Trang chủ Đời sống Đêm Chúa… nhớ Chùa

Đêm Chúa… nhớ Chùa

661

Đêm Noel là của Chúa, chẳng dính dáng đến chùa, cõi riêng của tôi, nhưng mở TV xem thiên hạ khắp hành tinh đón Giáng Sinh cũng không phải chuyện xấu. Thế là…

Ngó pháo hoa đầy trời, khắp các thành phố lớn trên thế giới, cũng thấy nôn nao như trẻ con ngày hội. Mở cửa ra đứng trước hiên, nhìn quanh hàng xóm. Hầu như nhà nhà đều có giăng đèn, có tượng thiên thần trước ngõ. Có nhà ngon lành tậu hẳn một hang đá Bethlem cho vui lòng Chúa.

Đâu đó trong đêm là những tiếng pháo hoa nổ nhẹ lốp bốp trước khi nở xoè giữa màn đêm những chùm ánh sáng nhìn thiệt ngon mắt. Tôi đứng nhìn mê mẫn như một thằng bé, quên mất cái tuổi tròm trèm bốn mươi đang sắp mò về vào cuối năm này. Thế rồi ngẫu nhiên dời ánh mắt từ trời cao về lại mặt đất với những chùm đèn màu bất động nằm rải rác đây đó, tôi chợt nhận ra một chuyện ngộ nghĩnh. Cũng là những chùm ánh sáng đủ màu, nhưng rõ ràng pháo hoa đẹp hơn, nhìn sướng mắt hơn. Bởi nó ngắn hạn và không phải muốn là có được. Tốn kém lắm và phải có thời điểm thích hợp. Đèn màu lại khác, nằm ù lì không thay đổi và muốn là có ngay. Thế là chán…

Tôi nhớ có lần nào đã viết ở đâu đó về những ngôi nhà gỗ thông của Nhật Bản. Tôi yêu chúng vì chúng dễ làm, chỉ cần lắp ráp trong thời gian thiệt ngắn, vật liệu rẻ tiền và dễ kiếm. Nhờ vậy nhà có bị hư hao cũng không đau lòng xót của và người ta cứ có dịp ở nhà mới hoài. Tôi biết ở Hắc Long Giang (Trung Quốc) có một loại hình nghệ thuật rất độc đáo là tận dụng những tảng băng khổng lồ để làm ra các công trình kiến trúc mô phỏng tuyệt đẹp. Từ Thiên An Môn đến những chùa tháp, bảo tượng nổi tiếng đều được các nghệ nhân ở đây tái hiện hoàn chỉnh, thậm chí đẹp hơn cả công trình thật. Đã là băng thì cũng có lúc rã tan, mùa sau họ lại dựng lên cái khác. Độc đáo, sinh động và cứ tinh khôi mới mẻ mãi hoài. Mai này có dịp, tôi hứa sẽ đến tận Hắc Long Giang để xem mặt những người đã thay tôi làm nên những công trình rất Phật giáo ấy. Nếu có là tỷ phú, nói thiệt, tôi cũng chỉ thích xài đồ mướn (không phải mượn) và sẽ không hề đổ tiền cho những món tài sản lâu bền. Cố níu giữ những thứ phù du cũng dễ cực lòng, và dù có níu giữ được chúng, liệu ta có thể níu giữ cái bổn mạng mong manh của mình không chứ…

Chẳng lẽ tôi kêu gọi thiên hạ đừng cột đời mình vào những thứ bền vững như hôn nhân, nhà đất thì bậy quá. Những gì tôi hiện có, kể cả cái mạng cùi này, cũng có từ những cái lâu bền ấy của ai đó. Chuyện tôi muốn thưa ở đây là nếu ai cũng nhớ vì sao pháo hoa đẹp hơn đèn màu thì trần gian này sẽ khá hơn. Rõ ràng chúng ta có thể chọn lấy một trong hai cách tiếp nhận chân lý: Biết để thay đổi toàn diện đời sống và biết để sống đời với một tâm thái tốt hơn. Hình như là vậy. Lúc sau này tôi cứ thích bốn chữ đó, vì có thể càng lớn tuổi thì chẳng dám tin cái gì nhiều. Có thể do biết nhiều hơn, hoặc niềm tin ngày một ít hơn.

Tôi bỗng hiểu vì sao tuổi thơ là giai đoạn đẹp nhất đời người. Có lẽ vì con nít có thể vui được với những thứ phù du đơn giản nhất. Từ một con trâu nặn bằng đất sét đến những nắm lá làm tiền, rồi những hòn bi, những miểng sành để đánh đáo. Xong cuộc chơi thì vất hết, thanh thản lãng quên. Mai lại tìm thứ khác chơi tiếp. Cứ vậy đến ngày trưởng thành biết gì là lâu bền, đắt tiền rồi thì buồn nhiều hơn vui. Văn minh nhân loại suy cho cùng hình như chỉ là một chuỗi dài chuyển tiếp của những cuộc chơi trẻ con và cuộc đời của người lớn. Suy rộng ra, cả cuộc trầm luân cơ hồ cũng thế. Nghĩ cũng ngộ thiệt!

Tôi dốt đặc chính trị, nhưng cứ thỉnh thoảng nghĩ đến những cơ chế chính phủ đủ tín nhiệm để thiên hạ có chỗ kiếm tiền và gửi tiền, rồi thì chẳng ai tha thiết chuyện ở yên, gì cũng trên những phi trường, sân ga. Tôi dốt đặc về khoa học, nhưng cứ mơ một ngày người ta có thể kiếm sống trên những hành trình gió bụi, có thể kiếm tiền và xài tiền ngay trên những cuộc đi. Bản chất đời sống là phiêu bồng, tuôn chảy, dời đổi nên sống luân lạc không chừng mới là thuận theo thiên nhiên. Gặp gỡ rồi chia xa là chuyện rất bình thường. Biết nhau bên cầu rồi chia tay trên bến mới đúng là sống hết mình với trọn vẹn thế giới. Không dừng lại, không bám víu. Gì cũng phải thông suốt, rời bỏ…

Ngồi đọc những suy nghĩ vớ vẫn của một người không chuyên thì kể cũng phiền, nhưng nếu chỉ xem đó là một chùm pháo hoa trong đêm Giáng Sinh thì cũng đáng thể tất…

 


TOẠI KHANH