Trang chủ Bài nổi bật Di ngôn cuối đời của Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Hưng...

Di ngôn cuối đời của Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Hưng (1917 – 1990)

3742
Từ phải sang: Trưởng lão Hòa thượng Thích Từ Nhơn; Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Hưng, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Quảng tại Tổ Đình Ấn Quang (Ảnh: PTVN)

Hòa thượng Pháp húy Ngộ Trí, đạo hiệu Thích Huệ Hưng, thế danh Nguyễn Thành Chẩm, thuộc dòng Thiền Lâm Tế đời thứ 39, là đệ tử Sư tổ Vạn An (Sa Đéc).

Di ảnh HT.Thích Huệ Hưng (Ảnh :TVHQ)

Ngài sinh năm Đinh Tỵ (1917) tại làng Mỹ Thọ, quận Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp (nay là xã Mỹ Thọ, Thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)

Sinh ra trong gia đình trung lưu phúc hậu, nhiều đời kính tin ngôi Tam bảo, sâu trồng nơi ruộng phước Tăng già, Hòa thượng quyết chí ăn chay trường, hằng ngày lo niệm Phật, tụng kinh. Cơ duyên hội đủ, Ngài được Tổ sư Van An cho thế phát năm 1938, vừa tròn 21 tuổi.

Năm 1942, Ngài chính thức thọ Sa di; Năm 1943, Ngài được thọ Tỳ kheo Bồ tát giới tại chùa Viên Giác ở Vĩnh Long. Năm 1945, Hòa thượng đến học tại Phật học đường Lưỡng Xuyên. Vì tình hình chiến sự trong nước, Ngài trở về học với Hòa thượng Hành Trụ tại chùa Long An – Sa Đéc. Cuối năm 1947, Ngài cầu học với Hòa thượng Thích Trí Tịnh tại Phật học đường Liên Hải – Sài Gòn.

(Ảnh : TVHQ)
(Ảnh : TVHQ)

Hòa thượng là bậc chân tu với nhiều hoài bảo phụng sư đạo pháp, nhân sinh.Trong suốt quá trình hành đạo, Hòa thượng đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trong sự nghiệp giáo dục Phật giáo và truyền thừa Phật giáo tiểu biểu như: Phó Liên trưởng Hội Cực Lạc Liên Hữu do Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Chánh Liên trưởng (1955) .; Giáo thọ sự hạ trường chùa Chuẩn Đề tại Nam Vang, trụ trì chùa Kim Huê – Sa Đéc (1956); Phó Trưởng ban kiêm Thơ ký ban tổ chức khóa huấn luyện trụ trì “Như Lai sứ giả” tại chùa Pháp Hội  (1957); Giáo thọ sư Phật học đường Phước Hòa – Trà Vinh (1958) ; Giới sư Đại giới đàn Phật học đường Nam Việt chùa Ấn Quang (1962); Giới sư Đại giới đàn Việt Nam Quốc Tự(1964; Giới sư Phật học viện Cao đẳng Huệ Nghiêm (1965); Giáo thọ sư hạ trường  Tuyền Lâm, Giáo thọ sư giảng dạy tại Phật học viện Cao đẳng Huệ Nghiêm (1969); Khai sơn Tu Viện Huệ Quang, Trụ trì và hành đạo tại đây  (1970); Giới sư Đại giới đàn Huệ Quang – Mỹ Tho (1972); Giới sư Đại giới đàn Phước Huệ – Nha Trang (1973); Thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Tổng lý Hội đồng quản trị chùa Ấn Quang, Giới sư Đại giới đàn chùa Quảng Đức – Long Xuyên (1976); Giới sư Đại giới đàn Thiện Hòa chùa Ấn Quang (1975); Phó ban trị sự Thành hội kiêm Ủy viên giáo dục Tăng Ni (1982 – 1987); Hiệu phó kiêm giảng viên trường Cao đẳng Phật học Việt Nam cơ sở 2, Giới sư Đại giới đàn chùa Ấn Quang (1984); Trưởng ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Thiền chủ Trường hạ tổ đình Vĩnh Nghiêm (1987);. Trưởng ban Phật giáo chuyên môn Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (1989)….

Năm 1970, Hòa thượng khởi công xây dựng Tu Viện Huệ Quang (Ảnh : TVHQ)
Hòa Thượng Thích Huệ Hưng (thứ 2 bên trái), Hòa Thượng Thích Minh Cảnh (thứ nhất bên trái) trước Tổ đường Tu Viện Huệ Quang (Ảnh : TVHQ)

Ngày 28 tháng Giêng năm Canh Ngọ, thân tứ đại không an, Hòa thượng đã thu thần viên tịch, trải qua 74 tuổi đời và dự được 46 mùa kiết hạ.

Chân dung Hòa thượng Thích Huệ Hưng (Ảnh : TVHQ)

Hòa thượng đã để lại các tác phẩm phiên dịch: kinh Duy ma cật, Kim cang giảng lục, Lược sử đức Lục Tổ, Pháp môn tu chứng Lăng Nghiêm Đại Định…

 

Các tác phẩm dịch thuật tiêu biểu của HT.Thích Huệ Hưng (Ảnh :TVHQ)

Cuộc đời hành đạo và hóa đạo của HT.Thích Huệ Hưng rất bình dị, chơn tu thật học, nghiêm trì giới luật, xiển dương Phật pháp, BBT trang nhà Phật tử Việt Nam (PTVN) xin trân trọng giới thiệu nội dung di ngôn lúc cuối đời của Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Hưng , bậc cao Tăng đáng kính, một Luật sư giáo thọ của Tăng Ni, Phật tử trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và của Tăng Ni Phật tử miền Nam nói riêng.


 

Di ngôn cuối đời của Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Hưng (1917 – 1990)

 

NAM MỔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Cổ Đức có nói: Sanh lão bệnh tử, tự cổ thường nhiên. Phàm chỗ chí đạo, như thu nguyệt chi lưu thông, nhược nhàn vân chi xuất tụ, viên dung tròn trịa, sáng chói rõ ràng, sâu kín diệu màu, vốn không đi cũng không lại, thiệt không sắc cũng không không. Thân tứ đại ngũ uẩn cũng là vật huyễn hóa có chi mà phải bận tâm lo nghĩ. Nhưng vì muốn sắp xếp hậu sự được dễ dàng hầu giúp cho môn nhơn đệ tử khỏi bối rối khi Thầy viên tịch, nên có mấy lời dặn dò như sau:

– Giờ viên tịch: Đại chúng ngồi quanh thiền tòa trợ niệm danh hiệu Đức Phật Thích Ca với tâm chí thành thanh tịnh. Sau đó chư Tăng hợp chúng thành lập Ban tổ chức tang lễ.

Giả như thệ thế an nhiên thị tịch theo cách nằm thì sự nhập quan cúng lễ v.v… đều nên thật là dón gọn mà trang nghiêm. Nếu an tọa thị tịch thì an táng theo nghi thức ngồi.

(Ảnh : PTVN)

– Lễ nhập quan: Ban tang lễ định giờ thích hợp sắp đặt kim quan sạch sẽ để vào vị trí chính chủ rồi đem các thứ vải trải ra đều đặn chuẩn bị nhập liệm. Đúng giờ, cung thỉnh chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng an tọa vào các hàng ghế sắp sẵn chung quanh kim quan, thỉnh chư tôn niệm danh hiệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật liên tục, đồng thời mời bốn vị tỳ kheo thanh tịnh khỏe mạnh đứng hai bên nâng nhục thể và một vị thừa kế chủ trì đỡ phía đầu, khiêng vào để kim quan. Tất cả đồng thanh niệm Phật đến khi tẩm liệm xong xuôi đậy nắp lại, hoàn thành sự việc nhập quan.

– Tang lễ: Không nên để quá lâu làm nhọc mệt các vị công quả phục dịch.

– Tang phục: Người tu hành không để tang phục áo mũ như người thế tục. Do đó tất cả các Tăng Ni Phật tử nếu muốn tỏ lòng tưởng niệm Thầy thì chỉ để tâm tang là đủ rồi.

Ý nguyện của tôi là không muốn làm rườm rà nghi lễ và khỏi nhọc lòng chư tôn Hòa thượng hàng giáo phẩm, nên khi viên tịch thì lễ tang và kim quan xin quàn tại tu viện Huệ Quang cho thuận tiện sắp xếp và cúng kiến thật đơn giản.

– Nơi an nghỉ: Tôi mong được an nghỉ tại một khu đất cao ráo yên tịnh ngoài Đại Tùng Lâm. Trên nền tháp chỉ xây một cái núm lục giác giản dị, trước mặt tháp chỉ dựng một tấm bia khắc chữ để kỷ niệm là đủ rồi.

Tháp HT.Thích Huệ Hưng tại Đại Tùng Lâm – BRVT

I. Đối với ngôi tự viện

Tu viện Huệ Quang được tôi xây năm 1970, mặc dù không nguy nga tráng lệ như các ngôi già lam cổ tự nhưng cũng tạm đủ tiện nghi cho chư tăng tu hành, trước đây đã giao cho thầy Minh Cảnh trụ trì thì nay thầy cũng tiếp tục kế thừa sự nghiệp hóa đạo pháp.

Trưởng lão HT.Thích Huệ Hưng và HT.Thích Minh Cảnh tại Chánh điện Tu Viện Huệ Quang (Ảnh : TVHQ)

II. Đối với môn nhơn đệ tử

Các môn nhơn đệ tử của tu viện Huệ Quang hàng tại gia hay xuất gia từ trước đến nay đã nương theo Thầy tu học, nay Thầy viên tịch thì các con hãy cố gắng tinh tấn hơn, khắc ghi những lời dạy dỗ của Thầy mà hành trì.

Tất cả các pháp môn không ngoài Giới, Định, Huệ. Giới, Định, Huệ không ngoài Chơn Tâm tự tánh. Vì thế cần phải thực hành thiền định để được minh tâm kiến tánh. Muốn thực hành thiền định phải quán lý Bát Nhã Chơn Không để khỏi lạc vào Ngã pháp nhị biên, mới đạt đến cứu cánh Niết Bàn. Vậy Thầy có bài kệ để lại cho các môn nhơn đệ tử sau đây:

Đường qua bỉ ngạn chẳng đâu xa
Rời khỏi chân tâm chính đó mà
Một niệm chẳng sanh chơn thể hiện
Rõ ràng trước mặt Mật – Ba – La
oOo
Chư pháp tùng bổn lai
Như thị diệc như thị
Phương tiện tùy ứng hóa
Như huyễn phục như huyễn
 

III. Đối với Giáo hội Phật Giáo Việt Nam

Cố HT.Thích Huệ Hưng chụp ảnh lưu niệm cùng cố HT.Thích Thiện Hào, HT.Thích Giác Toàn (nguồn: TT.Thích Phước Triều)

Tôi thành kính đảnh lễ chư tôn Hòa thượng, hàng giáo phẩm Phật giáo Việt Nam. Trong thời gian phục vụ cho Giáo hội, vì tài trí sơ thiển mà đảm nhận trọng trách nặng nề nên không khỏi có nhiều điều khuyết điểm, ngưỡng mong chư tôn từ bi lượng thứ cho. Hoặc nếu làm được điều gì đóng góp cho Giáo hội thì xin hồi hướng công đức đó cho toàn thể Tăng Ni Phật Tử Phật giáo Việt Nam được phần lợi lạc.

Sau đây tôi cũng có một vài ý nguyện chưa được đủ duyên thực hiện nên xin gởi tấm chân tình lại chư tôn Hòa thượng tùy duyên nghiên cứu thực hành.

Đại hội Phật giáo toàn Quốc tại Hà Nội (Ảnh :TVHQ)

1. Ban Hoằng Pháp và Ban Giáo Dục Trung Ương nên cho thành lập một lớp hoằng giới để đào tạo một số Luật sư tinh thông Luật Tạng, hầu đáp ứng nhu cầu giới học cho Tăng Ni, làm căn bản cho sự tu hành. “Tỳ Ni tạng trụ Phật pháp diệc trụ, Tỳ Ni tạng diệt Phật pháp diệc diệt”. Do đó việc mở lớp hoằng giới là một điều cần thiết cho Giáo hội hiện nay.

2. Thành lập viện chuyên tu: Phật giáo hiện nay có tín đồ Phật tử rất đông trên 80% dân số, Tăng Ni tứ chúng cũng rất nhiều nhưng đa số chỉ học hiểu để phát triển mặt rộng của Thế Đế hơn là đệ nhất Nghĩa Đế, nên ít có người tu chứng đến chỗ rốt ráo như người xưa đời Trần, đời Lý, Trúc Lâm Tam Tổ v.v… Do đó tôi hằng ao ước thực hiện được một viện chuyên tu để làm phương tiện cho những vị xuất gia phát tâm tu hành đạt ngộ bổn tâm, chứng vô sanh nhẫn hầu làm đèn Thiền, đuốc Tuệ cho hậu tấn noi theo.

HT.Thích Trí Quảng, cố HT.Thích Trí Tịnh, cố HT.Thích Huệ Hưng, cố HT.Thích Từ Nhơn tại Tổ Đình Ấn Quang (Ảnh: PTVN)

3. Mở lớp huấn luyện trụ trì: “Trụ pháp vương gia, trì Như Lai mạng” là nhiệm vụ lớn lao của hàng Tăng sĩ, cần phải có đạo lực tu hành, oai nghi giới hạnh trang nghiêm và có trình độ học lực về nội điển cùng ngoại điển, thì mới có thể lãnh đạo ngôi chùa, tiếp Tăng độ chúng, hướng dẫn Phật tử tu hành. Phật pháp tồn hay vong đều do trách nhiệm của những vị trụ trì. Vì vậy Giáo hội cần phải tổ chức khóa tu nghiệp trụ trì liên tục hàng năm để đào tạo Tăng Ni thành những vị trụ trì tương lai xứng đáng.

(Ảnh : Thư Viện Huệ Quang)
(Ảnh : TVHQ)

Trên đây là những điều ước nguyện của tôi trong cuộc đời hành đạo, mong rằng chư tôn Hòa Thượng Hội Đồng Trị Sự Trung Ương và Thành hội sẽ cứu xét và thực hiện để đem lại lợi ích cho Phật giáo Việt Nam.

Tu Viện Huệ Quang

Ngày 01/01/1990 (năm Kỷ Tỵ)

Sa Môn Thích Huệ Hưng


 (PTVN tổng hợp theo Kỷ yếu HT.Thích Huệ Hưng)