Trang chủ Thời đại Truyền thông Đưa công chúng bước chân vào một giả thuyết lịch sử

Đưa công chúng bước chân vào một giả thuyết lịch sử

128
Những công trình kiến trúc vàng son của quá khứ có diện mạo như thế nào? Hầu hết chúng ta ngày nay đều chỉ biết được một vài nét thông qua những hiện vật, mà phần nhiều là những mảnh vỡ không đầy đủ của lịch sử, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Hình dung về kiến trúc của chùa Diên Hựu – Chùa Một cột là một điển hình như vậy.
Trong giả thiết đưa ra vào năm 2011-2012, TS Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (trên cơ sở kế thừa thành tựu của PGS Ngô Văn Doanh và PGS Nguyễn Duy Hinh) cho rằng chùa Diên Hựu là mô phỏng một tiểu vũ trụ trong thế giới quan Phật giáo với tháp Một Cột- tháp hoa sen nằm ở trung tâm của mandala đồng tâm đa chiều (mandala là một khái niệm của triết học nam á, sau đó nhập vào các tôn giáo khác, dùng để chỉ một tiểu thế giới, trong đó núi Tu Di đứng ở trung tâm của tiểu thế giới).
Có thể mô tả mặt bằng như sau: Kiến trúc một cột, bên trong thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni dát vàng nằm ở trung tâm quần thể chùa Diên Hựu và là biểu trưng cho ngọn núi vũ trụ Tu Di (ngọn núi hình hoa sen), đó là một bông hoa vũ trụm, nằm giữa trung tâm của danh thắng. Các vòng ao bao quanh (Bích Trì, Linh Chiêu) mô phỏng “cửu sơn bát hải”. Ngoài ao Linh Chiêu có hành lang bao quanh. Bốn phía đều có cầu cong đi vào trung tâm. Hai bên tả hữu có tháp lưu ly.
Muốn phục dựng lại một mô hình quá khứ này không dễ dàng, vì hiện nay, theo TS Trần Trọng Dương và nhà nghiên cứu đồng quan điểm như NNC Nguyễn Hùng Vĩ, chỉ còn một phần của nguyên mẫu là cột đá chùa Dạm (Bắc Ninh). Có thể thấy, phần dưới cùng của cột đá chùa Dạm là các tầng đá xếp được điêu khắc các hình hoa văn sóng rải và sóng lừng. Đó là mô tả Hương Thủy Hải- hay cửu sơn bát hải theo thế giới quan nhà Phật. Cũng theo tính toán của NNC Nguyễn Hùng Vĩ và KTS Nguyễn Vĩnh Tiến, sáu lỗ mộng trên đỉnh cột đá chùa Dạm cho thấy trên đó là một dạng kiến trúc.
Từ đây, TS Trần Trọng Dương và các đồng sự trẻ trong nhóm SEN Heritage tái lập giả thiết của mình bằng cách đi lần tìm dấu vết còn lại trong các văn bia, các nguồn sử liệu thời Lý, Trần, và các kết quả khai quật khảo cổ gần đây để phác dựng từng chi tiết về quần thể kiến trúc này. Ví dụ như tìm trong Việt Sử lược có chi tiết ghi lầu hoa sen một cột sáu cạnh; về các cấu kiện gỗ được sơn son, vẽ, trang trí họa tiết thì trong bia Sùng Thiện Diên Linh (1121) có ghi “họa lang (Hành lang vẽ), hoàn lang, vách trổ dáng rồng”, Báo Ân thiền tự bi ký (1185-1214) có ghi “Màu cột tô điểm: hoa thơm đua sắc, minh châu chiếu rọi non sông”, Thiệu Long tự bi minh (1226) ghi “son đỏ tươi mới một màu”… Đối chiếu với phong cách kiến trúc đời Tống (mà thời Lý chịu ảnh hưởng) có ghi chép “kiến trúc đều sơn son, cột vẽ long, hạc, tiên nữ”. Về hình thái kiến trúc mái giai đoạn Lý Trần, dựa vào những phát hiện của Viện Nghiên cứu kinh thành, nhóm TS Trần Trọng Dương có tư liệu để tái lập loại mái với đầu rồng, mái ngói có lá đề, ứng với câu thơ:
“Xi vẫn đảo miên phương kính lãnh
Tháp quang song trĩ ngọc tiêm hàn”
(Hình xi vẫn ngủ ngược trên gương nước lạnh
Đôi bóng tháp thon vút như ngón tay ngọc giá băng). Thơ Diên Hựu Tự của Trúc Lâm đệ tam tổ – Thiền sư Huyền Quang (1254 -1334).
Sau đó, các kiến trúc sư và các bạn trẻ làm công nghệ thông tin trong nhóm SEN tiếp tục đưa toàn bộ giả thiết và các chi tiết này vào không gian số. Nhưng không dừng lại ở “số hóa giả thiết lịch sử” bằng mô hình 3D – phim hay tranh ảnh giúp khán giả nhìn sâu vào trong không gian mà nhóm dùng công nghệ thực tế ảo (VR) để giúp khán giả không chỉ ngồi xem mà còn trở thành một phần của không gian di sản, được đi, “chạm” tay vào những hiện vật lịch sử, giúp mang lại khái cảm lịch sử như ngồi trên chiếc máy thời gian để chiêm ngưỡng.
Tại tọa đàm, sau khi “dạo bước” trong không gian thực tế ảo chùa Một cột, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, với nhiều kinh nghiệm xây dựng các nhà bảo tàng, đổi mới trưng bày bảo tàng trong nhiều năm cho biết “Tôi rất xúc động khi được xem thành quả nghiên cứu của nhóm Trần Trọng Dương và cộng sự. Đó là một hành trình vừa kiên trì vừa sáng tao, đặc biệt là có sự kết hợp chặt chẽ giữa một nhà nghiên cứu khoa học rất sâu sắc với một đội ngũ những người làm kỹ thuật”. Kết quả đó khiến ông “có nhiều suy nghĩ, liên tưởng đến công việc của bản thân chúng tôi, những người làm bảo tàng, bảo vệ các di sản văn hóa. Trên thực tế, ở các bảo tàng của chúng ta đang nỗ lực đổi mới, có nhiều nơi đầu tư vào công nghệ, mua máy móc nhưng đều chưa sử dụng hiệu quả vì còn khâu phục dựng, làm nội dung đưa vào máy đó chưa có nhiều. Việc nhóm TS Trần Trọng Dương nghiên cứu, chỉ với một ví dụ với chùa Diên Hựu, cho thấy cần rất nhiều công sức mới tái lập được nội dung phong phú dùng cho các thiết bị, công nghệ đó. Các bảo tàng, các di tích có thể học từ kinh nghiệm này để mở ra cách phát triển công nghệ thực tế ảo vào trưng bày”.
Ông trăn trở: “Dự án này đã đưa được di sản của quá khứ mà nay chỉ còn là phế tích vào trong xã hội đương đại, làm cho quá khứ đến với xã hội đương đại. Đó là mục tiêu mà chúng ta phải cùng suy nghĩ để thực hiện: làm thế nào để di sản quá khứ, tưởng như đã chết đến được với người trẻ, với học sinh, giúp họ tưởng tượng được di sản của chúng ta trong quá khứ hùng tráng như thế nào”.
Sau khi ghé thăm “khu vườn mơ ước” của quá khứ, NCC Dương Trung Quốc cho biết, rất trân trọng nhóm đã nỗ lực và mong rằng “các cơ quan có trách nhiệm của nhà nước, nói nhiều về bốn chấm không, về phát triển, về gìn giữ di sản cần phải quan tâm, nếu không quan tâm vun đắp cho các công trình như thế này thì quả thật đó là thiệt thòi của chúng ta. Trong khả năng của mình tôi sẽ cố gắng chia sẻ, hỗ trợ cho các bạn trẻ”.
Trước một số ý kiến tại tọa đàm cho rằng phác dựng này quá đồ sộ, tráng lệ và tươi, có lẽ không phù hợp với kiến trúc Việt Nam phải nhỏ xinh, TS Nguyễn Tô Lan, Viện Nghiên cứu Hán nôm nêu ý kiến: “Tôi đã từng có vài câu hỏi như sau: Tại sao thời Lý Trần lại phải bé, tại sao Việt Nam phải bé? Điều đó cần phải chứng minh trước khi có định kiến là Việt Nam nhất thiết phải bé”. Chị cho biết, thời kỳ này Việt Nam chịu ảnh hưởng của phong cách Tống, quy mô lớn như thời Tống. Những gì còn sót lại cho đến hiện nay ở chùa Dạm (cột đá, phần móng phát lộ khi khai quật), ở chùa Phật Tích như các linh vật, vách đá không hề bé nhỏ như những gì người đời sau mặc định.
GS Lâm Mỹ Dung, ĐH KHXH&NV đến tọa đàm với tinh thần rất ủng hộ các bạn trẻ, đánh giá cao nỗ lực tôn vinh giá trị của lịch sử, cho rằng sẽ khó có thể đòi hỏi thực tế ảo phải chính xác, vì tình trạng phế tích chỉ còn lại quá ít ỏi. Trong lúc chúng ta chưa có một giả thiết [để phác dựng] nào khác, vì chúng ta không còn cách nào có thể khảo sát dưới lòng đất ở đây thì đây là một giả thiết chấp nhận được để tiếp tục thảo luận và bổ sung.
Tọa đàm do Tia sáng tổ chức, nhằm đem khoa học, nghệ thuật đến với công chúng.


Tường thuật: Bảo Như, Ảnh: Anh Thư.