Trang chủ Tin tức Đêm Vu Lan ở phố cổ Hội An

Đêm Vu Lan ở phố cổ Hội An

147

Ngày lễ Vu Lan ở Hội An chỉ được tổ chức độc đáo ở khu phố cổ. Ngay từ chiều, tất cả các ngôi nhà trong khu phố đều treo đèn lồng, dù đó là nhà riêng hay công ty, cơ quan nhà nước.

 


Ông Vĩnh Tân, một người có dòng dõi vua nhà Nguyễn sống từ nhỏ ở Hội An tại 80 Lê Lợi, kể lại: “Nói chung cứ vào ngày 14 âm lịch hàng tháng là ở đây treo đèn lồng nhưng ngày lễ Vu Lan được coi là ngày treo đèn lồng lớn nhất, tổ chức nhiều lễ hội vui nhất”.


 


Số đèn được treo bao giờ cũng là số chẵn. Giải thích về điều này, ông Xương ở 38 Trần Phú, nói: “Con số chẵn là con số may mắn. Người Hoa, người Nhật hay người Việt đều có chung quan niệm như vậy. Đèn lồng ở phố cổ treo vào ngày rằm chủ yếu có mầu đỏ, cũng là mầu của may mắn”.


 


Lạc vào khu phố cổ trong những ngày này, ngắm nhìn những dãy đèn lồng san sát, nghe trong lòng một cảm giác thật đặc biệt. Những chiếc đèn lồng này sẽ được thắp suốt đêm.


 


Bắt đầu từ 7 – 8 giờ tối, từng đoàn người đổ dồn về phố cổ. Mọi tuyến phố đều cấm xe gắn máy, trở thành phố đi bộ. Chúng tôi có cảm giác như đang đón Giao thừa bên bờ hồ Gươm ở Hà Nội.


 


8 giờ tối, chúng tôi rẽ vào Hội quán Phúc Kiến, một trong những hội quán quy mô nhất Hội An. Trong Hội quán có hàng trăm cây hương vòng đang nghi ngút hương. Những vòng hương này sẽ cháy suốt cả tháng Vu Lan với mục đích mang lại may mắn. Trên mỗi vòng hương có ghi rõ họ tên, địa chỉ, năm sinh… của người thắp hương.


 


Cũng giống như ở nhiều nơi, người ta đặt các mâm lễ cúng ngay trước hiên nhà, chờ hết tuần hương thì khấn cho các linh hồn phiêu bạt trên cõi trần tìm về một nơi yên ấm, rồi đốt vàng mã. Điều khác biệt ở Hội An là tất cả hương được thắp trong ngày này đều là thứ hương trầm thứ thiệt, có mùi hương đặc biệt dễ chịu.


 


Vào đêm Vu Lan, người Hội An thường ăn đồ chay, một cách để tỏ lòng thành lên thần phật. Rất nhiều lễ hội được tổ chức. Tại khu chùa Cầu đang diễn ra lễ hội Nhật Bản với những cô gái mặc Kimono để tiếp khách. Một chỗ khác, người ta chơi trò đập niêu đất. Trên các nẻo đường, trẻ em tập trung múa các bài võ cổ truyền dân tộc; người lớn cũng ăn mặc theo lối xưa để chơi cờ…


 


Ngày lễ Vu Lan ở Hội An mang hơi thở của nhiều dân tộc, nhưng có lẽ đậm đà nhất vẫn là chất hồn Việt, Hoa và Nhật. Lễ Vu Lan ở đây cuốn hút du khách có lẽ cũng nhờ sự hòa quyện của nhiều dân tộc.


 


Mỗi người đến Hội An vào ngày này đều cảm thấy như được thả hết mọi phiền muộn trong không khí ngày lễ xá tội vong nhân thiêng liêng, hòa với nét quyến rũ của Hội An mà khó nơi nào có được.