Trang chủ Tin tức Dự đại lễ của Phật giáo Việt Nam

Dự đại lễ của Phật giáo Việt Nam

78

Hơn 2000 năm Phật giáo phát triển ở Việt Nam, 25 năm Phật giáo 3 miền chung tiếng nói, cùng nhau góp phần xây dựng đất nước, tinh thần của ngày Phật Đản luôn là giáo lý nhắc nhở các tăng ni – phật tử sống tốt đời, đẹp đạo, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vững bền.

 


Nghi lễ chính trong ngày Phật Đản là Tắm tượng Phật. Theo sách chép lại, khi Đức Phật sinh ra, đã xuất hiện một con rồng phun nước tắm cho Ngài. Vì thế Tắm cho Phật trở thành một việc làm thiêng liêng thể hiện sự ngưỡng vọng của tăng ni – phật tử đối với sự ra đời của Đức Phật.


 


Các lễ tắm Phật đều có hàng ngàn người tham dự. Ai cũng kiên nhẫn chờ đến lượt mình. Tắm Phật hướng tâm con người đến một sự gột rửa những điều khổ đau, ai oán, những ưu tư và phiền muộn. Các sách kinh Phật viết rằng, khi tắm Phật, nếu con người làm việc thiện, làm điều tốt, hướng hết sự từ bi, hỷ sả của lòng mình đến Đức Phật, thì có thể trút bỏ sự thù ghét, căm phẫn mà tiến gần đến nhau hơn, đoàn kết với nhau hơn. Đó cũng là lý do giải thích tại sao, nhiều giáo lý của Đạo Phật ăn sâu trong tiềm thức của người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, một dân tộc có truyền thống đoàn kết và tinh thần cộng đồng.


 


Lễ tắm Phật ngày nay có thêm một ý nghĩa nữa là cầu sự bình an và may mắn. Những người tắm Phật không quên mang theo một miếng vải đỏ, nhúng vào nước tắm Phật và mang nó về nhà mong đem lại sự bình an cho mình.


 


2000 năm tồn tại ở Việt Nam, nhiều triết lý Phật giáo không chỉ còn là giáo lý của nhà Phật mà đã trở thành nét văn hóa, thành nếp sống và nếp nghĩ của mọi người dân. Những nhà tu hành giờ đây không chỉ khép mình sau cánh cửa chùa, bên các bài kinh và lời kệ. Họ trở thành những sứ giả đem những điều thiện đến với mọi người, hướng mọi người làm nhiều việc tốt cho xã hội. Trong triết lý của Phật giáo Việt Nam, hướng tới những việc làm tốt chính là hướng tới Đức Phật và hướng tới Đức Phật thì phải làm những việc tốt.


 


Thực hiện những lời giáo huấn đó, nhiều năm qua, các tăng ni – phật tử trong cả nước là những người tích cực tham gia các họat động xã hội, đi đầu trong các phong trào xóa đói giảm nghèo, làm từ thiện và nhân đạo. Chiếc áo nâu của nhà tu hành xuất hiện cả ở những bệnh viện có bệnh nhân HIV, nơi còn quá ít người dám ghé qua. Sự xuất hiện đó phần nào xoa dịu bớt nỗi đau của những người bất hạnh.



 


Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Chủ tịch Hội đồng trị sự TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói: “Mừng ngày Phật Đản thì là việc làm chung rồi. Nhưng qua đây tôi cũng kêu gọi các tăng ni Phật Tử làm nhiều việc thiện hơn nữa, làm tốt tinh thần đoàn kết dân tộc, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương chính sách của nhà nước, đặc biệt là xoá đói giảm nghèo”.


 


Tín ngưỡng Phật giáo đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần và tâm linh của người Việt. Người Việt Nam có câu “Trẻ vui nhà – già vui chùa”, một câu nói mà không phải tôn giáo nào cũng có được. Cũng bởi, ai cũng có thể tìm thấy cho mình một sự bình yên ở nơi cửa Phật để rồi sống tốt đẹp hơn.