Trang chủ PGVN Nhân vật Đôi dòng tưởng niệm bậc Tôn sư

Đôi dòng tưởng niệm bậc Tôn sư

70

Trời Bình Trưng buồn,
Cơn mưa chiều tiễn Thầy vào miên viễ .
Mây gió phương nam,
Lưu luyến bậc Tôn Sư.

 
Kính Viếng Giác Linh Hòa Thượng Thích Quảng Tâm
 
Vào những năm cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 thế kỳ trước , tôi có dịp gần gũi Thầy nhiều hơn trong vai trò gầy dựng nền văn nghệ Phật giáo hiện vẫn còn gặp rất nhiều trở ngại chướng duyên. Lúc đó Thủ Thiêm, An Khánh, Bình Trưng còn nằm trong địa giới hành chánh huyện Thủ Đức, và Thầy là Phó Ban Đại Diện Phật giáo Huyện. Thầy Thông Kinh là chánh thư ký và Thầy Đạt Niệm là Chánh Đại Diện.

Trong tâm khảm tôi, Thầy là người năng nổ, hòa  ái, luôn đứng đầu trong các ý tưởng mang tính chất tổ chức. Có thể nói, những thành quả văn nghệ Phật giáo hôm nay có được một phần đều xuất phát từ nhiệt tâm và khả năng lèo lái của Thầy. Cũng nên biết thời gian ấy những hoạt động văn nghệ Phật giáo  vẫn chưa thoát ra khỏi những định kiến cũ kỹ, một mặt về phía chính quyền, những hoạt động thuần túy này chưa phải là vấn đề được khuyến khích. Thầy luôn vỗ vai tôi khuyến tấn kịp thời mỗi khi thấy  nét lo âu hiện dần lên khuôn mặt tôi.

Được như vậy do Thầy khéo léo vận dụng linh hoạt từ cơ cấu tổ chức của Phật giáo trước năm 1975, áp dụng vào thực tiễn lúc bấy giờ và đã đạt hiệu quả mong muốn. Đây là điểm nổi bật nhất khiến tôi luôn kính trọng Thầy.

Không có một buổi trình diễn văn nghệ nào mà  Thầy không có mặt, từ đầu đến cuối. Trên này sân khấu mỗi khi tôi ra cung kính giới thiệu thì đã nhìn thấy Thầy ngồi đó, và đó là hình ảnh của tự tin, tăng trưởng sức mạnh đáng kể cho tôi trên bước đường phụng sự chánh pháp bằng nghệ thuật này.

Chính Thầy đã mạnh dạng đề xuất thành lập Ban Văn Nghệ Phật giáo Huyện Thủ Đức, bên cạnh sự hỗ trợ tận tình của Thầy Thông Kinh, anh em chúng tôi đã có những tháng ngày cống hiến tuyệt đẹp và vô cùng ý nghĩa.

Có thể nói, đấy là mô hình văn nghệ Phật giáo đầu tiên của thành phố, được ấp ủ từ trong giai đoạn khó khăn cho đến khi được cởi mở rộng thoáng. Những ca sĩ, nghệ sĩ thời ấy như Bích Phượng, Tuấn Cảnh, Hà My, Cẩm Vân, nhóm Tam ca Sao Đêm (có Phương Thanh) và những nghệ sĩ cải lương như Út Bạch Lan, Út trà Ôn, Ngọc Thủy, Diệu Hiền, thậm chí các diễn viên của Đoàn Nghệ Thuật Hát Bội cũng có mặt.

Sau này hình thức này được nhân rộng ra khắp nơi, điều đó chứng tỏ những tính toan của Thầy rất chuẩn xác và xa rộng .

Thời gian đó, Tu Viện Vĩnh Đức hãy còn nằm sâu trong nương rẫy, đường vào nhỏ hẹp và lầy lội, và số Tăng chúng chưa quá 20 mươi vị ở tu học. Nhưng chuyện Giáo Hội, chuyện Phật sự chung, Thầy đã gầy dựng nên cả một công trình đồ sộ lưu dấu mãi mãi.

Nay Thầy không còn nữa, đất không vắng, người không thưa nhưng vắng đi hình bóng Thầy là cả một khoảng trống vô lượng trong tâm khảm những ai không biết đi lùi, mang chí cả phục hưng tâm nguyện hoằng hóa cao đẹp.

Phảng phất đâu đây, dường như tôi vẫn thấy bóng dáng hiền hậu, mảnh khảnh của Thầy, xoắn tay áo, xốc vác trong các cuộc lễ lạt Phật giáo mà hình thái tổ chức đều xuất phát từ vầng trán đã giăng nhiều nếp nhăn của Thầy.

Từ đầu mùa mưa đến nay, đất Bình Trưng mới nhận được cơn mưa thật sự là lúc thầy nhắm mắt xuôi tay, quay gót trần thế. Mưa rồi cũng tạnh, để lại một bầu trời tang chế mà lẽ ra không phải để tang Thầy và cũng như không phải lúc này – người dám nghĩ, dám làm và dám nói sự thật!

Tiễn Thầy vào cõi vô cùng, con chỉ có đôi lời bộc bạch. Nhưng con sẽ tiếp tục noi gương khẳng khái và dứt khoát của Thầy trong suốt cuộc đời còn lại dấn thân phụng sự chính pháp.

Ngưỡng mong Giác Linh Thầy từ thùy chứng giám!

Bình Trưng Đông-Quận 2
PL 2554-2010