Trang chủ Quốc tế Điểm chưa sáng của Phật giáo Bhutan

Điểm chưa sáng của Phật giáo Bhutan

97

Em Jigme Namgyel, học sinh lớp 12 cùng trường, trả lời: “Bởi vì ba má em là Phật tử.” Em Karma Phuntsho, một học sinh khác trả lời: “Bởi vì em sinh ở Bhutan.”

Một nhà nghiên cứu Phật học, Tiến sỹ Karma Phuntsho nói Bhutan có thể là thành trì sau cùng của Phật giáo Đại thừa, và của một xã hội và văn hóa mà Phật giáo đóng vai trò chính yếu, nhưng những thanh niên Bhutan đang trưởng thành lại thiếu ý thức về các nguyên lý nền tảng của tôn giáo mà họ đang thực hành.

Tiến sỹ Karma Phuntsho hiện là chủ tịch Quỹ tài trợ Loden ở Bhutan, một tổ chức ủng hộ việc học hành và giáo dục văn hóa và tôn giáo, đã quy cho lỗ hổng này là do “lỗ hổng lớn về ngôn ngữ giữa các sứ giả của đức Phật và thế hệ thanh niên của chúng ta.”

Tiến sỹ Karma Phuntsho nhận định: “Sự nguy hiểm là nếu không hiểu ý nghĩa và lý luận của Phật giáo thì văn hóa và truyền thống của chúng ta có thể bị lụn bại.”

Tiến sỹ Karma Phuntsho cho rằng thực hành Phật giáo ở Bhutan đã không có sự thay đổi kể từ khi nó được ngài Zhabdrung Ngawang Namgyel thể chế hóa lần đầu tiên vào thế kỷ XVII. “Chúng ta thấy hầu hết các lạt-ma đã học tập, nghiên cứu và hầu hết các lạt-ma nổi tiếng đi đến Tây Phương giảng dạy Phật giáo một cách đúng đáng cho các sinh viên, nhưng khi trở về lại Bhutan, các lạt-ma này chỉ sờ đầu các tín đồ của họ.” (1)

Ông Phuntsho Rabten là thành viên trong ban sáng lập Trung tâm Vườn Nai Thimphu, một tổ chức xúc tiến phát triển khảo cứu Phật giáo thông qua nghệ thuật và thiền định, nhận định: “Đây chính là điểm khiếm khuyết của các vị thầy tinh thần đã không thể truyền bá đạo Phật trong bối cảnh của thời đại.”

Ông Phuntsho Rabten nói bên cạnh những cơ sở vật chất của tự viện, không ai chịu trách nhiệm giảng giải những triết lý sâu sắc của Phật giáo. Kết quả là Phật giáo trở thành một tôn giáo thực hành bên ngoài hơn là thực hành bên trong không chỉ được trông thấy trong số các sinh viên, học sinh mà còn được nhìn thấy trong toàn xã hội.

Ông Phuntsho Rabten nhận định: “Ngày nay, trên thực tế người ta thấy đạo Phật như là một công ty bảo hiểm tâm linh, mà công ty này thì không phải là hướng đi đích thực của Phật giáo.”

Lạt-ma Dzongsar Khyentse Rinpoche là một vị thầy tinh thần nổi tiếng ở Bhutan và ở hải ngoại.  Trong một cuộc trả lời phỏng vấn bằng điện thư, Lạt-ma Dzongsar đã quy vấn đề này là do một thứ văn hóa tôn trọng và sùng bái một cách mù quáng. Lạt-ma Dzongsar nói: “Thật là mỉa mai! truyền thống, văn hóa, phong tục của chính chúng ta, hoặc, nếu bạn thích, cái được gọi là ‘hành vi ứng xử chính thức và luật tắc bên ngoài’ (driglam and namzha) của chúng ta, trên thực tế lại chính là những thủ phạm.”

Vị Lạt-ma này còn cho biết, mặc dù ông muốn đi ra ngoài để tiếp xúc trao đổi với các bạn trẻ một cách thân mật ở ngoài đường, hay trong các quán bar và nhà hàng, nhưng ông vẫn còn lưỡng lự thực hiện ý muốn này. “Không ai dám ngồi gần tôi và nói chuyện thỏa mái về cuộc sống của họ. Tôi đoan chắc rằng mọi người sẽ bị sốc,” Lạt ma Dzongsar nói.

Lạt-ma Dzongsar tin rằng ngôn ngữ truyền thống không những là chướng ngại vật duy nhất mà còn là những đại diện, biểu tượng và nghi thức dùng để thông tin đến cộng đồng. Lạt ma Dzongsar nói thanh niên Bhutan có học thức không thể lĩnh hội những biểu tượng như thế. Ông nêu rõ rằng, thậm chí ngay cả các lạt-ma trẻ cũng không thể lĩnh hội kinh văn Phật giáo một cách dễ dàng, chẳng hạn như  Kinh (Kangyur) hoặc luận (Tengyur) được viết bằng tiếng Choekyed, một ngôn ngữ cổ dùng để viết kinh Phật trong Phật giáo Tây Tạng.

Lạt ma Lam Shenphen Zangpo là một khách tăng đến từ Anh quốc cũng đã nhận xét rằng thanh niên Bhutan thì quá thiên về lễ nghi trong việc thực hành Phật giáo. “Vài người vừa mới đi kinh hành xung quanh tháp.” Nhưng Lạt ma Lam Shenphen Zangpo không nghĩ đây là mâu thuẫn trong các nguyên lý nền tảng của Phật giáo. Tuy nhiên, ông đã nghĩ đến những phương pháp tiếp cận cả truyền thống lẫn hiện đại, giống như Trung tâm Vườn Nai Thimphu đã tổ chức những buổi pháp đàm cho thanh niên, và xem đó như là yếu tố cần thiết trong việc khảo sát Phật giáo

Việc có thể thực hiện

Để lấp lỗ hổng này, lạt-ma Dzongsar Khyentse Rinpoche nói: “Chính phủ và các cá nhân nên thật sự cố gắng ứng dụng phương tiện thông tin đại chúng hiện đại – ngôn ngữ hiện đại – vào trong giáo lý từ bi, yêu thương, và duyên khởi của đức Phật. Tôi nghĩ nó là vấn đề rất quan trọng mà chúng ta chưa nắm bắt được để theo kịp với nhu cầu chỉ sử dụng thuật ngữ Phật học và biểu tượng Phật giáo.”

Tiến sỹ Karma Phuntsho cho rằng cả hai mặt đều có chỗ khiếm khuyết – thanh niên thì không học và không đọc được tiếng Choekyed và Dzongkha; còn các lạt-ma thì không học tiếng Anh để truyền tải những thông điệp của họ đến một xã hội vốn đã nuôi dưỡng một hệ thống giáo dục thiên về Anh ngữ.

Hỏi lý do tại sao các sinh viên nên học tiếng Choekyed và Dzongkha để hiểu những nguyên lý cơ bản của Phật giáo, ông Phuntsho Rabten, một dịch giả chuyên chuyển ngữ kinh điển Phật giáo sang Anh ngữ cho biết: “Ngôn ngữ đóng vai trò chủ yếu trong việc phát đi một thông điệp, chẳng hạn như: những lối chơi chữ, những bài thơ, và nhiều biểu tượng gắn vào ngôn ngữ nếu chưa được truyền đi thì nó sẽ bị quên lãng.”

Nhưng đồng thời, Tiến sỹ Karma Phuntsho cũng đã nghĩ con đường của đạo Phật đã được thực hành ở Bhutan có thể không câu nệ nhiều vào lễ nghi hơn nữa. Ông nói: “Các lễ nghi tôn giáo, thay vì là một nghi thức không thể thiếu trong việc thực hành Phật giáo, thì nên mở rộng ra cho một số đông thanh niên có học để họ có thể bắt đầu đặt vấn đề. Đặt vấn đề là một phần rất quan trọng của đạo Phật. Đức Phật đã xây dựng hệ thống của ngài dựa trên nền tảng đặt vấn đề.”

Lạt ma Dzongsar Khyentse Rinpoche hiện có kế hoạch mở một địa điểm tập trung ở thủ đô Thimphu, nơi các thanh niên có thể đến và bày tỏ chính họ thông qua âm nhạc, thi ca, phim ảnh, khiêu vũ và thảo luận Phật giáo cũng như các vấn đề khác. Lạt ma Dzongsar phát biểu: “Tôi nghĩ hẳn sẽ là nỗi hổ thẹn thực sự nếu không việc gì được thực hiện, để làm mất đi những gì đã tồn tại trong cấu trúc nền tảng của văn hóa Phật giáo, vốn có thể giúp chúng ta làm phong phú đời sống tâm linh của chính chúng ta, và giúp chúng ta tự làm phong phú chính chúng ta bằng sự tỉnh thức, hoặc bằng trí tuệ. Đó chính là nhu cầu rất cấp thiết trong thời đại ngày nay.”

Thích Minh Trí dịch theo Kuensel Online

(1) Ý muốn nói: Các vị lạt-ma Bhutan có trình độ ra nước ngoài thì thuyết pháp, còn về nước thì chỉ lo làm lễ ban phúc hay chúc phúc hơn là lo giảng đạo cho các Phật tử. Sự kiện này rất giống với vài vị tăng ở Việt Nam. Họ có thể vượt hàng vạn dặm để ra nước ngoài thuyết pháp giảng đạo cho bổn đạo của họ hàng tháng trời. Nhưng khi trở về VN, để mời họ đến một ngôi chùa vùng sâu, vùng xa thuyết pháp cho bà con Phật tử thôn quê thì quả là chuyện chẳng dễ dàng chút nào – ND.