Trang chủ Tết Việt Du xuân Đi lễ Phủ Tây Hồ phải dâng lễ… từ xa

Đi lễ Phủ Tây Hồ phải dâng lễ… từ xa

221

Phủ Tây Hồ mở cửa từ 5h – 19h hàng ngày, vào những ngày lễ, có hàng vạn khách tới thăm quan. Khung giờ đông người tới lễ nhất là từ 10h – 16h. Vào những ngày đầu tháng Giêng, lượng khách thập phương đổ dồn về đây khiến việc đi lễ trở nên khó khăn hơn, không ít người đã phải “quá tam ba bận”, nhiều lần tới Phủ mới vào được bên trong, hoặc vào đến Phủ lại chưa chắc có thể “chen chân” đặt lễ trong gian thờ chính.

 

Khách thập phương trên đường vào lễ Phủ Tây Hồ.


Cụ Phạm Thị Hoạch (Quang Trung – HN) cho biết: “Chiều mùng 1 tôi đi lễ, tắc từ ngoài cổng, tôi đợi suốt 1 tiếng mà không vào được bên trong nên đành đợi hôm nay đi (mùng 7 Tết), nhưng cũng không đưa được lễ vào phủ chính, đành khấn ở ngoài”.

Do lượng người quá đông, ai cũng mong được thắp hương khấn lễ, que hương cầm xuôi tay thì dễ chạm vào áo người khác, giơ tay lên đầu thì bụi hương rơi lả tả. Bảo vệ của Phủ cũng phải rất vất vả trong việc hướng dẫn mọi người thắp hương theo đúng quy định. Anh Ngô Xuân Sơn (bảo vệ Phủ) cho hay: “Từ đêm 30 Tết khách về đã rất đông, bây giờ thì đếm không xuể”.

Chị Nguyễn Xuân Lan (Hàng Buồm – HN): “Năm nào vợ chồng tôi cũng đi lễ Phủ vào ngày đầu năm, Phủ thiêng lắm nên tôi thành kính muốn đưa lễ vào tận gian phủ chính, nhưng đông người như thế này không khéo bị nhầm lễ, thất lạc lễ rồi không ra hóa vàng được thì oan gia. Thế nên để cho chắc, tôi cứ khấn ở bên ngoài rồi hóa tiền vàng, còn lại chút lộc thì mang về nhà cho con cháu”.

Một người bán đồ lễ ngoài cổng Phủ cho biết: “Một mâm lễ xắp sẵn (gồm 3 lon coca, 3 hộp chocopie nhỏ, 3 hộp thỏi tiền vàng mã, 3 xấp tiền vàng mã và 3 bó hương) được bán với giá 200.000 đồng/mâm. Hoa hồng 10.000 đồng/cành. Hoa vàng (cây hoa làm thủ công được thếp vàng) giá 50.000 đồng/cành, mua 2 cành trở lên giá 45.000 đồng/cành… 40.000 đồng/cành thì không bán”. Hoa quả tại gần Phủ bán cũng “chát” hơn bình thường, xoài hoặc thanh Long có giá 50.000 đồng/kg trong khi tại khu vực khác chỉ bán với giá 35.000 đồng/kg.

Theo tính toán của Ban quản lý Phủ Tây Hồ, mỗi ngày có khoảng 10.000 lượt khách thăm quan. Ông Trương Tiến Hồi (Ban quản lý Phủ) cho biết: “Tết năm nào Phủ cũng rất đông khách tới đi Lễ, từ ngày 1 đến ngày mùng 3 Tết thì đa số là người Hà Nội, từ mùng 5 Tết khách thập phương lại đổ về khiến đường đông hơn… phải đến hết rằm tháng Giêng, lượng khách tham quan mới giảm bớt”.

Trong năm nay (2010), Phủ phối hợp với công an phường, quận, thành phố đảm bảo công tác an ninh cho Phủ nên tình hình an ninh trật tự được đảm bảo. Từ năm 2008, chùa cũng đã lắp camera tại tất cả các tòa, tháp để phòng chống cháy nổ, trộm cắp. Từ đầu tháng Giêng đến nay, bảo vệ phủ đã bắt được 4 đối tượng hạ trộm lễ của Phủ, giao công an xử lý.

Những hình ảnh về người dân đi lễ đầu năm tại Phủ Tây Hồ:

 

Phủ Tây Hồ là nơi linh thiêng bậc nhất Hà Nội.

 

"Lội ngược dòng" để mang mâm lễ ra khấn trước gian Phủ chính.

 

Trong khi còn rất đông người tạm ngồi chờ bên ngoài vì quá mỏi khi "chen chân".

 

Khấn từ đằng xa.

 

Nơi hóa vàng đỏ lửa vì lượng vàng mã được đưa vào liên tục.

 

Bê mâm lễ trên đầu để tránh va phải người xung quanh.

 

Tiền lẻ đi lễ Phủ được người dân cài cả lên cây.

 

Rất đông người trong gian phủ chính.


Ở bên ngoài Phủ vẫn còn nhiều người đang muốn tiến vào bên trong.

 

Đây là dịp ăn nên làm ra của những người kinh doanh đồ lễ quanh Phủ.

 

Bãi gửi xe chật cứng, mỗi lượt xe máy gửi sẽ phải mất 5.000 đồng.

 

Lực lượng trật tự đang hướng dẫn người dân tham gia giao thông khi đi lễ Phủ.

 

Phủ Tây Hồ xây dựng vào năm 1598 – 1607, tọa lạc trên doi đất hình Kim quy, bên trái có long chầu, bên phải có hổ phục, thuộc ấp Tây Hồ (nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ), đây là nơi địa linh bậc nhất của Hồ Tây.

Phủ Tây Hồ gồm có tam quan, sân phủ, lầu cô, lầu cậu, phủ chính, động Sơn Trang và nhà khách. Nơi tôn nghiêm nhất của Phủ là mật cung thờ 3 vị thánh mẫu: Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thủy… Mẫu Thiên hóa thân thành các Mẫu còn lại nên 3 Mẫu còn được gọi là “Tam hòa Thánh Mẫu”. Mẫu Thiên hóa thành người dưới trần và được phong là Liễu Hạnh Công chúa – Mẫu Thiên và Mẫu Liễu cũng chính là một. Trong Phủ Tây Hồ còn thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào – Bắc Đẩu, Ngũ vị quan lớn, Tứ vị chầu bà và các linh thần khác, trong đó có đền thờ thần Trâu Vàng gắn liền với truyền thuyết về Kim Ngưu (Trâu vàng).

Bởi sự linh thiêng hằng hữu nên Phủ Tây Hồ luôn là nơi có đông khách thập phương tới thăm quan, phúng lễ, và Phủ cũng là một trong những địa chỉ văn hóa tinh thần nổi tiếng của Hà Nội.