Trang chủ Đời sống Tâm linh gia đình

Tâm linh gia đình

587

Con người ai cũng có một gia đình để sống, để yêu thương và nhận được yêu thương. Tình yêu thương là một nhu cầu, một niềm hạnh phúc giản dị mà mỗi con người đều có cơ hội được hưởng. Ý nghĩa của cuộc sống càng thêm giá trị hơn khi tình yêu thương được ấp ủ, vun đắp và chia sẻ trong mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Tình yêu thương trong gia đình được xây dựng trên một nền tảng của của hai nguồn mạch: tâm linh và huyết thống. Yếu tố huyết thống có thể chỉ ra cho chúng ta biết chúng ta thuộc tộc người nào, cha mẹ là ai? Nhưng yếu tố tâm linh mới là điều quan trọng chỉ ra cho chúng ta biết: chúng ta sống để làm gì, sống vì ai?


Sống với nhau là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi người trong một môi trường nhiều những mâu thuẫn, đối nghịch về tính cách, tình cảm và vật chất. Trong gia đình, không có một đòi hỏi bắt buộc nào, rằng các cá nhân phải sống tốt đẹp, chan hòa và yêu thương nhau. Nhưng sự hiện diện của mỗi người trong gia đình (dù đẹp hay xấu, lành nặn hay khiếm khuyết) đã nói lên những tương quan tình cảm chặt chẽ, và mỗi cá nhân đều được ví một cách thân thiết như “máu thịt”, như “khúc ruột trên, khúc ruột dưới” của mình. Một cái nhìn tương quan như vậy sẽ khiến mọi người quan tâm, yêu thương nhau nhiều hơn. Phải yêu được mình, yêu cha mẹ mình, yêu “khúc ruột trên, khúc ruột dưới” của mình thì mới có thể yêu thương được người khác.


Giá trị của tình thương yêu không chỉ được thể hiện qua một cái bằng khen, giấy khen nhất thời mà nó phải là ý hướng trong suốt quãng đời còn lại của mỗi người. Và người ta chỉ đánh giá cao tình yêu thương qua những ứng xử thực tế hàng ngày. Nhưng tình yêu thương không chỉ đi cùng với quà biếu. Tình yêu thương đơn giản là làm cho nhau vui. Bố mẹ tôi thường nói với tôi: “Con không phải mua quà nhiều như thế, về chơi với bố mẹ đã là vui lắm rồi. Cũng không phải biếu bố mẹ nhiều tiền như thế, hãy để dành cho các cháu ăn học…”.


Những khi như vậy, tôi cảm nhận tình yêu thương trong gia đình rõ nét hơn: mọi người luôn quan tâm tới cuộc sống của nhau. Bố mẹ tôi trong lúc rất đáng nhận được sự quan tâm của con cái nhưng không quên nghĩ đến các cháu, đến đồng tiền mà chúng tôi vất vả kiếm được. Vậy thì tôi không thể không nói với con tôi rằng, tất cả sự nghiệp mà hôm nay tôi có được đều là nhờ vào tình thương yêu của ông bà, dù có mọi nỗ lực tối đa, tôi cũng không thể trả nổi. Trong kinh Phật nói, chỉ tính riêng công ơn sinh thành của cha mẹ thôi, cũng đủ khiến cho ta cả đời này cũng không trả hết, huống gì là còn đòi hỏi ở cha mẹ những sự quan tâm khác.


Có nhiều gia đình, các thành viên đã đòi hỏi quá nhiều ớ nhau, nên tình yêu thương dần trở nên có điều kiện và thường gắn với những quan tâm vật chất cụ thể. Nhưng một tình yêu thương thiếu thực tế bằng những quan tâm vật chất cụ thể cũng sẽ trở nên thiếu sức sống. Cho nên những nhu cầu vừa đủ, những chia sẻ cân bằng nhiều khi cũng đem đến những hàn gắn và tạo ra những niềm vui ở những mức độ khác nhau. Mọi mâu thuẫn giữa tình cảm và vật chất đều có nguy cơ gây nên những xáo trộn gia đình, thậm chí thù oán nhau. Sống trong thù oán, người ta thường không đủ bình tĩnh để nhìn nhận sự việc và tìm ra cách giải quyết tốt nhất. Không những vậy còn gieo vào đầu óc của con em mình những mâu thuẫn, thù hận của người lớn. Cấu trúc gia đình bị phá vỡ có khi chỉ vì một lời khuyên không được để ý, một lời mời bị bỏ quên và những tự ái nhỏ nhặt khác…


Tình yêu thương và sự quan tâm hiện diện càng nhiều thì những mâu thuẫn, xung đột gia đình càng bớt đi, và xã hội cũng bớt đi những người nhiều lòng thù hận. Hiểu được như vậy, tôi luôn nói với con rằng: “Khi nhận của ai một quan tâm nào đó con đã biết chân thành cảm ơn chưa? Khi làm người khác phải buồn phiền con đã chân thành xin lỗi chưa? Khi bạn không muốn chơi với con nữa con có nhất định xem bạn là đối đầu không? Khi bước chân ra ngõ, gặp người lớn tuổi con có quên chào hỏi không? Khi chơi với các em con có biết nhường không? Khi ăn uống xong con có xả rác ra đường không? Khi làm cho bạn đau con có thấy hối tiếc không?…


Tôi không nghĩ rằng những câu hỏi như vậy lại không có ý nghĩa gì với nhận thức của con tôi. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày, gặp những xung đột của người lớn, tôi phải biết sống bằng hoặc hơn những điều mà tôi đã dạy bảo con.


Con gái tôi đã hiểu rằng giết người chính là chấm dứt sự sống của người khác. Tôi chỉ nói với con: “Không ai có quyền chấm dứt sự sống của người khác chỉ vì người đó mâu thuẫn với mình và không tuân theo mình”. Khi tôi nói như vậy, con tôi liền hỏi tôi: “Vậy giặc đến thì làm sao hả bố?”. Câu hỏi này, nếu tôi trả lời sẽ quá sức suy nghĩ của con tôi. Vì thế nào gọi là giặc, có phải cứ bắt đầu hòa bình là phát động một cuộc chiến không?, con tôi vẫn chưa hiểu được. Nhưng tôi vẫn phải lưu ý với con tôi rằng: “Hàng tuần con vẫn hát quốc ca. Nhưng con nên nhớ không có đường vinh quang chân chính nào lại được xây bằng xác quân thù đâu con ạ!”. Tôi biết đó là những nhận thức sai lầm mà nhà trường đang đưa vào cách nghĩ của con tôi. Con tôi không nên tiếp xúc quá nhiều những bài học đầu đời bằng sự chém giết, bằng quân ta hay quân thù như vậy. Nhưng chỉ khi con tôi lớn lên, đầy đủ nhận thức, có những suy nghĩ độc lập, có thể tự chịu trách nhiệm và biết cân nhắc trong từng việc làm, tôi mới có thể “thẳng thắn” với con trong từng sự việc được.


Tôi nghĩ, những vụ án giết người ngày càng nhiều và xuất hiện ở những độ tuổi 14, 15 có nguyên nhân từ một nền giáo dục bỏ quên những yếu tố tâm linh. Những nội dung chiến tranh được chú trọng nhiều hơn những bài học về tình yêu thương. Và tâm thức chiến tranh từ lâu đã hằn lên trong mỗi trái tim, để đến nỗi sức mạnh thật sự của con người là tình yêu thương có lúc đã trở thành một thứ hèn yếu, ủy mị. Nhưng người nuôi lớn tâm trả thù là người không còn một khả năng tích cực nào nữa để tìm hiểu những tính cách bí ẩn còn nằm sâu trong mỗi con người.


Người chết và người bị giết chết, đều chết cả thôi. Nhưng âm thanh của cái chết giằng xé người sống ở mức nào mới là vấn đề đáng suy nghĩ. Nói về tâm thức thì dân tộc ta có quá nhiều người bị giết. Chiều dài lịch sử là chiều dài của những cuộc chiến tranh liên miên, người bị giết đã kết nên một vòng tang lớn. Chẳng mấy khi chúng ta tự hỏi, mình là ai trong những vòng oan kết đó. Có thể chúng ta chỉ là “bèo nước gặp nhau”, nhưng những tương quan về huyết thống, tâm linh thì vô cùng gần gũi: sinh trên mảnh đất Việt, mang trong mình tâm thức Việt. Tâm thức Việt là tâm thức của những nỗi đau, của biết bao nhiêu thù hận…


Nhưng may mắn, dân tộc chúng ta đã tiếp nhận đạo Phật, đã có ông bà tổ tiên trang trọng trên tủ thờ quanh năm hương khói. Trong những xu hướng lạnh nhạt, hờ hững của cõi người hiện đại, mỗi lúc nhìn vào đó, lòng cũng cảm thấy ấm dần lên.


“Cái chết xảy ra trong từng khoảnh khắc của những người đang sống” là điều mà đạo Phật nhắn nhủ, cho phép chúng ta nhìn nhận sự tương quan trong một bức tranh vô thường sinh động hơn. Nhận được giá trị của vô thường trong từng ngày giờ, từng hơi thở sẽ làm cho mọi hơn thua, tranh nhân, tranh ngã có cơ may được hóa giải. Bởi việc thù hận hay cố tình cướp đi mạng sống của người khác cũng không làm giảm đi sự vô thường trong sự sống của chúng ta. Nhẽ ra “người đang chết” phải là người biết yêu qúy sự sống hơn ai hết, thế mà nhiều người đã đi làm những điều ngược lại. Thử hỏi có ai không từng một lần phải đau đớn vì mất đi những “khúc ruột” thân thương của mình?


Vậy điều còn lại trong đời mà chúng ta có thể làm là tưởng đến người đã mất, để tìm cho mình một tình thương đích thực từ những người chung quanh, vì biết đâu ngày mai sẽ có người thân bỏ ta đi vĩnh viễn. Tình yêu thương sẽ nuôi lớn những tình cảm, những giá trị tâm linh gia đình. Tâm linh gia đình phát triển thì tâm linh dân tộc mới vững mạnh. Một dân tộc “biết sống trong cái chết” là một dân tộc ít tiếng hận thù và những cá nhân biết giải quyết mâu thuẫn với nhau bằng sự lắng nghe và hiểu biết.


Trong những thoáng chốc sinh tử của cuộc sống, chúng ta đừng nên tiếp tục làm tắt đi những hy vọng sống mong manh trong mỗi con người. Đó là điều chúng ta còn có thể làm cho nhau khi còn hiện diện ở cõi nhân gian bé xíu này. Và chỉ mong ngay mai, trên mảnh đất được xem là thanh bình và “an ninh” nhất này, tôi không còn phải nghe con hỏi: “Tại sao ngày nào đọc báo con cũng thấy giết người thế này hả bố?”…