Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo: Bài học lịch sử & vấn đề đổi...

Chấn hưng Phật giáo: Bài học lịch sử & vấn đề đổi mới Phật giáo Việt Nam hiện nay

142

Nhìn lại Phong trào chấn hưng Phật giáo trong lịch sử cho thấy Phật giáo luôn luôn phải chuyển mình cho phù hợp trước những đòi hỏi của xã hội và thời đại nếu muốn thực hiện sứ mạng “tế độ chúng sinh” của mình. Những gì mà Phong trào chấn hưng Phật giáo những năm 1930 của Phật giáo Việt Nam đã làm và đề cương chấn hưng Phật giáo mà cố Đại lão Hoà thượng Thích trí hải đã trình bày trong hai tác phẩm của ngài là : Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam và Nhân gian Phật giáo đại cương là những bài học quý giá cho chúng ta ngày nay khi thao thức về vấn đề làm sao để Phật giáo Việt Nam thực sự phát huy được những giá trị truyền thống trong lịch sử đồng hành cùng dân tộc, phát huy tinh thần nhập thế của người tu sĩ Phật giáo trong giai đoạn mới của xã hội Việt Nam ở thế kỷ XXI này.


Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và khu vực ngày một sâu sắc, Phật giáo cũng đang góp sức mình vào quá trình này. Chúng ta đang sống trong thời đại phát triển đến đỉnh cao của khoa học kỹ thuật, công nghệ và tri thức. Đất nước đang từng bước đổi mới trên mọi mặt của đời sống xã hội, kinh tế, chính trị và văn hoá. Hoà mình cùng với công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của toàn xã hội, Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay có thể nói là đang phát triển. Tuy nhiên, cũng đặt ra những thách thức mới đòi hỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải thực hiện đổi mới nếu không muốn nói là “chấn hưng Phật giáo”.


Đổi mới, trước hết là phát triển tiềm năng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN). Thúc đẩy hoạt động có hiệu quả hơn của các ban ngành của Giáo hội để khai thác, phát huy tiềm năng phục vụ cho đạo pháp, dân tộc và đất nước trong công cuộc đổi mới.


Đổi mới trong công tác đào tạo Tăng Ni đóng vai trò quan trọng trong chiến lược và sách lược của GHPGVN bởi Tăng Ni vừa là trụ cột, vừa là những vị thầy tinh thần cho hàng Phật tử tại gia sống theo chân lý đạo Phật. Nền giáo dục Phật giáo phải chú trọng về phẩm chất, đạo hạnh và chất lượng của người tu sĩ trong thời hiện đại. Giáo hội cần phải tập trung nghiên cứu và thống nhất chương trình giảng dạy tại các Học viện Phật giáo hiện nay, làm sao thoát ra khỏi những thể chế cổ điển không đủ sức để đưa đạo Phật đi vào trong lòng cuộc đời. Cần có những chuyên khoa, chuyên ngành sao cho chương trình đào tạo vừa chuyên sâu về giáo lý Phật giáo, vừa nắm vững kiến thức khoa học kỹ thuật, các chuyên ngành xã hội học, tâm lý học và y học… Có như vậy thì giáo dục Phật giáo mới đào tạo ra những tu sĩ vững chãi về khả năng diễn giải giáo lý và áp dụng giáo lý đó vào trong đời sống xã hội hiện đại. Nền giáo dục Phật giáo phải thực sự thể hiện được đó là nền trí dục và đức dục Phật giáo.


GHPGVN cần phát huy sáng tạo hơn nữa trong công tác hoằng pháp và giáo dục quần chúng Phật tử. Phải làm sao để thế hệ trẻ thấy rõ con đường thực hiện đạo Phật trong cuộc đời, trên mọi phương diện giáo dục, kinh tế, chính trị, văn hoá… của xã hội. Công tác nghiên cứu, phiên dịch kinh điển và hoằng pháp phải tạo ra được sự gặp gỡ giữa triết lý của Đạo Phật với kiến thức chuyên môn về những vấn đề có tính cấp thiết của cuộc sống. Đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp Việt hoá kinh điển Phật giáo nhằm giúp thế hệ trẻ dễ tiếp cận, dễ hiểu. Kinh tụng hàng ngày nên chọn lọc, ngắn gọn, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Giáo hội nên mở nhiều lớp bồi dưỡng ngắn hạn và cả chương trình đào tạo dài hạn cho Phật tử. Ngôi chùa không những là nơi thực nghiệm tâm linh mà còn thực sự là một môi trường giáo dục. Giáo hội cần định hướng và nhân rộng các trung tâm tu học, tạo môi trường tụ tập cho các Phật tử để mỗi người đến với đạo Phật là đến với sự thể nghiệm tâm linh và có được sự an lạc trong tâm hồn. Có như vậy, đạo Phật mới thực sự đáp ứng nhu cầu tâm linh trong thời đại mới.


Về báo chí Phật giáo, chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin và phương tiện kỹ thuật truyền thông hiện đại, nên việc phát triển báo chí truyền thông là một đòi hỏi cấp thiết để truyền bá Chính pháp. Hiện nay trên toàn quốc, Giáo hội mới chỉ có một tờ tuần báo duy nhất là báo Giác Ngộ, tờ nguyệt san Giác Ngộ và hai tờ tạp chí là tạp chí Nghiên Cứu Phật Học và tạp chí Văn hoá Phật Giáo. Như vậy là chưa thực sự đáp ứng nhu cầu thông tin cho quần chúng Phật tử cũng như toàn thể cộng đồng. Giáo hội cần phải đẩy mạnh mở rộng mạng lưới Phật pháp và hình ảnh của Phật giáo Việt Nam trên siêu xa lộ thông tin, mạng lưới báo chí điện tử và Internet. Làm được những điều này thì mới thực sự đổi mới và pháp huy tinh thần nhập thế của Phật giáo trong thời kỳ mới.


Về công tác từ thiện xã hội cũng cần có những bước đổi mới trong tư duy và hoạt động. Cần có chiến lược tập trung và dài hạn để có thể chủ động trước những vấn đề thiên tai lớn gây bất hạnh cho nhân dân thì sự giúp đỡ mới có hiệu quả. Việc từ thiện xã hội cũng cần có kế hoạch để phát triển Phật giáo tới các vùng sâu, vùng xa: mở các trường học, các trường dạy nghề và trung tâm hướng nghiệp phát triển cộng đồng, hình thành các bệnh xá, trạm y tế nông thôn là nơi khám và cấp thuốc cho nhân dân với phí tổn thấp. Đây là một việc làm hết sức cấp bách của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.


Chấn hưng Phật giáo thực chất là phong trào đổi mới Phật giáo trên tinh thần đưa ánh sáng giáo lý nhân bản của đạo Phật vào trong cuộc sống đem lại lợi ích cho con người trước những yêu cầu mới của xã hội và thời đại. Đổi mới tổ chức, hình thức sinh hoạt tâm linh và truyền bá Chính pháp nhưng vẫn phát huy được bản sắc Phật giáo Việt Nam là đồng hành cùng dân tộc, có trách nhiệm với lịch sử và văn hoá dân tộc. Cùng với sự đổi mới của cả nước trong giai đoạn mới, GHPGVN cũng cần đổi mới để phát huy các giá trị quý báu của mình trong lịch sử.


(Trích tham luận “Chấn hưng Phật giáo: Đổi mới và phát huy bản sắc” đọc tại Hội thảo “Sa môn Thích Trí Hải & Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam)