Trang chủ Đời sống Đi tìm địa chỉ có bếp lửa hồng

Đi tìm địa chỉ có bếp lửa hồng

100

Với cái nhìn đó, không ít người đã đánh giá đạo Phật là yếm thế, cửa chùa chỉ để dành cho người già. Thế nên, những ngày chủ nhật, ngày rằm, mùng một hoặc những ngày lễ lớn chúng ta thấy ít những người trẻ đi lễ chùa. Ngay trong các buổi thuyết pháp tại các chùa lớn ở TP.HCM, số người tham dự cũng phần lớn là các Phật tử trung niên và lão niên. Tôi tin rằng, chắc chắn có nhiều nơi nhưng điều này đã nói lên đạo Phật chưa thành công trong lãnh vực hoằng pháp. Có phải là giáo lý đạo Phật khô cứng và yếm thế không? Thưa không! Đạo Phật rất tích cực đi vào cuộc sống với giáo pháp Bát chánh đạo, Tứ vô lượng tâm…, đã nuôi dưỡng bao thế hệ trẻ đời Lý, Trần và các thời đại khác bằng tinh thần dân tộc, ý chí vô úy, đại bi, trí, dũng, đoàn kết để chiến đấu chống quân xâm lược, giữ gìn giang sơn Việt Nam được tốt đẹp như ngày hôm nay.


Hàng ngày, các bạn trẻ phải phấn đấu hết mình để có được vị trí tốt nơi các sở làm, doanh thương và các dịch vụ khác để có được cuộc sống đầy đủ. Điều này rất tốt với nhịp sống hiện tại, nhưng nếu các bạn không được trang bị tinh thần đạo đức, lòng cởi mở, vị tha từ các bậc cha mẹ hiền, các nhà giáo dục và nhất là các nhà hoạt động tôn giáo chân chính thì e rằng các bạn sẽ bị lôi cuốn, sa lầy vào khổ đau bởi lòng tham dục.


Các tôn giáo bạn đã tổ chức những hội đoàn cho giới trẻ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, từ thiện…, chăm sóc lẫn nhau rất chu đáo từ lâu rồi. Còn đạo Phật chúng ta đã tạo ra những sinh hoạt nào thích hợp cho giới trẻ? Chúng ta đã có được tổ chức nào thu hút được thanh thiếu niên? Gia đình Phật tử có mở rộng để thích hợp với các giới trẻ khác? Chúng tôi đang đi tìm những câu trả lời từ những vị lãnh đạo Phật giáo, những vị trụ trì đạo cao đức trọng có tấm lòng thiết tha với tương lai đạo pháp và dân tộc!


Trên đường đi tìm, có thể là do nhân duyên của mình, chúng tôi mới chỉ tìm được địa chỉ xa lắc xa lơ trên núi Dinh gần Bà Rịa, đó là chùa Phật Quang, do thầy Chân Quang và Tăng Ni trẻ hướng dẫn các em sinh viên học sinh sinh hoạt, học giáo lý vào dịp nghỉ hè. Chúng tôi đã chứng kiến cảnh chia tay thật cảm động, các em gái bịn rịn không muốn rời xa các thầy, sư cô, đã khóc sướt mướt, nói lên tình cảm mái chùa đã có sức thu hút và thấm sâu đạo lý vào tâm hồn thơ trẻ!


Địa chỉ thứ hai chúng tôi tìm thấy là chùa Phước Hải do Ni trưởng Tịnh Nguyện trụ trì. Ni trưởng đã dành một gian phòng lớn, yên tịnh làm thư viện cho các sinh viên đến học thi hàng ngày. Riêng ngày Chủ nhật thì buổi sáng dành cho các sinh viên đến sinh hoạt văn hóa, từ thiện do chính Ni trưởng và một cô giáo dạy văn cấp ba hướng dẫn; đến trưa, nhà chùa còn chiêu đãi các em một bữa cơm chay. Buổi chiều, ngôi chùa thân thương ấy lại dành cho Gia đình Phật tử Giác Hạnh một không gian ấm cúng để học hỏi giáo lý, lên khóa lễ và sinh hoạt vui chơi, sau đó được Ni trưởng chăm sóc bằng những phần trái cây, bánh kẹo của nhà chùa… Hai địa chỉ ấy đã nuôi dưỡng bao lớp trẻ bằng tinh thần vô úy, từ bi, vi tha, biết vượt lên số phận để đi vào cuộc đời bằng đôi chân vững chãi, bằng trí tuệ sáng suốt, tâm hồn tự tin, đã đóng góp tích cực cho gia đình, xã hội bằng hai bàn tay lao động chân chính, tài năng và tinh thần trách nhiệm của mình.


Chị tôi từ bên Pháp đã điện thư, chỉ cho chúng tôi thêm một địa chỉ mới ở tuốt miền núi cao, gần thác Dambri, cách thị xã Bảo Lộc hai chục cây số nữa. Đó là tu viện Bát Nhã!


Tôi tới Bảo Lộc trời đã xế chiều. Bầu trời bao phủ mây đen, báo hiệu cơn mưa đang đến. Bác xe ôm cho tôi biết dạo này chiều nào cũng mưa, và khách từ thành phố lên thăm tu viện cũng khá nhiều. Trong tu viện Bát Nhã có gần ba trăm thiếu nữ rất trẻ lên đây tu, còn về phía các thầy thì có khoảng gần một trăm vị từ Huế và các nơi khác đến. Họ tu rất nghiêm túc và sinh hoạt vui lắm. Tôi hỏi thêm:


– Thế chùa này do ai sáng lập ra và hiện giờ ai hướng dẫn Tăng Ni chúng ở Bát Nhã?


– Thượng tọa Đức Nghi khnáh thành tu viện Bát Nhã từ mấy năm nay rồi, có tổ chức những khóa tu, mới đầu thì có các cụ già lên tham dự, sau đó lần lần nghỉ cả, có lẽ vì đường xa quá. Nhưng bây giờ thì đông vui lắm, toàn người trẻ lên đây tập sự, thế nên thanh niên thiếu nữ từ Bảo Lộc và các nơi cũng về đây lễ Phật và chiêm bái cảnh chùa.


Đến chùa, tôi được hướng dẫn vào khu nội viện của Ni chúng. Hai sư đệ ra đón, đưa tôi vào phòng khách để đợi quý sư cô đang họp. Trong khi chờ đợi, tôi đi dạo một vòng quanh chùa để tham quan.


Tu viện Bát Nhã được Thượng tọa viện chủ xây dựng rất trang nghiêm và đẹp mắt. Đối diện với cổng tam quan là ngôi chánh điện nguy nga với mái ngói cong cổ kính. Phía bên trái dẫn lên đồi là khu vườn có hồ nước trong xanh, suối nước phun trắng xóa trên hòn non bộ hùng vĩ có Đức Bồ tát Quan Âm đứng trên đỉnh núi đá, tay cầm bình tịnh thủy nhỏ từng giọt nước trong vắt, nhiệm màu cho những ai cần xoa dịu cơn bệnh và nỗi khổ đau.


Phía bên tay phải là khu nhà Tăng dành cho quý thầy về an cư kiết đông. Đi sâu vào phía trong là khu nội viện dành cho Ni chúng. Những tầng lầu cao mới xây còn tươi mát màu vôi, những con đường mới sửa còn láng màu nhựa đường. Tất cả kiến trúc đều mới mẻ nổi bật giữa màu xanh mướt của đồi trà, mùi thơm ngát của hoa cà-phê và tiếng gió rì rào của đồi thông tạo thành cảnh thanh tịnh, trang nghiêm và hùng vĩ của đạo tràng trên cao nguyên sương mù Bảo Lộc.


Số lượng phòng mới xây chỉ đủ cho hơn một trăm sư cô và gần hai trăm các em tập sự, không có phòng dành cho khách, nên tôi chỉ được ở lại tham dự khóa tu một tuần thôi.


Theo thời khóa an cư kiết đông bên Làng Mai, Ni chúng dậy từ bốn giờ sáng, tập thể dục, sau đó ngồi thiền, đi kinh hành, đọc một đoạn kinh ngắn, niệm Bụt rồi nghỉ.


Đến giờ ăn sáng, mọi người theo thứ tự lấy cơm vào bình bát, về bàn, ăn trong yên lặng.


Sau giờ ăn, chúng tôi thiền hành quang khu đồi trà. Con đường dốc quanh co đưa chúng tôi xuống dưới chân đồi, nơi đó có dòng suối chảy mạnh, nước bắn tung bọt trắng xóa… Tiếng suối reo, tiếng hàng thông rì rào bên mé rừng hòa với tiếng chim hót líu lo, tạo thành bản hợp tấu sinh động. Dải nắng hồng ban mai nhảy nhót theo dòng nước suối trong xanh phản ánh Đức Quan Âm từ bi với mái cong Quan Âm các được xây dựng giữa hồ. Phía trên đồi, Đức Bổn Sư đang ngồi yên lặng, mỉm cười nhìn đàn chim trời đang chơi đùa trên mặt nước lấp lánh ánh bình minh.


Tôi thấy tâm hồn lâng lâng, bước chân nhẹ thênh thang đi trên mặt đất. Tôi mỉm cười với làn mây trắng, hít đầy buồng phổi không khí trong lành, hưởng cái hạnh phúc trọn vẹn của phút giây hiện tại nhiệm mầu. Chung quanh tôi, các sư cô hiền dịu và các em tập sự (để trở thành sư cô) tươi mát như những bông hoa hướng dương, đang thanh thản từng bước chân, đã cho tôi một cảm giác là tôi đang sống trong cõi Tịnh độ ngay trên mảnh đất quê hương này.


Những buổi pháp đàm chia sẻ kinh nghiệm tu tập, những niềm vui hay những khó khăn đã giúp các em tháo gỡ được những băn khoăn còn ẩn sâu kín nơi tâm thức. Những buổi chiều thiền trà, những bài hát đạo ca, thiền ca đã cho tôi tìm lại tuổi hồn nhiên, đã là nguồn cảm hứng cho tôi viết được những bài thơ tình cảm thời thơ trẻ.


Thời gian và năm tháng trôi qua nhanh làm cho thể xác con người tàn tạ héo úa, nhưng tâm hồn, nếu được tưới tẩm bằng chất liệu từ bi, hỷ xả, lòng vị tha, tình yêu thiên nhiên thì ta sẽ trẻ mãi không già. Nếu như các bạn trẻ hôm nay được nuôi dưỡng bằng những môi trường tâm linh trong sáng và trẻ trung như vậy thì chúng tôi tin chắc rằng tương lai dân tộc sẽ rất sáng đẹp và thịnh vượng về mọi mặt, đất nước Việt Nam sẽ nhanh chóng tiến lên ngang hàng cùng các nước văn minh mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa dântộc, mái chùa vẫn mãi là nơi cho mọi người quay trở về nương tựa, tìm lại cội nguồn và bản tính hồn nhiên, chân thiện của mình.