu phát sinh từ sự phát triển khoa học và công nghệ hiện đại, không xuất phát từ ý kiến chủ quan của riêng ai. Trước sự ra đời và phát triển của nền văn hoá mới, văn hoá nghe nhìn, bên cạnh nền văn hóa truyền thống, văn hoá đọc, cần phải có bước chuyển biến thích hợp trong tiến trình đào tạo tăng ni.

Nếu không thực hiện kịp thời bước chuyển này, tăng ni sinh tốt nghiệp không thể nắm vững và sử dụng các công nghệ âm thanh và hình ảnh hiện đại phục vụ công cuộc truyền bá Phật Giáo, việc hoằng pháp trong thời đại mới tất yếu sẽ có những hạn chế. Việc lãng phí không sử dụng những phương tiện hiện đại, rẻ tiền, phổ cập là điều rõ ràng.

Nhưng bên cạnh đó, hệ quả của nó sẽ là điều rất nặng nề: Anh hưởng của đạo Phật trong đời sống văn hoá của con người hiện đại sẽ dần dần thu hẹp cùng với sự giảm thiểu tỷ trọng của nền văn hoá đọc truyền thống.
Nếu quan niệm nền văn hoá Phật Giáo không thể tách rời đời sống văn hóa của nhân loại và dân tộc, thì bước chuyển dịch trong cơ cấu văn hóa của nhân loại nói chung và đất nước nói riêng, trong thời gian qua, từ văn hoá đọc sang văn hoá nghe nhìn, không thể không đưa lại một sự chuyển dịch nhất định trong phương thức truyền đạo và hành đạo của Phật Giáo[1].

Sự chuyển dịch ấy cần được khởi động kịp thời và trước hết từ các trường lớn đào tạo tăng tài. Trách nhiệm của sự chuyển dịch quan trọng và cần thiết đó, trước hết, thuộc về các nhà lãnh đạo Phật Giáo và các nhà quản lý giáo dục và đào tạo Phật Giáo.

Có thể so sánh việc một tăng sinh trong thế kỷ XXI không thể sử dụng kỹ thuật audio-video hiện đại phục vụ hoạt động truyền bá Phật Giáo với việc một học tăng ở thế kỷ thứ XVIII, XIX không nắm được kỹ thuật in mộc bản (là kỹ thuật truyền thông quan trọng thời bấy giờ).

Triển khai bộ môn kỹ thuật audio-video ứng dụng trong các học viện Phật Giáo là một yêu cầu khách quan, còn là vì từ hàng chục năm nay, kỹ thuật audio-video đã được tăng ni Phật tử khai thác phục vụ hoạt động hoằng pháp.

Càng ngày càng có thêm nhiều sản phẩm audio-video ghi lại các buổi thuyết pháp, lễ lạc, nhiều chương trình âm nhạc, thi ca Phật Giáo, thậm chí nhiều chương trình sân khấu, phim truyện Phật Giáo được phát hành, phục vụ cho hoạt động truyền đạo và hành đạo. Để có thể gia tăng số lượng và chất lượng các chương trình nghe nhìn như vậy, đòi hỏi tăng ni, và cả Phật tử, phải có kiến thức và kỹ năng khai thác, sử dụng các phương tiện kỹ thuật audio-video. Từ đó, rõ ràng không thể không tính đến việc đưa bộ môn kỹ thuật audio-video ứng dụng giảng dạy ở các học viện Phật Giáo.

Nhìn xa hơn, việc Tăng ni và Phật tử đứng ra chịu trách nhiệm chủ trì điều hành các cơ sở truyền thông nghe nhìn hiện đại phục vụ công cuộc hoằng pháp lợi sinh là điều đã diễn ra nhiều nơi trên thế giới, chẳng hạn các đài truyền hình BLTV, Đại Ai, Life TV (Đài Loan), Pháp Bảo (Thái Lan)…

Nhiều trang web Phật Giáo cũng đã có các chương trình phát thanh truyền hình trực tuyến, radio online… Để Phật Giáo Việt Nam có thể hoà nhịp bước tiến Phật Giáo thế giới trên con đường hoằng pháp bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại, cần sớm bắt tay vào việc chuẩn bị nhân lực ngay từ bây giờ.

Việc chuẩn bị nhân lực đối với Phật Giáo Việt Nam càng trở nên bức thiết khi hầu như tất cả các tôn giáo trên thế giới đều đã khai thác kỹ thuật audio-video vào hoạt động truyền đạo. Ở quy mô nhỏ là các chương trình in trên dĩa, trên băng…

Ở quy mô lớn là các kênh phát thanh truyền hình phát qua vệ tinh 24/24, phủ sóng toàn thế giới, mà đã có tôn giáo sở hữu đến hàng chục kênh truyền hình. Kỹ thuật audio-video đã trở thành phương tiện chính yếu để một bộ phận lớn tín đồ tiếp cận với giáo lý và hoạt động tôn giáo. Nó có công năng mở rộng phạm vi hoạt động tôn giáo, từ giới hạn của một địa điểm cụ thể mở rộng đến phạm vi toàn cầu, kết nối tín đồ ở các quốc gia khác nhau, châu lục khác nhau.

II. Mục tiêu của việc giảng dạy môn học kỹ thuật audio-video ứng dụng trong các học viện Phật Giáo

Việc triển khai môn kỹ thuật audio-video ứng dụng trong các học viện Phật Giáo nhằm tiến đến mục tiêu giúp tăng ni sinh:

– Thấy được vai trò, tầm quan trọng, ảnh hưởng của kỹ thuật audio-video đối với truyền thông hiện đại nói chung, đối với hoạt động hoằng pháp nói riêng; có khái niệm chung về kỹ thuật audio-video ứng dụng, về lịch sử phát triển của truyền thông nghe nhìn…

– Nắm được một số vấn đề cơ bản của kỹ thuật audio-video ứng dụng, đặc trưng của từng thể loại chương trình chủ yếu.

– Sử dụng được các thiết bị kỹ thuật audio-video chủ yếu, như micro, loa, ghi âm, camera, TV, máy chiếu… Tổ chức thực hiện các chương trình audio-video phục vụ hoạt động hoằng pháp, như các chương trình thuyết pháp, nghi lễ, tán tụng, sinh hoạt Phật Giáo, giáo dục Phật học từ xa… ở cấp độ đơn giản. Khai thác thiết bị kỹ thuật audio-video phục vụ cho sinh hoạt tôn giáo đông người tham dự.

– Tổ chức in sao, nhân bản, phát hành, truyền tải các chương trình audio-video Phật Giáo đã thực hiện, đưa các chương trình audio-video đã thực hiện lên các kênh phát hành thích hợp đến với đông đảo Phật tử (chẳng hạn qua Internet).

– Có đủ kiến thức và kỹ năng để hợp tác với các đối tác (thí dụ các đài phát thanh truyền hình) thực hiện các chương trình audio-video có liên hệ đến Phật Giáo.

– Có kỹ năng lưu trữ, bảo quản, khai thác các chương trình audio-video Phật Giáo.

– Tổ chức hoạt động giáo dục Phật học từ xa thông qua phương tiện audio-video.

– Nghiên cứu các phương thức mới khai thác kỹ thuật audio-video phục vụ hoạt động hoằng pháp.

III. Đề xuất các bước triển khai

1. Bộ môn kỹ thuật audio-video ứng dụng có thể được triển khai tại các học viện Phật Giáo trước tiên bằng hình thức ngoại khoá.

Các học viện Phật Giáo có thể mời các chuyên gia truyền thông từ các đài  phát thanh, truyền hình, công ty truyền thông, hãng phim, trường đại học… trình bày sơ nét về các kiến thức truyền thông audio-video. Sau đó, tập trung vào việc tìm hiểu, sử dụng khai thác các thiết bị kỹ thuật audio-video chính yếu, gồm các thiết bị ghi âm (micro, tăng âm, mixer, các phương thức ghi âm…), ghi hình (camera, đèn chiếu sáng, video cassette, thiết bị ghi dĩa …) và các phương thức nhân bản chương trình (in sang dĩa CD, VCD, DVD, MP3, băng video…), truyền tải chương trình (chẳng hạn internet, liên kết phát sóng…).

Trong khoá học, các tăng ni sinh được tổ chức thực tập ghi âm, ghi hình, sản xuất thử nghiệm chương trình audio-video Phật Giáo với cấp độ đơn giản, đặc biệt là ghi âm, thu hình các sinh hoạt thường xuyên trong tự viện như thuyết pháp, nghi lễ, luận đạo…

Đặc biệt, có thể lấy việc ghi âm, ghi hình các bài giảng tại các tu viện, học viện Phật Giáo làm hoạt động thực tập ngoại khoá. Các chương trình ghi âm, ghi hình thực hiện đạt chất lượng sẽ được tập hợp làm tài liệu giáo khoa phục vụ hoạt động giáo dục Phật học từ xa.

2. Sau một thời gian thử nghiệm ngoại khoá, bộ môn kỹ thuật audio-video ứng dụng có thể được nâng lên thành bộ môn chính khoá. Trong đó, kỹ thuật audio và kỹ thuật video được chia hẳn thành 2 phần riêng biệt, trong đó, phần kỹ thuật video được đặc biệt nhấn mạnh, do tầm quan trọng vượt trội của video truyền hình trong truyền thông hiện đại.

3. Hướng khai thác kỹ thuật audio-video để thực hiện chương trình đào tạo từ xa là hướng các học viện Phật Giáo có thể xét đến. Sau khi một số tăng ni sinh đã có thể sử dụng thiết bị kỹ thuật audio-video thực hiện chương trình nghe, nhìn, có thể tổ chức ghi âm, thu hình các bài giảng ở các học viện Phật giáo, xây dựng thành hệ thống các chương trình giáo khoa từ xa hoàn chỉnh.

Với các chương trình đào tạo từ xa bằng tài liệu giáo khoa audio-video, tăng ni Phật tử các chùa Việt Nam trên toàn quốc và ở nước ngoài có thể theo dõi các bài giảng do các học viện Phật Giáo trong nước tổ chức thực hiện. Thông qua các kỳ thi, kiểm tra…, việc đào tạo từ xa có thể tổ chức thành các khoá học hoàn chỉnh, có cấp bằng.

4. Từ quá trình đào tạo chính khoá kỹ thuật audio-video phục vụ hoạt động đào tạo từ xa, có thể nghiên cứu khả năng phát  triển bộ môn kỹ thuật audio-video ứng dụng thành khoa truyền thông đa phương tiện trong các học viện Phật Giáo.

Khoa truyền thông đa phương tiện có nhiệm vụ đào tạo các tăng ni sinh am hiểu sâu về truyền thông hiện đại, có khả năng khai thác các công nghệ truyền thông tiên tiến nhất phục vụ hoạt động hoằng pháp, có khả năng điều hành các cơ sở truyền thông hiện đại, quy mô lớn và sản xuất các chương trình audio-video   truyền đạo nhiều cấp độ, chủng loại.

VI. Lợi ích của việc giảng dạy kỹ thuật audio-video ứng dụng trong các học viện Phật Giáo

Nếu việc giảng dạy kỹ thuật audio-video ứng dụng đạt được các mục tiêu đã nêu ở phần IV, thì sau khi hoàn tất chương trình học, tăng ni sinh sẽ có được vai trò chủ động trong việc khai thác ứng dụng các kỹ thuật audio-video vào hoạt động truyền đạo và hành đạo.

Kỹ thuật audio-video sẽ trở thành công cụ hiệu quả trong việc hoằng pháp, một khi tăng ni sinh đã nắm vững về nó, và nhờ đó, số lượng người được tác động từ hoạt động hoằng pháp sẽ gia tăng nhiều lần.

Bên cạnh các phương thức hoằng pháp truyền thống như giao tiếp, thuyết giảng trực tiếp, xuất bản sách báo, tăng ni đã qua đào tạo về kỹ thuật audio-video hiện đại sẽ có thể hoằng pháp bằng những phương pháp mới, giải quyết được những vấn đề mà thời đại mới đặt ra đối với hoạt động hoằng pháp hiện nay, như  việc thu hẹp dần ảnh hưởng của các ấn phẩm trên giấy, việc hạn chế thời gian, trong đó có thời gian dành cho hoạt động tôn giáo của con người hiện đại.

Thúc đẩy việc đào tạo kỹ thuật audio-video ứng dụng trong nhà trường Phật Giáo là tạo tiền đề để thúc đẩy việc gia tăng số lượng và chất lượng các tác phẩm Phật học dưới dạng chương trình audio-video. Điều đó có nghĩa là góp phần nâng cấp hoạt động hoằng pháp bằng các phương thức mới, phù hợp với thời đại mới.

Đạo Phật là đạo của trí tuệ, của hiểu biết và nhận thức. Do đó, đối với đạo Phật, sự phát triển truyền thông là một yêu cầu bắt buộc và quyết định. Vào thời đức Phật, khi chưa có kỹ thuật sao chép, in ấn …, để có thể truyền bá chánh pháp cho  một số lượng người đông đảo hơn, đức Phật đã không toạ vị tại một địa điểm cố định, mà ngài thường xuyên di chuyển hàng ngàn ki lô mét qua lại khắp miền Bắc Ấn Độ, mở ra cơ hội giáo hoá đối với số đông nhất có thể dân chúng trong khu vực.

Các vị tiền bối hữu công trong sự nghiệp hoằng pháp suốt 25 thế kỷ nối tiếp nhau ghi khắc lời Phật lên bia đá, bảng đồng, khắc in trên mộc bản, biên chép trên lá cây trên giấy bản…, cũng là nhằm mục đích phát triển truyền thông, hướng đến mục tiêu tác động đến số đông người , mở rộng không gian và thời gian tác động của giáo pháp. Kỹ thuật audio-video hiện đại là một dạng thức “bia đá”, “bảng đồng”… trong thời đại mới.

Sở hữu kỹ thuật audio-video, tăng ni sinh, những người đảm nhận trọng trách hoằng pháp thời hiện đại, sẽ sở hữu được chất liệu và phương tiện để tạo thành những sản phẩm truyền thông mới, từ đó tiếp tục khẳng định tính chất trí tuệ của đạo Phật – đạo của truyền thông và hiểu biết.

Được đào tạo đầy đủ về kỹ năng sử dụng kỹ thuật audio-video, tăng ni sinh sẽ có điều kiện góp phần tích cực hơn vào việc thanh lọc cuộc sống tinh thần của cộng đồng. Trong điều kiện các sản phẩm nghe nhìn bạo lực, tội ác, kích động bản năng đang tràn ngập, thì việc trang bị cho những nhà tu hành những kỹ năng phương tiện cần thiết để cho ra đời những sản phẩm nghe nhìn đạo lý, thánh thiện, làm đối trọng với những sản phẩm tiêu cực, có hại, chắc chắn sẽ góp phần làm quân bình đời sống tinh thần của xã hội. Các vị tăng sĩ khởi xướng kênh truyền hình Phật Giáo BLTV (Phật Quang Sơn), Đại Ai… rõ ràng nhắm tới lợi ích này.

V. Đề xuất nội dung kiến thức bộ môn kỹ thuật audio-video ứng dụng trong các học viện Phật Giáo

Mặc dù đề xuất tên gọi là “kỹ thuật audio-video ứng dụng”, tên gọi mà thiết tưởng phù hợp hơn cả trong giai đoạn hiện tại, nhưng kiến thức của bộ môn này sẽ không chỉ giới hạn yêu cầu ở kỹ thuật ghi hình và âm thanh, mà có thể mở rộng hơn, gồm kiến thức truyền thông đa phương tiện, về phát thanh truyền hình…

Đề xuất, việc đào tạo kiến thức không đi sâu vào nội dung cơ chế kỹ thuật, mà chú trọng đến 3 vấn đề chính:

– Cung cấp những hiểu biết tổng quát về kỹ thuật audio-video, mở rộng ra gồm các lãnh vực của truyền thông đa phương tiện…

– Vai trò, hiệu quả của kỹ thuật audio-video.

– Kỹ năng sử dụng, khai thác.

Trong đó, phần kỹ năng sử dụng, khai thác được chú trọng đặc biệt.

1. Ở cấp độ ngoại khoá, trong điều kiện thời gian đào tạo chắc chắn giới hạn, nên đề xuất chỉ tập trung giới thiệu kiến thức về vai trò và hiệu quả của kỹ thuật audio-video trong truyền thông hiện đại, sau đó, đi ngay vào thực hành kỹ năng sử dụng khai thác phương tiện kỹ thuật. Để tiết kiệm thời gian, có thể chỉ cung cấp kiến thức về kỹ thuật video, vì trong ghi hình đã có cả phần ghi âm và do vai trò đặc biệt  quan trọng của video trong truyền thông hiện đại. Cụ thể, đề xuất tăng ni sinh sẽ được:

– Giới thiệu về camera và các thiết bị phụ trợ.

– Huấn luyện sử dụng camera ghi hình các chương trình thuyết giảng, hội thoại, lễ lạc…

– Huấn luyện kỹ thuật dựng video cơ bản trên VTR (tuyến tính) và trên máy video (phi tuyến tính).

– Huấn luyện kỹ năng  in, nhân bản, truyền tải sản phẩm video đến người tiếp nhận.

2. Ở cấp độ môn học chính khoá, kiến thức audio-video có thể tách rời làm hai, nhưng phần video vẫn là phần chính.

Trong phần audio, bên cạnh được giới thiệu về các sản phẩm audio (gồm cả phát thanh trên làn sóng, phát thanh online), vai trò ảnh hưởng của kỹ thuật audio…, tăng ni sinh sẽ được huấn luyện:

– Sử dụng thiết bị tăng âm dùng cho chánh điện, giảng đường, lớp học…

– Sử dụng thiết bị ghi âm tại chỗ (trong chánh điện, giảng đường…) và ghi âm studio.

– Thực hiện các chương trình audio Phật Giáo có chất lượng âm thanh cao.

– Nhân bản và truyền tải các chương trình audio.

Đối với phần video, ở cấp độ chính khoá, đề xuất, tăng ni sinh cũng được tìm hiểu những vấn đề như đối với phần audio, nhưng đi sâu hơn, đặc biệt phân tích tác động mạnh mẽ của truyền hình – video đối với đời sống của con người hiện đại.

Trong phần các sản phẩm video, đề xuất mở rộng tìm hiểu sâu hơn các loại hình truyền hình, như truyền hình vệ tinh, truyền hình IP, truyền hình di động…, đề xuất giới thiệu với tăng ni sinh chi tiết về các kênh truyền hình tôn giáo phát qua vệ tinh, những phương thức mà các tôn giáo sử dụng để khai thác chương trình tôn giáo trên các kênh truyền hình quốc gia và địa phương, về các kênh truyền hình Phật Giáo như BLTV, Đại Ai, Cuộc Sống Pháp Bảo,… phân tích các tiết mục, đầu chương trình trên các kênh truyền hình Phật Giáo…

Sau khi có được trình bày tổng quát về kỹ thuật video-audio, về cách làm video-truyền hình của các tôn giáo và của Phật Giáo thế giới, phần thực hành kỹ năng sẽ gồm:

– Tìm hiểu, sử dụng thiết bị sản xuất chương trình video

– Thực hiện các loại chương trình video Phật Giáo căn bản (thuyết pháp, giáo dục từ xa, vấn đáp, hội thoại, hành lễ…)

– Thực hiện các loại chương trình video nâng cao, như ký sự video, phim tài liệu và các chương trình theo các mẫu chương trình trên các đài truyền hình Phật Giáo lớn.

– Nhân bản, truyền tải chương trình video Phật Giáo.

– Thiết kế chánh điện, giảng đường, lớp học hành điểm thu hình thường xuyên (studio bán cố định).

– Thiết kế, điều hành chương trình đào tạo từ xa  Phật học bằng kỹ thuật audio-video.

VI. Kết luận

Hiện nay, bộ môn kỹ thuật audio-video ứng dụng được giảng dạy tại nhiều loại hình cơ sở đào tạo: các trường của ngành phát thanh truyền hình, các trường, khoa báo chí, truyền thông, tuyên truyền, văn hoá; các trường đại học sân khấu, điện ảnh, các lớp huấn luyện của các đài truyền hình, các trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật truyền hình…

Chương trình đào tạo mỗi nơi mỗi khác, tuỳ theo từng trường, khoa cụ thể, và với các mục tiêu khác nhau. So với việc gởi các tăng ni đi đào tạo tại các trường lớp như trên, việc tổ chức giảng dạy kỹ thuật audio-video ứng dụng tại các học viện Phật Giáo là giải pháp kinh tế và thích hợp hơn cả.

Chỉ khi được giảng dạy ở các học viện Phật Giáo, tập trung ngay vào việc sử dụng các kiến thức được trang bị để đẩy mạnh hoạt động hoằng pháp với các tính chất cụ thể, đặc thù, kiến thức kỹ thuật audio-video ứng dụng mà tăng ni sinh được trang bị mới mang lại hiệu quả tối ưu nhất đối với việc truyền đạo và hành đạo.

Ngoài ra, việc gởi tăng ni đi học tập, thực tập hoằng pháp bằng kỹ thuật audio-video hiện đại tại các cơ sở truyền hình Phật giáo lớn như BLTV (Phật Quang Sơn), Life TV… cũng là điều cần được nghiên cứu đến.  

MT

—————————————–
[1] Chẳng hạn, từ khoảng năm 1990 đến 2006, số kênh truyền hình phát từ vệ tinh xuống khu khu vực châu A Thái bình dương tăng từ chỉ mười mấy kênh lên gần 1000 kênh. Số kênh truyền hình ở Việt Nam cũng tăng từ vài kênh lên đến gần 100 kênh (gồm cả các kênh truyền hình cáp) và số giờ phát sóng trung bình mỗi kênh tại Việt Nam từ 3 giờ/ngày tăng đến 20 giờ/ ngày.